Gần đây, giới trẻ Hà thành rộ lên mốt xăm phát quang hay còn gọi là xăm UV. Giống như xăm thông thường, chỉ khác là sử dụng mực UV nhập ngoại hay còn gọi là mực ngoại tuyến.
Theo một số cửa hàng xăm, loại mực này thường được các tay bạc bịp sử dụng để đánh dấu quân bài. Chỉ khi đeo kính áp tròng hoặc loại kính đặc chế mới có thể nhìn thấy. Dân xăm UV rất thích đến sàn nhảy hay quán bar, bởi ở đó dưới ánh đèn tia cực tím, những hình xăm mới phát ra thứ ánh sáng kỳ dị.
Giá thành đắt hay rẻ cũng phụ thuộc một phần vào bộ dụng cụ dùng để xăm. Ảnh: CTV. |
Hỏi về giá cả, một cô gái tên Hoa đang chờ đến lượt, nhanh nhảu nói: “Xăm là môn nghệ thuật nên không thể có mức chi phí cụ thể. Mỗi người có quan điểm riêng và một góc nhìn khác nhau về nghệ thuật, chính vì vậy các cơ sở đều có cách tính chi phí riêng”. Nói xong Hoa kéo tay áo lên, để lộ hoa văn mới xăm trên bắp tay, dài độ 10 cm và bình luận: "900 nghìn đấy anh ạ, thế là quá rẻ rồi, chỗ không quen thì phải hơn một triệu rưỡi".
Dù trên người đã có tới 5 hình xăm từ cổ xuống chân, nhưng khi được biết đến xăm phát quang và những khác biệt của nó, Linh đi tìm và xăm ngay. Hỏi tại sao lại muốn xăm thật nhanh, Linh trả lời "vì muốn độc và khác biệt hơn so với người khác". Linh cho biết xăm kiểu này thời gian đầu cảm thấy rất đau và rát như kiểu bỏng thuốc lá. Thỉnh thoảng cậu lại phải uống mấy liều thuốc chống dị ứng.
Hình xăm trong ánh sáng bình thường. Ảnh: CTV. |
“Thợ xăm muốn có tác phẩm đẹp thì phải tỉnh táo, thoải mái, lúc mỏi mệt thì không nên làm nữa, cố làm gì, hỏng ra đấy thì ai chịu?”, ông chủ vừa cười vừa trả lời. Phụ giúp ông chủ là hai thanh niên mặc áo ba lỗ, để lộ hai cánh tay với chi chít những hình xăm kỳ quái.
Để sở hữu kiểu xăm quái chiêu này, không ít dân chơi đã phải trả giá. Anh Dũng, một thợ tạo mẫu tóc, kể khi mới du nhập vào Việt Nam, mới nhìn ai cũng thích kiểu xăm phát quang. Anh cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, sau khi vui mừng có được hình xăm rồng quanh bụng, anh thấy da bụng đau rát như bị ong đốt. "Tưởng là triệu chứng thường gặp sau xăm. Nhưng càng về sau chỗ bị đau càng lan rộng đến cả vùng ngực. Không thể chịu nổi, tôi phải đi viện xóa vết xăm. Bác sĩ nói tôi bị dị ứng hóa chất", anh Dũng kể.
Trường hợp của Tú, sinh viên một trường cao đẳng tại Hà Nội, thì khác. Sau khi xăm một tuần Tú không hề thấy phản ứng gì cả. Nhưng đến ngày thứ tám tự nhiên xung quanh hình xăm mọc lên nhiều nốt li ti, mọng nước, rất ngứa. Do gãi nhiều, các nốt bị vỡ ra gây lở loét, sưng tấy. "Ngay cả hình xăm trên bề mặt da cũng bị hỏng vì da bị bong nhiều do gãi mạnh. Vừa bị hỏng hình xăm vừa mang bệnh vào người”, Tú xót xa.
Hình xăm trong môi trường thiếu ánh sáng. Ảnh: CTV. |
Bác sĩ Nguyễn Thành, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu trung ương, khuyến cáo không nên sử dụng loại mực UV. "Ngoài bỏng rát, nổi mẩn ngứa, lở loét còn gây ra hậu quả khác do da bị kích ứng với hóa chất, như phồng rộp tại vùng xăm, có người bị khô da, bị cứng lại như á sừng, nứt nẻ như ở chân tay vào mùa đông. Nhưng nghiêm trọng nhất vẫn là nguy cơ mắc ung thư", ông Thành nói.