Teen 24h 2009-09-16 00:01:00

Teen và nỗi đau "chung sống" với xung đột gia đình


Có những câu chuyện đáng buồn về những người bạn tuổi teen phải thường xuyên đối mặt với những cuộc xung đột gia đình…Tâm lý của các bạn ấy lúc nào cũng "căng như sợi dây đàn"…
Tuổi teen là lứa tuổi chuyển giao thời khắc từ những cô cậu bé trở thành những người trưởng thành - một giai đoạn quan trọng của mỗi con người, một lứa tuổi với bao cảm xúc mới lạ: mơ mộng, dễ nóng giận, muốn được đối xử như người lớn, muốn được tự lập và trong đó là một chút gì nổi loạn.

Các bạn teen trải qua giai đoạn dậy thì với những cảm xúc phức tạp cần được sự hỗ trợ thương yêu từ gia đình, người thân để phát triển một cách toàn diện nhất, thế nhưng có những câu chuyện đáng buồn về những người bạn tuổi teen phải thường xuyên đối mặt với những cuộc xung đột gia đình.
Suy sụp khi xung đột gia đình xảy ra.

Ở một giai đoạn đang dần dần trưởng thành với những sự biến đổi phức tạp về tình cảm và suy nghĩ như thế này, chắc hẳn những cuộc xung đột gia đình sẽ không những là đòn đau vào tâm lý mà còn là những vết hằn sâu vào ký ức của các bạn tuổi teen.

L.A, cô bạn vui vẻ học giỏi từng tuyên bố với bạn bè rằng: “Không gì có thể ảnh hưởng đến chyện học của mình” bỗng nhiên học giảm sút nghiêm trọng, đánh mất ngôi hạng 1 và cả danh hiệu học sinh giỏi. Tất cả sẽ còn là dấu chấm hỏi nếu không nhờ một lần tuyệt vọng vì bị kìm nén, uất ức quá độ, L.A đã tâm sự cùng cô bạn thân trong lời nói nghẹn ngào nước mắt.

Mỗi tối khi ba L.A đi làm về cũng là lúc xảy ra những cuộc cãi nhau nảy lửa của ba mẹ A. vì những vấn đề phức tạp của người lớn. Chán chường gia đình, mấy hôm sau ba L.A bỏ đi cũng là lúc mẹ cô cũng lâm vào tâm trạng đau khổ, bế tắc. Bà nhốt mình trong phòng bỏ mặc L.A đi đi về về không quan tâm thăm hỏi. L.A vừa lo lắng cho mẹ vừa buồn bã, tủi thân vì hoàn cảnh gia đình mình nhưng không biết giải bày cùng ai, lâu dần L.A biến thành một cô bạn ưu tư, lầm lì và cuối cùng là kết quả học tập bị sụt giảm.

Đến với câu chuyện của D. còn buồn hơn khi cậu bạn sống trong một gia đình mà bạo lực gần như là “hoạt động” mỗi ngày khiến D. gần như chai lì trước những cái tát tai, những trận đòn của bố. Cậu thương người mẹ tần tảo lại hay phải hứng chịu những cơn nóng giận của bố mỗi khi đi nhậu về nên nhiều lần D. bênh vực mẹ, tỏ ra chống đối với ông. Cao trào là việc bố D. ném vào đầu cậu chiếc ghế đẩu sau vài tiếng cự cãi. Tuy nay vết thương trên đầu D. đã liền sẹo nhưng liệu vết thương trong lòng cậu thì không biết đến khi nào mới có thể lành lặn…


Ảnh minh họa
Đau buồn, teen phát sinh ra những hành động tiêu cực…

Như đã nói ở trên, tuổi teen là lứa tuổi dễ bị tổn thương, xúc động và dễ nóng giận, bực tức vì thế khi gia đình gặp chuyện, những buồn tủi, ấm ức, bất mãn lớn dần trong lòng và một lúc nào đó bộc phát ra ngoài như trái bong bóng căng tức vỡ tan. Đó là những biểu hiện ở một teenager mang trong mình tính cách ngang ngạnh, bướng bỉnh, quyết liệt và không bao giờ chịu khuất phục.

Bố H. có “vợ nhỏ” ở ngoài khiến cho mẹ bạn rất đau khổ, không khí trong nhà mất đi vẻ ấm cúng ngày xưa. Một lần khi đang trên xe đưa đón của trường về nhà, H. bắt gặp bố bạn chở “cô vợ nhỏ”, trông hai người cười nói hạnh phúc rôm rả thì hình ảnh người mẹ tiều tụy với hai mắt sưng húp hiện lên trong đầu H. khiến cô bạn bừng bừng nổi giận quyết trả thù cho mẹ.

Tìm được nhà đối tượng, H. và một nhóm bạn mua hai lít axit đứng phục trước nhà cô vợ nhỏ nọ trong đêm tối định sẽ gõ cửa cho cô ta ra mở cửa rồi tạt axit. Nói thì dễ nhưng việc làm tàn nhẫn ấy lại quá khó thực hiện với những cô cậu nhóc 15, 16 tuổi. Đứng chần chừ mãi ngoài cửa, cả đám suýt bị dân phòng bắt vì nghi ngờ tụ tập hút chích. Một phen hú hồn nhưng ngẫm lại H. và nhóm bạn vẫn còn khá may mắn khi chưa thực hiện được, nếu không có lẽ mười mấy năm cuộc đời tiếp theo của H. sẽ là ở trong tù.
Và có những trường hợp cách đối mặt và xử lý của các bạn còn gián tiếp chia rẽ hạnh phúc gia đình của chính các bạn. Là con một trong gia đình nên mỗi lần ba mẹ cãi nhau T. được xem là chỗ dựa tinh thần của cả ba lẫn mẹ để hai người có thể tâm sự, khuây khỏa bớt nỗi buồn. Thay vì đóng vai trò là cầu nối giữa ba và mẹ, T. lại nói xấu ba với mẹ và ngược lại hòng làm vừa lòng mỗi người khi cả hai bày tỏ nỗi bực tức. Cứ như thế T. đã đẩy ba mẹ của mình ra xa nhau hơn khi cả hai ai cũng nghĩ mình đúng, không ai chịu nhượng bộ ai sau những lời “đổ dầu vào lửa” của T. và kết cục là cuộc ly dị của hai người. Không rõ động cơ của T. là gì khi làm chuyện này nhưng không biết liệu T. có vui không khi thấy sự đổ vỡ của gia đình mình?

Cách đối mặt khôn ngoan
Ngoài những trường hợp hành động tiêu cực như ở trên, còn có những bạn teen đã có suy nghĩ khá chín chắn, biết cách dung hòa và giải quyết mọi chuyện một cách tốt đẹp.

Khi gia đình có xung đột, các bậc cha mẹ thường ở hai thái cực: chiến tranh lạnh hoặc cãi nhau nảy lửa, đa phần họ không thể tự giải quyết những vấn đề của chính mình vì thế lúc này chúng ta chính là “đại sứ hòa bình” của cả hai người, giúp cho những xung đột gia đình lắng dịu bớt. Hãy xem một vài teen đã làm điều đó như thế nào nhé!

Ba mẹ L. ly thân cũng được mấy tháng, trong nhà trở nên im ắng đến lạnh người và có lẽ chuyện ba mẹ bạn đường ai nấy đi chỉ là vấn đề thời gian. Không thể để cuộc hôn nhân 18 năm của ba mẹ bị đổ vỡ, L. quyết tâm kéo ba mẹ lại gần hơn. Biết được nguyên nhân chiến tranh lạnh của ba mẹ, L. bắt tay vào chiến dịch. Cô bạn tự tay nấu những bữa cơm gia đình vốn hiếm hoi và ngày nào cũng kéo ba mẹ ngồi vào bàn ăn dù họ rất miễn cưỡng.

Trong suốt bữa cơm, L. kể chuyện học, chuyện vui của mình trên lớp đồng thời hỏi han ba mẹ chuyện công việc. Thương L. ba mẹ bạn cũng cùng tham gia. Thi thoảng L. ngồi tâm sự với mẹ, an ủi mẹ và có khi L. còn nũng nịu đòi mẹ kể chuyện của hai người ngày xưa. Những khi rãnh, L. lôi ra những cuốn album cũ chụp hình cả nhà vừa xem vừa bình phẩm những câu dí dỏm trước mặt ba hoặc mẹ. Những nỗ lực của L. đã không uổng phí khi cuộc hôn nhân tưởng chừng như không thể cứu vãn được trở nên ấm áp trở lại. Gia đình L. vẫn chưa hoàn toàn được như thuở ban đầu nhưng mọi chuyện đang dần dần trở nên tốt đẹp hơn.
Gia đình nào cũng có những xung đột, cũng có những cuộc cãi nhau, đó có thể là chất xúc tác cho gia đình thêm hạnh phúc nhưng cũng là lý do cho sự rạn nứt gia đình, lúc đó chính suy nghĩ và cách giải quyết của các bạn là cách cứu vãn hay phá hủy cái gia đình còn lại mong manh. Đừng nghĩ các bạn là con nít không thể làm gì hay không ai nghe bạn, các bạn là những thanh thiếu niên có suy nghĩ, cảm xúc, là đứa con thân yêu của gia đình nên các bạn hoàn toàn có khả năng và trách nhiệm để đối mặt và xử lý các cuộc xung đột trong gia đình. Hãy là những người con, những bạn trẻ có suy nghĩ chín chắn, giàu cảm xúc và trân trọng hạnh phúc gia đình teen nhé.
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)