Dân trí) - Em nằm đó mê man trong cơn nguy kịch, nhưng chắc hẳn còn đau đớn gấp vạn lần một khi biết tin em trai của mình đã qua đời. Bố mất, mẹ không còn, người em trai duy nhất cũng lại bỏ ra đi, những gì em sẽ phải gánh chịu quá đỗi xót xa…
Em là Lê Thị Kim Thư, sinh năm 1990 (ở đội 1, thôn Vân Giang, thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức, Hà Nội), hiện đang là sinh viên năm 3 của trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội. Tại bệnh viện Đa khoa Hà Đông, em vẫn trong cơn nguy kịch sau tai nạn kinh hoàng xảy ra ngày 19/7/2011.
Nằm trên giường bệnh chịu đựng những cơn đau đớn vật vã, nhưng chẳng là gì nếu một khi em biết được tin đứa em trai Lê Duy Kiên (sinh năm 1992) đã ra đi mãi mãi. Đến bệnh viện thăm em vào ngày cuối tuần, tôi đã không thể cầm được nước mắt khi biết được câu chuyện buồn của cô bé sinh viên này.
Lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó, sớm phải theo bố mẹ ra đồng nhưng cô bé Thư vẫn luôn lạc quan, yêu đời bởi bên cạnh mình lúc nào cũng có gia đình ôm ấp, chở che. Cái nghèo, cái đói dường như với em lại là động lực để bản thân mình càng phải cố gắng nhiều hơn.
Tai nạn trên đường về quê giỗ ông nội đã cướp mất đứa em trai duy nhất của Thư, còn em bị đa chấn thương khiến tính mạng nguy kịch
Nhưng đau đớn thay khi chỉ trong cùng một năm cả bố và mẹ đều đã bỏ em ra đi vì bệnh hiểm nghèo. Mẹ mất tháng 2/2010 vì bệnh tim, thì đến tháng 11/2010 bố em cũng ra đi vì căn bệnh ung thư gan. Trước nỗi đau bố mất, mẹ không còn, niềm hi vọng cuối cùng bắt em phải tiếp tục sống chính là phải chăm lo cho người em trai Lê Duy Kiên. Nuốt nước mắt vào trong hai chị em Kiên – Thư càng yêu thương đùm bọc nhau hơn để sống tiếp.
Trước kia, vì để có tiền chữa bệnh cho mẹ, Kiên chỉ mới học hết cấp 2 đã nghỉ học đi làm. Bố mẹ mất rồi, em lại tiếp tục đi làm thuê nuôi chị học đại học. Các cô, các chú tất cả đều làm nông nghiệp, cuộc sống quá khó khăn nên cũng chỉ giúp đỡ được phần nào.
Không ngại vất vả, sớm tối Kiên đi phụ hồ hay lắp đặt ống nước thuê lấy tiền cho chị học. Cô Nguyễn Thị Luyến, bác của hai em kể lại: “Thư nó muốn nghỉ học từ lâu rồi để đi làm cùng em, nhưng thằng Kiên nhất định không cho. Nó bảo mình nó khổ là đủ rồi, chị phải học để sau này có cuộc sống khá hơn”.
Những tưởng bằng đó đã là quá đủ bất hạnh với cô gái trẻ này, vậy mà… Bản án tử nghiệt ngã một lần nữa lại đến, cướp em Kiên đi mãi mãi.
Theo lời kể của bà Luyến, cái ngày định mệnh đó, trên đường đi về quê giỗ ông nội, hai chị em Kiên, Thư bất ngờ gặp tan nạn khi đã gần về đến nhà. Đưa vào viện được 10 phút thì Kiên mất, còn Thư trong trạng thái "thập tử nhất sinh". Sang đến ngày 20/7 khi mọi người trong gia đình em còn đang phải lo hậu sự cho Kiên, thì tại bệnh viện lúc này Thư đang trải qua phẫu thuật bởi những tổn thương ở gan và lá lách. Vì Thư bị mất máu quá nhiều mà người thân lại đang trong cảnh tang gia bối rối, nên cùng một lúc 12 bạn trong lớp đã đến viện truyền máu cứu sống Thư.
Em Trần Thị Hạnh (bạn cùng lớp và ở cùng phòng kí túc với Thư) nhận được tin Thư bị nạn đã từ Nghệ An ra Hà Nội để chăm bạn. Hạnh gạt nước mắt kể: “ Bạn ấy hiền lành và sống tình cảm lắm. Thương em Kiên vất vả nên tranh thủ những lúc không đi học Thư thường đi gia sư và bán hàng quần áo thuê kiếm tiền. Bạn ấy vẫn tâm sự sẽ cố gắng sau này ra trường kiếm tiền rồi sẽ bù đắp lại cho em trai.T hế mà…”.
Dừng lại giây lát để cố nén lòng, Hạnh nói tiếp: “Hiện tại mọi người vẫn chưa cho Thư biết là em Kiên mất vì sợ bạn sốc không chịu được. Em không biết rồi khi Thư tỉnh lại không thấy em trai đâu, bạn có chịu đựng và vượt qua được không nữa?” Nói đoạn Hạnh quay vào, nắm chặt bàn tay bạn rồi gạt nhanh những giọt nước mắt vì sợ Thư nhìn thấy sẽ hỏi.
Hiện tại Thư vẫn chưa biết tin em trai đã mất vì mọi người đều sợ em sẽ sốc nặng, khó vượt qua khỏi những chấn thương nặng nề
Hiện tại em Thư đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn trong trạng thái hôn mê, chỉ thỉnh thoảng ú ớ gọi “Kiên ơi” rồi lại lịm đi. Bác sĩ Bùi Gia Lượng – Phó Giám đốc bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho chúng tôi biết: “Em bị rách gan, chảy máu màng phổi, vỡ xương chậu, dập gót và tổn thương hết vùng cơ bụng và tử cung. Vì là đa chấn thương như thế nên phải mất một thời gian dài điều trị với chi phí khá lớn”.
Đã 4 ngày trôi qua nhưng em Thư vẫn mê man, sức khỏe rất yếu. Tôi không dám nhìn em thật lâu bởi sợ rằng em sẽ hỏi tình trạng của đứa em trai yêu quý, lúc đó tôi cũng sẽ không biết làm sao. Sự thật đó dù là ai phải nói cho em biết sau này, chắc hẳn sẽ như một nhát dao găm sâu vào trái tim vốn đã yếu ớt, dễ bị tổn thương của Thư.
“Thư ơi, sao cuộc đời lại tàn nhẫn với em đến vậy? Mong muốn có một người thân để yêu thương với em khó đến vậy sao? Em sẽ bước đi sao đây khi phía trước là những ngày dài không còn người em trai yêu quý… ?”, tôi tự hỏi lòng mà không thể tìm được câu giải đáp khi sự thật quá đắng cay, phũ phàng…
Nguồn: Dân Trí!