[/size]
Tàu sân bay USS George Washington cùng tàu sân bay USS John C.Stennis và tàu tuần dương tên lửa USS San Diego (CG53) diễn tập chống tàu ngầm và các hoạt động phối hợp để nâng cao khả năng phản ứng nhanh với bất cứ cuộc khủng hoảng nào trong tương lai tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Theo mạng tin Time, trong bối cảnh tranh chấp Trung - Nhật về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang căng thẳng, Mỹ đã cử 2 tàu sân bay USS George Washington, USS John C.Stennis và một lực lượng quân sự hùng mạnh tới khu vực Tây Thái Bình Dương, khá gần với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư..
Các chỉ huy hải quân Mỹ cho biết tàu sân bay USS George Washington đã bắt đầu hoạt động ở biển Hoa Đông từ ngày 30/9, trong khi tàu sân bay USS John C.Stennis đang ở cách không xa khu vực Biển Đông. Trên mỗi tàu này có hơn 80 máy bay chiến đấu, các tuần dương hạm được trang bị tên lửa, khu trục hạm, tàu ngầm và tàu tiếp nhiên liệu.
Ngoài ra, Mỹ cũng cử khoảng 2.000 lính thủy đánh bộ trực chiến trên chiến hạm USS Bonhomme Richard ở gần vùng biển Philippines, kèm theo hai tàu hộ tống khác. Đơn vị thủy quân lục chiến này được trang bị xe lội nước, xe bọc thép hạng nhẹ, pháo, trực thăng và máy bay tiêm kích Harrier.
Theo giới quan sát, trong điều kiện bình thường, các tàu sân bay Mỹ và lực lượng đặc nhiệm thủy quân lục chiến của nước này hoạt động độc lập, riêng lẻ. Vì vậy, sự xuất hiện cùng lúc của cả ba tàu sân bay tại vùng biển nhỏ ở Tây Thái Bình Dương là hành động tập trung hỏa lực không bình thường.
Tuy nhiên, Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ đã tìm cách giảm nhẹ mối quan ngại này khi khẳng định việc luyện tập và triển khai tàu sân bay không nhất thiết có liên quan tới tình hình căng thẳng ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
“Các hoạt động này không liên quan đến bất kỳ sự kiện cụ thể nào. Để thực hiện cam kết của Mỹ đối với an ninh khu vực, 2 trong số 11 lực lượng xung kích hàng không mẫu hạm toàn cầu của Hải quân Mỹ đang hoạt động ở Tây Thái Bình Dương nhằm bảo đảm ổn định và hòa bình”, phát ngôn viên Bộ chỉ huy Thái Bình Dương, Đại tá Darryn James, khẳng định.
Cũng theo Đại tá James, cả ba đơn vị này vừa mới kết thúc đợt tập trận ở gần đảo Guam, trong đó có các nội dung tập trận bắn đạn thật, phóng tên lửa và phối hợp tập luyện đổ bộ giữa thủy quân lục chiến Mỹ và binh sĩ Nhật Bản.
Mặc dù vậy, giới chuyên gia quân sự vẫn tỏ ra đặc biệt hoài nghi.
“Việc Washington triển khai hàng không mẫu hạm và lực lượng thủy quân lục chiến chủ yếu liên quan tới chiến lược tái cân bằng sự hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương. Nhưng bên cạnh đó, hành động này cũng có thể vì một mục đích khác”, một chuyên gia nhận định.
Trước khi tới biển Hoa Đông, lực lượng chiến đấu của tàu USS George Washington và đơn vị đặc nhiệm thủy quân lục chiến Mỹ đóng tại Nhật Bản đã tiến hành các cuộc tập luyện riêng lẻ ở đảo Guam, nơi được coi là điểm trung tâm trong chiến lược dịch chuyển trọng tâm chiến lược từ Tây sang Đông của Mỹ nhằm nâng cao khả năng ứng phó trước sự gia tăng sức mạnh và tham vọng quân sự của Trung Quốc.
Trong khi đó, tàu USS John C.Stennis được điều từ một hải cảng thuộc bang Washington tới vịnh Péc-xích với lý do chuẩn bị cho phương án đối đầu với Iran khi cần thiết. Trên đường di chuyển, chiến hạm này đã dừng lại tại đảo Guam một vài ngày để tham gia các hoạt động diễn tập với USS George Washington.
Đây chính là điều khiến cho các chuyên gia nghi ngờ.
“Do quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm gần những hải trình chính đi từ Thái Bình Dương tới Trung Đông nên hiện chưa rõ tàu USS John C.Stennis chỉ đi ngang qua đây, hay sẽ dừng lại ở khu vực này một thời gian”, một chuyên gia quân sự tỏ ra hoài nghi.
Sự nghi ngờ này càng có cơ sở khi có thêm nguồn tin nói rằng, trong vài ngày tới, Mỹ sẽ điều lực lượng thủy quân lục chiến ở đảo Guam tới Philippines để tiến hành thêm các cuộc tập trận chung với binh sĩ sở tại theo kế hoạch.
Tất nhiên, trước nay Mỹ vẫn nhiều lần khẳng định sẽ không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Đông Bắc Á, song những động thái điều tàu sân bay cấp tập của Mỹ, dù vô tình hay hữu ý, cũng đang làm dấy lên những câu hỏi từ các nước liên quan.
Một số cho rằng quyết định điều động binh lực tới gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là hành động răn đe của Mỹ đối với các hành vi leo thang căng thẳng của Trung Quốc. Cũng có thể đây là thông điệp thúc ép đồng minh Nhật Bản đưa ra lập trường giải quyết cứng rắn cho cuộc tranh chấp hiện nay. Và cũng có khi, đây chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Nhưng dù là thế nào thì nhiều người vẫn đặt câu hỏi lớn đối với hoạt động điều binh của Mỹ, khi mà chính phát ngôn viên Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đại tá Darryn James, không thể đưa ra bình luận về những hoạt động sắp tới của các tàu sân bay này.
Vì vậy, “việc điều các tàu sân bay Mỹ đến Tây Thái Bình Dương nhằm mục đích gì?” xem là vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.