Ngồi ngay hàng ghế đầu cùng nhiều phạm nhân nữ khác trong hội trường lớn của Trại giam Thanh Xuân, Tổng cục 8 Bộ Công an, người đàn bà có gương mặt sáng lặng im. Chị chăm chú lắng nghe tên của từng người được đặc xá và chờ đến lượt mình. Một phạm nhân nữ bên cạnh cho biết, chị tên Lang Xổm, quốc tịch Lào.
Khi hỏi chuyện, chị Xổm nói lưu loát, ít ai có thể đoán chị là người "ngoại quốc". Điều đầu tiên, chị chia sẻ thật lòng, học được tiếng Việt từ những phạm nhân khác trong những năm tháng cải tạo tại trại giam Thanh Xuân. Chị vào tù vì tội mua bán trái phép chất ma túy từ khi còn là một phụ nữ trẻ, giờ sắp bước vào tuổi trung niên.
![]() |
Lang Xổm phấn khởi cầm tờ quyết định đặc xá. |
Sinh ra và trưởng thành ở một huyện biên giới Lào, giáp tỉnh Nghệ An, ngày còn thiếu nữ, chị đẹp dịu dàng như đóa lan rừng, không ít chàng trai mê đắm. Năm 18 tuổi, Xổm kết hôn với một thanh niên cùng huyện. Cùng chồng, chị làm nương rẫy. Khi mùa màng thư thả, chị lại chạy chợ buôn bán quần áo.
Cuộc sống của cặp vợ chồng son hạnh phúc hơn khi Xổm sinh được lần lượt một gái, một trai. Kinh tế vất vả, chị hàng ngày bươn trải bán quần áo vùng ven biên. Dạo đó, đầu những năm 1990, ở bản của Xổm, không ít người đã tham gia mua bán và vận chuyển ma túy qua biên giới, từ Lào sang Việt Nam. Chồng Xổm cũng đứng ra "làm ăn lớn" để mong đổi đời.
Biết chồng có kế hoạch đó, Xổm để hai con nhỏ ở nhà cho người thân chăm nom và cùng "áp tải" một chuyến hàng lớn, vận chuyển 20 bánh heroin. Khoảng tháng 4/1997, vợ chồng Xổm bị công an Việt Nam bắt quả tang. Không lâu sau, cả hai cùng đồng bọn bị đưa ra xét xử về các hành vi liên quan đến ma túy. Trong khi chồng lĩnh án tử hình, Xổm nhận án chung thân cùng về tội vận chuyển trái phép chất ma túy.
Thời điểm đó, mọi thứ gần như đổ sụp dưới chân người phụ nữ trẻ. Bố và mẹ dính án, hai đứa con, 4 và 6 tuổi của vợ chồng Xổm phải nhờ cậy vào sự cưu mang của những người thân. Ra tòa lần 2, HĐXX vẫn giữ nguyên án tử hình cho chồng và Xổm.
Thời gian đầu, nhớ con, chị chỉ biết khóc. Không biết bao nhiêu đêm chị suy sụp tinh thần. Nhưng với sự động viên của các giám thị trại, dần dần chị hiểu, bản thân đã nhận được sự ưu ái và khoan hồng của pháp luật Việt Nam, chị xác định cần phải cải tạo thật tốt để có cơ hội về với các con.
Chính những động lực mong trở lại cuộc sống tự do đã thôi thúc Xổm lao động, phấn đấu đạt nhiều thành tích. Sự cố gắng cải tạo của chị đã được Nhà nước Việt Nam công nhận. Chị được giảm án từ chung thân xuống còn 20 năm. Khi nhận được sự khoan hồng đó, chị đã khóc "không hết nước mắt". Ước mong về với hai con của người mẹ sắp thành hiện thực.
![]() |
Trước đó, chị Xổm (ngồi giữa) trầm tư mong đợi lãnh đạo trại giam đọc đến tên mình. |
Sau đó, năm nào Xổm cũng được giảm án vì cải tạo, thực hiện tốt các nội quy do lãnh đạo trại đề ra. Con đường hoàn lương của người phụ nữ có vóc dáng nhỏ nhắn dần thành hiện thực. Xổm bảo, năm nào cứ mỗi lần đến dịp đặc xá, cũng giống nhiều phạm nhân khác, chị mong có tên mình trong danh sách đề nghị. Chị thấy buồn khi mình chưa được xét duyệt nhưng đó cũng là động lực để phấn đấu hơn nữa.
Niềm vui vỡ òa đến với nữ phạm nhân 40 tuổi này khi đợt đặc xá trước ngày 2/9 năm nay, chị có tên trong số 148 người được tha tù trước thời hạn. "Từ ngày biết mình nhận được sự khoan hồng, tôi vui lắm. Không biết nói gì, chỉ muốn cảm ơn chính phủ Việt Nam cho tôi cơ hội làm lại từ đầu", giọng rưng rưng xúc động, chị nói.
Các con chị, đứa lớn cũng đã 20, con thứ hai 18 tuổi, đều đã trưởng thành cả. Nói đến các con, trên gương mặt chị đầy ắp niềm vui. Chị bảo, nhớ bọn trẻ lắm. Từ ngày vào tù, cả hai còn nhỏ, giờ chúng đã biết suy nghĩ chín chắn. "Thời gian ở trại, có lần 2, 4 hoặc 6 năm tôi mới gặp chúng một lần. Mỗi khi mẹ con gặp nhau chỉ biết khóc mà thôi", chị kể. Giờ chồng không còn, ba mẹ con sau này phải dựa vào nhau để sống. Chị khoe, gia đình đã chuyển về Vientiane sinh sống nên các con có điều kiện học hành hơn.
Trong đợt tha tù trước thời hạn lần này, chị là một trong số các phạm nhân tiêu biểu được Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Quyết định đặc xá. Suốt buổi có mặt trong hội trường, chị luôn tươi cười. Khi cầm tờ quyết định trong tay, chị bảo vẫn chưa tin đó sự thật. Trước khi trút bỏ bộ quần áo tù, chị tâm sự: "Đối với tôi, hơn nửa đời người đã qua, chỉ biết sau này sống vì hạnh phúc của các con. Cả hai đứa chịu quá nhiều thiệt thòi tình cảm. Biết rằng, bây giờ phải bù đắp cho các con thật nhiều, thật nhiều…".
Dù không có các con tới đón, chỉ có Đại sứ quán đến nhưng chị vẫn chứa chan niềm vui. Chúng chưa biết mẹ được đặc xá và cũng vì đường sá quá xa xôi. Người phụ nữ có đôi mắt biết cười, nhoẻn miệng bảo chỉ muốn về đoàn tụ ngay với hai con.