Nhiều teen trang điểm đẹp, mặc sành điệu để giấu đi gia cảnh khó khăn của mình. (Ảnh minh họa) |
- “Cháu ơi, cho bác hỏi xóm trọ này có bạn nào tên Thu không”?
Tôi chưa kịp trả lời thì cô bạn Thu, một người bạn phòng bên cùng xóm trọ đã tất tả chạy ra, kéo tay người đàn ông đầy vẻ lam lũ, trời rét căm căm mà đi độc một đôi dép tổ ong vào phòng mình.
Loáng thoáng từ trong phòng Thu vọng ra những tiếng trách cứ, gắt gỏng: “Sao bố lên tận đây làm gì”, “Con đã bảo là bố đừng đến mà, con tự biết lo cho mình”. Chưa đầy nửa tiếng sau, đã thấy người đàn ông ấy đi ra, mặt buồn rười rượi, chắc là lên đường về quê. Tôi hỏi Thu: “Bố lên chơi mà về nhanh thế à?”, Thu chối đây đẩy: “Đâu, là ông bác ở quê, lại qua nhờ vả ấy mà…”. Nói xong, Thu bỏ đi thẳng. Tôi nhớ ra, có lần, Thu khoe, nhà Thu ở quê khá giả lắm, bố mẹ đều làm “to” cả…
Lần khác, tôi gặp một cô gái trẻ, khá xinh, ăn mặc sành điệu, đang tíu tít bên cạnh một người đàn ông chắc hơn cô chừng mười mấy tuổi trong quán ăn. Bỗng cô sững lại khi thấy một người phụ nữ nước mắt ngắn dài, chạy đến chỗ cô ngồi, vừa kéo tay vừa khóc ngất: “Con ơi, con về nhà đi”. Cô đứng phắt dậy, hất tay khiến người phụ nữ ngã dúi dịu, rồi lớn tiếng: “Bà bị làm sao thế hả, ai là con bà, đừng có mà nhận vớ nhận vẩn”. Và rồi một cái nháy mắt của “người yêu” cô, mấy anh chàng bảo vệ đã đến xốc tay “mời” bà ra khỏi quán một cách rất mất lịch sự. Cô gái kia còn không quên phủi phủi lại tay áo, cộng thêm một cái nguýt dài: “Bẩn quá đi mất”.
Người đàn bà lững thững, xiêu vẹo trên đường, khi tôi hỏi thì tuôn trào nước mắt: “Nó là con gái tôi. Tôi một mình nuôi nó, đến khi lớn, nó chê nhà thuê lụp xụp, nghèo nàn, chê tôi chỉ đi quét rác, nó bỏ tôi mà đi rồi, nó còn không nhận tôi là mẹ nữa…”.
Sẵn sàng “xù lông” bất cứ lúc nào
Không chỉ có viêc muốn chối bỏ chính bản thân mình, gia đình mình, mà ám ảnh về cái “nghèo” còn khiến cho những người trẻ luôn sẵn sàng phản ứng, “xù lông” trước những người xung quanh, hoặc chui vào cái vỏ ốc do chính mình tạo ra.
K.Liên (sinh viên năm 1 trường HN) vẫn còn… run trước phản ứng dữ dội của cậu bạn cùng lớp. Chuyện là, hôm đó, sau khi thu tiền quỹ lớp của N.Quang, Liên gọi với lại bảo Quang đổi cho hai tờ 5 nghìn đồng, vì: “Nó nát quá, tớ sợ không tiêu được”. Tưởng chỉ là chuyện quá đỗi bình thường, không ngờ Quang nổi cáu ầm ầm: “Vâng, tiền của tôi nát đấy, nhà tôi nông dân nên chỉ có tiền nát thôi, đâu được tiền đẹp, tiền xịn như nhà giàu”. Dứt lời, Quan rút túi vứt toẹt xuống bàn hai tờ 5 nghìn khác, rồi giật từ tay Liên những đồng tiền cũ, xé vụn!
Học giỏi, Mai được vào trường chuyên của tỉnh, thế nhưng đến năm thứ 3, cả lớp chẳng ai biết gì về Mai, bởi cô nàng lúc nào cũng lầm lầm lì lì, đến lớp rồi lại đi về, không bắt chuyện với ai, không tham gia hoạt động nào của lớp. Ban cán sự tìm mọi cách để Mai hòa nhập, nhưng đều thất bại. Chỉ có Hương, bạn thân của Mai là biết lý do: “Mình nghèo, “đú” làm sao được với toàn các bạn thành phố”.
Hành trình “vượt khó”
Khi cái nghèo đã trở thành một nỗi ám ảnh, thì sự “đổi đời” cũng luôn là một nỗi day dứt đối với những người trẻ. Trước đây, người ta hay nói đến những tấm gương nghèo nhưng có chí, và họ chọn con đường học tập để làm cho tương lai tươi sáng sau này. Còn bây giờ, nhiều người trẻ chọn cho mình cách “đổi đời” rất khác.
Họ có thể thay đổi bản thân bằng… “trí tưởng tượng” như cô bạn Thu trong câu chuyện kể trên. Tiền nhà cấp cho, tiền đi dạy thêm cả tuần, biết chi tiêu, Thu cũng chẳng đến nỗi phải ăn mì tôm cả tháng. Thế nhưng, toàn bộ số tiền ấy, Thu dành để sắm sửa quần áo, phấn son. Thu “vẽ ra” một gia đình giàu có, bố mẹ làm to, nên đâu thể “ăn mặc như nhà quê”. Tóm lại là, Thu làm mọi cách để trong mắt mọi người, mình không phải con nhà nghèo!
Nếu được “trời ban” cho một gương mặt xinh, một vóc dáng chuẩn, thì những cô nàng khác cũng chẳng thiếu cách để biến mình thành một “tiểu thư sành điệu”. Kiếm một chàng “bồ” giàu có, rồi trao đổi kiểu: “anh có tiền, em có tình” là trường hợp dễ thấy nhất. Chẳng cần biết anh bao nhiêu tuổi, anh vợ con chưa, chỉ cần anh có “ví dày”, thế là “đủ điều kiện”. Cũng chẳng hiếm những nữ sinh “gửi thân” vào nhà hàng, thậm chí là quán… karaoke, tất nhiên là để có tiền.
Hành trình “vượt khó” với những cậu con trai lại khác. Như Quang, cậu bạn này “nướng” tất cả tiền bạc vào những trò đỏ đen, lô đề, với mong ước một ngày kia mình… trúng số độc đắc. Càng ngày, Quang càng như con thiêu thân, không tài nào dứt ra được, ngay cả “chôm” tiền của bạn cùng phòng để “làm con lô”, cậu cũng không từ.
Người ta nói: “Nghèo cho sạch, rách cho thơm”, nhưng chỉ vì ám ảnh về chữ “nghèo”, mà nhiều người trẻ đang từng ngày đánh mất bản thân như thế.