[size=7]Phiếm đàm: Thư TIẾNG VIỆT gửi TIẾNG TÂY[/size]
[justify]Các bạn Tiếng Tây thân mến!
Các bạn nhận thư này có thể là Tiếng Anh, Tiếng Nhật, Tiếng Thái, Tiếng Hàn, hay có thể là Tiếng Đài, tiếng Jamaica… Nhưng tớ xin phép được gọi chung là Tiếng Tây. “Tây” không phải theo nghĩa vị trí địa lý, mà do tập quán nước tớ hay gọi vậy, phàm là nước ngoài chả biết Tây hay Đông, đều được gọi là Tây, và là Tây thì tất nhiên được cho là sang trọng, đẳng cấp.
Bạn Tiếng Tây ạ! Sự sang trọng của thương hiệu “Tây” đã giúp Tiếng Tây các bạn được tru du khắp mọi miền trên đất Việt tớ. Các bạn hiện diện trên khắp các sách báo và các biển quảng cáo. Mặc dù nước tớ đã có những quy định để hạn chế sự lấn lướt của các bạn, chẳng hạn trên biển quảng cáo bắt buộc phải có Tiếng Việt, nếu có Tiếng Tây thì Tiếng Tây phải nhỏ hơn tiếng Việt… Ấy vậy mà trên thực tế, vẫn có những khu mà biển quảng cáo toàn Tiếng Tàu, có khu thì lại toàn Tiếng Anh… Đau lòng nhất là có những cửa hàng 100% của người Việt, nằm trên đất Việt, nhưng lại không thèm dùng Tiếng Việt và không tiếp khách Việt. Những nơi sang trọng và cả những nơi thích sang trọng thì dứt khoát họ phải dùng Tiếng Tây cho dù vẫn thường sai chính tả.
Có lúc tớ tự hỏi, phải chăng Tiếng Việt tớ không hay như Tiếng Tây các cậu? Không, tớ tự tin rằng tớ không hề thua các bạn về mặt ngôn ngữ, nhưng có lẽ tớ xuất thân con nhà nghèo, nên chả có điều kiện. Không ai tự lựa chọn được nơi để sinh ra. Các bạn được nhờ bố mẹ bạn, những người nước bạn năng động tài giỏi đã đưa bạn đi khắp thế giới, trong đó có nước tớ.
Thế giới ngày càng hội nhập sâu rộng, tớ không hề ích kỷ muốn ngăn cản các bạn tràn vào nước tớ. Tớ không buồn vì Tiếng Tây các bạn leo lên chiếm biển quảng cáo, tràn vào thực đơn trong nhà hàng, thậm chí độc quyền trên bảng hiệu “nhà vệ sinh” (WC). Nhưng tớ buồn vì Tiếng Việt chẳng những bị thua ngay trên sân nhà, mà còn chẳng có cơ hội thi thố trên sân khách. Nói cụ thể hơn, tớ buồn vì chẳng được người Việt mang đi khắp thế giới như các bạn, họa chăng có mang đi thì cũng chỉ để người Việt dùng với nhau. Tớ tủi thân lắm, và bấy lâu nay, tớ thầm ước được như các bạn, được ra nước ngoài hiện diện trên các biển báo ở những nơi sang trọng…
Và rồi, mơ ước của tớ đã trở thành hiện thực, nhưng là một hiện thực đau lòng, đau lắm, đau hơn cả hoạn nữa các bạn ạ!
Các bạn biết không, cách đây không lâu, tớ đã nhảy lên vì sung sướng khi được đích thân người Thái sử dụng trong một nhà hàng sang trọng của họ. Lúc đó tớ thầm cảm ơn những người Việt đã lỗ nực đưa Tiếng Việt sang đất Thái, cho dù đẳng cấp của Thái chả hơn mình là bao, thôi thì nghĩ bước đầu như vậy là tốt rồi. Ai dè, vui chẳng bao lâu khi biết rằng Tiếng Việt được sử dụng vỏn vẹn vài dòng thông báo: “Xin vui lòng ăn bấy nhiêu lấy bấy nhiêu, nếu ăn không hết sẽ phạt từ 200 bath đến 500 bath. Xin cám ơn”. Thì ra họ chỉ dùng vài chữ để nhắc nhở người Việt về thói tham ăn. Thất vọng tràn trề!
Rồi một lần khác, tớ lại khấp khởi mừng thầm khi được người Hàn sử dụng. Lần này họ dùng Tiếng Việt ở công viên nên tớ cũng không lo rằng họ sẽ nhắc nhở về thói tham ăn như ở Thái. Nhưng cuối cùng thì lại thêm một lần thất vọng khi biết nội dung thông báo bằng tiếng Việt: “Khu vực này cấm vứt bỏ rác thải sinh hoạt, nếu như không đúng luật sẽ bị phạt 1 triệu won (khoảng 19 triệu đồng)”. Trời ơi! Người Việt khi ở trong nước thì luôn thích thể hiện sự sang trọng, còn khi ra nước ngoài thì chỉ có thể nổi tiếng bằng những hành vi kém văn minh thế này thôi sao?
Chưa hết đâu bạn ạ. Khi tớ chưa kịp hoàn hồn thì cách đây mấy ngày, người Nhật và người Đài Loan lại bồi tiếp cho tớ một đòn nhục nhã nữa. Cũng như lần trước, khi biết tin Tiếng Việt được dùng trong siêu thị, tớ cũng hi vọng lắm, nhưng cũng không quên cảnh giác với những tiếng xấu như lần trước. Nói thật, dù đã chuẩn bị tinh thần kỹ lưỡng nhưng tớ không thể tưởng tượng được khi họ dùng Tiếng Việt để cảnh cáo nạn… ăn cắp. Những dòng cảnh báo cụ thể bằng Tiếng Việt như thế này khác nào thông báo với cả thể giới rằng người Việt rất hay ăn cắp và chỉ có người Việt mới ăn cắp (?!). Lúc này tớ chỉ muốn chui xuống đất mà không được.
Trong đau khổ và nhục nhã tột cùng, tớ vẫn tin rằng những hành động xấu đó không phải là phố biến. Tớ vẫn cố gắng tìm cách lý giải nhưng quả thật rất khó. Do nghèo ư? Nhiều người nghĩ vậy nhưng không phải. Nếu nghèo thì họ đã không có điều kiện đi du lịch ăn búp-phê để mà lấy đồ ăn bừa phứa. Nghèo thì cũng không cần phải vứt rác bừa bãi. Nếu vì nghèo mà căn cắp thì cũng không thể nào tổ chức thành đường dây có cả sự tham gia của tiếp viên hàng không - những người chắc chắn không đến nỗi nghèo.
Có cố lý giải thì cũng không thuyết phục nổi các bạn, vì chính tớ cũng không hiểu nổi vì đâu nên nỗi? Chỉ mong các bạn tin rằng, những hành vi xấu xa kia không phải là đại diện cho đa số người Việt. Cho dù các bạn có tin như vậy thì cũng khó mà xỏa bỏ hết những ấn tượng xấu khi mà nó đã kịp trở thành định kiến. Tớ rất hoang mang khi hình dung một ngày nào đó, Tiếng Việt trở thành “ngôn ngữ quốc tế” chỉ để thông báo những điều tệ hại.
Tiếng Việt tớ không hề muốn hiện diện bằng những lời tiêu cực như vậy, mong các bạn đừng trách tớ. Bản thân Ngôn Ngữ tụi mình không thể tự quyết định được số phận mình mà hoàn toàn phụ thuộc vào… “người lớn”. Có lẽ đến giờ này mình đã hiểu lý do vì sao Tiếng Việt mình không “bay cao bay xa” và sang trọng được như Tiếng Tây các bạn.
Đôi dòng chia sẻ thật lòng với các bạn, thân!
[/justify]