Chính phủ vừa ban hành Nghị định ngày (14/11/2013) quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động.
Theo đó, người lao động trong các tổ chức nói trên sẽ được hưởng mức lương tối thiểu vùng áp dụng từ ngày 1/1/2014 như sau: Vùng 1 là 2,7 triệu đồng/tháng; vùng 2 là 2,4 triệu đồng/tháng; vùng 3 là 2,1 triệu đồng/tháng; vùng 4 là 1,9 triệu đồng/tháng.
Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương hiện nay khoảng từ 250.000 - 350.000 đồng/tháng. Mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định này được áp dụng từ ngày 1/1/2014.
Nghị định cũng nêu rõ, mức lương tối thiểu vùng như trên là cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận tiền lương, bảo đảm mức tiền lương tính theo tháng trả cho người lao động chưa qua đào tạo làm công việc đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Mức lương thấp nhất trả cho người lao động đã qua học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.
Căn cứ vào mức lương tối thiểu vùng nêu trên, doanh nghiệp xác định, điều chỉnh các mức lương trong thang lương, bảng lương của doanh nghiệp và mức lương ghi trong hợp đồng lao động của người lao động cho phù hợp với quy định của pháp luật lao động.
Cũng theo Nghị định, khuyến khích các doanh nghiệp thỏa thuận, trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng quy định.
Mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương hiện nay khoảng từ 250.000 - 350.000 đồng/tháng (Ảnh minh họa: Người lao động)
Trước đó, đầu tháng 9/2013, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất phương án tăng lương tối thiểu năm 2014. Theo đó, mức lương tối thiểu năm tới được đề xuất tăng thêm so với năm 2013 từ khoảng 21 – 36%.
Giữa tháng 9, Bộ LĐTB&XH xây dựng dự thảo Nghị định trình Chính phủ phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2014 áp dụng đối với người lao động tại khối doanh nghiệp. Theo dự thảo, mức lương tối thiểu sẽ chỉ tăng từ 250.000 - 400.000 (tương ứng 15-17%), bằng 1 nửa so với phương án điều chỉnh mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất.
Như vậy, với Nghị định vừa ban hành, từ 1/1/2014 lương tối thiểu vùng sẽ tăng 15% so với hiện nay. Mức tăng này vẫn thấp hơn 2% so với đề xuất của Bộ Lao động trước đó.
Cũng trong tháng 9, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều (29/9), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thời điểm đó là ông Vũ Đức Đam nói: “Vấn đề lương của doanh nghiệp có hai mặt, bao giờ chúng ta cũng muốn người lao động hưởng lương cao nhưng nếu cao quá, sức hút đầu tư sẽ giảm đi. Nước ta có nhiều lợi thế thu hút đầu tư, trong đó có lợi thế là lao động Việt Nam cần cù, sáng tạo và lương thấp. Vì vậy, điều chỉnh lương tối thiểu của người lao động phải rất cân đối, hài hòa"
Theo Người phát ngôn của Chính phủ, sức ép về ngân sách hiện nay rất lớn. Ông Đam đưa ra bức tranh tổng thể về lương: Nếu ngân sách thu 100 đồng thì phần dành cho trả nợ, nói số tròn, khoảng 15%; một phần dành cho đầu tư phát khoảng 20%, cộng lại là 35%. Còn lại 65% chi thường xuyên, trong đó khoảng một nửa chi cho lương, cho công chức, viên chức, những người chưa phải là công chức nhưng hưởng các định suất lương ở địa phương, chi cho người có công…
“Tôi cũng xin nói rằng có sức ép rất lớn về tăng lương cao. Đối với doanh nghiệp cần cân đối, nếu tăng lương cao quá sẽ không còn sức cạnh tranh. Còn khu vực lương dùng ngân sách, nếu tăng cao, ngân sách không có vì chi thường xuyên chiếm 65% tổng chi, trong đó hơn một nửa chi cho lương”, ông Vũ Đức Đam cho hay.
Theo ước tính của ông Đam, ngân sách chi cho lương công chức, viên chức từ cấp huyện trở lên 9% (số tròn); đội ngũ sự nghiệp (giáo viên, y tế) trên 35%; lực lượng vũ trang khoảng 25%; người có công, đối tượng cán bộ xã, cán bộ không phải là biên chế nhưng được hưởng định suất lương khoảng 6,5%.
Dương Tùng (Khampha.vn)