>> Hồng Sơn: 'Gia đình chiếm 60% thành công của tôi'
>> Các cầu thủ xứ Nghệ hy sinh như thế nào?
>> Vợ thủ môn Hồng Sơn: 'Tôi rất tự hào về anh ấy'
Vậy đó, “người nhện” trước khung thành tuyển VN trông mặt thì ngầu nhưng lại rất nghịch ngợm và lém lỉnh. Hỏi chuyện đời, Sơn “chuyền bóng” cho vợ, và dặn dò: “Chỉ được nói… 1 phút thôi đấy nhé, để bà xã còn cho con bú”.
Lấy nhau từ mối tình đầu
Sơn và bà xã phải lòng nhau từ cái hồi “hai đứa” mới học gần xong cấp II (năm 1997). Lúc đấy Sơn mới 15, còn nàng 14. Chẳng phải tình yêu sét đánh mà chỉ vì nhà gần nhau, bỗng dưng một ngày kia thấy nhơ nhớ, thinh thích “người ấy”. “Anh ý lém lắm và toàn bầy những trò nghịch ngầm thôi. Người chi mà nhắng quá thể!” – Bích Huệ, vợ Sơn, cười rinh rích qua điện thoại.
Thế cuộc tình từ thuở học trò có bị thử thách nhiều không? “Vừa nhận lời yêu đã phải xa nhau. Em học ở Quỳnh Lưu, anh Sơn vào Vinh tập luyện. Đến khi em vào cấp II thì Sơn lại ra Hà Nội. Mãi đến SEA Games 23 mới gần nhau được một tí. Vì ít gặp nên chẳng mấy khi giận nhau. Cãi nhau chí chóe được vài tiếng lại gọi điện làm lành. Cùng vì quá hiểu và tin nên chưa ghen tuông bao giờ”. Còn Sơn thì… than: “Chẳng ai “khổ” như tôi, không kịp yêu nhiều, lấy vợ từ mối tình đầu”.
Yêu nhau khoảng gần 10 năm thì cưới, mà lại vào hoàn cảnh rất bất ngờ. Số là Sơn đầu năm 2005 bị nhận án kỷ luật của CLB, treo giò 10 tháng và bị đẩy xuống tập luyện vô hạn với đội trẻ (nhưng sau đó được giảm). Sơn đến nhà người yêu chơi, thấy mặt con rể tương lai cứ lầm lầm lì lì, ông bà nhạc tương lai liền gọi hai đứa và bảo hay chúng mày cưới béng đi. Thế là thành vợ thành chồng!
“Tiền án tiền sự”
Sự cố bị kỷ luật dẫn đến “sự cố” lấy vợ bắt nguồn từ sai lầm chết người của Hồng Sơn trong trận thua Đồng Tháp vòng 11 V – League. Trước mặt lãnh đạo từ tỉnh về, từ Sở sang, từ CLB xuống, Sơn đã phải đọc bản kiểm điểm dài 3 trang, tự nhận lỗi. Mà không chỉ có sự cố ấy. Trong cả năm 2004 vắt sang 2005 “anh Sơn nhà em dính mấy chưởng liền, chưởng nào cũng nặng”, Huệ kể. Tính Sơn nóng và hơi cục nên đôi khi không kìm chế được hành vi của mình. Chẳng hạn dùng cùi chỏ thúc vào một cầu thủ Thể Công ở bán kết Cúp quốc gia, trận đấu được truyền hình trực tiếp và cả làng cả nước được xem tỏ tường cú đánh trời giáng ấy. Sơn bị đuổi khỏi sân ngay lập tức còn Thể Công được hưởng phạt đền và thắng ngược lại với tỷ số 2 – 1. Lại một lần nữa trước mặt đầy đủ văn võ bá quan, Sơn đọc bản kiểm điểm nhưng lần này dài hơn - tới 5 trang - và bị treo giò.
Mùa giải 2005, vừa lượt đấu thứ hai, Sơn đã “biếu không” cho Hoàng Anh Gia Lai một bàn thắng và kết quả SLNA thua 1 – 3. Sang hai vòng tiếp theo, Sơn, Văn Quyến, Quốc Vượng… kêu đau, kêu chấn thương xin nghỉ thi đấu. SLNA đành phải chi một khoản tiền cử HLV phó Nguyễn Xuân Thủy mang “mấy ông” ra Hà Nội khám ở Viện Khoa học TDTT. Đích thân Viện trưởng Lê Ngọc Phượng thử test. Hôm đó, hàng ghế dài của Viện toàn thấy nói giọng Nghệ An. Quyến mang theo máy đồ chơi điện tử, bấm phùm phụp. Còn Sơn ngồi di di giày xuống sàn nhà. Lát sau, Viện trưởng gọi ông Thủy và báo chí vào kết luận: “Tất cả vẫn thi đấu được!”. Những trận sau, tất cả buộc phải ra sân nhưng cho đến lúc này, Sơn vẫn không phục: “Cái vai của tôi rất đau, bây giờ vẫn còn đau”.
Một lần suy sụp
Hạnh phúc bên vợ và con trai Vợ Sơn kể lại hậu án kỷ luật năm 2005 với vẻ hơi ấm ức: “Làm lễ cưới xong, hai vợ chồng đã lên kế hoạch đi tuần trăng mật ở Đà Lạt thì đùng một cái, anh Hữu Thắng đến nhà kêu: Mai Sơn ra đội để đi đá”. Cô vợ trẻ có thai, nhưng rất thương là lần đầu bị sẩy. Lần kế tiếp cũng sẩy. Suốt thời gian dài sau đó, vẫn không thấy đậu thai trở lại. Hai vợ chồng vừa buồn vừa lo. Một hôm, rủ nhau lên chùa cúng vái. “Khoảng 1 tuần sau thì em có bầu. Khỏi phải nói anh Sơn mừng thế nào”.
Cậu con trai Gia Bảo giờ đã được 4 tháng rưỡi. Hôm trước tôi gọi điện hỏi thăm thì thấy Sơn khoe tíu tít: “Giống bố như đúc”. Còn mẹ thì than: “Mới có tí tuổi mà nghịch lắm. Bắng nhắng lắm. Cái nết ấy chẳng của bố thì của ai!”.
Ấy thế mà lần đầu gặp Sơn cách đây đã mấy năm rồi, tôi lại thấy… sợ. Mặt mũi khó đăm đăm. Nhưng đến khi biết lâu thì úi trời, anh chàng đúng là tay pha trò số 1 trong số các tuyển thủ. “Bạn bè mới quen còn bảo em, sao chồng mày khó tính thế. Mọi người có biết đâu, cái người khó tính ấy có thể nói như liên thanh. Nhưng tính cách thì chững chạc, bản lĩnh lắm chị ạ. Em chỉ thấy duy nhất một lần anh ấy suy sụp là cái đận bị kỷ luật. Còn định bỏ bóng đá về lái xe vì gia đình em cho thuê ô tô. Nhưng bố mẹ em khuyên, đừng nản chí, nghề nào nghiệp đấy, có kiên nhẫn mới thành tài”, Huệ kể.
Vợ đẹp con khôn, xe xịn
Nói dại mồm, nếu hồi đó Sơn về lái xe thì bóng đá VN đã mất một thủ môn tài. Mà số Sơn cũng thuộc loại son. Đợt đội tuyển chuẩn bị cho AFF Cup 2008, Sơn đã chuẩn bị xong hành lý để đi du lịch Lào với gia đình. Đùng một cái, anh vừa định ra sân bay thì nhận được điện thoại của LĐBĐVN, vào Gia Lai tập trung ngay vì Thế Anh kiên quyết không ở lại cùng đội tuyển. Nói Sơn son chỉ đúng một phần, đội tuyển VN son vì có Sơn sẽ chính xác hơn. Không thể thắng nổi VN, HLV P.Reid của Thái chẳng đã thốt lên một cách thèm thuồng giá mà tôi có thủ môn VN là gì!
Những trận ở vòng loại, chỉ được xem qua tivi, tôi phát khiếp vì ánh mắt của Sơn ở những tình huống căng thẳng nhất. Quắc lên một cách dữ tợn. Tôi trêu Huệ: “Đã bao giờ bị chồng quắc mắt chưa?”. Huệ cười: “Đố dám!”. Nhưng Huệ bảo: “Nếu sát trận đấu mà gọi điện thì “chết” với chồng. Anh nhà em cấm tiệt vì sợ đen. Ví dụ chủ nhật thi đấu thì chỉ được nói chuyện đến hết đêm thứ bảy là mức… tối đa. Và còn dặn em là phải thắp hương cúng vái các cụ. Không mê tín nhưng có thờ có thiêng có kiêng có lành”.
Ngày 4/1/2008, Sơn đưa vợ con ra Hà Nội ở hẳn. Ông bà ngoại mua nhà ở phố Trương Định từ lâu, giờ hai vợ chồng và cậu con trai ra ở tạm, khi nào có tiền tậu riêng. Sơn xin cho vợ vào làm ở SH Bank (cùng vợ HLV Triệu Quang Hà). 26 tuổi, công thành danh toại, vợ con đề huề. Còn nữa, sau khi về T&T Hà Nội, thủ thành xứ Nghệ đã dùng tiền tích cóp bấy lâu cộng với khoản chuyển nhượng không phải nhỏ, sắm được quả Audi Q7 hơn 100.000 USD. Nhất Sơn son!
Dương Hồng Sơn sinh ngày 20.11.1982, cao 1m75, từng khoác áo SLNA, sau đó cùng Hà Nội ACB thăng hạng V-League năm 2002, huy chương đồng Cúp quốc gia 2003, á quân giải hạng nhất năm 2008 cùng với T&T Hà Nội. Thành tích quốc tế: Sơn chơi rất nổi bật tại vòng chung kết Asian Cup 2007, đặc biệt đã cứu nhiều bàn thua trong 2 trận gặp UAE và Qatar, góp phần cùng tuyển VN lọt vào tứ kết. Sơn chơi không thật xuất sắc tại Cúp TP.HCM, nhưng đã bắt đầu gây dấu ấn từ trận gặp Singapore (hòa 0-0) cho đến hết AFF Cup 2008. Vô địch AFF Cup và đoạt danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất giải.
Ưu điểm của Sơn là phản xạ nhạy bén, lì lợm, chơi rất tập trung trong những trận đấu mang tính quyết định. Những cú bay người phá bóng của Hồng Sơn đã làm nản lòng các chân sút lừng danh của Singapore, Thái Lan tại AFF Cup. Anh là điểm tựa tinh thần vững chắc cho hàng phòng ngự tuyển VN. Nhược điểm của Sơn là đôi khi để những lỗi không đáng như trận gặp Thái Lan ở vòng bảng, bị Suchao Nutnum tận dụng ghi bàn.
Theo Thanh Niên