Nhiều teen đang tự tạo ra những áp lực rất nặng nề cho mình, mặc dù không bị ai đòi hỏi. Để rồi cuộc sống cứ thế chìm trong stress và mệt mỏi.
Áp lực tự tạo
Có những teen luôn tự đặt cho mình vì những tiêu chí “phải, phải”, “phải thế này, phải thế kia… Để rồi phải gồng mình lên hiến đấu cho những điều ấy. Và cuối cùng chính các bạn lại ngập trong đống stress hỗn loạn của trách nhiệm và niềm kiêu hãnh.
Thanh Hiền là một lớp trưởng gương mẫu, học giỏi. Từ cấp 1, Hiền đã làm lớp trưởng và cho đến khi lên cấp 3, Hiền vẫn tin mình thừa “phong độ” để duy trì một thành tích đẹp cho bản thân. Cô bạn phấn đấu cả thời phổ thông làm cán sự, hoàn thành xuất sắc hình mẫu năng nổ, giỏi giang trong mắt mọi người. Thực tế, bố mẹ Hiền tự hào về con gái, nhưng chưa bao giờ khẳng định một câu Huyền phải bằng mọi cách làm như vậy. Bố mẹ bạn càng không ngờ, con gái mình từng ngày phải chống chọi với nỗi mệt mỏi khủng khiếp vì cái áp lực mà Hiền tự đặt ra cho mình…
Thực tế là, lên cấp 3 Hiền đã “đuối” đi nhiều. Đã vậy, việc của lớp, của trường cô bạn cũng không muốn xao lãng. Vậy là rơi vào tình trạng thường xuyên thiếu hụt thời gian, thường xuyên đau đầu. Để có được điểm cao ở các môn “yếu điểm”, Hiền phải cầu viện bạn bè. Một, hai lần còn được, nhiều lần, mọi người bắt đầu thấy “là lạ” và quay sang nghi ngờ bản lĩnh của Hiền. Cô bạn lại cuống cuồng với những kế hoạch biện hộ và che giấu.
Hiền gầy sọp đi trông thấy, thường xuyên cáu bẳn, chán chường. Nhiều lúc Hiền cũng tự hỏi mình đang tự vắt kiệt sức lực để làm gì, mà rồi vẫn bươn người lên vì một từ “cố”.
Hà Trang, teen girl năm nhất ĐH Hà Nội thì khác. Tự đặt cho mình kế hoạch phải “vượt trội” bạn bè, ngay khi chân ướt chân ráo vào giảng đường, Trang đi kiếm việc làm thêm. Mục tiêu của Hà Trang là tự lập, sống bằng tiền mình làm ra và nhất định phải xuất sắc trong những năm đại học.
Nhờ công việc gia sư khá ổn và làm CTV cho một tờ báo, Trang đã bước những bước đầu đầy phấn khích trong kế hoạch của mình. Chỉ có điều… Sang kì học thứ hai, số môn tăng đáng kể. Chỗ gia sư tạm nghỉ, việc đi viết bài cũng chẳng dễ dàng gì. Tiền lương giảm trong khi việc học nặng hơn nhưng Trang nhất quyết không hé nửa lời với bố mẹ. Cô bạn âm thầm gặm mì tôm cho những khi hết tiền chứ không chịu xin tiền bố mẹ. Học trên lớp đã khá lu bù, Trang lại mải miết đi làm. Nhiều hôm về nhà trọ mệt rã rời, ứa nước mắt vì cô đơn và nản chí nhưng Trang không hề có ý định sẻ chia với ai.
Đừng nên vội vã áp đặt cho mình những điều này điều kia để phải cố gắng mãi!
Giống như Trang, Hiền, nhiều teen tự kéo mình vào guồng quay tất bật của cuộc sống với những áp lực triền miên do chính họ tạo ra. Không hề có sự đốc thúc của gia đình, người thân, không hề bị rơi vào khó khăn khủng hoảng nhưng họ vẫn rơi vào stress nặng nề.
Hiểm hoạ khôn lường
Có nhiều teen đang lâm vào tình trạng stress nặng mà không hay biết. Tất cả chỉ vì những áp lực mà teen tự tạo thường giấu mình dưới những kế hoạch, những “lời hứa” với bản thân, những phấn đấu mà các bạn ấy tin rằng mình làm được… Với mong muốn khẳng định mình, thể hiện cái tôi của mình, không ít bạn đang tự đưa mình đến những hiểm hoạ khôn lường.
Trước hết là sự suy kiệt về sức khoẻ và tinh thần. Căng mình với thời gian biểu kín mít, gắng sức học hành, công việc, teen thường “quên” mất những quy tắc giữ gìn sức khoẻ. Vì thế mà các teen này thường rơi vào tình trạng biếng ăn, chán ăn, các bệnh về dạ dày… Đó là chưa nói tới các teengirl, “dung nhan” bị ảnh hưởng thấy rõ.
Đáng sợ hơn thế là những tổn thương về tinh thần mà teen không nhận ra mình đang vấp phải. Như Hiền, cô bạn không hề nhận ra mình đổi khác rất nhiều từ khi vào lớp 11. Không chỉ xuống sức trong học hành, Hiền còn ngày càng cô lập giữa bạn bè. Là lớp trưởng nhưng lâu lắm rồi Hiền không có được một buổi nói chuyện thân thiện với bạn bè. Hiền mải mê với điểm số, với việc làm đẹp lòng thầy cô, để có những lời phê “đẹp” trong học bạ. Khi ở nhà, Hiền cũng chẳng còn tâm sự với bố mẹ như xưa. Nhiều khi một mình, cô bạn lại thầm oán trách bố mẹ (?!)
Còn Trang, cuộc sống sinh viên đâu dễ dàng như Trang tưởng. Cố tỏ ra một người con giỏi giang, có trách nhiệm, cố tạc cho mình một hình ảnh đẹp trong mắt bạn bè, cũng là tự đẩy mình vào những tình thế nan giải. Trang tìm mọi cách để kiếm được nhiều tiền hơn. Chẳng ngờ, Trang lại tìm đến lô đề như một “vận may”. Từ lần tình cờ “thử cho biết” cùng một người bạn, Trang dính vào đề đóm lúc nào không hay. Chuyện tưởng như đùa khi bố mẹ Trang phát hiện ra con gái mình bị biến thành “con nợ” và “con nghiện” lô đề từ bao giờ…
Cuộc sống đầy rẫy những bước ngoặt và thử thách. Teen mình hoàn toàn có thể khẳng định bản thân qua những thử thách đó, Nhưng đừng ai vội vã áp đặt cho mình những điều này điều kia để phải cố gắng mãi. Càng không nên tự đẩy mình vào ngõ cùng của sự cô đơn, teen nhé. Hãy nhớ rằng bạn còn có cả gia đình, những người bạn thương yêu ở bên, sẵn sàng sẻ chia và giúp đỡ!