Bóng đá 2011-11-24 03:56:27

thể thao việt nam cần có những người như các anh


Điều đọng lại ở người hâm mộ không hẳn là những tấm huy chương, mà chính là tinh thần chiến đấu vì màu cờ sắc áo của các VĐV.

>> Indonesia nói lời tạm biệt, trao cờ chủ nhà cho Myanmar
>> Hai fan Indonesia chết thảm trong trận chung kết SEA Games 26
>> Cắn đối thủ, núp trọng tài, võ sĩ Indonesia vẫn vô địch
>> Fan 'phát cuồng' vì trọng tài Hàn đẹp trai
>> HLV Falko Goetz: 'Tôi xin lỗi người hâm mộ Việt Nam’
>> Nghi vấn dàn xếp tỉ số sau thất bại của U23 Việt Nam

Chung cuộc SEA Games 26, TTVN giành 96 tấm HCV, 91 HCB và 100 HCĐ vượt xa chỉ tiêu 70 HCV trước ngày lên đường. Điều tâm đắc nhất chính là sự bứt phá của các môn Olympic như thể dục, điền kinh, bơi và đấu kiếm với sự ổn định của hầu hết các trụ cột và tỏa sáng của một loạt những gương mặt mới.

Huy chương kim cương của Nguyễn Thị Phương

Chiều 12/11 ở nội dung thi 3000m vượt rào nữ, Nguyễn Thị Phương bước vào nội dung chung kết với hy vọng lần đầu mang về tấm HCV về cho điền kinh Việt Nam. Trong hơn 2.500 m đầu, Nguyễn Thị Phương thi đấu rất tốt và dẫn đầu trong phần lớn quãng đường đua. Tuy nhiên, khi mà chiến thắng đã nằm rất gần thì chỉ vì thiếu may mắn trong cơn mưa lạnh ở Palembang, Phương đã gục ngã vì kiệt sức khi cách đích chỉ tầm 2m nữa.

Lúc đó, rất nhiều người nghĩ nữ VĐV Việt Nam không thể đứng lên được nữa. Nhưng với nỗ với sự nỗ lực phi thường của mình, Phương vẫn cố nhoài người về phía trước để chạm tay vào vạch đích đoạt HCB với thành tích 10 phút 4 giây 42. Ngay sau đó, các nhân viên y tế đã vào cáng nữ vận động viên điền kinh Việt Nam tới phòng chăm sóc sức khỏe.

Bị ngã ngay trước vạch đích, Nguyễn Thị Phương vẫn cố gắng bật dậy hoàn thành bài thi để mang về cho đoàn TTVN tấm HCB ý nghĩa


Đây có lẽ là hình ảnh xúc động nhất của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 26. Tuy để tuột chiếc HCV trong gang tấc nhưng Nguyễn Thị Phương đã không làm cho người hâm mộ Việt Nam thất vọng bởi tinh thần thi đấu hết mình, một tinh thần làm lay động biết bao trái tim người hâm mộ nơi quê nhà.

Thạch Thị Trang đổ máu, giành HCV

Mới lần đầu tiên tham dự SEA Games, lại có thể hình bất lợi, nhưng Thạch Thị Trang đã bất ngờ đánh bại Jamalliah và Mardiah Nasution của nước chủ nhà Indonesia để giúp Karate Việt Nam giành tấm HCV đầu tiên. Tấm HCV mà Thạch Thị Trang mang về cho Karatedo Việt Nam thực sự là một bất ngờ lớn, vì trước khi Trang bước vào thi đấu, không nhiều người nghĩ rằng tân binh này có thể giành vàng tại SEA Games. Nhưng bằng lối đánh phản công nhanh nhậy và khá “lỳ đòn”, Thạch Thị Trang đã bước lên bục cao nhất ở hạng cân 68kg. Hình ảnh Thạch Thị Trang chảy máu mũi nhưng vẫn chiến đấu kiên cường đã làm các độc giả xúc động.

Chảy máu mũi Thạch Thị Trang vẫn chiến đấu kiên cường


Vỡ òa trong niềm vui chiến thắng


“Rái cá sông Hàn” Hoàng Quý Phước phá kỷ lục SEA Games

Kình ngư người Đà Nẵng đã lập được những chiến công cho bơi lội Việt Nam mà có lẽ trước ngày lên đường dự SEA Games, ít ai có thể ngờ tới. Sau tấm HCV lịch sử ở nội dung 100m bơi bướm, Quý Phước lại làm nức lòng người hâm mộ nước nhà với ngôi vô địch 100m tự do. Dù nội dung bơi tự do không phải sở trường nhưng Quý Phước đã vung những sải tay mạnh mẽ đầy khát khao trên đường bơi xanh để cán đích đầu tiên.

Quý Phước trên đường bơi xanh SEA Games 26


Phước xuất phát ở đường bơi số 4 và chịu sự cạnh tranh quyết liệt của Yeo Kai Quan (Singapore) và Triady Fauzi (Indonesia). Nhưng với sự sung mãn của tuổi 18, cộng với tâm nguyện chiến đấu vì màu cờ sắc áo đã giúp Phước bứt phá những mét đua cuối cùng để chạm đích đầu tiên với thời gian 50 giây 79, vừa đủ đánh bại Yeo Kai Quan (HCB, 50 giây 98) và Triady Fauzi (HCĐ, 51 giây 36). Thành tích này giúp Phước phá kỷ lục SEA games và đoạt chuẩn B Olympic.

Bảy Còi (tên thường gọi ở nhà của Hoàng Quý Phước vì Phước là em út trong gia đình có 7 anh chị em, hồi nhỏ Phước cao nhưng còi và đen) giúp bơi lội Việt Nam lần đầu tiên đoạt tới 2 HCV tại một kỳ SEA Games. Sinh năm 1993, Phước còn khá trẻ và tương lai tươi sáng vẫn hứa hẹn ở phía trước. Theo đề nghị của Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam, năm 2012, Hoàng Quý Phước sẽ đi tập huấn tại Mỹ bằng nguồn kinh phí hợp tác giữa Tổng cục TDTT và UBND TP Đà Nẵng, giúp Phước phát triển sự nghiệp, hướng tới những đấu trường cao hơn như ASIAD.



“Búp bê” Ngân Thương trở lại ấn tượng

Ngày thi đấu 15/11 có lẽ sẽ là cột mốc không thể quên trong lịch sử Thể dục dụng cụ Việt Nam. Giành 9 HCV/10 HCV nội dung đơn môn, các VĐV Việt Nam tỏ ra lấn lướt gần như tuyệt đối tại SEA Games 26 này. Ấn tượng hơn cả là Đỗ Thị Ngân Thương. Chỉ đặt mục tiêu giành huy chương tại SEA Games 26 do bị lật cổ chân nhưng ý chí, bản lĩnh, kinh nghiệm thi đấu đã giúp cô "búp bê" nhỏ nhắn, xinh xắn làm được nhiều hơn thế.

Khởi đầu với tấm HCB toàn năng vào chiều 14/11, Ngân Thương gây bất ngờ khi giành được 2 HCV với màn trình diễn ấn tượng ở môn xà lệch (12.9 điểm) và cầu thăng bằng(12,300 điểm). Việc Ngân Thương đoạt 2 HCV tại một kỳ SEA Games không quá bất ngờ nếu nhìn từ góc độ tài năng. Nhưng điều đáng nể ở Ngân Thương là nghị lực phấn đấu sau chấn thương và vụ dính doping vì thiếu hiểu biết ở Olympic 2008. Vì những tưởng khi phong độ đã bắt đầu bên kia sườn dốc, lại gặp thêm “tai nạn” doping do uống thuốc cảm cúm lung tung, sự nghiệp thể thao của Thương đã chấm dứt, song "búp bê" vẫn gượng dậy, nỗ lực luyện tập để giờ đây hái được những quả ngọt cuối mùa.

Đình Cương “nghi binh” để Văn Thái đoạt HCV

Toàn bộ khán giá trên sân vận động trong khu liên hợp Jakabaring đã vỗ tay hoan hô, thậm chí còn hô to hai tiếng “Việt Nam” khi chứng kiến hình ảnh hai VĐV Đình Cương và Văn Thái ăn mừng tấm HCV nội dung 800 của Dương Văn Thái.

Hình ảnh đẹp gây xúc động với bạn bè trong khu vực của Văn Thái và Đình Cương


Sở dĩ khán giả chủ nhà phải thán phục đến vậy là vì chiến thuật hy sinh “nhà đương kim vô địch” Đình Cương cho người đàn em Văn Thái bứt lên của điền kinh Việt Nam. "Miếng đánh" này đã khiến tất cả phải bất ngờ và trầm trồ khen ngợi. Hình ảnh một VĐV về đích sau cùng (thực tế là Đình Cương đã dừng chạy khi Văn Thái cán đích, hoàn thành nhiệm vụ "chim mồi") ăn mừng cùng VĐV về nhất càng cho thấy tinh thần đồng đội cao đẹp của đội tuyển điền kinh Việt Nam.

“Sau khi chỉ đoạt huy chương đồng ở nội dung 1.500m, tôi thấy thể lực của tôi giờ không đảm bảo. Nếu chạy căng sức, tôi cũng chỉ có thể cạnh tranh huy chương đồng. Thế nên giúp đồng đội đoạt huy chương vàng sẽ ý nghĩa hơn, vì đó là thành tích chung của điền kinh Việt Nam. Chiến thuật của ban huấn luyện đề ra là tôi sẽ khóa các đối thủ. Khi đó Thái không được chú ý sẽ bứt lên. Tôi rất vui vì hôm nay cả hai đã thực hiện chiến thuật hoàn hảo”, Đình Cương chia sẻ.

Những bước chạy thần tốc của Đào Xuân Cường

Tại nội dung 400m vượt rào nam, Đào Xuân Cường (thành tích 51'45) đã xuất sắc vượt qua Janjai (Thái Lan, 51"60), Andrian (Indonesia, 51"70), giành HCV rất thuyết phục. Phải từ năm 2003 đến nay, Hà Nội mới có VĐV đoạt HCV SEA Games nội dung chạy 400m rào - một nội dung rất khó. Lần đầu dự SEA Games, nhưng VĐV 22 tuổi người Đông Anh này đã thi đấu rất xuất sắc, tự tin với những bước chạy mạnh mẽ và nước rút hoàn hảo để giành tấm HCV ở nội dung được đánh giá cao này.

Xuân Cường kể lại: “Đây là lần đầu tiên tôi dự một giải ở nước ngoài. Tôi hoàn toàn mù tịt thông tin các đối thủ nên nghe hiệu lệnh thì cứ gắng sức mà chạy và nhảy rào. Tôi vẫn chưa thể tin mình đã trở thành nhà vô địch SEA Games ngay tại giải quốc tế đầu tiên”.

Thành Lương đổ máu, Bửu Ngọc kiên cường

Ở giải đấu gây thất vọng và khiến người hâm mộ nghi vấn về tiêu cực ở U23 Việt Nam, thì hình ảnh lăn xả thi đấu của Thành Lương và Bửu Ngọc chính là điểm sáng hiếm hoi của đoàn quân HLV Falko Goetz. Trong trận đấu với U23 Indonesia, Thành Lương đã có pha không chiến với hậu vệ của đội bạn. Sau pha va chạm, Thành Lương đổ vật ra sân. Sau 5 phút được sự trợ giúp của các bác sỹ, Thành Lương mới trở lại sân thi đấu với cái đầu quần băng.

Do thi đấu nỗ lực và mất nhiều sức, kết thúc trận đấu, đội trưởng của U23 Việt Nam đã đổ gục xuống sân. Hoàng Thịnh và bác sỹ đội tuyển đã nhanh chóng đưa Thành Lương vào phòng thay đồ. Mất nhiều máu và có dấu hiệu kiệt sức, các bác sỹ đã đưa Thành Lương đi bệnh viện. Kết quả, Lương bị khâu 8 mũi trên trên mí mắt và có dấu hiệu chóng mặt, buồn nôn. Tuy sức khỏe không đảm bảo, nhưng Thành vẫn đề nghị HLV cho ra sân thi đấu ở trận cuối cùng, gặp Myanmar.

Gần nửa đêm 19/11, Bửu Ngọc mới trở về khách sạn Sultan sau khi được đưa vào bệnh viện để kiểm tra chấn thương trong trận bán kết với Indonesia. Kết quả chụp phim ở bệnh viện cho thấy Bửu Ngọc chấn thương đốt sống cổ và phải đeo đai cố định cổ. Đó là hệ quả của pha bay người phá bóng cứu thua, sau đó anh ngã xuống đất và chạm cổ vào hệ thống thoát nước đặt ngay bên cạnh khung thành.

Thủ môn Bửu Ngọc buồn bã ngồi nhìn đồng đội tập luyện trưa 20-11


Bửu Ngọc nhận lỗi về bàn thua đầu tiên ở bán kết khi phản xạ chậm một nhịp để bóng qua tay từ pha đá phạt trực tiếp của tiền đạo Patrich, và anh không hề biện hộ rằng do chấn thương vùng cổ ảnh hưởng nhiều đến phong độ trong suốt trận. Nhưng trên thực tế, trong cả hai bàn thua Bửu Ngọc không có lỗi, nói cách khác thủ môn đến từ Đồng Tháp đã cứu cho Việt Nam nhiều bàn thua trông thấy.




Tiêu cực chỉ là con sâu làm rầu nồi canh 3bored3 3bored3
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)