Kịch bản Đài Loan
Việc tăng cường sức mạnh của bất kỳ quốc gia nào đều gây ra những nghi vấn, trong đó có Trung Quốc.
Để trả lời những nghi vấn đặt ra, điều cốt lõi là phải dựa vào những thông tin hiện có. Theo đó, việc Trung Quốc phát triển các tàu đổ bộ thế hệ mới cho hải quân nước này là yếu tố không thể bỏ qua.
Những chiếc tàu đổ bộ thuộc dự án 071 của Trung Quốc đang gây ra những bất an nhất định. Cho tới nay, các tàu này chính là các phương tiện vận tải lớn nhất trong thành phần Hải quân Trung Quốc.
Tàu đổ bộ thuộc dự án 071 của Trung Quốc |
Nguy cơ xung đột hay chiến tranh giữa Trung Quốc với Đài Loan được nhận định ít có khả năng xảy ra trong tương lai gần.
Cả hai bên đều có những động thái “không tốt” đối với nhau song không bên nào “mở mặt trận”. Không ít ý kiến cho rằng Trung Quốc không tấn công Đài Loan vì không có những chiếc tàu thích hợp.
Sau khi Trung Quốc cho đóng những chiếc tàu đổ bộ thuộc dự án 071, lại có ý kiến cho rằng Bắc Kinh không có ý định tấn công Đài Loan.
Thực tế, trong thập kỷ qua, Trung Quốc tỏ ra khá “hoà nhã” với Đài Loan. Nguyên nhân chủ yếu được đánh giá là việc Đài Loan tăng cường quan hệ với Mỹ. Có thể, Trung Quốc không muốn chỉ vì một hòn đảo mà phải gây chiến với một cường quốc.
Tuy nhiên, cũng có những yếu tố cho thấy Trung Quốc có động thái chuẩn bị cho việc đổ bộ lên Đài Loan. Hai chiếc tàu đổ bộ 071 đầu tiên là “Kunlunshan” và “Jinggangshan” hiện đang neo tại thành phố Quảng Đông ở bờ biển phía Đông Nam của Trung Quốc.
Khoảng cách từ đây tới Đài Loan chỉ là 750-800 km. Khoảng cách không quá xa này cho phép Trung Quốc có thể thực hiện đòn tấn công bất ngờ. Tuy nhiên, lực lượng vũ trang của Đài Loan cũng tương đối hiện đại, đủ để đối phó với các tàu đổ bộ thậm chí còn lớn hơn của Trung Quốc.
Đài Loan đủ sức đối phó với các tàu đổ bộ cỡ lớn hơn cả những chiếc thuộc dự án 071 của Trung Quốc |
Mục tiêu thực sự là Biển Đông
Mặt khác, ưu tiên trong vấn đề lãnh thổ của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở Đài Loan. Đã từ lâu, Bắc Kinh thể hiện sự quan tâm tới các quần đảo trên Biển Đông mà theo đánh giá có nguồn tài nguyên dồi dào.
Giới lãnh đạo Trung Quốc thời gian qua cũng đã công khai ý đồ chiếm các quần đảo này nhưng vấp phải sự phản đối của nhiều quốc gia trong khu vực.
Các nước trong khu vực không chỉ lo ngại mất tài nguyên. Điều đáng lo hơn là khi có được căn cứ và tài nguyên trên Biển Đông, Trung Quốc có thể trở thành một nhà sản xuất, một cường quốc kinh tế - quân sự. Khi đó, rất có thể Trung Quốc sẽ còn thực hiện những tham vọng và mưu đồ lớn hơn.
Theo đánh giá của giới quân sự, các đảo trên Biển Đông trong diện tranh chấp sẽ dễ dàng “đánh chiếm” hơn. Để làm được điều này, Trung Quốc chỉ cần tới lực lượng lính thuỷ đánh bộ. Khi đó, Trung Quốc phải có các tàu đổ bộ như các tàu thuộc dự án 071.
Mục tiêu thực sự của những chiếc tàu đổ bộ này là Biển Đông? |
Chuyên gia Riabov Kirill của Nga cho rằng khó có thể tìm được mục tiêu nào thích hợp hơn là Đài Loan và các đảo trên Biển Đông cho các tàu đổ bộ dự án 071 của Trung Quốc.
Với tầm hoạt động trên dưới 8.000 hải lý, các tàu này thậm chí còn có thể vươn xa hơn nữa. Nhưng trước mắt, các động thái của Trung Quốc cho thấy nước này chưa có ý định vượt khỏi khu vực.
Ngoài các tàu đổ bộ thuộc dự án 071, hiện là các tàu hải quân có lượng choán nước lớn nhất, Trung Quốc còn có tàu sân bay Thi Lang đang trong quá trình chạy thử nghiệm.
Tuy chỉ là một chiếc tàu cũ mua lại của Ucraina, nhưng con tàu này cũng thu hút sự chú ý đáng kể khi có chiều dài gấp rưỡi tàu đổ bộ Kunlunshan. Có thể, mục tiêu chính của Thi Lang cũng sẽ là các đảo trên Biển Đông.