Sự việc xảy ra tại khu đất của gia đình bà Trần Thị Diệp, ở xóm Đảo, thôn Phố Cát, xã Thành Vân, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa. Bà Diệp cho biết, sáng 4/3, bà thuê máy xúc tới đào đất để làm móng nhà. Khi máy xúc múc những mỏ đất đầu tiên thì đã chạm và làm vỡ toang một chiếc chum sứ. Tiếp tục đào sâu khoảng 80 cm, mọi người bàng hoàng phát hiện có hài cốt người.
Bà Diệp kể lại sự việc với phóng viên. |
Thấy có dấu hiệu bất thường, gia đình bà Diệp tiếp tục cho đào trên một diện tích rộng khoảng 50 m2 thì phát hiện hơn 10 bộ hài cốt được chôn cất dày đặc. Các bộ hài cốt này được ngăn cách nhau bởi một lớp chất màu đen giống như than đá.
“Nhận thấy đây có thể là ngôi mộ chôn tập thể, gia đình tôi đã báo đến chính quyền xã. Khi tới nơi, cơ quan chức năng cho biết đó chỉ là ngôi mộ bình thường nên để gia đình tôi di chuyển ra nghĩa trang”, bà Diệp cho hay.
Ngay sau đó, gia đình bà Diệp đã tự bỏ tiền mua tiểu sành để di chuyển các bộ hài cốt ra nghĩa trang của thôn. “Có 11 chiếc tiểu chứa xương cốt được di rời đi. Hầu hết các bộ hài cốt này không còn nguyên vẹn, đặc biệt là thiếu phần hộp sọ. Có thể do thời gian chôn cất đã cách đây quá lâu. Những phần xương rời rạc, không phân được thì chúng tôi cho vào riêng một chiếc tiểu sành thứ 11 rồi chuyển đi”, bà Diệp nói.
Chum bằng xứ được phát hiện cùng các hài cốt. |
Ngoài những bộ hài cốt còn có 2 chiếc chum gốm, 2 bát sứ men trắng được phát hiện. Khu đất của gia đình bà Diệp nằm ngay bờ một con suối. Đây có thể là ngôi mộ của năm đói 1945, khi mọi người ra suối tìm thức ăn rồi lả đói nằm chết tại đây. Một vài ý kiến khác lại cho rằng, đây là ngôi mộ của một dòng họ của chế độ phong kiến cũ bị kết án “chu di tam tộc” hoặc đây là một phong tục an táng vùng miền thủa xưa.