Chu Thiên Huế tại phiên tòa với khuôn mặt đờ đẫn vô hồn
Tại phiên tòa xét xử Chu Thiên Huế (SN 1989, trú tại xóm 3, xã Diễn Trường, Diễn Châu, Nghệ An) về hành vi giết người diễn ra vào sáng ngày 21/5/2013, tôi đặc biệt chú ý tới người phụ nữ ngồi ở hàng ghế dành cho thân nhân bị cáo.
Người đàn bà khắc khổ Nguyễn Thị Khuyên mang theo một bọc giấy tờ tới để dự phiên tòa xét xử đứa con trai duy nhất của mình. Ngồi chỉ cách mẹ chừng hơn 1m nhưng Chu Thiên Huế gần như bất động, nhìn vô định về phía trước, chẳng thèm đáp lại những lời hỏi han của mẹ. Chị cho biết, những lần vào thăm con trong trại tạm giam, nó cũng lầm lỳ như thế, mẹ hỏi, chỉ trả lời nhát gừng.
Chị mở bọc túi ni lông, bày lên bàn mớ giấy tờ rồi nói như trình bày: “Đây, giấy tờ đi viện chữa bệnh trầm cảm của thằng Huế. Đây là đơn trình bày và quyết định cho phép bảo lưu kết quả học tập tại Trường ĐH sư phạm kỹ thuật Nghệ An để thằng Huế chữa bệnh. Nó bị trầm cảm, đến khi bị thách thức, không kiềm chế được mới gây nên tội tày trời này chứ giữa hai nhà có xích mích chi mô”.
Kết quả điều tra của cơ quan chức năng cho thấy, ngày 20/9/2012, Chu Thiên Huế ở nhà trong khi mẹ đi làm đồng cách nhà vài trăm mét. Do nghi ngờ Huế ném vỡ mái ngói nhà mình nên bà Phạm Thị Hường (SN 1963, là hàng xóm sát vách nhà Huế) đứng bên nhà chửi vọng sang. Nghĩ không liên quan tới mình nên Huế cũng chẳng bận tâm.
Mẹ của Huế làm ruộng gần đó nghe tiếng hàng xóm chửi, nghĩ đang ám chỉ con trai mình nhưng cố nín nhịn đến khi về nhà. Xẩm tối, đi làm về, hai bà hàng xóm lời qua tiếng lại. Huế nằm trong nhà, nghe tiếng chửi bới liền chạy ra quát: “Im mồm đi, không tau sang chém chết”. Bà hàng xóm cũng chẳng vừa, lên tiếng thách thức: “Tau thách mi sang chém”.
Mẹ của Huế - bà Nguyễn Thị Khuyên tại phiên tòa
Buông lời thách thức xong, bà Hường vào nhà ngồi và cũng thôi chửi bới. Còn Huế, chạy ra giếng cầm một con dao sang nhà hàng xóm chém lia lịa vào cổ, tay, chân bà chủ nhà. Hậu quả làm bà Hường chết tại chỗ. Sau khi gây án, Chu Thiên Huế bỏ trốn nhưng được sự động viên từ phía gia đình nên chỉ một giờ đồng hồ sau, Huế đã tới cơ quan chức năng đầu thú.
Theo chị Khuyên, nguyên nhân khiến hành động của Huế là do một câu chửi của bà hàng xóm. “Chị Hường chửi thằng Huế là con kẻ chết sông chết chợ, nó mới điên lên, không kiềm chế được”, chị lý giải.
Năm 2003, chồng chị bị ốm. Trận ốm cũng không phải là quá nặng, chị đi đưa chồng đi khám, người ta bảo anh bị hạ đường huyết. Cắt chén thuốc bắc vừa chữa bệnh, vừa tẩm bổ cho chồng. Tối đó, anh dậy rót thuốc uống, chị vì mệt quá nên ngủ thiếp đi. Sáng sớm, cơm nước chuẩn bị sẵn, chị mới gọi chồng dậy ăn để con uống thuốc.
“Trong giường ngủ không có, gọi mãi cũng không thấy ông ấy trả lời. Cả nhà tôi, rồi huy động cả xóm đi tìm cũng không thấy. 3 hôm sau, người ta phát hiện xác ông ấy nổi ngoài sông. Đến tận bây giờ, sau 10 năm, tôi vẫn không thể lý giải được vì sao ông ấy lại nhảy sông tự tử, để lại cho tôi 3 đứa con thơ dại”, chị sụt sùi.
Chồng chết, một nách 3 con đang tuổi ăn tuổi học, chị gồng mình đứng lên làm trụ cột gia đình. Khó khăn, thiếu thốn quanh năm nhưng chị cũng cố gắng động viên các con ăn học, những mong sau này không phải cực nhọc, đầu tắt mặt tối như mình. Sau 4-5 lần thi, cuối cùng, đứa con gái đầu cũng đậu vào một trường cao đẳng sư phạm. Đứa thứ 2, thi mãi không đậu đành bỏ mộng học hành, vào miền Nam làm thuê phụ mẹ nuôi chị và em.
Khi đứa con gái đầu bước vào năm cuối thì Chu Thiên Huế thi đậu vào hệ cao đẳng nghề của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vinh. Nhà chỉ trông vào hơn 5 sào ruộng, lại không có việc làm thêm, nuôi một đứa học đã khó, giờ nuôi tới hai đứa, nhiều khi chị cảm thấy mình đuối sức, khó mà vượt qua được.
Thế nhưng người mẹ khốn khổ này đã động viên mình, động viên con cùng cố gắng. Ngày mùa, thấy chị một mình vất vả, cực nhọc, chồng bà Hường tuy không được khôn ngoan, nhanh nhẹn như người khác những cũng sang lúc giúp gánh lúa, khi giúp chất rơm. Tình nghĩa xóm giềng càng trở nên khăng khít.
Số quà quê ít ỏi bà Khuyên chuẩn bị cho con nhưng lại phải mang về
Đang học dở năm thứ nhất thì Huế thường xuyên xuất hiện những cơn đau đầu, tức ngực và nằng nặc xin nghỉ học. Thương con, không muốn con lỡ dở chuyện học hành, chị Khuyên làm đơn xin bảo lưu cho con và được nhà trường chấp nhận.
“Từ hồi nghỉ học, nó sinh ra lầm lỳ ít nói. Thậm chí, có khi không vừa lòng, nó quát mắng cả mẹ. Tôi đưa con đi khám, người ta bảo nó bị trầm cảm, chữa một thời gian, thấy yên yên nên cũng yên tâm. Ai ngờ nó lại gây ra tội tày đình này”, chị lại sụt sùi.
Sau khi Huế bị bắt, cả gia tài được con bò, chị quyết định bán, rồi vay mượn anh em họ hàng được 40 triệu đồng sang gọi là bù đắp cho gia đình hàng xóm. Quả thật, gia đình bà Hường cũng cám cảnh không kém hoàn cảnh của chị. Chồng không được nhanh nhẹn như người khác, lại thêm cô con gái bị thiểu năng nên mọi công việc lớn bé trong nhà đều một tay bà lo liệu. Cô con gái đầu của bà Hường đi làm thuê, cũng chỉ đủ nuôi thân, bởi vậy, bà Hương mất đi, cái gia đình nhỏ ấy cũng lâm vào thảm cảnh.
Tại phiên tòa, trước những câu hỏi của chủ tọa phiên tòa, Chu Thiên Huế trả lời nhát gừng, chẳng ăn nhập gì với nhau. Khi được hỏi, chị Khuyên một mực khẳng định, khi Huế bị bắt, chị có trình lên cơ quan điều tra toàn bộ giấy tờ chứng minh tình trạng bệnh tình của con. Thế nhưng trong suốt quá trình điều tra, chị không được mời lên tham gia với tư cách là người giám hộ hợp pháp cho Huế.
Cáo trạng của Viện KSND tỉnh Nghệ An cũng chỉ rõ: Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định tâm thần đối với Chu Thiên Huế. Kết quả giám định cho thấy Chu Thiên Huế mắc bệnh tâm thần dạng F25.1, mất một phần năng lực hành vi.
Nhận thấy vụ án còn nhiều tình tiết cần phải làm rõ, mặt khác, Chu Thiên Huế có dấu hiệu tâm thần từ giai đoạn điều tra, tuy nhiên cơ quan điều tra chưa thực hiện đúng trình tự tố tụng, không có người giám hộ trong quá trình điều tra, bởi vậy sau khi hội ý, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa, trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Tòa hoãn, Huế được đưa ra xe để về trại tạm giam. Chị luýnh quýnh chạy theo, hy vọng gửi cho con tấm bánh nhưng Huế vẫn cứ dửng dưng như thể chẳng nhận ra người phụ nữ khốn khổ đó là mẹ mình.
“Từ bữa bị bắt tới nay, tôi nhìn thấy nó dường như không được như trước. Tội nó gây ra, nó phải chịu sự trừng phạt của pháp luật nhưng càng nghĩ, càng thương con. Phải chi nó là người bình thường thì một nhẽ, đằng này…”, chị bỏ lửng câu nói, nhìn ra khoảng sân mịt mù khói khi chiếc xe chở phạm lao đi.
Hoàng Lam - DânTrí