Bóng đá Việt Nam sản sinh ra một thế hệ vàng với những Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Hữu Thắng, Công Minh… Chính họ đã giúp bóng đá Việt Nam bước sang một chương mới, với sức tấn công vào sân chơi khu vực. Thời còn là cầu thủ, họ được người hâm mộ biết đến như những chiến binh quả cảm, chiến đấu hết mình vì màu cờ sắc áo. Khi đã giải nghệ, họ tiếp tục đóng góp công sức của mình cho công tác đào tạo, huấn luyện các cầu thủ trẻ, không ít đã thành danh và trở thành những thuyền trưởng ở những CLB hàng đầu V-League.
HLV Lê Huỳnh Đức để lại dấu ấn đậm nét ở Đà Nẵng. Ảnh: Mai Hương. |
Thành công của Huỳnh Đức trở nên trọn vẹn, khi anh đóng vai một thuyền trưởng xuất sắc ở Đà Nẵng. Còn nhớ, thời Huỳnh Đức về đây làm việc, đội bóng này rối ren bởi chuyện nội bộ, phe cánh. Sự có mặt của Huỳnh Đức ngay lập tức giúp Đà Nẵng lập lại trật tự, sự kỷ luật. Các cầu thủ trẻ nhìn vào Huỳnh Đức như một tấm gương và họ luôn dành sự tôn trọng với người thầy trẻ.
Sự khởi đầu nào cũng gian nan, huống hồ thời Huỳnh Đức lên nắm quyền, bóng đá Việt Nam chưa có sự ghi nhận, tin tưởng với các HLV trẻ. Tất cả vẫn quá quen thuộc với những thế hệ của Lê Thụy Hải, Vương Tiến Dũng, Nguyễn Thành Vinh, Trần Văn Phúc… Chính Huỳnh Đức là người làm thay đổi suy nghĩ đó, khi cùng Đà Nẵng đoạt hết các danh hiệu này đến thành công khác.
Chỉ trong 4 năm, Đà Nẵng đã có hai chức vô địch (mùa giải 2009 và 2012), một Cup quốc gia, một Siêu Cup. Thành tích đó cho thấy tài năng của vị thuyền trưởng trẻ Huỳnh Đức.
Người cũng thành công không kém Huỳnh Đức là Hữu Thắng. Ở SLNA, Hữu Thắng không chỉ là người thầy, mà còn là người anh em trong một nhà. Lối chơi bản sắc, đặc biệt là tinh thần máu lửa của bóng đá xứ Nghệ, chính là điều mà Hữu Thắng tâm đắc nhất. Chức vô địch V-League 2011 là thành quả ngọt ngào sau những nỗ lực tái thiết đội bóng của Hữu Thắng. Mùa giải năm nay, SLNA cũng đang là thách thức lớn nhất với bất cứ đối thủ nào trong cuộc đua tới ngôi vô địch.
HLV Hữu Thắng đang thành công cùng SLNA. Ảnh: Kỳ Lân. |
Không nổi như Huỳnh Đức, Hữu Thắng, Phan Thanh Hùng, những Nguyễn Văn Sỹ, Hoàng Anh Tuấn… cũng là những cái tên đã để lại được dấu ấn của mình trong nghiệp cầm quân. Thời Khánh Hòa còn đá ở V-League, đội bóng này được mệnh danh là “Vua trụ hạng”. HLV Hoàng Anh Tuấn đã xây dựng một lối chơi rất riêng với đội bóng phố biển. Giờ thì ông Tuấn cũng đang cho thấy sự “mát tay” khi về dẫn dắt đội bóng đất Cảng (Khánh Hòa và Hải Phòng sáp nhập). Sau 3 trận thắng liên tiếp, Hải Phòng dường như bắt đầu vào “phom”.
Trong khi đó, HLV Văn Sỹ dù có nhiều sóng gió hồi mới bước vào nghề, nhưng cũng bắt đầu gặt hái được những thành công cùng đội bóng cố đô Hoa Lư. Còn Triệu Quang Hà, cũng khá lận đận, khi lần lượt chia tay Hà Nội T&T, Thanh Hóa. Hiện tại, Hà “tí tồ” cũng đang quyết gây dựng lại từ một đội bóng hạng Nhất, khả năng là CLB Hà Nội của bầu Hiển.
Long đong nhất trong các HLV thời thế hệ vàng, có lẽ là Trần Công Minh. So với các đồng nghiệp, Công Minh chuyển sang nghiệp HLV sớm nhất. Năm 2004, Công Minh đã là HLV của đội U21 Đồng Tháp dự giải toàn quốc khi mới 34 tuổi. Tuy nhiên, sự va vấp, trải nghiệm sớm không giúp Công Minh thành công như Huỳnh Đức hay Hữu Thắng. Cựu cầu thủ gốc Đồng Tháp bươn trải khắp các đội bóng Đồng Tâm, Đồng Tháp… và thường nhận kết cục là thất bại. Mới nhất, sau khi không giúp Đồng Tháp thi đấu tốt tại hạng Nhất, cựu Quả bóng vàng Việt Nam xin từ chức. Dù vậy, người hâm mộ không tin anh sẽ bỏ cuộc, cơ hội vẫn còn rất nhiều với Công Minh phía trước.
Không ồn ào với nghiệp HLV như các đồng nghiệp, những Hồng Sơn, Đức Thắng, rồi Minh Chiến, Võ Hoàng Bửu, Nguyễn Mạnh Cường, Nguyễn Hữu Đang… lại chọn cho mình đường đi riêng, chính là làm công tác tìm kiếm và huấn luyện trẻ. Họ tin rằng với những kinh nghiệm của mình truyền đạt lại cho thế hệ trẻ, bóng đá Việt Nam sẽ có một cái gốc thật vững chắc.
Thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam, đang tiếp tục cống hiến cho bóng đá nước nhà. Dù mỗi người có một con đường riêng và có những thành công khác nhau, nhưng tất cả đều có một mong muốn chung là đưa bóng đá Việt Nam tiến lên.