[justify]Tay gấu, óc khỉ…nấu kiểu Từ Hy thái hậu là chuyện nhỏ so với kiểu ăn có một không hai của các qúy tộc thời nay. "Nếu ông chưa ăn hà nàm chưa gọi là tận hưởng vinh hoa phú qúy. Tôi sẽ dẫn ông đi một lần cho sáng mắt", Quân, một tay chuyên săn món lạ cho các đại gia thời nay, bĩu môi khi nghe tôi nói về những kiểu ăn vương giả ngày xưa.[/justify]
[justify]Hà nàm là cách gọi của người Hoa để chỉ bào thai của các loại động vật hoang dã. Theo nhiều dân chơi sành điệu vốn rất thích các món có nguồn gốc từ bào thai, hà nàm đúng nghĩa phải là những bào thai của động vật hoang dã thứ thiệt trong Sách đỏ Việt Nam, nghĩa là càng qúy hiếm càng tốt.[/justify]
[justify]Quân bật mí: "Hà nàm nếu chưng thuốc Bắc bổ khỏi chê. Còn nếu đem ngâm rượu thì uống đến đâu, sung đến đó, nhất là hà nàm rắn"?![/justify]
[justify]Trào lưu ăn hà nàm rắn lục xà vương[/justify]
[justify]Đúng như lời hứa, ba hôm sau, Quân dẫn tôi đi "tham dự" bữa tiệc hà nàm của một đại gia ở Thủ Đức.[/justify]
[justify]Để không bị nghi ngờ, chúng tôi vào vai nhân viên phục vụ.[/justify]
[justify]
[justify]Giữa nhóm bạn ai cũng bệ vệ, vàng đeo trên cổ, một quý ông xưng tên Long, chủ nhân của bữa tiệc, vỗ đùi cái đét: "Mỗi khi cần lục xà vương để tổ chức tiệc, tôi đều gọi điện dặn trước. Lục xà vương có nhiều nhưng kiếm cùng lúc cả chục con loại bụng mang dạ chửa sắp đến kỳ "khai hoa nở nhụy" rất trần ai. Xong buổi tiệc hôm nay, khoảng tuần sau tôi lại tổ chức một buổi tiệc khác".[/justify]
[justify]Ông bạn ngồi cạnh khoái trá: "Chỉ cần ba lần ăn hà nàm lục xà vương, bại binh cỡ nào cũng trở thành chiến binh dũng mãnh".[/justify]
[justify]Khi khách khứa vốn là bạn làm ăn tề tựu đông đủ, vị "chủ xị" hất hàm bảo tay đầu bếp, người được quảng cáo là "chuyên gia" chế biến hà nàm rắn, chuẩn bị tiệc vui.[/justify]
[justify]Ngay tức khắc, một cái lồng bọc lưới mắt cáo, bên trong là nùi rắn xanh lè quấn vào nhau, trọng lượng mỗi con khoảng 300g, được "chuyên gia" mang đặt lên chiếc bàn đá hoa cương. Cùng đó là một cái lẩu nhỏ với nước sả được nấu sôi ùng ục. Khi nguyên liệu được chuẩn bị xong, "chuyên gia" kiêm "đao phủ" trổ tài hành quyêt. Bằng cú thộp tay thành thục, anh ta đã tóm gọn một con lục xà và với cú lia dao điệu nghệ, đối đuôi đứt rời khiến dòng máu đỏ của con rắn đang quặn mình vì đau đớn tuôn xối xả vào ly rượu.[/justify]
[justify]Khi con vật khô máu, tay "đao phủ" lại tiếp tục lia dao, bộ lòng của rắn xổ ra, trái tim vẫn còn đập và túi mật xanh đen cỡ đốt ngón tay út của con vật xấu số được gã nọ tách rời cho vào một cốc rượu trắng. Tiếp đó, gã dùng mũi dao nhọn rạch một đường dài xuống đuôi con vật, khiến sợi dây bào thai đúng 13 bọc xổ ra. Cùng với những mạch máu li ti, bên trong mỗi bọc là một con rắn lục con, nhớp nhúa chất nhầy. Cả đám thực khách vỗ tay hoan hô.[/justify]
[justify]Cứ thế, gã đao phủ lần lượt cắt tiết, xẻ bụng những con rắn còn lại. Lúc này, các vị khách hồ hởi mời nhau những cốc rượu rắn đỏ quạch và túi mật xanh đen được bật mí là "linh hồn" của bất kỳ con rắn nào.[/justify]
[justify]Một ông tên Bình, sau khi khà một hớp rượu huyết rắn đầy phấn khích, đã cất giọng hùng hồn:[/justify]
[justify]"Trong các loại rắn lục, chỉ có lục xà vương mới đẻ con. Muốn ăn hà nàm lục xà phải lựa con bụng mang dạ chửa sắp và gần đến ngày khai hoa nở nhụy, vậy mới bổ…Ngó vậy chứ mấy con hà nàm này còn sống cả đó".[/justify]
[justify]Để chứng minh mình không nói phét, ông Bình dùng đũa xé một cái bọc hà nàm, mươi giây sau khi lớp màng nhầy được xé ra, con rắn bé nhỏ chưa đủ tháng ngày quằn quại dữ dội khiến đám thực khách reo hò. Sau đó, các đại gia còn lại gắp con tiểu lục xà và mấy cái bọc hà nàm kia trụng qua nước sôi rồi ăn kèm rau sống.[/justify]
[justify]Một vài thực khách trong quán tỏ vẻ kinh hãi, nhăn mặt bảo: "Bây giờ khát vọng "sung" của nhiều vị đại gia thật dễ sợ". Không ít thực khách bỏ về. Trong lúc đó, trên bàn tiệc của các đại gia ngày càng trở nên hăng khí.[/justify]
[justify]Thấy tôi nhăn mặt, Quân cười, rỉ tai: "Chưa ghê đâu. Không chỉ khoái hà nàm lục xà, nhiều ông cũng rất hào hứng với hà nàm các loại động vật hoang dã khác như nhím, gấu, lợn rừng, thỏ con, nai, hươu…vì tin rằng bao nhiêu tinh chất, con mẹ đều đổ vào nuôi con nên bào thai rất bổ".[/justify]
[justify]Mua mắt đại bàng ăn để bổ mắt[/justify]
[justify]Nếu như bào thai rắn được các ông lùng sục để làm tăng "bản lĩnh đàn ông" thì món mắt đại bàng lại được một số quý bà, quý cô tìm kiếm để giúp mình…mắt sáng long lanh.[/justify]
[justify]Bà Hoàng Ngọc, chủ một hiệu vàng tại phường Tân Định, Q.1, TP.HCM cho biết: "Trong thế giới rừng sâu, nếu cọp là chúa tể sơn lâm, muông thú chỉ cần nghe tiếng gầm, chỉ ngửi mùi thôi đã sợ thì trên không trung, đại bàng mặc nhiên chiếm giữ ngôi vị quân vương".[/justify]
[justify]"Với cái mỏ sắc như dao, cặp chân có bộ móng vuốt vừa sắc lẹm, khỏe mạnh, lại thêm sức mạnh nội lực phi thường và nhất là cặp mắt tinh anh có thể quan sát con mồi từ trên đỉnh núi cao, đại bàng xứng đáng là chúa tể trời xanh. Thế nên những gì liên quan đến loài mãnh ưng này đều bổ một cách ác liệt".[/justify]
[justify]Sau những bỏ nhỏ chứng tỏ ta đây là dân chơi sành điệu, bà Ngọc bật mí, sở dĩ bà biết được đại bàng và những loài anh em của nó như chim ưng, chim cắt…bổ thấu trời xanh là nhờ mách nước của một lương y vô cùng cao tay ấn mà bà tình cờ gặp trong lần đi hành hương cách đâu hai năm tại vùng núi Thiên Cấm Sơn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.[/justify]
[justify]"Nghe ông thầy trên 80 tuổi nói ông ấy cao tuổi nhưng chân tay vẫn cứng cáp nhờ uống rượu ngâm mật, chân đại bàng, mắt sáng nhờ ăn mắt đại bàng, tác phong nhanh nhẹn nhờ ăn thịt loài chim móng vuốt ấy nên tôi thỉnh giáo ông thầy vài chiêu. Theo ông thầy, mỗi năm một người chỉ cần ăn thịt ba con "thần điêu", như thế lúc nào cũng sẽ bừng bừng sự dũng mãnh. Tuy nhiên, điều đó chỉ hợp với đàn ông, còn phụ nữ và trẻ em chỉ cần múc mắt nó đem chưng cách thủy là được rồi", bà Ngọc thuật lại bí quyết.[/justify]
[justify]Phải lấy tươi khi con vật còn sống
[/justify]
[justify]Như để minh chứng cho lời mình nói, bà Ngọc dẫn chúng tôi đi gặp gỡ nhóm qúy bà của mình.[/justify]
[justify]Nghe tôi hỏi về món mắt đại bàng, Ngọc Linh, bạn chơi cùng nhóm, vợ của một ông giám đốc công ty xuất nhập khẩu, khoe: "Từ dạo thỉnh giáo tuyệt chiêu của cao nhân, tôi với chị Ngọc mỗi người nuốt gần chục cặp mắt đại bàng rồi đấy".[/justify]
[justify]"Nguồn đại bàng, chim ưng các chị lấy từ đâu?", tôi hỏi[/justify]
[justify]"Sài Gòn bán thiếu gì. Chỉ sợ không có tiền mà rinh về thôi. Thường tôi mua ở khu vực ngã ba Chú Ía (Nay còn gọi là ngã năm Nguyễn Thái Sơn, giáp ranh giữa hai quận Tân Bình và Gò Vấp), góc đường 3-2 và Cao Thắng (quận 10), góc đường Nguyễn Thị Minh Khai và Nam Kỳ Khởi Nghĩa", bà Linh gật gù cho biết.[/justify]
[justify]Bà còn bật mí: "Chim đại bàng có nhiều loại cỡ lắm nhưng nhiều dược tính nhất phải chọn những con trên một ký lô. Với trọng lượng này, còn đại bàng vừa bước vào tuổi trưởng thành nên khỏe mạnh trên mọi phương diện. Nếu còn nhỏ quá nó chưa phát triển đầy đủ, còn già sức tàn lực kiệt, dùng không tốt lắm!".[/justify]
[justify]Sau đó, bà Ngọc và bà Linh rủ tôi ra khu vực ngã ba Chú Ía tuyển đại bàng về lấy mắt tầm bổ. Tiếc thay, hôm ấy "hàng" về không kịp nên tay buôn đành khất hẹn lần sau.[/justify]
[justify]Khi chúng tôi hỏi thăm về mắt đại bàng, tay buôn tuôn một mạch rằng cái thú ăn thịt, nuốt mật, đặc biệt là ăn mắt đại bàng đang được nhiều đại gia áp dụng. "Nhiều người đi xe bốn bánh đặt mua cùng lúc cả chục con, họ bảo để dành tẩm bổ qúy tử, cô chiêu. Họ sợ con học nhiều mắt yếu hoặc bị cận nên cho con nuốt mắt thần ưng để phòng xa".[/justify]
[justify]Thấy chúng tôi có vẻ nghi ngại về chuyện "đại bàng rất bổ", ông ta dúi vào tay tôi tờ giấy photo bảo về xem kỹ. Tờ giấy chi chít những câu chữ liên quan đến đại bàng, chim ưng, có những đoạn được tô đậm với hàm ý tán dương xương cốt đại bàng đến tận mây xanh: "Xương đại bàng dùng chữa tổn thương gãy xương, gân cốt lạnh đau còn thịt chữa được những chứng tà độc làm hại. Đặc biệt mắt nó nếu ăn vào sẽ tăng thêm độ sáng cho mắt, kể cả chữa được chứng nhức đầu chóng mặt, choáng váng, có tính giải độc cao".[/justify]
[justify]Ghê gớm hơn, một số người cho biết, muốn đôi mắt "chúa tể trời xanh" lên thuốc nhanh, công hiệu nhiều phải móc lấy mắt con vật còn sống.[/justify]
[justify]Ông Nguyễn Ngọc Hải, nhà ở quận Bình Tân, người từng được một đối tác mời ăn mắt đại bàng, rùng mình kể lại: "Tôi thấy họ móc mắt con vật mà hãi hùng. Con chim nặng gần hai cân bị cột chặt, hai thanh niên một giữ cho nó không thể cựa quậy một dùng con dao Thái Lan thọc sâu vào hố mắt con vật xoáy tròn…máu tuôn ra đầm đìa.[/justify]
[justify]Nhìn cảnh ấy tôi đâu thể nuốt nổi. Ớn nhất là đoạn sau khi khoét mắt con vật, một gã thanh niên dùng chiếc chày đập bể sọ con vật cho nó thôi giãy giụa rồi đem xuống dưới mần thịt. Đến bây giờ tôi vẫn còn ám ảnh trước hình ảnh rùng rợn ấy!".[/justify]
[justify]Một thú ăn kinh dị đáng bị lên án[/justify]
[justify]Kết quả điều tra với 2.000 người của Traffic, mạng lưới theo dõi, giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã toàn cầu, cho thấy 82% người từng ăn thịt thú rừng, 50% từng dùng các sản phẩm từ động vật hoang dã để tăng cường sức khoẻ. Doanh nhân là nhóm thường sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã nhiều nhất (43%), tiếp theo là công chức nhà nước.[/justify]
[justify]Chẳng biết những "thần hiệu" của mắt đại bàng, bào thai rắn ra sao, nhưng điều đó có thể khẳng định đa phần những người chuộng ăn món độc này toàn những người lắm tiền. Một con đại bàng có trọng lượng một cân trở lên có giá dao động từ 3.000.000 đến 6.000.000 đồng.[/justify]
[justify]Hành vi giết hại một con vật lúc nó đang mang thai vô cùng phi nhân tính, là tác nhân chính đẩy đưa nhiều loại động vật qúy hiếm đến nhanh với con đường tuyệt chủng. Chưa biết những món ăn đó có thật sự bổ hay không nhưng cách ăn tàn nhẫn trên phản ánh lối sống đáng lên án của nhiều người.[/justify]
[justify]
Thông tin thêm [justify]Theo Cục Cảnh sát môi trường của Bộ Công an, mỗi năm, thị trường Việt Nam tiêu thụ 3.400 tấn thịt động vật hoang dã (khoảng trên 1 triệu con). Nguồn cầu là các quán "đặc sản" tại những thành phố lớn chuyên phục vụ thực khách lắm tiền nhiều của.[/justify] [justify]Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Đăng Vang, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường Quốc hội, đưa ra cảnh báo: "Việt Nam không chỉ là nơi cung cấp mà còn là thị trường trung chuyển động, thực vật hoang dã đi các thị trường và nơi tiêu thụ khác". Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do Luật Cấm săn bắt, mua bán động vật hoang dã ở Việt Nam vẫn còn những kẽ hở để cá nhân vi phạm có thể chối tội[/justify] |
Theo Tiếp Thị Gia Đình