Nghệ thuật sống 2011-10-26 13:23:57

Thú vui cá xiêm đá và cảnh :D


Trước tiên cá xiêm còn có tên là Betta, loài này có 2 nhóm chính đây là sơ đồ



[size=5]Giới thiệu[/size]
Phong trào chơi cá betta phát triển mạnh vài năm gần đây kéo theo vô số người yêu thích và nuôi dưỡng loài cá xinh đẹp này. Vấn đề ở chỗ “cá betta” là một thế giới vô cùng đa dạng khiến người mới tham gia khó phân biệt hay hiểu rõ sự quan hệ giữa các dòng và loài cá betta khác nhau. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu sơ lược về đặc điểm của từng dòng hay loài nhằm giúp các bạn có khái niệm cơ bản về chúng.

Ở đây, từ “cá betta” được hiểu theo hai nghĩa:

- Cá betta tức Betta splendens thuần dưỡng và những dòng cá phát xuất từ đó bao gồm cá đá Xiêm, cá đuôi dài, cá halmoon, đuôi kép, đuôi tưa…

- Cá betta tức chi cá Betta bao gồm Betta splendens hoang dã và gần 70 loài cá họ hàng khác.
[size=5]Betta thuần dưỡng[/size]
Cá betta hoang dã được người Thái thuần dưỡng với mục đích chiến đấu cách đây hàng trăm năm với kết quả là màu sắc, hình dạng và kỹ năng chiến đấu khác xa so với cá hoang dã. Loại cá đá thuần dưỡng hay cá Xiêm đã du nhập vào nước ta từ cả trăm năm nay, nếu các bạn đọc bài “Thú chơi cá thia thia” của cụ Vương Hồng Sển thì sẽ thấy cá Xiêm đã xuất hiện ở nước ta từ hồi đầu thế kỷ hai mươi. Ngày nay, cá đá đã lan rộng và trở nên phổ biến ở hầu hết các quốc gia Đông Nam Á và cả Âu-Mỹ, nhất là trong các cộng đồng người châu Á sống ở đó. Có ba loại cá đá:

Cá đá tuyển (selective Siamese fighting fish): là những con cá đá bậc nhất, đã được lai tạo, tuyển chọn và huấn luyện gắt gao để tham gia vào trường đá cá. Người chơi cá ở ta thường gọi là "cá độ".

Cá đá thường (Siamese fighting fish): là những con cá đá bình thường và phổ biến; chúng có thể là cá đá tuyển không đủ chất lượng tham gia vào trường đấu và bị loại, hay cá được lai tạo không kiểm soát chất lượng với mục đích thương mại…


[size=1]Cá Xiêm bình thường (ảnh PvHau) và cá đá tuyển (nguồn wwww.siamsbestbettas.com) có bề ngoài tương tự như nhau.[/size]

Cá đá lai (hybrid): là cá lai giữa cá đá thuần dưỡng với cá hoang dã. Ở một số vùng, hoạt động đá cá hoang dã phổ biến hơn đá cá Xiêm vì cá hoang dã phân định thắng thua rất nhanh và mau “thành độ”. Một số người “chơi ăn gian” bằng cách lai cá hoang dã với cá Xiêm sao cho cá con có bề ngoài trông giống hệt với cá hoang dã ("lai biệt dạng"). Cá lai thừa hưởng độ bền của cá Xiêm nên nếu đem đi đá với cá hoang dã thuần thì sẽ có nhiều khả năng thắng độ hơn.

Trong ba loại kể trên thì cá đá thường hay cá Xiêm là loại phổ biến và rẻ tiền nhất, bạn có thể tìm mua cá Xiêm ở hầu hết các tiệm bán cá cảnh địa phương. Vào mùa hè, trẻ em thường mua cá Xiêm về đá với nhau hoặc để ngắm cho vui. Cá đá tuyển hiếm hơn, nếu muốn mua thì bạn phải tìm đến những lò cá độ và tất nhiên giá cả cũng cao hơn cá đá thường rất nhiều. Ngày nay, cá đá tuyển ở ta được lai với cá đá tuyển ở các nước lân cận như Thái Lan, Malaysia và Indonesia để cải thiện và đa dạng hóa kỹ năng chiến đấu. Dạng cá lai rất hiếm, tôi từng nghĩ ngày nay không còn ai đá cá lai nữa nhưng hồi đầu năm về Hậu Giang đi bắt cá lia thia có nghe người bạn ở đó thắc mắc không hiểu tại sao cá lia thia mua ở tiệm bán cá trong chợ đá dữ không thua cá Xiêm. Tôi cho rằng đó chẳng qua là "cá lai biệt dạng" mà thôi dù không có cách gì kiểm chứng.


[size=1](Trái) Cá lai giữa Betta smaragdina và cá Xiêm (nguồn http://plakatthai.com). Hình dạng và màu sắc của chúng tương tự như cá hoang dã, chỉ hơi xanh hơn một chút. Tác giả Precha cho rằng cá lai qua 5 đời trông không khác gì cá hoang dã. (Phải) Một con cá lai đời F1 giữa cá mang xanh Betta imbellis với cá Xiêm (chụp ở Sóc Trăng 9-2007). Hình dạng bề ngoài khá giống với cá Xiêm với đầu và mỏ rất to.[/size]

[size=5]Betta cảnh[/size]
Bên cạnh dòng cá thuần dưỡng để đá, các nhà lai tạo Thái còn duy trì một dòng cá thuần dưỡng làm cảnh tức cá đá đuôi dài (long-finned) mà ở ta gọi là cá Xiêm đuôi dài. Khi minh họa cho bài “Thú chơi cá thia thia” của cụ Vương Hồng Sển (1970), họa sĩ Hoàng Xuân Lợi đã vẽ con cá lia thia với cái đuôi dài thậm thượt của… cá Xiêm đuôi dài, điều chứng tỏ chúng khá phổ biến vào thời đó khiến họa sĩ bị nhập tâm. Cá đuôi dài du nhập vào phương Tây từ đầu thế kỷ 20 và nhanh chóng được mọi người yêu thích. Chính tại vùng đất mới này mà chức năng nuôi làm cảnh của cá Xiêm đuôi dài mới được coi trọng và phát triển. Văn hóa phương Tây vốn không cổ xúy cho hoạt động đá cá và coi rằng đó là việc đối xử tàn ác đối với thú vật, vì vậy cá Xiêm đuôi ngắn hay cá đá hầu như không có chỗ đứng ở đấy trong một thời gian rất dài (mãi sau này mới xuất hiện plakat cảnh). Quá trình phát triển của betta cảnh đuôi dài diễn ra trong gần 40 năm (1960 -2000) kể từ khi con cá đuôi voan đầu tiên ra đời vào những năm 1960 cho đến sự xuất hiện của cá đuôi tưa vào năm 1997. Sau đây là tóm tắt về đặc điểm của từng dòng:

Cá đuôi voan (veiltail): vào năm 1960, nhà lai tạo người Mỹ Warren Young thành công trong việc tạo ra những con cá betta có vây cực dài. Young gọi cá betta của ông là “Libby” theo tên của vợ ông. Những con cá này được bán cho người yêu thích cá cảnh ở khắp nơi trên thế giới và cho cả các trang trại cá cảnh ở châu Á. Bước phát triển này dẫn đến việc hình thành dạng cá đuôi voan rất phổ biến sau đó.

Ngoài ra, trong quá khứ từng có một số dòng cá cũng xuất phát từ cá đuôi dài như cá đuôi quạt (roundtail) và cá đuôi át bích (spadetail) nhưng ngày nay cùng với cá đuôi dài và đuôi voan, chúng hầu như biến mất khỏi thị trường vì cạnh tranh không lại với những dòng betta cảnh hiện đại khác.

Cá đuôi kép (doubletail): cũng xuất phát từ bầy cá của Warren Young vào những năm 1960 (có người cho rằng cá đuôi kép xuất hiện trong bầy cá nhập từ Đông Nam Á). Cá đuôi kép có hai thùy đuôi và vây lưng to tương đương với vây hậu môn. Cá đuôi kép đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện vây lưng cho các dòng betta cảnh hiện đại.


[size=1]Cá đuôi voan (nguồn www.bettas4all.nl) và cá đuôi kép với vây lưng cực to (nguồn www.bettysplendens.com).[/size]

Cá đuôi delta: vào cùng thời điểm, nhà lai tạo người Đức, tiến sĩ Eduard Schmidt-Focke lai tạo ra con cá delta đầu tiên tức cá betta với dạng đuôi đối xứng hình tam giác. Điều thú vị đó là dạng đuôi delta vốn được dùng để gọi những con cá bảy màu có đuôi hình tam giác. Cá đuôi delta đánh dấu bước tiến bộ hết sức quan trọng trong quá trình phát triển của betta cảnh hiện đại, chúng có cạnh đuôi thẳng thay vì uốn cong theo hình dạng của đuôi. Ngày nay đuôi delta được định nghĩa là đuôi có góc xòe < 160 độ.

Cá super delta: vào năm 1980, một số nhà lai tạo nổi tiếng ở Mỹ như Peter Göettner và Paris Jones phát triển dạng đuôi delta thành superdelta với góc xoè rất rộng. Ngày nay đuôi superdelta được định nghĩa là đuôi có góc xòe > 160 độ và 180 độ gọi là OHM (over halfmoon) hay đuôi phát triển không đều trông giống như cánh hoa hồng gọi là cá đuôi hoa (rosetail). Một số người có tâm hồn ăn uống không ngần ngại gọi chúng là “đuôi bắp cải”. Những cá thể như vậy đôi khi xuất hiện trong bầy halfmoon.


[size=1]Cá halfmoon và đuôi hoa (nguồn www.bettas4all.nl).[/size]

Cá đuôi tưa (crowntail): dạng đuôi này ra đời vào năm 1997. Một nhà lai tạo người Indonesia tên là Ahmad Yusuf đã trình làng cá đuôi tưa với những tia vây kéo dài và nhô ra khỏi màng vây (nói một cách chính xác là màng vây bị triệt thoái). Tùy theo mức độ triệt thoái của màng vây và hình dạng của tia vây mà người ta chia cá đuôi tưa thành nhiều loại khác nhau như tia đơn, tia đôi, tia hai đôi, tia chéo…


[size=1]Một con cá đuôi tưa Mustard Gas tia hai đôi tuyệt đẹp (nguồn www.bettas4all.nl).[/size]

Các nhà lai tạo thường lai dòng cá của mình với dòng cá khác để cải thiện một đặc điểm nhất định, chẳng hạn cho lai với cá đuôi kép để cải thiện vây lưng hay lai với cá halfmoon để có cạnh đuôi sắc và góc đuôi xòe rộng 180 độ. Ngày nay, các dòng cá trên thực tế là sự pha trộn của nhiều dòng cá nguyên thủy khác nhau. Và sẽ không có gì ngạc nhiên khi trong bầy cá halfmoon xuất hiện cá đuôi delta, superdelta, OHM, đuôi hoa, đuôi kép và thậm chí cả đuôi tưa!

Như mô tả ở trên, tất cả những tiến bộ quan trọng trong việc phát triển dòng cá đuôi dài ở thế kỷ trước đều diễn ra bên ngoài Thái Lan, tuy nhiên rất nhiều nhà lai tạo và kinh doanh cá betta cảnh nổi tiếng hiện nay lại là người Thái. Chúng ta nên hiểu rằng các nhà lai tạo Thái đã nhập khẩu những con betta cảnh tốt nhất từ nước ngoài về, phát triển và sản xuất hàng loạt với chất lượng cao. Ngoài ưu thế về môi trường ưu đãi, khả năng tổ chức và nắm bắt thị trường của họ rất đáng để chúng ta suy ngẫm và học hỏi!
[size=5]Plakat cảnh[/size]
Plakat cảnh là xu hướng mới xuất hiện vài năm gần đây, khoảng từ năm 2000. Plakat cảnh là sự kết hợp giữa cá đá đuôi ngắn truyền thống với cá betta đuôi dài. Tác giả Precha gọi loại cá lai giữa cá Xiêm, cá hoang dã với cá betta cảnh đuôi dài là “cá lai hiện đại” hay “cá betta đặc sắc” (fancy betta). Theo ông, cá betta đặc sắc mang nhiều yếu tố di truyền của loài Betta smaragdina dòng ghi-ta với bộ vây to hơn so với cá Xiêm thường và đuôi có chóp nhọn hình con át bích. Nhận định này có phần nào đúng trên thực tế vì một số cá betta đặc sắc dù mang đủ màu sắc như cá betta cảnh đuôi dài nhưng đuôi lại to và có chóp nhọn.

Cá betta đặc sắc có thể nói là đại diện cho luồng ảnh hưởng mới từ Thái Lan ra thế giới bên ngoài kể từ sau khi cá Xiêm đuôi ngắn và cá Xiêm đuôi dài được giới thiệu với thế giới cả trăm năm trước. Ngày nay, nó là một thể loại dự thi trong các cuộc triển lãm cá betta dưới tên plakat cảnh truyền thống tức traditional show plakat, hay ngắn gọn hơn là traditional plakat (ở ta, mọi người còn gọi ngắn gọn hơn nữa là “plakat”, cách gọi này có thể gây nhầm lẫn với dòng plakat đích thực tức cá chọi, cá đá, cá Xiêm tuyển hay cá Xiêm thường).


[size=1]Betta smaragdina dòng ghi-ta (nguồn http://plakatthai.com) và plakat cảnh truyền thống (nguồn www.dong2002.com).[/size]

Các cuộc triển lãm nói chung không phân biệt cá plakat cảnh truyền thống (tức betta đặc sắc) với cá Xiêm bình thường. Vì vậy về nguyên tắc, bạn có thể mang cá Xiêm đi dự thi thể loại plakat truyền thống nhưng chắc chắn sẽ không thể đoạt giải vì bộ vây kém phát triển hơn. Plakat cảnh truyền thống xuất hiện và tác động đến thế giới betta cảnh ở một số khía cạnh:

- Cá plakat hầu như không bị mắc các tật thường thấy ở cá betta cảnh đuôi dài như tự cắn đuôi, sụp đuôi, rách đuôi, thối đuôi… tóm lại chúng rất dễ nuôi và chăm sóc.

- Cá plakat có tuổi thọ “phong độ” dài hơn. Cá cảnh đuôi dài như halfmoon thường rất đẹp ở độ tuổi từ 3 đến 9 tháng, sau đó cá bị lão hóa và không được đẹp như trước nữa dù tuổi thọ “sinh học” vẫn còn. Cá đuôi tưa còn khó nuôi hơn hơn nữa, các tia vây kéo dài rất dễ bị xoăn, vênh nếu không chăm sóc kỹ.

- Cá plakat có thân hình đẹp hơn nhiều so với cá betta cảnh đuôi dài. Theo tôi đây là một đặc điểm quan trọng mà các nhà lai tạo phương Tây vốn quá chú trọng vào vây và màu sắc đã bỏ qua. Tôi muốn nói với những bạn hữu yêu thích cá betta rằng thân hình và thần thái của cá betta cũng hết sức quan trọng, theo tôi cá betta cảnh trông phải thật oai phong hùng dũng; điều mà bạn vẫn thường thấy ở cá đá tức plakat.


[size=1]Đây là con Mustard Gas nổi tiếng của Jude Als với 3 viền màu độc đáo: màu xanh trên thân, màu vàng và màu khói ở đuôi (nguồn www.bettysplendens.com). Cá này có dạng "bản mè" tức giống như con cá mè với đầu nhỏ, bụng to và gốc đuôi nhỏ. Dạng "bản mè" rất phổ biến ở cá betta cảnh đuôi dài và trông không được mạnh mẽ như các dạng thân khác ở plakat như "bản rô" và "bản lóc".[/size]

Theo ý kiến của một số nhà lai tạo như Victoria Parnell, plakat cảnh truyền thống không thể cạnh tranh nổi với cá betta cảnh ở phương Tây, tuy nhiên những dòng cá mới kết hợp giữa plakat (tức cá Xiêm) với halfmoon như plakat cảnh và plakat đối xứng lại tập hợp ưu điểm của cả hai: sự mạnh mẽ của plakat và dạng đuôi hiện đại của halfmoon. Những dòng cá mới này hết sức ấn tượng và có sức cạnh tranh, bằng chứng là thông tin và hình ảnh về chúng ngày càng phổ biến hơn trên các diễn đàn cá betta; nhiều nhà lai tạo nổi tiếng như Victoria Parnell tập trung vào việc lai tạo các dòng cá mới này. Sau đây là đặc điểm sơ lược của từng dòng cá plakat cảnh:

Plakat cảnh truyền thống: là cá lai giữa cá Xiêm, cá hoang dã và cá betta cảnh với đủ loại màu sắc khác nhau. Các vây lẻ to hơn so với cá Xiêm nhưng nhỏ hơn nhiều so với cá betta cảnh đuôi dài. Đuôi có thể xòe đủ 180 độ nhưng cạnh đuôi tròn, tia sơ cấp ở gốc đuôi phân làm hai nhánh.

Plakat cảnh hiện đại: là cá lai giữa cá Xiêm với cá halfmoon với cái đuôi nhỏ như cá Xiêm nhưng hình dạng lại giống như cá halfmoon. Plakat cảnh hiện đại thường được gọi tắt là plakat hiện đại hay HMPK (halfmoon plakat). Đuôi xòe đủ 180 độ, cạnh đuôi thẳng, tia sơ cấp ở gốc đuôi phân làm bốn nhánh hoặc hơn.

Plakat đối xứng: plakat cảnh truyền thống và plakat cảnh hiện đại thừa hưởng một đặc điểm rất đặc trưng ở cá Xiêm đó là mỗi khi giương vây, đuôi của chúng hơi cong lên một chút về phía trước. Nếu kẻ một đường thẳng từ mắt cho đến giữa gốc đuôi thì nó sẽ chia đuôi ra làm hai phần không bằng nhau; do vậy mà hai loại trên được gọi là plakat bất đối xứng. Ngược lại, cá halfmoon không hề cong đuôi lên khi giương vây nên hoàn toàn đối xứng. Quá trình lai tạo giữa cá Xiêm với cá halfmoon không chỉ tạo ra cá plakat bất đối xứng tức HMPK mà còn tạo ra một số plakat không cong đuôi như halfmoon; vậy là thể loại plakat đối xứng ra đời. Cấu tạo đuôi của plakat đối xứng cũng tương tự như plakat cảnh nhưng viền của ba vây lẻ phải làm thành một vòng cung như ở cá halfmoon. Do vậy, vây bụng và vây hậu môn ở cá plakat đối xứng thường rất ngắn.


[size=1]Plakat cảnh và plakat đối xứng (vây bụng và vây hậu môn con plakat đối xứng này chưa đạt vì hơi dài) (nguồn www.bettas4all.nl).[/size]

Ngoài ra, còn một loại cá lai giữa cá Xiêm và cá đuôi tưa với đuôi nhỏ như cá Xiêm, các tia vây ngắn và vươn ra mạnh mẽ, góc đuôi xòe đủ 180 độ. Loại cá này được đặt tên một cách hình tượng là halfsun (tức “bán dương”, nửa mặt trời, đối lập với “bán nguyệt”, nửa mặt trăng, halfmoon). Tuy nhiên, thể loại lai này hiện nay vẫn chưa phổ biến lắm.

*********************************************

[size=5]Màu sắc và hoa văn[/size]
Về vấn đề phân loại cá betta cảnh, bạn sẽ thấy nó gần như đồng nghĩa với việc mô tả về quá trình phát triển các dạng vây ở cá betta. Vậy màu sắc đóng vai trò như thế nào trong vấn đề phân loại betta cảnh?

Chúng ta đều biết là màu sắc của cá betta cảnh ngày nay rất phong phú và đa dạng; tuy nhiên, những màu sắc như vậy không xuất hiện vào cùng một thời điểm mà xuất hiện ở những thời điểm khác nhau trong quá trình phát triển dạng vây. Chẳng hạn:

- Màu Mustard Gas: xuất hiện vào năm 1990, dạng vây nguyên thủy là delta. Vào thời điểm đó, các dạng đuôi halfmoon, đuôi tưa và plakat cảnh chưa xuất hiện!

- Màu đồng/vàng kim: mới xuất hiện vào năm 2003, dạng vây nguyên thủy là plakat.

Cho dù dạng vây nguyên thủy là gì, một khi màu mới xuất hiện thì người ta sẽ cố gắng lai tạo màu đó với những dạng vây khác hiện diện vào cùng thời điểm và những dạng vây mới sau này. Chẳng hạn, ngày nay chúng ta thấy màu Mustard Gas xuất hiện ở đủ loại dạng vây như đuôi tưa MG, plakat MG, halfmoon MG… chúng ta cũng thấy màu đồng xuất hiện ở đủ loại dạng vây như halfmoon màu đồng, HMPK màu đồng…

Tóm lại, màu sắc và dạng vây có quan hệ hữu cơ với nhau. Một dạng vây mới xuất hiện sẽ kéo theo sự xuất hiện của các loại màu sắc ở dạng vây đó và ngược lại.

*********************************************

[size=5]Cá betta khổng lồ (giant betta)[/size]
Các nhà lai tạo Thái Lan đã lai tuyển chọn dòng cá này trong ba năm trước khi đem trưng bày tại triển lãm IBC vào năm 2002. Đây là xu hướng lai tạo tập trung vào kích thước thay vì màu sắc và dạng vây. Cá betta khổng lồ có kích thước 14-17 cm, gấp đôi so với cá betta bình thường . Hiện tại, cá betta khổng lồ đang được phát triển với những màu sắc và dạng vây khác nhau. Tuy nhiên, trái với mong đợi của nhiều người, cá betta với kích thước thật lớn lại không duy trì được màu sắc và sự linh hoạt vốn có của chúng. Mặt khác, để cá đạt kích thước tối đa, người nuôi cần duy trì một chế độ chăm sóc và dinh dưỡng đặc biệt. Đó là những lý do hạn chế sự phát triển của dòng cá này.


[size=1]Cá betta khổng lồ với kích thước gấp đôi so với cá betta bình thường (nguồn www.bettysplendens.com).

[/size][size=6]Cá betta hoang dã[/size]


[size=1]Cá đực loài Betta macrostoma phô bầy vẻ đẹp rực rỡ trong mùa sinh sản (http://clearwateraquatics.biz).[/size]

Mọi người đã từng rất ấn tượng với sự đa dạng của cá betta cảnh. Nhưng khi tìm hiểu về thế giới cá betta hoang dã thì chúng ta có thể bị sốc vì có quá nhiều loài mà mỗi loài đều mang vẻ đẹp và sự cuốn hút riêng. Gen betta hoang dã cũng góp phần vào sự phát triển của các dòng cá betta cảnh hiện đại như metallic, mask và rồng (xin nhấn mạnh rằng cá betta cảnh chỉ bắt nguồn từ một nhóm nhỏ các loài betta hoang dã mà thôi). Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi phong trào nuôi cá betta hoang dã đang phát triển mạnh mẽ và thu hút sự quan tâm của một bộ phận những người nuôi cá cảnh trên thế giới. Gần đây, IBC đã cập nhật cá betta hoang dã vào danh sách các thể loại triển lãm của mình và tài trợ cho dự án bảo tồn các loài betta hoang dã ngoài môi trường tự nhiên.

Hiện có đến gần 70 loài cá betta hoang dã phân bố ở vùng Đông Nam Á đã được phát hiện và mô tả. Chúng đã tiến hóa và thích nghi với những môi trường khác nhau, từ đầm lầy nước lợ ở Mahachai, đầm than bùn nước đen ở Selangor đến vùng nước cứng ở Krabi. Một số loài lại thích nghi với môi trường có dòng chảy nhất định và hành vi sinh sản cũng tiến hóa từ xây tổ bọt thành ấp miệng. Do vậy, nhằm phục vụ cho mục đích nghiên cứu, các nhà khoa học đã chia các loài cá betta hoang dã thành nhiều nhóm nhỏ dựa trên những đặc điểm chung về hình thức sinh sản, địa bàn phân bố, hình dạng… tuy rằng trong mỗi nhóm có thể tồn tại một số ngoại lệ.

Để nuôi dưỡng thành công các loài hoang dã, người nuôi cần hiểu rõ về môi trường sinh sống tự nhiên và khả năng thích nghi của chúng rồi mô phỏng hồ nuôi sao cho càng giống càng tốt. Vì vậy, việc nắm rõ các phân nhóm và những thông tin liên quan đến chúng là rất cần thiết. Mặt khác, một trong những “tiêu chuẩn” của cá hoang dã là phải đảm bảo tính thuần chủng, vì vậy chúng ta cần theo sát các mô tả về loài để hỗ trợ cho việc nhận dạng. Tuy nhiên, có rất nhiều loài bề ngoài tương tự như nhau nên cần kết hợp với địa bàn phân bố để nhận dạng được chính xác hơn. Người nuôi nên tìm hiểu về xuất xứ của cá từ nguồn cung cấp, hãy mua cá từ những nguồn cung cấp đáng tin cậy và đừng bao giờ lai tạo cá không rõ nguồn gốc.

Cá betta hoang dã được chia làm 2 nhóm lớn là các loài xây tổ bọt và các loài ấp miệng. Trong mỗi nhóm lớn lại phân thành nhiều nhóm nhỏ hơn, tổng cộng chúng ta có từ 12 đến 15 nhóm tùy theo mỗi tác giả. Cách phân nhóm dưới đây dựa theo công trình nghiên cứu về cá betta hoang dã ở Singapore, Malaysia và Brunei của tiến sĩ Tan Heok Hui và Peter Ng ở Đại học quốc gia Singapore. Các tác giả đã có đóng góp rất quan trọng trong việc sắp xếp lại chi cá betta và xác định thêm nhiều loài mới (23 loài vào năm 2005 và 6 loài vào năm 2006).


[size=1](Trái) Hình vẽ cá betta trưởng thành: i) sọc trước mắt, ii) sọc ở cằm, iii) sọc sau mắt, iv) sọc sau mắt thứ hai, v) sọc giữa, vi) sọc giữa thứ hai, vii) chấm ở gốc đuôi. (Phải) Những sọc ngang trên đuôi (cũng xuất hiện ở vây lưng và vây hậu môn) (Tan & Ng, 2005).[/size]

[size=4]Các loài làm tổ bọt[/size]

Nhóm splendens: đây là nhóm betta thông dụng nhất bao gồm các loài imbellis, smaragdina, splendens, stiktos và sp. Mahachai (lưu ý rằng nhóm này là tổ tiên của tất cả cá betta cảnh hiện đại). Tất cả đều thích hợp với nước mềm và hơi có tính acid ngoại trừ loài sp. Mahachai thích hợp với nước cứng, có tính kiềm và độ mặn. Nhóm này có thể thích nghi tốt với hầu hết các loại nước. Tốt nhất nên nuôi riêng chúng trong các hồ có trồng cây thủy sinh làm nơi trú ẩn. Cũng có thể thay thế cây thủy sinh bằng rong nhựa. Một số cá thể rất nhút nhát và một số cá thể hoang dã có thói quen rình mồi và chỉ rời khỏi nơi ẩn náu để kiếm ăn một khi cảm thấy an toàn. Hầu hết được nuôi bằng thực phẩm tươi sống cho đến khi trưởng thành. Để cặp cá sinh sản tốt, chúng nên được nuôi trong hồ có dung tích cỡ 45 lít và đổ một nửa nước. Tất cả các loài đều sinh sản tương tự theo cách chung của loài splendens ngoại trừ loài sp. Mahachai. Cá Mahachai cái thường kẹp vây bụng để giữ trứng khỏi rớt xuống và cá đực sẽ đớp trứng nằm trên vây của nó. Điểm khác biệt nữa đó là cá đực thường xây một cái tổ phụ và sau khi sinh sản sẽ chuyển toàn bộ trứng từ tổ bọt này sang tổ bọt kia.


[size=1]Dạng đuôi hình tròn ở Betta imbellis với những tia màu xanh hình nan quạt (a), đặc điểm đặc trưng của nhóm splendens. So sánh với dạng đuôi hình mũi giáo ở Betta pugnax (b) và Betta pulchra © (Tan & Ng, 2005).[/size]

Betta imbellis Ladiges, 1975 (crescent betta): Thái Lan (miền nam); Malaysia (Selangor, Pulau Pinang, Perak, Kedah, Terengganu, Johor); Singapore; Sumatra (miền bắc), Việt Nam (miền nam)
Betta smaragdina Ladiges, 1972 (blue betta): Thái Lan (miền đông bắc)
Betta splendens Regan, 1910 (Siamese fighting fish): Thái Lan (miền trung), Việt Nam (miền nam)
Betta stiktos Tan & Ng, 2005: Campuchia

Betta sp. Mahachai: Thái Lan (gần Bangkok)

Nhóm coccina: nhóm cá đá màu đỏ có đông thành viên nhất. Có hai loài được xác định là loài ấp miệng trong khi đa số là các loài xây tổ bọt chìm. Chúng gồm các loài brownorum, burdigala, coccina, livida, miniopinna, persephone, rutilans, tussyae, uberis và sp. Sukadana. Chúng thường sống trong các đầm than bùn nơi có độ pH từ 3.9 đến 6.5, kích thước tối đa 4-6 cm. Nhiều loài lưu hành trên thị trường thường bị nhiễm ký sinh, chủ yếu là từ môi trường nuôi nhốt chứ không phải từ môi trường tự nhiên. Bởi vì đa số chưa từng bị nhiễm những loại bệnh ký sinh này nên chúng rất dễ bị chết. Chúng có thể được nuôi trong môi trường nước trung hòa hặc hơi có tính acid mà không có vấn đề gì, để duy trì môi trường tốt nhất nên sử dụng bộ lọc sinh học. Đa số các loài có thể thích nghi với thức ăn viên một cách dễ dàng nhưng một số đòi hỏi phải tập dần từ thức ăn tươi sang thức ăn đông lạnh rồi mới đến thức ăn viên. Tốt nhất chúng nên được nuôi trong hồ riêng với nhiều chỗ trú ẩn và thật nhiều rong. Môi trường sinh sống tự nhiên của chúng vốn cằn cỗi với rất ít cây thủy sinh ngoại trừ cryptocorne và thực vật nổi, nơi chúng chủ yếu săn các loại côn trùng rơi trên mặt nước như kiến và bọ có cánh. Nhiều loài sinh sản theo từng cặp nhưng đôi khi cần thả thêm con cá đực lạ vào để kích thích cá đực chuyển sang trạng thái bảo vệ lãnh thổ cần thiết cho việc sinh sản. Đôi khi, chỉ cần 5 lít nước với một ít nước lá bàng cũng đủ để kích thích cho cá sinh sản. Cá đực thường chọn những vị trí tối và sâu để đẻ trứng chẳng hạn như bên dưới các tán lá cryptocorne rộng. Cá bột được cho ăn trùn dấm, sau đó một tuần chuyển sang ấu trùng artemia. Cá bột lớn rất chậm, chỉ đạt kích thước trưởng thành sau 1 năm.


[size=1](Trên) Loài Betta livida với chấm đen giữa thân. (Dưới) Hình vẽ đầu của loài Betta lehi với sọc sau mắt thứ hai bị đứt khúc thành nhiều chấm đen (Tan & Ng, 2005).[/size]

Betta brownorum Witte & Schimdt, 1992: Sarawak (Sibu, Matang); Kalimantan Barat
Betta burdigala Kottelat & Ng, 1994: Sumatra (Bangka Island)
Betta coccina Vierke, 1979: Sumatra (Jambi, Riau); Malaysia (Johor)
Betta livida Ng & Kottelat, 1992: Malaysia (Selangor)
Betta miniopinna Tan & Tan, 1994: Sumatra (Riau – Bintan Island)
Betta persephone Schaller, 1986: Malaysia (Johor)
Betta rutilans Witte & Kottelat, 1991: Kalimantan Barat (Kapuas)
Betta tussyae Schaller, 1985: Malaysia (Pahang)
Betta uberis Tan & Ng, 2006: Kalimantan Tengah (Pangkalabun)

Betta sp. Sukadana: Sukadana, Kalimantan


[size=1]Cá đực loài Betta burdigala đang chăm sóc cá bột nằm trên tổ bọt chìm (tức chúng chọn những bề mặt chìm trong nước để xây tổ bọt) (www.petfrd.com).[/size]

Nhóm bellica: những loài cá to lớn này hiếm khi được nuôi dưỡng trong hồ cảnh, chúng có thể lớn tối đa đến 12 cm nhưng đa số chỉ đạt xấp xỉ 10 cm. Nhóm này có hai loài là bellica và simorum, cách nuôi dưỡng cũng tương tự như nhau. Cá đực thường to lớn hơn và đuôi có chóp, cá cái có bụng tròn căng. Bởi vì cá lớn nên hồ nuôi nên có dung tích cỡ 90 lít hay lớn hơn. Những loài này nhả bọt lớn vì vậy nên thả thêm thủy cúc (water sprite) để hỗ trợ tổ bọt. Chúng thích hợp với nước trung hòa và mềm. Để kích thích cá sinh sản, nên tăng nhiệt độ nước từ 26 đến 32 độ C. Không nên tăng nhiệt độ lên quá 32 độ C đối với mọi loài cá hoang dã.

Betta bellica Sauvage, 1884 (slim betta): Malaysia (Selangor, Perak, Pahang, Johor); Sumatra (North)
Betta simorum Tan & Ng, 1996: Sumatra (Jambi, Riau, South Sumatra)

[size=4]Các loài ấp miệng[/size]

Nhóm picta: nhóm loài này phổ biến nhất trên thị trường cá cảnh bao gồm các loài falx, pallida, picta, simplex, taeniata và edithae. Đa số đều không vượt quá 5 cm, taeniata đạt xấp xỉ 7 cm trong khi edithae có thể đạt đến 10 cm. Những loài này đều thích nghi dễ dàng với môi trường hồ nuôi ngoại trừ loài taeniata. Chúng cũng ăn cả thức ăn chế biến nhưng thức ăn tươi và đông lạnh kích thích chúng sinh sản. Hồ ép có dung tích khoảng 45 lít và duy trì ở nhiệt độ khoảng 24 độ C. Hồ phải bố trí hang trú ẩn cho cá khi cần thiết và nên có cây thủy sinh. Sự bắt cặp diễn ra trong vài ngày khi cá đực ve vãn cá cái. Khi cá cãi đã sẵn sàng, nó dụ cá đực cắn vào đuôi và cả hai cuộn lấy nhau dưới đáy hồ. Cặp cá sẽ cuộn với nhau nhiều lần cho đến khi cá cái đẻ trứng. Khi trứng xuất hiện, cá cái sẽ đớp vào miệng và nhả ra để cá đực đớp lấy. Khi cá đực đã ngậm trứng cả hai lại tiếp tục cuộn lấy nhau. Quá trình sinh sản diễn ra cả ngày. Loài taeniata có thể đẻ đến 300 trứng mỗi lần sinh sản. Việc ấp trứng diễn ra từ 9 đến 12 ngày, thường là 10 ngày, riêng loài edithae thường ấp từ 7 đến 10 ngày. Cá cái nên được bắt ra sau khi đẻ trứng vì nó có thể bắt đầu sinh sản nữa khiến cá đực nuốt trứng hoặc bỏ rơi cá con. Những loài này rất nhạy cảm với độ pH và độ cứng nên cần xử lý nước trước khi thay. Loài taeniata rất dễ đổ bệnh nếu nước để nước bị dơ.


[size=1]Hình vẽ cá thể Betta taeniata trưởng thành với những viền ánh kim sậm màu trên các vây lẻ (Tan & Ng, 2005).[/size]

Betta falx Tan & Kottelat, 1998: Sumatra (Jambi, Sumatra Utara)
Betta pallida Schindler & Schmidt, 2004: Thái Lan (Narathiwat)
Betta picta (Valenciennes,in Cuvier & Valenciennes, 1846) (spotted betta): Java (Bogor, Bandung, Yogjakarta)
Betta simplex Kottelat, 1994: Thái Lan (Krabi)
Betta taeniata Regan, 1910 (Borneo betta): Sarawak (Serian, Sri Aman); Kalimantan Barat (Kapuas)

Betta edithae Vierke, 1984: Kalimantan Selatan, Tengah và Barat; Sumatra (Riau – Bintan Island, Bangka, Biliton)

Nhóm pugnax: nhóm này cũng phổ biến trên thị trường cá cảnh và to hơn nhóm picta với một vài loài đạt đến 12 cm. Nhóm bao gồm các loài breviobesus, enisae, fusca, prima, pugnax, pulchra, schalleri, apollon, cracens, ferox, lehi, raja, stigmosa và sp. BungBinh. Những loài này thường có màu nâu với ánh kim xanh và vàng. Cá đực thường có đuôi hình lưỡi giáo, các vây hậu môn và vây bụng dài. Cặp cá giống cần nuôi trong hồ có dung tích 90 lít bố trí nhiều cây thủy sinh, chậu trồng cây, ống và co PVC để làm chỗ trú ẩn. Cá đực thường ve vãn cá cái như các loài ở nhóm picta, khi cá cái sẵn sàng nó sẽ cắn đuôi cá đực. Ở một số loài, cá đực không chịu sinh sản sẽ bị cá cái cắn chết và cá cái cũng rất hung dữ, thường săn đuổi và cắn chết cá lạ xâm nhập lãnh thổ. Loài này thường ấp trứng trong 14 ngày nhưng cũng có thể kéo dài đến 21 ngày tùy vào nhiệt độ nước. Thường thì cá bố mẹ không quan tâm đến cá bột nếu chúng được nuôi trong hồ có nhiều cây thủy sinh. Cá bột đủ to để ăn ấu trùng artemia và thường mất trung bình 1 năm để đạt đến kích thước trưởng thành.


[size=1]Hình vẽ ngang và mặt dưới đầu của loài Betta stigmosa (Tan & Ng, 2005).[/size]

Betta breviobesus Tan & Kottelat, 1998: Kalimantan Barat (Kapuas)
Betta enisae Kottelat, 1995: Kalimantan Barat (Kapuas)
Betta fusca Regan, 1910 (dusky betta): Sumatra (miền bắc)
Betta prima Kottelat, 1994: Thái Lan (miền đông); Campuchia (miền tây)
Betta pugnax Cantor, 1850 (Penang betta): Malaysia (Pulau Pinang, Kedah, Terengganu, Pahang, Selangor, Johor), Singapore; Sumatra (Riau, Jambi) Indonesia (Anambas)
Betta pulchra Tan & Tan, 1996: Malaysia (Johor)
Betta schalleri Kottelat & Ng, 1994: Sumatra (Bangka Island)

Betta apollon Schindler & Schmidt, 2006: Thái Lan
Betta cracens Tan & Ng, 2005: Sumatra (Jambi)
Betta ferox Schindler & Schmidt, 2006: Thái Lan
Betta lehi Tan & Ng, 2005: Sarawak (Lundu), Kalimantan Barat (Kapuas)
Betta raja Tan & Ng, 2005: Sumatra (Jambi)
Betta stigmosa Tan & Ng, 2005: Malaysia (Terengganu)
Betta sp. BungBinh: Việt Nam (miền nam)

Nhóm waseri: đây là những con betta lớn “màu vàng”, luôn hiện diện ngoài thị trường, vài loài dài đến 12 cm nhưng hầu hết nhỏ hơn một chút. Nhóm bao gồm các loài chloropharynx, hipposideros, pi, renata, spilotogena, tomi và waseri. Chúng được xác định dựa vào các dấu vết trên mặt và địa bàn phân bố. Nhiều loài phân bố trong các vùng nước đen có độ pH nhỏ hơn 5.5. Hầu hết đều có thể thích nghi với mọi loại nước tuy nhiên chúng sinh sản trong nước mềm và đôi khi việc giảm độ pH bằng nước lá bàng sẽ kích thích cá sinh sản. Hồ nuôi phải rộng trên 135 lít là tốt nhất. Chúng hoàn toàn hòa hợp với nhau mà ít khi thể hiện sự hung dữ như những loài khác. Mỗi lần cá đẻ từ 100 đến 200 trứng, cá bột rất lớn và có thể ăn ấu trùng artemia ngay.


[size=1]Hoa văn trên cằm các loài thuộc nhóm waseri: a)Betta waseri, b)Betta hipposideros, c)Betta tomi, d)Betta spilotogena, e)Betta chloropharynx, f)Betta renata, g)Betta pi, h)màu và hình dạng mắt giống nhau (Tan & Ng, 2005).[/size]

Betta chloropharynx Kottelat & Ng, 1994: Sumatra (Bangka Island)
Betta hipposideros Ng & Kottelat, 1994: Malaysia (Selangor); Sumatra (Riau)
Betta pi Tan, 1998: Thái Lan (miền nam – Sungai Kolok); Malaysia (Kelantan)
Betta renata Tan, 1998: Sumatra (Jambi, South Sumatra)
Betta spilotogena Ng & Kottelat, 1994: Sumatra (Riau – Bintan Island, Singkep)
Betta tomi Ng & Kottelat, 1994: Malaysia (Johor)
Betta waseri Krummenacher, 1986: Malaysia (Pahang, Terengganu, Kuantan)

Nhóm akarensis: đây là những con betta lớn đến 14.5 cm với màu ánh kim xanh và vàng. Chúng gồm các loài akarensis, antoni, balunga, chini, ibanorum, pinguis, aurigans và obscura. Chúng được xác định dựa vào các vệt trên mặt và địa bàn phân bố. Cũng có những loài kích thước trung bình từ 7.2 đến 12 cm. Một số loài xuất xứ từ vùng nước đen và những loài khác từ vùng nước trung hòa. Chúng thích nghi với đủ loại thức ăn tuy nhiên, để kích thích cá sinh sản thì tốt nhất nên nuôi chúng bằng thức ăn tươi sống. Cá cái khởi đầu quá trình sinh sản bằng cách thúc vào đuôi cá đực. Cá đực thường ấp trứng từ 12 đến 15 ngày. Hầu hết các loài đều đẻ khoảng 100 trứng ngoại trừ loài chini chỉ đẻ 40-50 trứng, cá bột có thể ăn ấu trùng artemia ngay. Hồ sinh sản nên bố trí nước mềm, độ pH từ trung hòa đến hơi acid. Chất lượng nước rất quan trọng đối với chúng cho nên bộ lọc phải thật tốt. Các loài thuộc nhóm này sinh sản ở trong hang, tầng nước giữa. Giống như những loài khác, hồ nên được đậy kín, dán giấy hay thả rong để giảm bớt ánh sáng chiếu vào.


[size=1]Hoa văn trên nắp mang các loài thuộc nhóm akarensis: a)Betta akarensis, b)Betta balunga, c)Betta chini, d)Betta pinguis, e)Betta ibanorumBetta aurigans, f)Betta obscura (Tan & Ng, 2005).[/size]

Betta akarensis Regan, 1910 (akar betta): Sarawak & Brunei (Belait, Tutong và Bandar Seri Begawan)
Betta antoni Tan & Ng, 2006: Kalimantan Barat (Sanggau)
Betta balunga Herre, 1940: Sabah (Tawau); Kalimantan Timur (Sebuku, Mahakam)
Betta chini Ng, 1993: Sabah (Beaufort)
Betta ibanorum Tan & Ng, 2004: Sarawak
Betta pinguis Tan & Kottelat, 1998; Kalimantan Barat (Kapuas)

Betta aurigans Tan & Lim, 2004: Indonesia (Natuna Besar)
Betta obscura Tan & Ng, 2005: Kalimantan Tengah (Barito)

Nhóm unimaculata: bao gồm các loài compuncta, ideii, macrostoma, ocellata, patoti, unimaculata, gladiator và pallifina. Đây là những con betta lớn, thuôn và dài đến 14.5 cm. Chúng nhảy rất dữ. Ngoài tự nhiên, chúng sống trong môi trường có dòng chảy với độ pH biến thiên từ kiềm đến acid. Chúng thích nghi tốt trong hồ cảnh và giống như nhóm waseri, chúng có thể nhận ra người nuôi. Nhóm cá này rất tò mò và có thể rất hung dữ. Betta gladiator, như tên gọi, là loài không chấp nhận bất cứ loài nào khác hiện diện trong lãnh thổ của chúng. Ở nhóm này, được biết cá cái phụ thuộc vào cá đực và lãnh thổ của nó trong và sau khi sinh sản. Chúng thích nghi tốt với môi trường nuôi dưỡng và đủ loại chất lượng nước. Betta macrostoma rất nhạy cảm trong quá trình xử lý thích nghi. Để xử lý macrostoma, sử dụng nước muối và ống hút, châm thêm 1/4 lít nước muối sau mỗi 15 phút và kéo dài trong 4 giờ. Sau đó bắt chúng ra và đem nuôi ở bất kỳ loại nước nào miễn là sạch sẽ và được lọc tốt. Nên nuôi loài này theo từng cặp và không để nơi đông người. Hồ nên được bố trí nhiều hang hốc và cây thủy sinh để chúng cảm thấy được an toàn. Sinh sản diễn ra theo phương thức thông thường của các loài ấp miệng và cá đực ấp trứng trong khoảng 10 ngày. Cá đực rất nhạy cảm trong khi ấp vì vậy nên đậy kín hồ và thỉnh thoảng kiểm tra để không làm chúng hoảng sợ. Cá bột có thể đạt đến kích thước trưởng thành từ 6 tháng đến 1 năm.


[size=1](a) Vây lưng có các chấm ở loài Betta macrostoma. Mặt trên, ngang và mặt dưới đầu của loài (b) Betta unimaculata và loài © Betta ocellata (Tan & Ng, 2005).[/size]

Betta compuncta Tan & Ng, 2006: Kalimantan Timur
Betta ideii Tan & Ng, 2006: Kalimantan Selatan
Betta macrostoma Regan, 1910 (spotfin betta): Sarawak (Marudi, Niah); Brunei (quận Belait)
Betta ocellata de Beaufort, 1933: Sabah (Sandakan, Kinabatangan, Lahad Datu, Tawau); Kalimantan Timur (Sebuku)
Betta patoti Weber & de Beaufort, 1922: Kalimantan Timur (Balikpapan, Samarinda)
Betta unimaculata Popta, 1905 (Howong betta): Kalimantan Timur (Kayan, Howong)

Betta gladiator Tan & Ng, 2005: Sabah (Maliau Basin)
Betta pallifina Schindler & Schmidt, 2004: Kalimantan Tengah (thượng nguồn sông Barito)

Nhóm albimarginata: hiện chỉ có hai loài là albimarginata và channoides, tuy nhiên có rất nhiều nhóm cá thể với những đặc điểm khác biệt nên chúng có thể được xếp thành những loài riêng biệt vào một ngày không xa. Nguyên tắc chung đó là nếu bạn có thông tin về một loài địa phương thì không nên gộp chung với loài tương tự nhưng không rõ nguồn gốc trừ khi không còn lựa chọn nào khác. Những loài này xuất xứ từ vùng nước đen nhưng môi trường nuôi dưỡng không bắt buộc phải giống vậy. Loài albimarginata có thể thích nghi với mọi loại nước nhưng thích hợp nhất với nước mềm và có tính acid. Loài channoides cần ion sắt trong nước để chúng mạnh khỏe. Không nên cho chúng ăn thức ăn viên. Chúng là loài ăn uống có lựa chọn chứ không ăn tạp. Thức ăn tươi sống như bo bo và trùn cám rất thích hợp. Những loài này được yêu thích bởi vì màu sắc nổi bật của chúng, khi sinh sản cá đực trở nên rực rỡ đến mức khó tin. Chúng thích hợp với hồ có bố trí nhiều cây thủy sinh và chậu trồng cây để trú ẩn. Cặp cá sinh sản dưới đáy hồ và quá trình diễn ra trong nửa ngày. Trứng được ấp khoảng 2 tuần. Cá đực nên được bẫy và bắt ra sau một tuần.


[size=1]Loài Betta channoides bắt cặp và sinh sản dưới đáy hồ. Sau đó cá đực ngậm và ấp trứng trong miệng. Đây là hình thức sinh sản tiến hóa từ hình thức sinh sản bằng tổ bọt (www.ikanpemburu.com).[/size]

Betta albimarginata Kottelat & Ng, 1994: Kalimantan Timur (Sebuku)
Betta channoides Kottelat & Ng, 1994: Kalimantan Timur (Mahakam)

Nhóm foerschi: những loài này xuất xứ từ vùng nước đen và có thể khó thích nghi với hồ nuôi. Chúng thích hợp với nước hơi acid nhưng cũng sinh sản ở điều kiện bình thường. Kích thước hồ càng lớn càng tốt, nên từ 45 lít đến 90 lít, hồ cần được lọc tốt và chúng cũng thích vụn lá ở đáy hồ. Chúng bao gồm các loài foerschi, mandor, rubra và strohi. Các loài foerschi, mandor và strohi đôi khi xuất hiện trên thị trường nhưng loài rubra chỉ tồn tại trong các bộ sưu tập bảo tàng và chưa từng xuất hiện ngoài thị trường. Những loài này thường đạt đến kích thước 5 cm. Chúng thường đẻ khoảng 40 trứng và ấp trong vòng 2 tuần, cá bột có thể ăn ấu trùng artemia ngay.

Betta foerschi Vierke, 1979: Kalimantan Tengah (Mentaya)
Betta mandor Tan & Ng, 2006: Kalimantan Barat (Mandor)
Betta rubra Perugia, 1893 (toba betta): Sumatra (North Sumatra, Aceh)
Betta strohi Schaller & Kottelat, 1989: Kalimantan Tengah (Sukamara)

Nhóm dimidiata:
Betta dimidiata Roberts, 1989: Kalimantan Barat (Kapuas)
Betta krataios Tan & Ng, 2006: Kalimantan Barat (Pontianak, Sanggau, Mandor)

Nhóm anabatoides:
Betta anabatoides Bleeker, 1851 (giant betta): Kalimantan Selatan and Tengah (lưu ý: loài cá hoang dã này cũng được gọi là "giant betta", kích thước 12 cm. Một số người có thể lẫn lộn nó với cá "giant betta" thuần dưỡng tức cá betta khổng lồ như đã đề cập ở trên. Đây chỉ là tên gọi mà thôi vì có rất nhiều loài betta hoang dã có kích thước tương đương hoặc lớn hơn Betta anabatoides).


[size=1]Betta mandor, loài betta mới được công nhận vào năm 2006 (www.ikanpemburu.com).[/size]

[size=6]Những dạng đuôi khác[/size]

Đuôi quạt (roundtail)


(V. Parnell)

Trong nhiều năm trời, dạng cá đuôi quạt thường đoạt giải trong các cuộc triển lãm của IBC. Trước khi cá halfmoon xuất hiện, cá đuôi quạt là dạng cá đuôi đơn đối xứng nhất và được các trọng tài rất ưu ái. Dù dạng đuôi này vẫn còn khá phổ biến nhưng chúng hiếm khi được gọi bằng đúng tên của mình. Đuôi quạt là dạng betta đuôi đơn với cạnh đuôi tròn và thường bị nhầm với cá đuôi delta, hay thậm chí super delta. Thậm chí dù không bị định danh sai, chúng cũng không được xếp vào thể loại đuôi quạt mà vào thể loại đuôi đơn.

Đuôi át bích (spadetail)


(V. Parnell)

Ngày nay, người ta ít thấy dạng đuôi này dù rằng chúng rất phổ biến hồi tôi bắt đầu chơi cá betta đầu những năm 1990. Đây là dạng đuôi cơ bản; phần gốc đuôi rộng và kéo dài thành chóp nhọn giống như con át bích. Nó là dạng đuôi voan đối xứng và một số lượng nhỏ có thể xuất hiện trong bầy đuôi voan. Cá đuôi voan đực non thường trông giống cá đuôi át bích cho đến khi chúng phát triển hoàn toàn, trọng lượng của đuôi khiến chóp đuôi rơi xuống và trở thành dạng cá đuôi voan bình thường. Cá đuôi át bích chính hiệu sẽ duy trì hình dạng át bích suốt đời. Gen này không thuần.

Đuôi voan (veiltail)


(J. Sonnier)

Nếu bạn mua cá betta từ tiệm cá, thì đây là dạng đuôi luôn có sẵn. Đuôi voan đơn giản là dạng đuôi dài hơn so với cá hoang dã đuôi dài [1]. Đuôi cong và rủ xuống, vây lưng nhỏ, hẹp và vây hậu môn dài. Mặc dù nhiều con trông rất đẹp nhưng chúng không được coi là dạng cá betta hiện đại với bộ vây đối xứng và giương rộng. Đa số các tiệm cá nhập sỉ loại cá này từ nước ngoài. Cá đuôi voan thích hợp một cách tuyệt vời khi sản xuất với số lượng lớn bởi vì các nhà lai tạo trong các trang trại rộng lớn ở châu Á có thể sản xuất thật nhiều để cung cấp cho thị trường Mỹ và châu Âu mà không cần phải tuyển chọn màu sắc và vây. Cá đuôi voan có gen “hỗn tạp”, nhiều con là kết quả sinh sản một cách tự nhiên trong ao. Màu của chúng thường bị lem và hình dáng xấu nên không thể dùng làm cá giống và chỉ nuôi để làm cảnh. Nhìn vào khía cạnh tích cực, cá đuôi voan có sức chịu đựng và chống chọi với bệnh tật tốt hơn những dạng betta triển lãm khác, dường như nhờ sự kết hợp giữa việc chọn lọc tự nhiên (những con mạnh khỏe mới sống sót) và không bị lai đồng huyết.

Bởi vì đuôi voan là gen trội, không nên lai chúng với những dạng cá triển lãm. Bầy lai thường tạo ra 100% cá đuôi voan. Cá betta cái trong các tiệm cá cảnh thường khiến người mua bị nhầm lẫn vì đuôi của chúng không dài thậm thượt như cá đuôi voan đực. Tuy nhiên, cá đuôi voan cái sẽ không có tia vây phân nhánh quá tia nhị cấp, và nếu bạn mua cá betta cảnh cái từ tiệm cá, nơi cũng bán cả cá đuôi voan, thì điều này cho thấy rằng đó chính là cá đuôi voan cái.

Bởi vì IBC đòi hỏi sự đối xứng ở các cá thể tham dự triển lãm, cá đuôi voan không còn được công nhận như là một thể loại đuôi triển lãm nữa. Chúng chỉ có thể được tham dự với thể loại betta thú cưng (Pet Betta Class) và thể loại tự do (Finnage and Form Variations).

Đuôi delta


(V. Parnell)

Đuôi delta là thuật ngữ thường được sử dụng một cách nhầm lẫn để gọi bất kỳ con cá đuôi đơn nào không phải là halfmoon. Cá delta chánh hiệu có cạnh đuôi thẳng như halfmoon nhưng góc xòe của đuôi nhỏ hơn so với halfmoon. Đặc điểm đuôi delta được di truyền một cách ổn định, nghĩa là khi lai cá delta với nhau sẽ tạo ra toàn cá delta, với một vài con super delta và thậm chí cả halfmoon.

Đuôi super delta


(V. Parnell)

Đuôi super delta là dạng cải tiến của đuôi delta và một số gần đạt halfmoon. Đây là dạng đuôi rất đẹp và đôi khi được chuộng hơn halfmoon, bởi vì đuôi không bị sụp, hay bơi lội và sinh sản khó khăn, hay nổ đuôi. Chúng cũng dễ kiếm hơn so với halfmoon và thường tạo ra halfmoon nếu xuất phát từ một bầy halfmoon.

Đuôi hoa (rosetail)



Thông qua việc tuyển chọn tia vây phân nhánh và cạnh đuôi thẳng nhằm lai tạo cá halfmoon hoàn hảo, dạng cá này xuất hiện ngày càng nhiều. Đặc điểm chính của cá đuôi hoa đó là tia vây trên các vây lẻ phân nhánh cực mạnh, đặc biệt là ở đuôi khiến nó trông như “cánh hoa”. Dạng đuôi cực hoa có thể tạo ra cá betta “lông vũ” độc đáo. Các nhà lai tạo sử dụng cá đuôi hoa để lai với dòng halfmoon của mình cần đặc biệt cẩn trọng bởi vì – cá không thể bơi lội bình thường hay được di truyền gen đột biến gọi là “gen X” – vảy xấu, vây bụng ngắn, màu nhợt nhạt và sụp đuôi.

Over halfmoon (quá bán nguyệt)


(S. Khumhom)

Over Halfmoon (OHM) là dạng phát triển quá mức của halfmoon – góc đuôi xòe lớn hơn 180 độ và có hình con sò với các cạnh đổ về phía thân. Cá có đuôi hơi lớn hơn 180 độ không được khuyến khích hoặc bị coi là lỗi dựa trên các tiêu chuẩn đánh giá của IBC so với cá có góc đuôi xòe đủ 180 độ.

Một dạng phổ biến khác của halfmoon nhưng khác với các dạng kể trên, đôi khi được gọi là “fullmoon” (trăng rằm). Đây là dạng cá đuôi kép mà cạnh trên của thùy trên và cạnh dưới của thùy dưới tạo thành một góc 180 độ hay nhiều hơn. Nếu mọi yếu tố là như nhau, cá fullmoon cũng được đánh giá như những con betta đuôi kép khác bởi fullmoon chính là cá halfmoon đuôi kép (DTHM). Chúng rất thích hợp để lai vào dòng halfmoon nhằm cải thiện kích thước vây lưng mà không làm ảnh hưởng đến hình dạng của đuôi.

Nguồn diễn đàn cá cảnh . com :d
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)