Tin tức - pháp luật 2011-06-25 03:31:54

Thi hành án tử hình bằng thuốc độc từ ngày 1/7/2011


Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn trung tướng Cao Ngọc Oánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Bộ Công an) xung quanh vấn đề này.

"Nghĩa tử là nghĩa tận"

Luật THAHS đánh dấu sự thay đổi lớn trong việc thực thi án tử hình ở Việt Nam. Hình thức xử bắn trước đây sẽ được thay thế bằng hình thức tiêm thuốc độc. Đâu là ưu điểm "đặc biệt" của hình thức mới này, thưa trung tướng?

Chi phí thi hành án không phải là vấn đề vì chúng ta thi hành án tử hình không nhiều, chỉ khoảng 100 trường hợp mỗi năm. Sự thay đổi hình thức này chủ yếu có ý nghĩa về mặt xã hội, giảm bớt đau đớn về thể xác cho người bị tử hình, cũng như giảm bớt sự căng thẳng về mặt tâm lý cho những người thực thi.

Ở nhiều nước, người trực tiếp thi hành án tử hình (tiêm thuốc độc) thường là bác sỹ pháp y. Còn ở Việt Nam, ai sẽ là người thực hiện nhiệm vụ này, thưa ông?

Luật THAHS quy định người thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc là cán bộ thi hành án hình sự. Khả năng nhiều nhất ở đây vẫn là cán bộ công an trực tiếp thi hành án hình sự. Lực lượng này sẽ được đào tạo, tập huấn, hướng dẫn về chuyên môn. Còn bác sỹ pháp y cũng có thể là một sự tính toán trong tương lai. Chúng tôi có thể tuyển thêm bác sỹ pháp y vào lực lượng công an. Tuy nhiên, theo tôi được biết thì ngành y họ cũng có lý do tế nhị riêng của họ, như chuyện lời thề Hypocrat (lời thề của những thầy thuốc trước khi ra trường hành nghề, trong đó có nội dung sẽ không trao thuốc độc cho bất kỳ ai - PV) chẳng hạn.




Trung tướng Cao Ngọc Oánh


Có ý kiến cho rằng để giảm bớt áp lực tối đa cho cán bộ trực tiếp tiến hành tiêm thuốc độc cho tử tù, nên xây dựng phòng tiêm thuốc hiện đại, có sử dụng bảng điều khiển tự động. Vấn đề này có được tính toán đến ở nước ta?

Việc sử dụng hình thức tiêm thuốc độc tự động, dùng bảng điều khiển cũng đang nằm trong tính toán của các cơ quan chức năng. Làm thế nào để ngày càng sử dụng được công nghệ, khoa học tiên tiến nhất, giảm bớt được áp lực trong thi hành án tử hình. Đây là nhu cầu, còn trên thực tế đến đâu còn phải tìm hiểu và học tập kinh nghiệm của các nước.

Một vấn đề mà dư luận cũng đang rất quan tâm là vấn đề bảo quản và xử lý xác tử tù. Luật THAHS quy định có điểm gì mới so với trước đây không, thưa ông?

Luật THAHS này có hiệu lực từ ngày 1/7 quy định rất rõ về vấn đề này. Thân nhân của người phải chấp hành án có thể được nhận tử thi, hài cốt và phải qua một quy trình nhất định. Với quan điểm nhân văn "nghĩa tử là nghĩa tận", khoản 1 Điều 60 quy định cho thân nhân nhận lại thi hài, hài cốt hoặc tro cốt của người bị thi hành án tử hình (trừ những trường hợp gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội, an ninh quốc gia).

Thưa ông, để chuẩn bị cho việc thực thi Luật THAHS, hiện nay công tác xây dựng các văn bản hướng dẫn, tổ chức tập huấn, trang bị cơ sở vật chất đã được tiến hành đến đâu?

Ngay từ khi Luật mới được công bố, Thủ tướng Chính phủ đã có kế hoạch triển khai thi hành, được ban hành theo Quyết định số 15 ngày 5/1/2011. Tính đến thời điểm hiện tại thì đã có 8 Nghị định mới, 18 Thông tư liên ngành, 14 Thông tư của Bộ Công an được xây dựng. Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp cũng đang tham mưu cho Bộ Công an và Chính phủ xây dựng Đề án tử hình bằng tiêm thuốc độc. Theo đề án thì sẽ xây dựng các nhà tử hình ở các cơ sở giam, tạm giam của công an các tỉnh. Trước hết, bố trí sớm cho những địa phương có số án tử hình cao.

Nghiên cứu xây dựng "nhà tù mở"

Con số tội phạm tái phạm cao trong thời gian qua đang khiến dư luận tỏ ra lo ngại. Theo ông thì đâu là nguyên nhân chính của tình trạng này?

Con số tội phạm tái phạm bình quân ở Việt Nam đang là khá cao, gần 30%. Những tội phạm ma túy, trộm cắp, lừa đảo, cướp giật có nguy cơ tái phạm cao. Đây là một vấn đề nhức nhối, gây bức xúc.

Nguyên nhân tái phạm thì có nhiều nhưng yếu tố đầu tiên phải nói đến là sự quan tâm của cộng đồng, các khu vực dân cư, xã hội thu nhỏ nơi họ đang sống. Vấn đề thứ hai là sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương. Đại bộ phận những người chấp hành án tù trở về thường có hoàn cảnh gia đình khó khăn cho nên cần phải có chính sách quan tâm hơn của địa phương. Và một vấn đề quan trọng khác là trách nhiệm của cơ quan thi hành án hình sự mà trước hết là các trại giam.

Tỷ lệ tái phạm còn cao cũng khiến dư luận đặt dấu hỏi về cách thức giáo dục, cải tạo phạm nhân trong các trại giam đã thực sự đạt hiệu quả hay chưa? Để giảm được con số nhức nhối này, vai trò của các trại giam được thể hiện như thế nào, thưa ông?

Luật THAHS lần này rất quan tâm đến vấn đề giáo dục, cải tạo người thi hành án phạt tù trở thành công dân có ích sau khi mãn hạn tù. Tổng Cục cũng đã cố gắng nghiên cứu và thử nghiệm nhiều đề án để giúp người chấp hành án trở về có thể dễ dàng hơn trong tái hòa nhập cộng đồng. Như việc thay đổi nhận thức về một "nhà tù mở", trong đó tăng cường giáo dục nhân văn, đạo đức, kỹ năng sống, tạo ra những cơ chế thuận lợi hơn để họ được tiếp xúc với cộng đồng ở một mức độ nhất định trong thời gian cuối trước khi ra tù.

Đồng thời, việc dạy nghề cũng phải được coi trọng để họ có thể tìm được việc làm sau khi ra tù. Chúng tôi đang xây dựng Nghị định các điều kiện bảo đảm để tái hòa nhập cộng đồng cho số phạm nhân vừa ra tù hiện nay. Trong đó, khuyến khích các doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng, sử dụng số lượng lao động có chứng chỉ nghề.

Một số trại giam còn hình thành các cơ sở sản xuất ngay cạnh trại giam để vừa tạo việc làm vừa giáo dục tiếp các đối tượng chưa thể tái hòa nhập, ổn định cuộc sống ngay. Có những đối tượng đi tù 10 -15 năm về, vợ không, con không, gia tài, nhà cửa không, quan hệ không… Nói chung là họ không còn chỗ nào bấu víu nên rất dễ tái phạm. Vì vậy, việc tìm ra các mô hình phong phú, phù hợp để hỗ trợ họ là rất quan trọng.

Hiện nay ở nhiều địa phương đang có những mô hình rất hay như Quỹ hoàn lương ở Nga Sơn - Thanh Hóa, Tp Hồ Chí Minh. Tổng cục đang quan hệ với các tổ chức để nhân rộng các điển hình này.

Xin cảm ơn ông!

Một bước tiến lớn về thể chế hoá thi hành án hình sự

Theo Trung tướng Cao Ngọc Oánh, thực tiễn thi hành án hình sự lâu nay đã phát huy được tính tích cực và hiệu quả như đảm bảo được tính trừng phạt, răn đe; tính khoan hồng và nhân đạo trong giáo dục, cải tạo người phạm tội; đảm bảo an ninh quốc gia; giữ gìn trật tự xã hội trong phòng và chống tội phạm. Tuy nhiên, do các văn bản quy phạm pháp luật về thi hành án hình sự được ban hành quá lâu, ở nhiều thời điểm khác nhau, nên cũng phần nào bộc lộ sự tản mạn, hiệu lực pháp lý chưa cao.

Trước khi có Luật THAHS, văn bản pháp luật chuyên ngành có hiệu lực pháp lý cao nhất được sử dụng chỉ là Pháp lệnh thi hành án phạt tù năm 1993, bổ sung năm 2007. Còn lại hầu hết là các Nghị định của Chính phủ quy định về chế độ hưởng án treo; cải tạo không giam giữ…Chế độ thống kê báo cáo cũng chưa được quy định thống nhất, cụ thể. Các văn bản pháp luật về thi hành án hình sự chưa tương thích với các luật như Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức tòa án, Luật Tổ chức Viện kiểm sát, Luật Thi hành án dân sự. "Lâu nay, chúng ta cũng chỉ quan tâm tới hình phạt tù, hình phạt tử hình mà chưa quan tâm đến việc tổ chức các hình phạt khác, chủ yếu giao cho chính quyền địa phương. Điều này dẫn đến việc giám sát, quản lý đối tượng thi hành án mới được thực hiện mang tính hình thức, chưa thể hiện được yêu cầu trừng trị, trấn áp và giáo dục cải tạo", ông Oánh nói.

Theo ông Oánh, việc ra đời của Luật THAHS có hiệu lực từ 1/7 tới là một bước chuyển rất quan trọng, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật xã hội chủ nghĩa Việt Nam về quyền con người và cũng tạo ra những điều kiện căn bản nhất để các lực lượng làm nhiệm vụ có được văn bản pháp lý cao nhất để thi hành.
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)