[justify]Nội y hay trang phục, trang sức có hình ảnh kích dục, phản động sẽ bị cấm trình diễn trên các sân khấu lớn… Đó là những quy định trong dự thảo Thông tư về hoạt động trình diễn thời trang đưa ra mới đây.[/justify] [justify]Dự thảo, do Cục Nghệ thuật Biểu diễn tổ chức soạn thảo, gồm 7 chương, 21 điều, đặt ra những vấn đề có quan hệ mật thiết đến hoạt động của làng mẫu. Trong đó, được quan tâm hơn cả là những điều khoản liên quan đến các hành vi bị cấm, độ tuổi dự tuyển người mẫu thời trang, điều kiện tổ chức hoạt động trình diễn thời trang…[/justify] [justify]
[justify]Thách thức lớn nhất đặt ra cho các nhà soạn thảo là việc cụ thể hóa các hành vi bị cấm trong hoạt động trình diễn thời trang. Hai trong số năm hành vi bị nghiêm cấm được đề cập đến là: 1. Trình diễn thời trang có nội dung và hình thức không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của Việt Nam hoặc pháp luật cấm phổ biến, quảng cáo trước công chúng; 2. Các hình ảnh, kiểu dáng chất liệu trên trang phục, trang sức có tính chất kích dục, phản động…[/justify] [justify]Cụm từ “không phù hợp với thuần phong, mỹ tục” bị lo ngại là sẽ tạo ra cảm giác mơ hồ, không rõ nghĩa. Tuy nhiên, ông Phạm Đình Thắng - Trưởng phòng quản lý biểu diễn ca nhạc và băng đĩa sân khấu của Cục - cho rằng: “Rất khó để đưa ra những quy định chi tiết hơn". Bà Thúy Hạnh, giám đốc công ty Elite, cũng chia sẻ: “Về mặt câu chữ, dự thảo có thể tạo cảm giác mơ hồ. Nhưng trong từng buổi tổng duyệt cụ thể, tôi mong các nhà quản lý sẽ chỉ ra trang phục nào hợp hay không hợp thuần phong, mỹ tục và tại sao. Vì cũng không thể đòi hỏi một văn bản liệt kê hết các hành vi trái luật được”.[/justify] [justify]Khi được hỏi về các loại trang phục có thể bị coi là kích dục, phản động hoặc không hợp thuần phong, mỹ tục, Cục trưởng Lê Ngọc Cường bày tỏ: "Ví dụ, ở phương Tây, người ta có thể in hình cờ tổ quốc hoặc các vị lãnh đạo lên quần áo, thậm chí là đồ lót, nhưng ở Việt Nam, chuyện đó không chấp nhận được. Hay như nội y cũng khó có thể đưa lên các sân khấu lớn, các chương trình quan trọng".[/justify] [justify]
[justify]Nhằm tránh hiện tượng chín ép, khai thác quá sớm các tài năng tương lai trong làng thời trang, dự thảo cũng quy định mức tuổi sàn đối với thí sinh tham dự các cuộc thi người mẫu. Theo đó, từ 18 tuổi trở lên, các chân dài mới đủ điều kiện ứng thí. Điều này làm dấy lên băn khoăn rằng, hạn định về độ tuổi có thể thu ngắn tuổi nghề của người mẫu, làm mất cơ hội khẳng định sớm ở độ tuổi 16-17 của các người đẹp. Ngọc Quyên, chân dài từng gắn bó lâu năm với sàn catwalk, cho biết: “Tôi đi diễn từ năm 16 tuổi và nhận giải thưởng đầu tiên ở tuổi 18. Ở nước ngoài, 13-14 tuổi họ đã trình diễn chuyên nghiệp và có thể đạt được thành công ở tuổi 16. Nhưng thực tế, ở Việt Nam, nếu chưa tới 18 tuổi, các người mẫu cũng rất khó được công nhận và thường bị coi là chín non”.[/justify] [justify]Ông Trần Thanh Long - Giám đốc công ty người mẫu PL - góp ý kiến: “Để đi thi thì 18 mới là độ tuổi chín muồi về cả thể chất cũng như tâm hồn, nhận thức. Nhưng các người mẫu nên được phép tham gia sớm hơn, vì thời trang cần nhiều độ tuổi, nhiều đối tượng khác nhau”. Ông Phạm Đình Thắng giải thích: “Đây là một quy định rất mở, dự thảo không cấm trình diễn thời trang với lứa tuổi nào. Chỉ đặt ra tiêu chuẩn trên 18 tuổi đối với các cuộc thi”.[/justify] [justify]Với các chương trình có sự tham gia của người mẫu dưới 15 tuổi, dự thảo yêu cầu nhà tổ chức phải có văn bản đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ đối với người mẫu.[/justify] [justify]
[justify]Rút kinh nghiệm từ các vụ lộn xộn vừa diễn ra trong làng mẫu, dự thảo Thông tư đòi hỏi, hồ sơ xin phép tổ chức trình diễn thời trang phải có “danh mục bộ sưu tập và mẫu phác thảo, thiết kế các sản phẩm”. Đây chính là biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng diễn chui, diễn không xin phép, xin một đằng, diễn một nẻo. Mới đây, Sở Văn hóa Thể thao Du lịch TP HCM đã cảnh cáo Ban tổ chức Đêm hội chân dài (công ty người mẫu Venus tổ chức) khi chương trình này đưa vào trình diễn một số tiết mục không được báo cáo trong buổi tổng duyệt. Trước đó, tại Đêm phong cách diễn ra hôm 12/9/2008, Ban tổ chức cũng đã bị phạt hành chính 9 triệu đồng vì: Tùy tiện thay đổi trang phục, để xảy ra sự cố và trình diễn thời trang không đúng nội dung được phép. Trong đó, sự cố gây xôn xao làng mẫu chính là màn tụt áo, hở ngực của siêu mẫu Vũ Thu Phương.[/justify] [justify]Ông Lê Ngọc Cường nhận xét: "Không phải cứ đổ lỗi cho tai nạn nghề nghiệp. Nếu nhà thiết kế làm việc cẩn thận hơn và các mẫu trang phục được duyệt một cách chặt chẽ, những sự cố như thế có thể tránh được". Ông Trần Thanh Long thừa nhận, đây là một quy định cần thiết, vì thông thường, do nhiều nguyên nhân, trong các buổi trình diễn thời trang thường có sự sai lệch ít nhiều giữa các trang phục được duyệt và các trang phục được đem ra biểu diễn. Chuyện xảy ra với Đêm hội chân dài, theo ông là một ví dụ.[/justify] [justify]Dự thảo sẽ tiếp tục lấy ý kiến, chỉnh sửa để có thể hoàn thành trong năm nay. Nếu được thông qua và ban hành, đây sẽ là văn bản đầu tiên tạo hành lang pháp lý cho riêng lĩnh vực biểu diễn thời trang một cách chính thức và đầy đủ.[/justify] |