Tàu Trung Quốc cập cảng Nam của Manila (Philippines) trong chuyến thăm nước này tháng 4-2010 - Ảnh: Xinhua |
Ông Del Rosario nhấn mạnh việc Philippines đòi Bắc Kinh giải thích về hành động quấy nhiễu ở khu vực Reed Bank không có liên quan gì với việc công dân Philippines chịu án tử hình về tội mua bán ma túy ở Trung Quốc, mặc dù như ông nhấn mạnh phía Philippines “sẽ tiếp tục tìm kiếm sự khoan hồng cho những người chịu án đến phút cuối cùng”.
Philippines đã gửi công hàm phản đối trực tiếp đến Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila. AFP cho biết ông Tôn Nghĩa, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila, đã từ chối phát biểu trực tiếp về vấn đề này mà chỉ nói Trung Quốc luôn cam kết duy trì ổn định và hòa bình tại biển Đông.
Manila cho biết Đại sứ quán Trung Quốc cũng không trả lời yêu cầu giải thích của Philippines. Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã gửi một phái đoàn đến Trung Quốc để thảo luận vấn đề này và sẽ gửi tàu tuần tra bờ biển nhằm hỗ trợ tàu nghiên cứu hoàn thành công việc. Tuy nhiên chưa rõ có bao nhiêu tàu sẽ được điều đến khu vực này.
Trước đó ngày 3-3, quân đội Philippines cáo buộc hải quân Trung Quốc đã xâm phạm lãnh hải Reed Bank, cách phía tây đảo Palawan của nước này 200km và gần khu vực khai thác khí đốt Malampaya của Philippines, và yêu cầu một tàu thăm dò dầu Philippines phải rời đi.
Thế nhưng, cuối cùng những chiếc tàu tuần tra của Bắc Kinh đã phải rời khỏi khu vực này khi Manila gửi hai máy bay chiến đấu đến.
“Những chiếc tàu Trung Quốc tiến sát đến những người thăm dò, yêu cầu họ dừng lại và rời khỏi khu vực. Chúng tôi gửi máy bay đến để xem xét nhưng tàu Trung Quốc đã rời khỏi, có thể là sau khi thấy sự phản ứng của chúng tôi” - tướng Juancho Sabban mô tả.
Không có đụng độ nào xảy ra và không có ai trong đoàn thăm dò Philippines bị thương.
Cùng ngày 4-3, Trung Quốc công bố ngân sách quốc phòng sẽ tăng lên 12,7% so với năm 2010.
Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Triệu Tinh cho biết ngân sách quốc phòng năm 2011 sẽ tăng lên 601,1 tỉ nhân dân tệ (91,5 tỉ USD), tăng 69 triệu so với năm 2010 (532,1 tỉ nhân dân tệ). Theo ông Lý, ngân sách này sẽ được sử dụng trong các mục tiêu như phát triển vũ khí thích đáng, huấn luyện quốc phòng và phát triển nguồn nhân lực quốc phòng.
Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã tăng đều trong những năm qua dù có chậm lại trong hai năm gần đây. Trước năm 2010, tỉ lệ tăng ngân sách quốc phòng của nước này là 19%, đến năm 2010 tăng chậm lại với tỉ lệ 7,5% và năm 2011 là 12,7%.
Giới quan sát lo ngại việc Trung Quốc tăng cường năng lực quốc phòng đẩy châu Á vào một cuộc chạy đua vũ trang mới. Tân Hoa xã dẫn lời ông Lý Triệu Tinh biện bạch Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng nhằm mục tiêu bảo vệ độc lập quốc gia và toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ của nước này chứ không hề đe dọa bất kỳ quốc gia nào khác. Ông Lý Triệu Tinh nói thêm rằng con số tăng chỉ chiếm 6% ngân sách quốc gia của Trung Quốc.
“Sự trở lại mức tăng trưởng ngân sách quốc phòng hai con số cho thấy sức mạnh đang tăng lên của quân đội Trung Quốc - Willy Lam thuộc Trường đại học Trung Hoa của Hong Kong bình luận - Điều này có nghĩa là Trung Quốc đang muốn khẳng định vị trí của mình trong ngoại giao và an ninh, đặc biệt là với Mỹ, Nhật, tiếng nói của giới quân sự đã được lắng nghe”.
Tháng 1-2011, Trung Quốc đã cho trình làng mẫu máy bay chiến đấu tàng hình J-20 và sự kiện này gây chú ý trong khu vực, một động thái cho thấy trong tương lai Trung Quốc sẽ sử dụng kỹ thuật tiên tiến hơn những kỹ thuật mà Lầu Năm Góc đã từng tuyên bố khi chiếc J-20 xuất hiện bay thử ở Thành Đô (Tứ Xuyên).
Báo The Wall Street Journal cho hay Trung Quốc cũng đang phát triển tên lửa đạn đạo chống tàu chiến, có thể đe dọa các tàu hải quân của Mỹ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
AFP dẫn lời các chuyên gia cho biết bằng việc sử dụng các khí tài ngày càng hiện đại, Trung Quốc đang đe dọa ưu thế của Mỹ trên Thái Bình Dương và gây lo ngại cho các nước láng giềng trong khu vự