[justify]Anagram là gì?[/justify]
[justify][/justify]
[justify]Anagram là thuật đảo chữ, trong đó các chữ cái của từ ban đầu được đổi chỗ để tạo ra từ khác có nghĩa. Đây là trò chơi được nhiều người học tiếng anh yêu thích bởi nó vừa giúp nâng cao vốn từ vựng, vừa là cách xả stress khá hay. [/justify]
[justify]
[/justify]
[justify]Một anagram chuẩn phải sử dụng vừa đúng số chữ cái của từ gốc và có nghĩa liên quan đến nghĩa gốc, có thể trái nghĩa (antigram), gần nghĩa hoặc có quan hệ nhân quả (pairagram). Nếu nó mang tính bình luận hoặc hài hước thì càng hay.[/justify]
[justify]Các anagrammist đã nghĩ ra nhiều cặp anagram “kinh điển” vừa dí dỏm vừa thông minh: Funeral = Real fun (Đám tang = Cực vui); Adultery = True lady (Ngoại tình = Quý bà thực thụ); I hate school = Oh so ethical (Tôi ghét đến trường = Ôi, thật ngoan ngoãn); hay như các cặp anagram gần nghĩa hoặc có quan hệ nhân quả: Goodbye = Obey God (Chia tay = Vâng lời Chúa); The Titanic disaster = Death, it starts in ice (Thảm kịch Titanic = Cái chết bắt đầu bằng 1 tảng băng).[/justify]
[justify]
[/justify]
[justify]Các anagram khó là những từ có quá nhiều hoặc quá ít nguyên âm, chứa nhiều chữ cái lặp lại hoặc chữ cái khó kết hợp như W, R, J, Z… Tuy nhiên với các anagrammists thì từ càng khó lại càng là những thử thách ngọt ngào. [/justify]
[justify]Chẳng hạn, câu nói nổi tiếng của Neil Armstrong khi vừa đặt chân lên Mặt trăng: “That's one small step for a man, one giant leap for mankind” (Đây là bước chân nhỏ bé của một người, nhưng là bước tiến khổng lồ của toàn nhân loại) đã biến thành: “A thin man ran; makes a large stride, left planet, pins flag on moon! On to Mars!” (Một người đàn ông gầy gò chạy những bước dài, rời khỏi hành tinh, rồi cắm lá cờ trên Mặt trăng. Tiến lên Sao Hỏa thôi!).[/justify]
[justify]Lịch sử anagram[/justify]
[justify]“Anagrams” vốn là một đảo từ của “ars magna”, tiếng Latin nghĩa là “nghệ thuật tuyệt vời”. Nó xuất hiện ở Hy Lạp từ TCN song phổ biến ở châu Âu vào thời Trung cổ, chủ yếu phục vụ cho mục đích tôn giáo và tiên tri do tính logic, thần bí của nó. [/justify]
[justify]Đến thời Phục Hưng, một số nhà khoa học như Galileo Galilei hay Robert Hooke đã dùng anagram để ghi chép thành quả nghiên cứu của mình nhằm tránh việc sao chép trái phép. [/justify]
[justify]Năm 1610, sau khi chứng minh được Sao Kim cũng có các tuần giống như tuần Mặt trăng, Galilei đã tổng kết bằng câu “Haec immatura a me iam frustra leguntur -oy”, khi đảo chữ chúng ta sẽ có: “Cynthiae figuras aemulatur Mater Amorum” (tiếng Latin, tạm dịch: Mẹ của tình yêu (= Sao Kim) bắt chước hình dáng Hằng Nga).[/justify]
[justify]
[/justify]
[justify]Anagram của các danh từ riêng như tên các ngôi sao nổi tiếng, các nhãn hiệu, địa danh bắt đầu được yêu thích từ thế kỷ 19. Ví dụ như: Pepsi Cola = A Popsicle (Pepsi Cola = 1 que kem); Diego Maradona = An adored amigo (Anh bạn đáng mến); Real Madrid = Am a riddler (Real Madrid = Tôi là ẩn số). [/justify]
[justify]
[/justify]
[justify]Anagram được sử dụng khá phổ biến trong văn học và điện ảnh. Trong bi kịch của Shakespeare, nhân vật Hamlet chính là anagram của Amleth - tên một vị Hoàng tử có thật trong lịch sử Đan Mạch hay trong Harry Potter và Phòng chứa bí mật, J. K. Rowling đã tiết lộ cái tên Tom Marvolo Riddle - chính là cách viết đảo chữ của “I am Lord Voldermort” (Ta là Chúa tể Voldermort).[/justify]
[justify][/justify]
[justify]Và trong tiếng Việt…[/justify]
[justify]Không chỉ có tiếng Anh, anagram có thể tồn tại trong bất cứ ngôn ngữ nào, miễn là khi hoán vị ký tự trong một từ có thể tạo ra từ khác. Trong tiếng Việt, chúng ta gọi đó là phép nói lái - một kiểu chơi chữ độc đáo được dùng nhiều trong văn chương cũng như lối nói thường ngày. Hẳn bạn không còn lạ gì những cặp từ như Trời cho = Trò chơi, Nhỏ mọn = Mỏ nhọn, Biệt thự = Bự thiệt, Đầu tiên = Tiền đâu… [/justify]
[justify]
[/justify]
[justify]Do đặc trưng tiếng Việt có cả dấu thanh nên ngoài nguyên âm và phụ âm, việc hoán vị uyển chuyển giữa các dấu thanh cũng tạo ra những câu nói lái đặc sắc: “Thầy giáo tháo giầy, tháo cả ủng, thủng cả áo”; “Chả lo gì, chỉ lo già - Nỏ cần chi, chỉ cần no”… [/justify]
[justify]Phép nói lái không chỉ chứng minh sự linh hoạt, muôn màu muôn vẻ của tiếng Việt mà còn góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa của nhân dân: “Con cá đối nằm trong cối đá, cái cò con chân đứng còn co, mo cau rớt xuống mau co, cá rô nằm ở rá cô má hồng”.[/justify]