Chiều muộn, xóm Gióng (Thủy An, Hương Thủy, TT-Huế) vốn lặng lẽ và yên bình vào ban ngày, bỗng trở nên náo nhiệt…
Tấp nập bởi sự xuất hiện của hàng chục cô gái trẻ từ các quán cắt tóc, gội đầu, túa ra đường tàu đợi khách.
Xóm Gióng về đêm
Mới 19h tối nhưng các quán cắt tóc như Kim Yến, Đoan Trang, Hoa Hồng, Như Ý, Thanh Lịch, Diệu Hiền… đã tấp nập khách ra vào. Khách chủ yếu là nam giới, thi thoảng có người đồng tính; họ là những tài xế xe khách, xe tải đường dài hoặc những người lao động phổ thông như xe ôm, thợ xây, thậm chí cả nông dân, đến giải khuây sau một ngày lao động vất vả.
Trong vai hai khách làng chơi, tôi và anh bạn dừng xe ở quán cắt tóc Diệu Hiền. Trong quán không có đồ nghề cắt tóc, chỉ thấy thấp thoáng dưới ánh đèn mờ những cô gái phấn son lòe loẹt, sâu bên trong là những căn phòng khép kín. 5-6 cô trong trang phục hở hang gọi í ới: “Anh ơi! Vào đây đi, chúng em chiều từ A đến Z. Anh thích đi tàu nhanh hay tàu chậm? Nhanh thì 1 xị (1 trăm ngàn đồng), chậm thì 5 xị”.
Nghe giọng nói cũng biết các cô phần lớn không lớn lên ở Huế mà đến từ các tỉnh miền Tây hoặc từ Quảng Bình, Hà Tĩnh… vào đây hành nghề “cắt tóc đêm”. Chúng tôi thoát khỏi đám bủa vây nhờ một trận hỗn chiến xảy ra ở quán bên cạnh. Do mâu thuẫn khi tranh giành khách, các cô gái đã dùng đá đường tàu, gọi “bảo kê” đến gây chiến với một quán gội đầu gần đó. Người dân đổ ra xem đông như trẩy hội.
Một người dân trong xóm cho biết, chuyện này xảy ra ở đây như cơm bữa. Đánh nhau vì tranh giành khách, vì bị quỵt tiền, vì mâu thuẫn giá cả… Cũng theo người này thì người dân xóm nhiều năm rồi phải sống trong cảnh sợ hãi: sợ con cái mình lớn lên hư hỏng, sợ sự mất an ninh trật tự…
Chân dung các cô gái “vẫy”
Hầu hết các cô gái làm nghề “cắt tóc nam nữ” ở đây đều xuất thân từ những vùng quê nghèo, cuộc sống khó khăn, phải lang bạt mưu sinh.
T.D, cô gái lớn lên ở vùng quê miền núi Tuyên Hóa (Quảng Bình), năm nay mới 22 tuổi nhưng đã có 5 năm kinh nghiệm làm nghề. D cho biết: “Ban đầu, mình đến đây là để học nghề cắt tóc, kiếm một việc mưu sinh. Nhưng cắt tóc không đủ ăn, thế là mình làm liều, bán thân để có thêm thu nhập. Lâu dần thành quen. Ở nhà bố mẹ còng lưng làm nông đâu có đủ ăn đâu, các em thì đang còn đi học nên mình phải bươn chải từ nhỏ và rồi lao vào con đường đen tối này từ lúc nào không biết nữa”.
Khác với D, N.T.H (Cần Thơ) có hoàn cảnh trớ trêu hơn. Năm 16 tuổi, đang học lớp 10, H xinh đẹp nức tiếng khiến nhiều người đeo đuổi. Trong số các “vệ tinh”, H chọn P, một tài xế xe ca đường dài. Tin lời ong bướm, H đã dâng hiến tất cả cho người yêu. Rồi H mang thai, gia đình bắt cưới; gần đến ngày cưới thì P “chuồn” mất.
Bị người yêu ruồng bỏ, sau khi sinh con, H bỏ con lại cho bố mẹ nuôi rồi phiêu bạt vào Huế xin làm ở một quán cắt tóc nam nữ. H tâm sự: “Đáng lẽ ra mình vẫn tiếp tục con đường học tập để kiếm lấy một tương lai tươi sáng hơn, nhưng chuyện tình yêu ngang trái quá, chán đời và hận người tình nên mình mới lao vào nghề bán thân. Mình rất ân hận nhưng biết làm sao đây khi mọi chuyện đã an bài!”.
Tuy nhiên, trường hợp học xong lớp 10 như H là rất hiếm. Trong gần 20 quán cắt tóc gội đầu đêm ở đây có tới hàng trăm cô gái, và phần lớn các cô đều không biết đọc, biết viết, thậm chí không nhớ cả ngày sinh của mình. Ít học, nghèo khổ, phiêu bạt nơi đô thị từ rất sớm, đó là con đường mòn dẫn các cô gái đến với nghề bán thân.
Đêm đã về khuya, người dân nơi đây đã chìm vào giấc ngủ; nhưng các quán “cắt tóc nam nữ” thì vẫn dập dìu nam nữ. Xóm “anh ơi” đã và đang tồn tại ở một vùng quê nghèo yên bình như thế