Từ Nhật ký Vàng Anh đến chân dung teen Việt:
Sành điệu không phải là hư hỏng
- Sáng 22-7-2007, 20 bạn tuổi teen đã có một bàn tròn bàn chuyện “đại sự”: thế nào là teen Việt đúng nghĩa? Bàn cãi, tranh luận về “mẫu” teen thời hiện tại, và họ đã nói về chính mình.
Thanks cho hiz ná
“Ăn mặc sành điệu, xài điện thoại di động xịn, tóc nhuộm vàng, thích chơi hơn thích học… Đó là “mẫu số chung” của teen hiện đại ngày nay?”. Cuộc trò chuyện như nảy lửa xung quanh nhận định này.
Phương Thảo: “Teen bọn mình sành điệu, muốn tìm sự hòa đồng và khẳng định mình”
Sành điệu để trốn tránh… cô đơn
Hoài Phương (lớp 12, THPT Lê Hồng Phong) nói “Mình có điều kiện thì xài, đó là phương tiện hỗ trợ cuộc sống mà”. Thanh Tùng (lớp 12, THPT Nguyễn Hữu Cầu) thì quan niệm teen sành điệu chỉ là biểu hiện của việc theo một trào lưu nhất thời, muốn thưởng thức cuộc sống hiện đại không thể trách vì mỗi người một ý thích khác nhau. Riêng Thanh Hương (THPT Lý Thường Kiệt, Hóc Môn) lại cho rằng teen sành điệu là để trốn tránh sự cô đơn của mình, sành điệu để đi tìm sự hòa đồng, chấp nhận của một nhóm bạn.
“Cô đơn” mà Hương nói đã khiến các bạn teen hào hứng kể về những phút giây cô đơn của mình. “Mình có rất nhiều khoảnh khắc cô đơn. Điểm kém không ai quan tâm là cô đơn, gặp những chuyện bé cỏn con cũng cô đơn” - Anh Thy (THPT Lê Hồng Phong) nói. Rất nhiều bạn chia sẻ lý do: cô đơn nhất là do sự bỏ rơi của cha mẹ, mà thời buổi hiện nay thì chuyện ba mẹ đi làm cả ngày chẳng để ý con cái là chuyện thường.
Quang Hải (THPT Nguyễn Hữu Cầu) tâm sự: “Ba mình đã mất, mình rất thèm nói chuyện với mẹ. Nhưng mỗi khi kể chuyện chẳng thấy mẹ “động tĩnh” gì, riết rồi mình thấy cô đơn, không muốn tâm sự với mẹ nữa”. Thanh Hương bảo teen ở trường bạn có hẳn một nhóm cô đơn, để khi gặp bất cứ chuyện gì là đến với nhau chia sẻ và có khi chỉ biết khóc với nhau.
Tuổi teen ngày xưa
Anh Lê Đăng Thiện, admin trang web www.hihihehe.com, tạm “định vị” teen thành ba loại: loại một là những teen cực kỳ có ý thức, giỏi giang, loại hai là những teen ăn chơi nhưng có ý thức và loại ba là những teen ăn chơi sa đà, quên ngày tháng.
Một câu hỏi được các bạn teen đặt ngược lại với những người “mãn teen” tham dự bàn tròn: “Teen ngày xưa như thế nào?”. Anh Phước thú vị nói: cách khẳng định ngày xưa của mình là phải có nhiều bi, làm ***g đèn thật đẹp, hay trang trí cái xe đạp thật oách.. Còn chị Hoàng Minh Tố Nga, chuyên viên tư vấn tâm lý, kể ngày xưa chị cũng hay than thở vì ba mẹ không hiểu con, nhưng sau câu nói “thay vì nguyền rủa bóng tối, sao không thắp lên ngọn nến”, chị bắt đầu nhận ra mình. Từng làm sinh nhật rất hoành tráng cho bạn bè nhưng chị chưa một lần tổ chức sinh nhật cho bố mẹ. Lần ấy chị tổ chức sinh nhật cho mẹ, hát cho gia đình nghe những bài nhạc do mình sáng tác tặng bố mẹ, mẹ khóc, ba chưa bao giờ khóc cũng rơi nước mắt.
Nói về tuổi teen bây giờ, tự nhận mình thuộc loại teen, thích tiếng Anh nhưng yêu tiếng Việt nhất, yêu nước nhưng muốn hòa nhập vào thế giới, Hoài Phương bảo mình cũng vào vũ trường, quán bar cho biết nhưng tự bản thân ý thức nên miễn nhiễm với thế giới ăn chơi. Nhận mình là teen loại hai, Tùng nói: “Mình không e dè với những cái mới, chơi hết ga mà cũng học hết mình”. Hay Nguyên Phúc (Trường Lê Quí Đôn) lại cho rằng: “Teen ngày nay thay đổi nhanh, tiếp thu, nhạy cảm cái mới nhiều, vì vậy mở mang cũng có mà cũng dễ đánh mất mình, teen thích thu mình, thể hiện mình trong thế giới ảo”.
Chị Tố Nga nhấn mạnh: khẳng định mình ở tuổi teen là vô cùng chính đáng. Vấn đề là khẳng định cái gì, kiểu gì. Chị Nga nói: teen ở đâu cũng có sự khẳng định cái tôi nhưng teen Việt khẳng định tôi là cái tôi trong một cộng đồng. Cái gì hay cứ học, nhưng là đứng trên vị thế Việt Nam mà học những cái độc đáo. Teen đẹp cả bên ngoài và bên trong, và chỉ khi có sâu giá trị bên trong tồn tại với thời gian thì mới làm chúng ta hạnh phúc.
Trích:
Tham dự bàn tròn có sự tham gia của 20 bạn teen với nhiều “lăng kính” khác nhau: từ những teen có cuộc sống giản dị đến chịu chơi tới bến, teen học giỏi, năng động với hiện đại bên ngoài, dân đoàn hội, tình nguyện… Ngoài ra, bàn tròn còn có sự tham gia rất “tâm lý” của chị Hoàng Minh Tố Nga, thạc sĩ tư vấn tâm lý.