"Nhà có điều kiện, phải biết tận dụng lúc bố mẹ đang hào phóng để tiêu tiền cho đã chứ!", đó là tâm lý của nhiều cô cậu sành điệu khi chuẩn bị vào đại học.
[size=1]Là sinh viên thì "đẳng cấp" phải khác. (Ảnh minh họa) [/size] Môi trường mới, ‘xì tai’ mới
Vào đại học, có nghĩa là đến trường mà không cần phải mặc đồng phục như thời còn học sinh, sự thoải mái đó đã khiến các bạn trẻ vung tiền thoải mái làm mới hình thức và đi mua sắm quần áo, trang sức, giầy dép.
M. Ngọc (trường THPT Kim Liên vừa đỗ Học viện Quan hệ Quốc tế), con gái của một đại gia kinh doanh bất động sản đã có 1 tuần liền đi mua sắm khắp Hà Nội. Không thích mặc kiểu ‘xì tin’ nữa, đã bước sang tuổi 18 và là sinh viên thì phải mặc hàng sành điệu, chất lượng cao hơn.
Điểm đến của Ngọc là các shop thời trang hàng hiệu từ các shop thời trang trên phố cho đến Tràng Tiền Plaza, Vincom Towers…. Sắm được gần chục bộ váy áo, túi xách D&G, Carvalli, Versace, Ngọc còn không quên đầu tư mấy bộ mỹ phẩm của Dior, Lancome, mấy lọ nước hoa Chanel 05, GK, Femme de MontBlanc… Thế là, chưa đến trường nhưng Ngọc đã ‘tiêu hộ’ bố mẹ một khoản tiền lớn, nhưng dường như cô vẫn chưa thấy mệt mỏi với công cuộc mua sắm của mình.
“Mình có điều kiện thì phải biết làm đẹp chứ không nên mặc nhí nhố như hồi còn học cấp 3. Cũng là đi học, nhưng lại tiếp xúc với các giáo sư, tiến sỹ, rồi các bạn cùng lớp thì chắc cũng nhiều ‘dân chơi’ nên lại càng phải có phong cách thời trang đẳng cấp hơn” - Ngọc giải thích cho sự thay đổi của mình.
Không thi đại học nhưng đã đăng ký vào Trung tâm Aptech, những ngày này nhóm mấy cậu chàng Minh-Việt- Khoa (trường PTTH Đống Đa) đã sửa sang lại để có một diện mạo hoàn toàn khác với thời học sinh. Trước hết là qua Nguyên Salon làm một chiếc đầu mới, mỗi cậu một kiểu: Minh nhuộm tím, tỉa dài ôm sát đầu, Khoa nhuộm bạch kim, đầu đinh, còn Việt thì vàng chạy line đỏ. Ba phong cách nhìn thì khác nhau nhưng lại không khác gì mấy anh chàng diễn viên Hàn Quốc.
Về đến nhà, cả bố mẹ hàng xóm đều choáng trước sự thay đổi của mấy cậu bé mới mấy hôm trước còn mặc áo sơ mi trắng quần đen với mái tóc đen gọn gàng. Nhưng điều đó lại càng khiến cả đám thích thú: “Bố mẹ và thầy cô cứ hay lấy lý do còn nhỏ không được đua đòi, giờ bọn mình đều ‘lớn’, sắp vào môi trường rất tự do trong hình thức, trang phục nên tha hồ mà thể hiện”- Việt cho biết.
Chưa hết, xem Triển lãm Art Ports ở Giảng Võ, thấy có gian hàng trưng bày xăm nghệ thuật, cả nhóm cũng hẹn với nhau sẽ đi xăm hình ở Tootall club (địa chỉ rất uy tín ở khu tập thể trường Đại học Kinh tế Quốc dân) để mình càng trở nên cá tính hơn. Việt dự định sẽ xăm ở cổ một con sư tử, ở cánh tay sẽ là một cô gái thật khêu gợi, còn hai cậu bạn kia thì vẫn đang "nghiên cứu" xem mình nên xăm cái gì mà dễ nhìn và hễ ai nhìn thì cũng phải sốc. Và những món quà chỉ có trong mơ
Học hành ‘lớt phớt’ nhưng kỳ thi vừa rồi Kiên (PTTH LTV) lại đủ điểm để vào Đại học Y Thái Bình. Quá bất ngờ và tự hào về sự kiện này, đáng lẽ sẽ là chiếc SH nhưng vì sợ ở dưới đó dễ mất mát, hư hỏng nên bố mẹ mua cho cậu một "em" SH để cậu dùng đi học. Tiếp đến, bố còn nhờ người mua cho được iPhone 3G mà Kiên thích, đưa cậu đi chọn một laptop Acer Ferarri có giá gần 2000$.
Biết Kiên thích máy ảnh bố cũng cho tiền cho cậu mua để thỏa mãn niềm đam mê của mình. Thế là trong một ngày, cậu mang về chiếc Nikon D40 gần chục triệu và đòi bố mẹ "bao" tiền cho Kiên cùng 3 cậu bạn vào Nha Trang chơi. Biết thằng con được "đằng chân lân đằng đầu" nhưng bố mẹ Kiên vẫn vui vẻ chiều lòng cậu con trai. Chưa là sinh viên nhưng Kiên đã hứa hẹn sẽ trở thành một "dân chơi" ở trường.
Còn Thu, cũng là con gái của một vị lãnh đạo ở Hà Giang thì được bố mẹ tậu cho một căn hộ CCCC tại Hà Nội khi Thu tin chắc sẽ đỗ ĐH Luật. Thế là cô tiêu thư Tây Bắc không phải lo lắng đến chuyện thuê nhà trọ hay ở Ký túc xá phức tạp như các bạn khác.
Về Hà Nội đã mấy ngày, Thu thích thú cùng bố mẹ đi mua đồ trang trí cho ngôi nhà mới của mình. Để yên tâm hơn, Thu còn được bố mẹ thuê một người ở quê xuống giúp cho cô việc ăn uống, dọn dẹp nhà cửa. Thế là dù chưa vào học nhưng Thu có đầy đủ những thứ mà các bạn sinh viên ngoại tỉnh có ‘nằm mơ’ cũng khó mà có được.
Trong khi đó, Hương (PTHT Amstecdam) cùng cậu em đang chu du ở Thái Lan, phần thưởng cho kết quả cô sắp trở thành sinh viên của ĐH Ngoại thương. Cầm trong tay gần 1500$, hai chị em Hương thỏa thích đi ngắm nghía cảnh đẹp ở Thái. Chuyến đi đã giúp cô được thư giãn sau một kỳ thi căng thẳng để có một tinh thần hứng khởi hơn cho năm học đầu tiên của thời sinh viên. Đó có lẽ là món quà xứng đáng cho cô học sinh nhà giàu mà học giỏi này.
Có thể đỗ đại học là một kỳ tích của các bạn trẻ, nhưng đó chỉ là sự khởi đầu của một hành trình mới. Ngoài những vẻ bề ngoài như quần áo, xe cộ, điện thoại… thì quan trọng hơn là việc chuẩn bị những tri thức, nghị lực, bản lĩnh để tiếp nhận một cuộc sống mới.