"Tụi nó ăn mặc như thế, mình xoàng xĩnh quá đâu có được, với lại thấy tụi nó cứ ra vẻ ta đây sành điệu, tớ cũng "chơi lại" cho biết." - M.Q hào hứng khoe về thói học đòi "sĩ diện" của mình.
"Ai sao, mình vậy!" là câu cửa miệng của một số teen khi họ không dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải, hoặc bào chữa cho sự đua đòi, sĩ diện của mình.
Một dạng của bệnh đua đòi
M.Q (lớp 11 trường P) là học sinh mới chuyển trường về nhưng đã nổi tiếng từ "làng trên xóm dưới" bởi cách ăn mặc khá cầu kì của mình. Đối với lớp của Q thì chuyện này chẳng có gì là đặc biệt, bởi lớp này được xem như "trung tâm thời trang" của khối, học hành không giỏi, nhưng về khoản make - up, chưng diện thì không ai bằng.
Vì thế, mới chuyển vô lớp, M.Q đã bị…choáng nên cũng phải làm điệu cho bằng bạn bè. "Tụi nó ăn mặc như thế, mình xoàng xĩnh quá đâu có được, với lại thấy tụi nó cứ nghênh nghênh, ra vẻ ta đây sành điệu, tớ cũng "chơi lại" cho biết. Mới chuyển trường về, làm nổi sẽ gây được sự chú ý nhiều hơn, coi như mình thành công một nửa" - M.Q hào hứng khoe.
V.N (lớp 10 trường L) xưa nay là một "thư sinh", ngoan hiền, chuẩn mực. Tuy vậy mới bước vào cấp 3, chỉ trong mấy tháng học hè, V.N phần nào thay đổi. Một số boy trong lớp rủ N đi… nhậu sau giờ học thêm, lúc đầu cậu còn ngần ngại, sau thì tự trấn an mình: "Thôi kệ, đi theo tụi nó cũng đâu có sao, để khỏi mang tiếng là không hoà đồng, tụi nó sao, mình theo vậy". Cứ mấy lần "người ta sao, mình vậy" như thế, giờ đây V.N đã có tửu lượng khá tốt, thỉnh thoảng còn phập phều điếu thuốc trên môi!
K.H (lớp 11 trường N) học trong một lớp toàn tiểu thư, công tử,dùng điện thoại hàng hiệu, xài tiền hoang phí. K.H luôn có mặt trong các cuộc vui vì sợ mất lòng bạn bè, nhưng cũng hơi e ngại trước sự xa xỉ của họ bởi K.H không khá giả. Để bạn bè khao hoài, K.H ngại, nên lần nọ, cậu lên tiếng muốn khao cả nhóm đi ăn, hát karaoke. Dĩ nhiên là họ đồng ý. Lần đó K.H méo mặt vì không ngờ nhóm bạn quá xa xỉ, vượt quá khả năng K.H. Cậu phải gọi điện mượn tiền vài đứa bạn thân để trả khoản chi phí ngót nghét một triệu cho hai giờ đồng hồ đi chơi.
Không dám có chính kiến
Đầu năm học, tại lớp 11 trường T, thầy chủ nhiệm khuyên cả lớp nên thống nhất chung một môn học nghề để tiện bề học tập. Đây là lớp ban A nên số nam sinh gấp đôi nữ sinh. Vậy mà một nhóm trong lớp đó (2 nam 2 nữ) hùa nhau "vận động" lớp học dinh dưỡng - môn mà cả nam lẫn nữ trong lớp đều không muốn nhắm đến, theo họ, học nghề vi tính sẽ có lợi thế hơn. Nhóm ấy vẫn không nghe, tự "quyết định" cho cả lớp phải học dinh dưỡng. Thế là bọn họ "ngậm ngùi" đăng kí học dinh dưỡng, không dám cãi lại nhóm kia, và không ai chịu lên tiếng bảo vệ quyền lợi cho mình.
Ở lớp học thêm Toán của thầy X, thầy thường xuyên giảng bài sai, cả lớp đều biết nhưng không ai dám đứng lên thắc mắc. Phần vì sợ thầy "đì" trên lớp học chính thức, phần vì ngại mọi người chú ý mình, và thế là họ luôn trong tâm trạng hồi hộp, không biết bài này thầy giảng đúng không, hay mắc một số lỗi mà mình cũng không biết!
Nhiều teen chỉ mải "hùa" theo, đua đòi cho "bằng bạn bè". (Ảnh minh họa)
H.N (lớp 12 trường N) trong giờ kiểm tra Sử đã mở sách ra xem, sau đó…để vào hộc bàn của P.Y ngồi kế bên, bởi cậu ta ngồi ngoài bìa, còn cô bạn P.Y ngồi trong cùng. Lớp trưởng ngồi đằng sau thấy rõ sự thật, nhưng khi thầy bắt gặp sách trong hộc bàn P.Y và quy tội cho cô bạn thì lớp trưởng cũng chẳng bảo vệ lẽ phải, bởi bạn ấy sợ gây chuyện với H.N. Hơn nữa, lớp trưởng tâm sự: "Khá nhiều người trong lớp thấy cảnh đó, họ cũng đâu có méc, sao ai cũng đổ lỗi cho tôi? Tôi thấy họ không lên tiếng, tôi cũng ngậm ngùi im chứ biết làm gì!"****
Căn bệnh này đã ngấm vào teen từ lâu. Bởi xưa nay, ngoài một số teen can đảm, dám nghĩ dám làm, còn có một bộ phận teen hèn nhát, thụ động, dễ sa ngã, không làm chủ được chính kiến và suy nghĩ của mình, cứ hùa theo người khác như một phong trào để rồi sau đó, day dứt mãi.