[Kênh14] – Teen có biết những ngày này, một số trường lớp ở Hà Nội có rất nhiều bạn phải nghỉ học vì dịch sởi hoành hành đấy.
Trường lớp được nghỉ vì…. dịch sởi
Đó là một thực tế đang diễn ra ngày càng phổ biến hơn với các trường PTCS hiện nay ở Hà Nội. Điển hình nhất trong số đó phải kể tới trường PTCS Phương Mai – Hà Nội. Theo một teengirl tên là Dương ở lớp 9C cho biết: trong tổng sĩ số lớp 45 học sinh thì hiện tuần vừa qua lớp đã có14 bạn phải nghỉ học về bị phát sởi. Trong đó 3 bạn đã phải nhập viện nằm điều trị rùi đấy.
Tuy nhiên, con số những bạn phải nghỉ học vì sởi ở lớp Dương như vậy vẫn còn “kém xa” so với con số những bạn phải nghỉ học vì sởi ở lớp “đàn em” 6E của trường cơ. Được biết, tính đến thời điểm hiện nay lớp này đã có đến 24 bạn mắc bệnh phải nghỉ học ở nhà. Cũng chưa rõ có bạn nào ở lớp 6E phải đi viện không nữa.
Đấy là thực tế bệnh sởi đã “báo động đỏ” ở trường Phương Mai, Hà Nội. Còn ở phía các trường cách xa ổ dịch trên 10km thì sao? Bệnh dịch sởi vẫn có dấu hiệu “hoành hành” tiếp diễn đấy. Theo như một teen tên là Phương ở lớp 7C trường PTCS Yên Nghĩa, Hà Đông chia sẻ thì trường bạn í cũng lác đác có một số bạn phải nghỉ học vì bệnh sởi rùi. Minh chứng rõ nhất là bạn Nga ngồi cùng bàn với bạn í đã phải nghỉ học 3 ngày nay ở nhà để điều trị bệnh, không đến lớp học được vì sợ lây lan sang các bạn khác trong lớp.
Phương cũng cho biết thêm: Do số các bạn bị sởi vẫn chỉ lác đác, không “chi chít” như nhiều trường học khác nên học sinh vẫn phải đến trường bình thường. Tuy nhiên, cũng có nhiều phụ huynh ở lớp do sợ con em bị lây bệnh nên khi các bạn í mới có biểu hiện nóng, sốt nên họ cũng cho phép được nghỉ học để chăm sóc tại nhà luôn.
“Chiến dịch” phòng dịch sởi ở một số trường, lớp
Cũng theo bạn Phương lớp 7C trường PTCS Yên Nghĩa, Hà Đông cho biết: trước “diễn biến xấu” của tình hình dịch bệnh sởi đang lây lan từ lớp này sang lớp khác, từ trường này sang trường khác, nhà trường đã “chỉ thị” về các lớp tiến hành làm vệ sinh môi trường, phun xịt thuốc tiêu độc khử trùng trong phạm vi lớp, trường và khu vực lân cận; hướng dẫn học sinh, các thầy cô giáo khi thấy có các biểu hiện như nổi mẩn đỏ, ngứa, sốt thì phải đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán khám và điều trị “gấp”. Một số bạn bị sởi dù nhẹ cũng được “ưu ái” nghỉ học ở nhà cách ly và điều trị.
Trường Phương Mai, Hà Nội cũng cho phép hai hớp (6E và 9C) có số học sinh mắc sởi nhiều nhất được nghỉ học và có kế hoạch tổ chức học phụ đạo để các bạn không bị gián đoạn việc học tập. Ngoài ra, số lớp còn lại ở trường vẫn đi học bình thường nhưng được nhà trường phòng bệnh bằng cách phát cho học sinh thuốc xúc miệng, thuốc nhỏ mũi hằng ngày mỗi khi đến trường lớp để đề phòng bệnh dịch.
Lời khuyên của chuyên gia giúp teen ăn uống và điều trị khi bị lên sởi nè!
Theo bác sỹ Hoàng Thiên Thanh (Viện Dinh dưỡng Quốc gia, 48 Tăng Bạt Hổ, Hà Nội) thì: Khi bị mắc sởi cơ thể teen sẽ mệt mỏi nhiều và giảm sức đề kháng. Teen sẽ bị sốt cao nên dễ gây mất nước, có hiện tượng viêm long ở hệ thống niêm mạc mắt gây mắt lem nhèm và chảy nước mắt, ở hệ thống niêm mạc đường tiêu hóa gây tiêu chảy…
Khi ấy chế độ ăn, uống cho các teen khi bị bệnh sởi là rất quan trọng để giúp các ô mai tăng cường sức đề kháng chống lại bệnh, hạn chế được các biến chứng đáng tiếc:
* Teen cần uống nhiều nước để tránh mất nước vì khi mắc sởi thường có sốt cao. Tốt nhất là uống nước rau, nước quả chín. Không dùng các loại nước giải khát công nghiệp, nước ngọt có ga và các loại thức ăn có nhiều đường vì chúng làm tăng thêm nguy cơ tiêu chảy.
* Khẩu phần ăn phải có nhiều loại thực phẩm đại diện của 4 nhóm (chất bột, chất đạm, chất béo, nhóm vitamin và muối khoáng). Bữa ăn của các teen cần được ưu tiên các thức ăn nhiều đạm nhưng dễ tiêu hóa như: thịt lợn nạc, thịt bò ngon, trứng, sữa, cá (cá quả, cá bống).
* Trong khẩu phần vẫn cần có một ít dầu hoặc mỡ, nhưng chỉ nên dùng dầu (mỡ) để cho vào thức ăn xào, súp hoặc canh, không nên ăn các thức ăn rán. Lượng dầu (mỡ) sử dụng cho bữa ăn của các teen phải ít hơn một nửa so với ngày thường (khi nào khỏi bệnh thì mới ăn trở lại bình thường).
* Thức ăn cần nấu mềm, chín kỹ, dễ tiêu hoá và cho ăn ngay sau khi nấu để đảm bảo vệ sinh, giảm nguy cơ bội nhiễm. Nếu các teen ăn những thức ăn đã được nấu sẵn thì cần phải đun sôi lại trước khi ăn.
* Teen cần ăn thêm các loại quả chín ít chua như chuối, cam ngọt, xoài, nước dừa, đu đủ chín để tăng kali và các sinh tố C, E và caroten giúp cơ thể đỡ mệt mỏi, hệ thống niêm mạc chóng hồi phục sau tổn thương. Tăng cường sức đề kháng để rút ngắn thời gian khỏi bệnh. Tránh ăn các loại thực phẩm có nhiều chất xơ như rau già, rau nhiều xơ (rau cần, măng), tinh bột nguyên hạt (ngô, đỗ.. .) vì khó tiêu hoá.
* Đặc biệt chú ý đến số bữa ăn: Khi mắc sởi đường tiêu hóa bị tổn thương do hiện tượng viêm long nên việc bài tiết các men tiêu hóa cũng bị ảnh hưởng và dẫn đến ăn không ngon miệng. Thức ăn cần chế biến ngon, mềm và chia làm nhiều bữa nhỏ. Cứ 3-4 giờ các teen có thể ăn một lần. Sau khi khỏi bệnh, để giúp cho việc nhanh phục hồi các teen cần ăn thêm mỗi ngày một bữa trong 2 tuần đến 1 tháng liền nhá.