Chú ý Địa chỉ này vần có hiệu lực trước 23:59:59
“Con nhà giàu và thế hệ 9X thường bị mặc định là “ăn chơi sành điệu, học hành bê tha”, - Lê Trà My, lớp 12 Trường Quốc tế Nam Sài Gòn tâm sự. Nhưng My cùng với nhiều bạn trẻ “con nhà giàu” khác đang nỗ lực để chứng minh mệnh đề ngược lại.
Trốn phụ huynh đi làm thêm như… điệp viên
Là con của một “đại gia” ngành xuất nhập khẩu, Hoàng Ngân, SV Học viện Ngoại giao, được các bạn đặt cho biệt danh “tiểu thư” lá ngọc cành vàng. Nhưng ngay từ năm thứ nhất, “tiểu thư” Ngân đã “hùng hục” đi làm thêm ở các công ty nước ngoài, từ Language Link tới British Council.
Dù là "tiểu thư" con nhà khá giả nhưng vẫn có những bạn trẻ không ngần ngại tìm việc làm thêm ở các hội chợ. |
Hoàng Ngân chia sẻ: “Bố mẹ không muốn em đi làm thêm nên em phải trốn như… điệp viên. Nhiều khi phải nói dối là đi chơi để được… đi làm. Từ khi đi làm thêm đã hoàn toàn có khả năng chi trả cho cuộc sống của mình rồi nhưng thỉnh thoảng vẫn xin tiền cho bố mẹ… sướng.”
"Cày như trâu" nên tiền kiếm được cũng không ít, Ngân cho mình mỗi tháng chỉ được tiêu một khoản vừa phải, còn lại gửi tiết kiệm để lo cho tương lai sau này.
Còn Diệu An, một cựu học sinh Trường THPT Hà Nội – Amsterdam hiện đang du học tại Mỹ cũng “say” làm thêm không kém. Dù gia đình rất khá giả, bố mẹ và em trai vẫn thỉnh thoảng bay sang thăm An nhưng An vẫn chăm chỉ cày cuốc làm thêm mỗi kỳ nghỉ để lấy tiền mua vé về thăm nhà.
Biết “gia cảnh” của An, bạn bè thường trêu: “Làm ít thôi không tiền đè chết người!”, nhưng An chỉ cười xoà và tiếp tục cần mẫn làm thêm mỗi kỳ nghỉ.
Tiết kiệm tối đa
“Xã hội đang “mặc định” con nhà giàu và thế hệ 9X là “ăn chơi, học dốt”. Em chẳng may lại rơi vào cả 2 định kiến trên. Nhưng em tin rằng đó chỉ là một bộ phận nhỏ.” - Lê Trà My, HS lớp 12 Trường Quốc tế Nam Sài Gòn tâm sự. Vì vậy, Trà My vẫn luôn cố gắng chứng tỏ mình không nằm trong “một bộ phận nhỏ” ấy.
Lê Trà My (áo xanh, đeo kính) giúp trẻ em nghèo đăng ký phẫu thuật nụ cười miễn phí. |
Vì thế, những năm học cấp II, My đã lập kế hoạch học tập rất chi tiết, dành hẳn 1 năm miệt mài ôn luyện để tham gia thi học bổng của trường. Đây là học bổng dành cho HS học giỏi, có đóng góp tích cực trong hoạt động ngoại khóa và thích nghi với môi trường quốc tế.
Trải qua nhiều vòng thi, từ Toán, tiếng Anh đến viết luận và phỏng vấn, vượt qua hàng trăm HS xuất sắc nhất đến từ tất cả các trường THCS trên địa bàn TP HCM, My đã giành suất học bổng duy nhất trị giá tới 40.000 USD, tương đương với học phí 3 năm ở trường.
Hiện nay, My vẫn đang “rải thảm” hồ sơ xin học bổng ở Mỹ, Canada, Úc…, quyết tâm “tiết kiệm” một khoản tiền lớn cho ba mẹ.
Mặc dù gia đình hoàn toàn đủ khả năng tài chính cho My du học nhưng My tâm sự: “Nếu không thể xin được học bổng nào, em đành dùng tiền của ba mẹ để đi học nhưng em sẽ vừa học vừa làm thêm để tự trang trải cuộc sống. Em không muốn quá phụ thuộc vào ba mẹ.”
Về vấn đề chi tiêu “phá gia chi tử” của các “cậu ấm, cô chiêu” hiện nay, bà Lâm Thuý, GĐ Văn phòng Tham vấn Gia đình và Trẻ em VALA, phân tích: “Trẻ con ở nông thôn có 100.000 đồng biết mua con gà đẻ trứng để kiếm thêm tiền nhưng trẻ con thành phố có 100.000 đồng thường chỉ biết đi chat, đi chơi.”
Bà Thuý nhấn mạnh: “Phụ huynh phải giáo dục con cái hưởng thụ theo “đẳng cấp” của chính mình chứ không phải của cha mẹ. Từ khả năng học tập, giải quyết vấn đề của mình hiện nay, giới trẻ phải nhìn được khả năng kiếm tiền trong tương lai để xếp hạng chi tiêu xem mình thuộc đẳng cấp nào. Nếu chỉ thuộc đẳng cấp ăn bánh mì 10.000 đồng mà lại đòi ăn phở 15.000 thì tương lai sẽ phải trộm cắp để có tiền thỏa mãn chi tiêu.”
Bà Thuý cũng cho biết, có những trường hợp phụ huynh đến văn phòng tâm sự rằng đã cho con chẳng thiếu gì, đi đâu cũng có ô tô đưa đón, mua cho cả nhà riêng rồi mà học vẫn kém.
Vì thế, những trường hợp biết “vượt sướng” nỗ lực đi bằng đôi chân của chính mình, biết kiếm tiền và trân trọng đồng tiền phải xuất phát từ chính thái độ và giáo dục của phụ huynh.