Tin tức - pháp luật 2012-05-24 02:17:08

Thiếu nữ 17 và nước mắt phận gái ’hồng nhan’


Tôi đã gặp không ít những cô bé còn non nớt về tuổi đời nhưng lại “giàu” kinh nghiệm ở ngoài đời tại Trung tâm giáo dục Lao động xã hội số 2, nhưng với Hà Thị Mai lại khác. Vẻ hiền lành, ngô ngố của Mai làm tôi thấy mủi lòng.



Mai trở thành gái bán dâm khi mới 16 tuổi. Không phải bị ép buộc hay bị lừa làm gái, mà duyên cớ đưa Mai đến với nghề này là do… tự nguyện. Quá khứ ùa đến khi có người “chạm” vào vết nhơ, Hà Thị Mai mắt ngân ngấn kể: “Tại em lười học nên mới ra thế này”.

Tiết trời vào hè nóng nực, đôi má bồ quân của Mai càng căng hồng, mịn màng. Mai bảo từ nhỏ mẹ bảo Mai là “hồng nhan” nên cuộc đời sau này lắm gian truân, không ngờ lời mẹ nói lại linh ứng sớm đến thế.

Hà Thị Mai mơ ước về tương lai…
Phóng viên (PV): Lần đầu tiên làm gái, em có sợ không?

Hà Thị Mai (HTM): Sợ và run.

PV:Sợ sao em còn làm?

HTM: Vì em hết tiền, lấy tiền mãi của người khác cũng ngại, nghe chị ấy dụ dỗ ngọt quá, em đành liều.

PV: Em còn nhớ vị khách đó không?

HTM: Có, đó là một người còn khá trẻ.

PV: Đó là lần đầu tiên của em à?

HTM: Không, năm 16 tuổi, em đã trao thân cho bạn trai rồi!

PV: Bao lâu sau em lại đi làm gái lần hai?

HTM: Ngay tối hôm đó, chị ấy lại gọi “giúp cô lần nữa”. Em từ chối, chị ấy dụ “không lo đâu, có một chị nữa đi cùng”. Em yên tâm nên chấp nhận. Nhưng không ngờ lần này mình lại bị bắt.

PV: Lúc ấy em đang làm gì?

HTM: Em vừa nhận tiền của khách. Em vào phòng tắm, đúng lúc đó có tiếng gõ cửa, em không biết chuyện gì, chỉ thấy Công an ập vào. Em và chị đi cùng bị dẫn giải về trụ sở, bọn em sợ quá chỉ biết khóc.

PV: Mỗi lần đi khách em được trả bao nhiêu?

HTM: Khách đưa 500, em chỉ được một nửa.

PV: Thế bà chủ có bị bắt không?

HTM: Có.

PV: Từ ngày vào đây, gia đình em có hay lên thăm không?

HTM: Có. Lúc mới vào, chị gái em lên. Thấy em thế này, chị ấy bảo: “Sướng không biết đường sướng”. Em chỉ biết khóc thôi.

PV: Bố mẹ có giận em không?

HTM: Em nghe chị kể, khi biết tin, bố mẹ em đã cãi nhau rất to. Bố bảo tại mẹ chiều em nên mới ra cơ sự này.

PV: Ở đây em có nhớ nhà không?

HTM: Có. Tết vừa rồi em khóc suốt vì nhớ nhà. May có chị, mẹ và anh trai lên thăm em đỡ tủi thân hơn. Em chỉ muốn về ở với bố mẹ thôi.

Gương mặt Mai đờ đẫn, chốc chốc lại lấy tay quệt ngang mặt. Nhìn Mai thút thít lòng tôi bỗng chùng xuống. Sự va vấp với đời quá sớm có lẽ hằn sâu vào trí nhớ Mai những vết xước thật khó lành.

Nhìn Mai, có lẽ người mẹ nào cũng xót xa. Sự sa ngã của Mai cũng có một phần trách nhiệm của những người làm cha làm mẹ.

Mai là con út trong một gia đình nông dân ở huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, từ bé đã được cha mẹ chiều chuộng. Nhà Mai có hàng ha đất trồng chè nên cho thu nhập tương đối ổn định. Mai có anh trai và chị gái, họ đều chăm chỉ làm nương chè cho bố mẹ nên kinh tế cũng dư dật.

Mai chẳng giống ai trong nhà, từ nhỏ đã bộc lộ bản tính bướng bỉnh và lười nhác. Vì là út nên mẹ chiều chuộng Mai hơn cả, chẳng bắt làm gì. Mải chơi khiến Mai chẳng thiết gì học. Giữa năm lớp 8, một hôm Mai tuyên bố thẳng thừng với cả nhà là đã bỏ học.

Choáng váng, bố mẹ mắng Mai một trận nhưng Mai vẫn để ngoài tai. Mẹ khuyên nhủ Mai đi học hại, nhưng Mai chỉ nói: “Con học không vào, nghỉ thì tốt hơn”.

Ở nhà chơi mãi cũng chán, chị kêu đi hái chè, nhưng Mai không chịu. Trong làng có đám bạn bằng tuổi Mai, cũng là những đứa lười học ham chơi nên Mai dễ dàng kết bạn. Ban đầu chỉ là những trò chơi ở quán net, sau đó Mai đâm nghiện nhảy Audition.

Có đồng nào, Mai nướng sạch vào trò chơi ảo, hết tiền thì xin chị, xin mẹ. Mẹ giấu bố tất cả mọi chuyện, ngay cả việc Mai thường xuyên tỉ tê xin mẹ tiền để đi chơi xa. Nay thì Mai lên Phù Yên (Sơn La), mai lại theo chúng bạn đến TP Việt Trì.

Trong một lần đi chơi ở Đền Hùng, Mai đã hẹn gặp bạn trai. Người này quê ở Bắc Ninh, Mai quen qua chat và hẹn gặp mặt. Tình yêu “chíp hôi” nhanh chóng nảy nở.

Sau đôi ba lần gặp gỡ hẹn hò, Mai đã không ngần ngại trao “cái ngàn vàng” cho bạn trai. Người thanh niên sau khi nếm “trái cấm” đã dần lạnh nhạt, bỏ lại Mai với trái tim đau đớn.

Nhìn con gái cả ngày vùi đầu vào chơi game, không chịu đụng chân đụng tay vào việc gì, bố mẹ Mai đã cãi nhau kịch liệt. Bố nói mẹ chiều Mai quá, mẹ tức mình đã mắng Mai một trận. Không chịu nổi, Mai bực bội bỏ nhà ra đi.

Mai và nhóm bạn xuống Hà Nội tìm đến quán net. Chúng lao vào “cày” nét suốt ngày đêm, chỉ ăn mì tôm, uống nước trắng. Khi nào mệt quá chúng gục xuống bàn để ngủ. Tỉnh dậy lại chơi… Cứ thế, Mai gầy rộc gầy rạc.

Mỗi ngày Mai đốt 200 nghìn vào chò trơi, có lần Mai còn nạp thẻ game hết 2 triệu đồng. Tất cả tiền chơi game, tiền ăn do người yêu của một cô bạn trong nhóm bao. Mai bỏ nhà đi Hà Nội đốt mình trong quán game từ tháng 2 đến tháng 8/2011 mà cả nhà không hay biết.

Có đôi ba lần Mai về xin tiền chị gái, bị mẹ bắt gặp gặng hỏi, Mai trả lời: “Con xuống Hà Nội chơi với chị”. Chả là ở gần nhà Mai có cô H xuống Hà Nội làm ăn, Mai lấy cớ xuống đó chơi nên mẹ tưởng thật.

Lẽ ra mẹ Mai phải tìm hiểu xem con mình xuống đó chơi gì mà vài tháng không về, nhưng bà lại tặc lưỡi cho qua, chỉ mắng Mai qua quýt rồi mải đi làm. Bà giấu nhẹm chuyện này với chồng, thế nên khi xảy ra cơ sự, ông bà đã cãi nhau kịch liệt.

Mai biết thừa người chị cùng làng thuê phòng trọ để nuôi “gái”, nhưng Mai vẫn qua lại chơi như không hề có chuyện gì xảy ra. Một hôm đang đầm mình trong trò chơi ảo, điện thoại của Mai reo vang. Người chị này “nhờ” Mai đi làm gái hộ vì kẹt người.

Mai từ chối. Nhưng chị này không tha, tiếp tục dụ dỗ. Đang lúc hết tiền, với lại lấy tiền người yêu của bạn mãi cũng ngượng, Mai tặc lưỡi. Thế là, Mai trở thành gái từ ấy, năm đó Mai mới 16 tuổi.

Khi hay tin Mai đang phải phục hồi nhân phẩm ở Trung tâm số 2, mẹ Mai đã ngất. Bà giận Mai lắm, định rằng sẽ không lên thăm. Nhưng lòng người mẹ không lúc nào yên. Dù Mai có gây ra lỗi lầm thế nào, nó vẫn là con của bà.

Mai ra nông nỗi này cũng có phần trách nhiệm của bà. Người mẹ này đã khóc rất nhiều khi gặp con. Bà hiểu rằng, chỉ có bà mới vực cuộc đời con đứng dậy, để con đừng bước tiếp sai lầm. Khi đã phải trả giá, bà mới thấm thía được nhiều điều. Bà phải làm tất cả để cứu đứa con gái bé bỏng khi chưa là quá muộn…

Không ngổ ngáo như nhiều đứa trẻ vào đây giáo dục nhân phẩm, Hà Thị Mai được đánh giá là ngoan, chăm chỉ và thật thà nhất trong nhóm. Mai ý thức được hậu quả tệ hại nếu tiếp tục trượt dốc, thế nên khi vào đây, ngoài giờ làm ở xưởng thêu, Mai đăng ký vào lớp tin học.

Mai muốn sau này ra ngoài, có một chút kiến thức, có thể xin được việc làm để khỏi nhàn rỗi. “Vào đây em thấy thế nào?”- tôi hỏi. “Lúc đầu em nhớ game lắm, nằm xuống là nhớ không chịu được.

Bạn bè không ai tới thăm, em càng buồn. Bây giờ quen rồi. Em cảm ơn thầy Khởi nhiều lắm, thầy đã động viên em rất nhiều”.

Còn hơn 1 năm nữa mới hết hạn phục hồi nhân phẩm, nhưng Mai không than thở hay sốt ruột như nhiều cô gái khác. Mai cho rằng, bị bắt đưa vào đây là may mắn, là tốt cho mình, nếu còn ở ngoài chơi bời thì không biết cuộc đời sẽ đi về đâu.

Tôi thấy vui vì Mai đã ngộ ra điều này. Mai đã biết suy nghĩ chín chắn hơn, nhận ra điều hay, lẽ phải trên đời. Trước đây mẹ nói một, Mai cãi hai, giờ thì Mai đã biết thương bố mẹ hơn.

“Vào đây mới thấy nhớ, thấy thương bố mẹ, điều mà ở nhà em không thấy. Bị bố mẹ mắng mấy câu là ức, bỏ đi. Giờ thì không thế đâu. Em chỉ mong lao động tốt để sớm về nhà”- Mai chia sẻ.







3bored3 3bored3 3bored3 ôi cuộc đời
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)