Nước ao nước giếng
Khi một ca sĩ tuyên bố: LV có thứ gì, tôi có thứ đó, không một ai mảy may nghi ngờ về tính xác thực của tuyên bố đó bởi ai cũng biết anh chàng ca sĩ này dư sức mua sắm những thứ đó. Nhưng, đằng sau những tuyên bố đó, có mấy người nói rằng ca sĩ đó thật sang trọng (!?) hay chỉ là những xuýt xoa ca sĩ này thật giàu có. Đồ rằng, về sau sẽ được sử dụng nhiều hơn là về trước.
Nói đến đây mới nhớ đến câu nói xưa rằng: "Trưởng giả học làm sang". Có tiền, đành rằng bạn có quyền để “đắp” lên mình mọi thứ, cho dù nó “hiệu” đến như thế nào đi chăng nữa. Nhưng cái căn cốt của vấn đề lại không đến từ cái-sự-đắp đó, nó đến từ những cái-sự-được–đậy ở trong.
Ca sĩ Thanh Lam mê hàng LV.
Nói xa nói gần chẳng qua nói thẳng, Sến và Sang thì chẳng bao giờ gặp được nhau dù rằng nó cùng được bắt đầu bằng chữ S. Sến thì có thể học, có thể bắt chước sao cho sụt sùi, cho nức nở nhưng Sang thì tuyệt nhiên không, bởi đó không phải là kỹ năng.
Sang thì từ cốt cách tính ra, còn Sến thì là những biểu hiện “bề mặt” (thật tiếc cũng lại là từ “bề mặt”). So sánh một cách nông cạn thì là sự khác nhau giữa nước giếng và nước ao. Nước giếng được khoan sâu trong lòng đất, được đắp bờ bằng đá, được hứng nước mưa tinh khiết và được chắt lọc để có một dòng nước mát và chỉ dùng được sau khi đã kéo gầu, tức là đã có sự vận động để chắt lọc.
Còn nước ao, tuy diện tích rộng hơn, khả năng lưu trữ lớn hơn nhưng cũng vì cái gì cũng hơn nên tính “tiện ích” cũng đa dạng hơn, bởi cái gì cũng có thể “nhúng” được xuống ao mà chẳng mất công múc lên, rất tiện. Điều quan trọng nữa ao được dùng không chỉ với người.
Nói đến sự sang, nhắc đến Lê Khanh, Cẩm Vân, Thủy Hương…những gương mặt đẹp của làng văn nghệ Việt chắc ai cũng đồng tình. Ai cũng biết họ, ai cũng thích những vẻ đẹp của họ và ai cũng gật đầu nếu người khác nói họ sang dù rằng, họ chẳng mấy khi xuất hiện với những bộ cánh kiêu sa, chẳng mang vác theo những chiếc túi từ lớn đến nhỏ đóng mác hàng hiệu.
Họ cũng chẳng lên báo nói rằng họ yêu, họ tự tin hơn khi xài đồ hiệu như những ngôi sao đang lên hiện nay (nếu có ai thắc mắc : Chẳng nhẽ trước khi xài đồ hiệu, các anh/chị không tự tin thì chẳng biết các ngôi sao sẽ trả lời ra sao).
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng chuộng hàng hiệu của Roberto Cavalli và Dolce & Gabana.
Phù phiếm và…?
Trong một bài trả lời phỏng vấn gần đây của người mẫu Thủy Hương có tên “Người đàn ông nào đủ cho sự phù phiếm của tôi?”, người đẹp này khẳng định phù phiếm và xa hoa là cái gốc của quý tộc và đó là sự phù phiếm dòng tộc, tự thân những người xuất phát từ cuộc sống vương giả xa hoa đã mang trong mình. Còn khác ra, sự phù phiếm không tự nó có được mà đến từ những quan sát và học đòi, để rồi đến lúc “a dua” không được nữa thì sinh thành “nợ” của những “Labels – Hàng hiệu”.
Hàng hiệu nếu có được dùng đại trà cho số đông, cho hàng loạt, thì cũng khó mà nói được rằng đó là đẳng cấp. Đơn giản thôi, nếu bạn thấy đến 5 nghệ sĩ khoác chung một mẫu túi xách mà không có sự “pha chế một cách thông minh” mang tính cá nhân vào những phụ kiện đắt tiền đó thì cá tính cũng nhạt nhòa như nhau. Thế nên, một loạt các ngôi sao xếp hàng dài, dùng hàng hiệu nhiều nhiều thì cũng chẳng ai khen cô này cao cấp hơn cô kia.
Nhìn ra trời Tây, ngay đến Victoria Beckham, một ngôi sao được cho là phù phiếm đến tận cùng (cũng đừng quên Victoria Beckham xuất phát từ gốc quý tộc Anh) thì cũng có những lúc họ vẫn xài những đồ…siêu rẻ. Trong một bức hình chụp cảnh Victoria Beckham đi dạo phố, người ta “tính toán” tổng số tiền mà nàng Posh Spice chi cho trang sức và phụ kiện chỉ có…183USD.
Cụ thể như sau: Một chiếc kính Fred Flare giá 8USD, váy trắng Issac Mizrahi for Target giá 35USD, túi xách Shop Suey Boutique 60USD, giày BVSP 80USD. Đừng nói rằng, vì Victoria Beckham nghèo nên xài đồ rẻ. Cái quan trọng là họ có một “gu” thẩm mĩ để không chỉ hãnh diện với hàng hiệu và tất nhiên, ai cũng thấy “bà Beck” vẫn sang trọng.
Hồng Nhung và chiếc túi hàng hiệu đụng hàng
Văn hóa hàng hiệu
Chính bởi thế, văn hóa hàng hiệu là một cụm từ được dùng đến nhiều trong thời gian gần đây để chỉ về phương cách mà các ngôi sao đang xài hàng hiệu ngày một nhiều trong mỗi lần xuất hiện trước đám đông. Một cô ca sĩ TT đi làm từ thiện cũng vác theo cái túi LV.
Người đẹp CTQ đi thi hoa hậu Liên lục địa cũng khoác chiếc túi LV giữa một hàng các người đẹp …tay không. Một ca sĩ hàng đầu như ĐVH lên sân khấu cũng phải hàng hiệu từ đầu đến chân, không chừa chỗ nào. Với họ, từ “tinh tế” dường như là một sự “xa xỉ”. Bởi nếu họ có điều đó, thì chỉ cần một chiếc khăn tay hàng hiệu nhỏ nhắn, xinh xắn được buộc nhẹ nhàng, hờ hững vào một chiếc túi xách cũng đủ để người sành điệu biết rằng, cái đó/anh đó thật thời trang và tinh tế.
Thế nên mới nói, sao Việt giờ cứ hễ có cơ hội xuất hiện là trưng hàng hiệu, dù rằng sự xuất hiện đó chẳng cần thiết phải chứng tỏ một đều gì hết về đẳng cấp của mình. Nếu có nói nhiều ngôi sao Việt đang chạy theo một cuộc đua dùng hàng hiệu để chứng tỏ đẳng cấp và thể hiện “sự có tiền” của mình, cũng không sai. Cuộc chạy đua đó chắc chắn sẽ tốn rất nhiều tiền nhưng hiệu quả đong đếm được là bao nhiêu lại sang một câu chuyện khác.
Cũng chẳng thể vì những thứ bạn khoác lên mình mà hình ảnh của bạn trong mắt người khác “tăng” thêm vài “chân kính”. Cái quan trọng là cách bạn chọn để xuất hiện như thế nào và đâu là điểm nhấn để bạn trở thành tâm điểm của một bữa tiệc mà nhìn trước nhìn sau thấy đâu đâu cũng “đụng hàng”.
Hàng hiệu là niềm mơ ước của nhiều người, nhưng cách dùng như thế nào để người khác phải ngoái đầu lại nhìn là một chuyện khác. Cái đó, đòi hỏi nhiều hơn là một cái hầu bao rủng rỉnh mà nó còn là cả một “nền tảng”. Nền tảng đó có thể là “gu” thẩm mỹ có sẵn hoặc được hình thành và bồi đắp qua cuộc sống hàng ngày. Đừng quên, kiến thức đóng một vai trò quan trọng trong “nền tảng” đó. Thực tế, nếu bạn để ý sẽ thấy có những ngôi sao ăn mặc chẳng giống ai ngay cả khi họ mang trên mình những thứ giá trị như kim cương.
Đỗ Hải yến và chiếc đầm đính đá lộng lẫy
Những điểm sáng hiếm hoi[
Nói gì thì nói, một ngôi sao nói về hàng hiệu bao giờ cũng có sự đáng tin hơn là một người dân thường nhưng nói được và làm được, làm sao cho đẹp lại không phải là điều đễ dàng để ai nghe cũng gật đầu. Và đó chính là điều không thể phủ nhận về sự ảnh hưởng của một ngôi sao giải trí tới công chúng thông qua sự lựa chọn của họ.
Hiếm lắm những hình ảnh như Hồ Ngọc Hà xuất hiện tại nước ngoài với trang phục được lựa chọn một cách cầu kỳ và hợp lý để là tâm điểm của báo giới trong lần đi dự Liên hoan âm nhạc Châu Á trong tháng 9/2009 vừa qua tại Hàn Quốc.
Nhu cầu mua sắm hàng hiệu tại Việt Nam giờ không còn ở lúc “sơ khai” như khi LV khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam của hơn thập kỷ trước. Những trang báo ngập tràn trên các tạp chí, ấn phẩm ít nhiểu cũng đã nói lên nhu cầu mua sắm hàng hiệu của thị trường Việt Nam ngày càng phát triển.
Trong đó, vai trò của các ngôi sao đóng góp không nhỏ. Nhưng mấy người tạo được sự tin tưởng trong việc chọn lựa hoặc được các hang thời trang nước ngoài tin tưởng trong việc “giao phó” việc quảng bá thương hiệu của họ tại Việt Nam như Hồng Nhung với Escada và Đỗ Hải Yến với LV.
Không phải ngẫu nhiên họ chọn những gương mặt này để quảng bá những dòng sản phẩm đã quá nổi tiếng trên thế giới khi xâm nhập một thị trường mới. Với những chuyên gia thời trang và kinh tế hàng đầu thì việc lựa chọn gương mặt đại diện không chỉ là “thân quen” hoặc “cảm hứng”…
Câu chuyện về hàng hiệu và nhu cầu “trưng trổ” ở bất cứ đâu, bất cứ ngành nghề nào cũng có, không chỉ riêng nghệ thuật hay riêng tại Việt Nam. Làm đẹp và thể hiện bản thân là nhu cầu chính đáng, điều đó ai cũng nắm rõ. Nhưng hơn ai hết, những người làm nghệ thuật nên hiểu rằng hình ảnh của họ trong mỗi lần xuất hiện là một dấu ấn.
Dấu ấn đó không đến từ việc họ khoác lên người tổng giá trị mấy chục ngàn đô hay đó là bộ cánh mới nhất của thương hiệu A,B,C mà là hình thức của họ trong mắt công chúng có “thuận” hay không. Mọi người vẫn nói vui với nhau rằng, người đẹp thì khoác bao tải lên người vẫn đẹp. Điều này có vẻ hơi thậm xưng, nhưng hông phải không có căn cứ, bởi nếu một người ý thức được đâu vẻ đẹp của mình thì chuyện “nô lệ” của thời trang lại không phải điều họ quá quan tâm. Thế nên mới có câu: "Chiếc không làm nên thầy tu".