“Hàng rởm hoặc vớ vẩn em không xài, em thích hàng xịn cơ” - cứ quan điểm này Minh sử dụng triệt để. Tuy nhiên, liệu “hàng hiệu” có thật là “xịn” không, và đằng sau mớ “của xịn” ấy là cái gì vậy?
Ảnh minh họa
“Nhà giàu” chơi hàng hiệu…
Mặc cho giá cả loại nước hoa này không hề rẻ một chút nào, nhưng với Minh “đã chơi thì phải có đẳng cấp, tốn kém một chút thì đã sao nào?”
“Bạn anh ở Sing sắp về chưa? Bảo nó mua giúp em lọ Channel số 5 nhá. Sao? Lên giá á? Sao phải xoắn? Ừ! Cứ lấy cho em Honey nhé”. Cứ lâu lâu thì bạn bè cùng văn phòng lại thấy Minh gọi cho người yêu với nội dung tương tự. Chả là bạn thân của anh chàng đang du học ở Singapore, nên cô nhờ bạn người yêu mua hộ loại nước hoa mà mình yêu thích. Cô chỉ thích dùng Channel số 5 mà Việt Nam thì dĩ nhiên là không có rồi, hoặc có thì cũng là “hàng rởm hoặc vớ vẩn em không xài, em thích hàng xịn cơ”. Mặc cho giá cả loại nước hoa này không hề rẻ một chút nào, nhưng với Minh “đã chơi thì phải có đẳng cấp, tốn kém một chút thì đã sao nào?”
Còn Vân thì khác, chị của đứa bạn thân làm tiếp viên hàng không, nên cô thường “đặt hàng” thẳng luôn với bạn cho tiện. “Chị nó có một cửa hàng, bán đủ thứ anh ạ. Từ giày dép, mỹ phẩm, quần áo cho đến đủ thứ linh tinh, miễn là có thể xách về được. Cửa hàng không có bảng hiệu, lại ở trong ngõ sâu nhưng đắt hàng lắm. Không đặt trước á, còn lâu mới có hàng nhé!”
Cũng thích chơi hàng hiệu giống như Minh và Vân nhưng Ngọc còn “khủng” hơn nhiều. Cho rằng nếu nhờ người mua hoặc mua lại ở những cửa hàng “ở ẩn” mà chỉ có dân “sành” mới biết như Vân và Minh sẽ không “chuẩn theo ý mình hoặc bị pha tạp”. Thế nên mỗi tháng cô lại bay qua Hồng Kông một chuyến, bố là VIP ngành xây dựng, người yêu lại là “công tử con quan” nên chuyện đi “du lịch mua sắm” với cô là “chuyện như muỗi” mà thôi.
“Nhà nghèo” cũng “đú” theo
Nhà không có điều kiện, lại là sinh viên ngoại tỉnh về trọ học. Ấn tượng ban đầu và duy nhất mà người ta nghĩ về Hương là phong cách thời trang “xì tin nhưng sang trọng” mà cô vẫn thường trưng diện. “Anh biết cái quần này bao nhiêu tiền không? 6 triệu đấy! Cả Hà Nội chỉ có 3 cái là cùng. Còn cái áo này á? Bà chủ tiệm nói là để mặc, nhưng em nằn nì mãi rồi cũng mua được, 4 triệu rưỡi đấy. Tiền chưa bao giờ là vấn đề, vấn đề là bao nhiêu tiền?” Cô cười khành khạch, vẻ rất tự hào.
“Sao bố mẹ em chiều con thế?”. “Thằng bồ em đấy, cái lão già ấy, vợ xin một đồng cũng keo, nhưng vào tay em á… Xong ngay!”, Cô nói rồi phá lên cười, nhấp một ngụm Gin&Tonic cay nồng.
Không đến nỗi phải “bám bố già” để thoả mãn thú vui hàng hiệu của mình. Thảo thoả mãn ham muốn của mình bằng cách hi sinh thời gian học để… làm thêm. Mới là năm thứ nhất trường Du Lịch nhưng cô đã tỏ ra là một hướng dẫn viên sành sỏi và “đắt sô”. “Học nhiều làm gì? Cái nghề của em chỉ cần giỏi tiếng Anh một chút là okie ngay. Dễ dàng kiến tiền lắm, “Tây” có nhiều đứa rất thoáng. Đồng tiền mình kiếm ra bằng sức của mình, tiêu pha nó mới thích.”
“Hàng hiệu” chắc gì đã “xịn”?
Nhìn cậu nhóc tóc xanh tóc đỏ vừa bước ra từ cửa hàng thời trang nhà mình. Linh cười khẩy: “Lại một con gà béo nữa vừa nộp mạng đây!”. Theo lời Linh, bộ đồ “hàng hiệu” mà cậu chàng vừa mua thực ra được “gia công”tại một cửa hàng ở cần cầu Cống Mọc. Mẹ cô có hẳn một đội ngũ lấy hàng có chất lượng kha khá một chút, vứt sang bên cửa hàng đó cho họ “chế biến” sao cho thật lạ, thật phá cách… “rồi đính thêm mấy cái nhãn mác của các hãng nổi tiếng vào, thế là xong. Dân chơi đâu phải ai cũng là “chuyên gia thẩm định”? Với cả có nhiều đứa dù biết là “hàng nhái” nhưng vẫn mua, vì quan trọng là với những đứa “người trần mắt thịt” khác thì đó vẫn là hàng hiệu, vẫn loè thiên hạ được”.
Chị bạn của Vân thì từ ngày cơ quan thắt chặt kiểm tra đâm ra khan hiếm hàng hoá hẳn. Vẫn xoay sở được hàng xịn, nhưng cung không đủ cầu, thế là nảy ra “sáng kiến” pha thêm hàng nội hoặc móc với bạn làm ở cửa hàng miễn thuế “tuồn” hàng ra ngoài bán hay mua hàng Trung Quốc về bán với lời giải thích. “Đây là hàng Trung Quốc sản xuất thật, nhưng là tiêu chuẩn Châu Âu, vẫn xịn mà.” Hoặc nếu ai không phân biệt được chữ Trung Quốc với chữ Nhật Bản thì… khỏi giải thích cho dài dòng.
Cứ tưởng sang tận nơi mua như Ngọc là đảm bảo nhưng ai biết được là cô cũng nhiều lần vớ quả đắng. “Phải tinh tường lắm mới không bị dính cơ. Chứ nhiều lần em cũng bị dính hàng nhái rồi. Cứ tưởng mua bên đất của nó là ngon à? Hàng nhái đầy. Vừa mất tiền vừa mất sức nữa chứ”, cô ngậm ngùi tâm sự…
Kết!
Khoan hãy nói tới việc chơi “hàng hiệu” là tốt hay xấu. Rõ ràng nếu bạn có đủ tiềm lực tài chính như Ngọc hoặc Minh thì bạn hoàn toàn có quyền thoả mãn sở thích của mình. Nhưng vấn đề ở đây là có nên chơi bằng mọi cách hay không? Đổi hàng hiệu lấy “tình cảm” hay bằng việc học hành tương lai hoặc chỉ để thoả mãn cái sự “sành điệu” rởm, “trưởng giả học làm sang” thì liệu có nên? Câu trả lời có lẽ bạn đã tự tìm thấy rồi!
Theo Dân Trí