Gái già đi bán hoa
3 gã đàn ông lực lưỡng xuống xe, theo sau là người phụ nữ đã quá 30 đang nhăn nhó vì bị chẹt giữa đống người. Cô tên Hoa, là một số ít những người bán hoa di động ở huyện miền núi Thanh Chương, Nghệ An.
Cô đi vào, miệng giả lả với bà chủ quán: “Có gì ngon chị dọn ra hết nhé, em đói lắm”. Hiểu ý, bà chủ nhanh chân chế biến đặc sản, trong khi chị mang ra khoảng 10 chai bia Hà Nội và 3 lon bò húc. Hoa ăn không nhiều, chỉ một bát phở và uống hết một lon bò húc.
Bà chủ quán nhìn thương xót, Hoa tặc lưỡi: “Kệ đi chị, có phải tiền mình đâu, đồ còn thừa thì chị mang cho mấy đứa trẻ con nghèo nghèo ấy”.
Đêm phố huyện đầy sương, cô ngồi nhìn 3 gã đàn ông lực lưỡng chúc tụng, người họ đẫm mồ hôi và còn nồng mùi… thịt lợn. Chắc lúc chiều họ vừa bắt lợn về chuồng để chuẩn bị cho sáng sớm đi mổ mang ra chợ. Hoa bảo: “Mùi này nhằm nhò gì, mùa đông, có nhiều ông có tắm táp gì đâu mà cứ lao vào như trâu ấy, nhiều khi phát buồn nôn mà vẫn cố chịu”.
Hoa là khách quen của cửa hàng ăn bình dân thuộc xã Thanh Lĩnh, Thanh Chương, nằm trên trục đường 46, tuyến Vinh - Lào. Thi thoảng, vào buổi tối Hoa lại cùng với đám khách của mình dừng lại đây, làm một bữa no nê rồi tiếp tục cuộc hành trình của mình. Gọi là đám bởi khách của Hoa thường là hai người trở lên, họa hoằn lắm mới thấy Hoa đi lẻ với một người.
Hoa giải thích: “Đám đàn ông thường kéo đoàn khi tìm mối, tương tự như rủ nhau đi nhậu ấy. Tìm được một người thì họ tranh thủ cùng nhau luôn, vừa tiện đường vừa tiết kiệm lại có hội hè”.
Mỗi “ca” như thế này, cô được 150.000 đồng (50.000 đồng/người), nếu khéo léo nài nỉ thì được khoảng 70.000-100.000 đồng, tuy nhiên, cũng có nhiều lúc Hoa bị hớ, tưởng là đi khách lẻ nhưng đến nơi thì thấy khoảng 3,4 người đang ngồi chờ như chờ cơm, lúc đó, họ trả bao nhiêu được thì trả, chứ nếu “kèo nhèo” thêm thì có thể bị đánh như chơi.
Một tuần Hoa có khoảng 2-3 chuyến, chủ yếu là liên lạc qua điện thoại, may mắn thì được đưa vào khách sạn, nhà nghỉ, còn không thì lăn lóc ở triền đê hoặc một bãi vắng nào đó. Cô kể: “Mấy khi được ở cảnh “chăn ấm đệm êm đâu”, ít tiền, cho nên họ còn đưa mình lên tận nghĩa trang cơ, ở đó chẳng ai lai vãng vào ban đêm nên không sợ bị lộ. Nhưng cũng có một lần vào tháng 9 năm 2007 đã bị bọn trẻ ở xã đó bắt tại trận và phải xin mãi chúng mới trả quần áo, nhục lắm!”
Bi kịch bị tịch thu của cô còn lặp lại vào vài tháng sau đó, đang không mặc gì với một ông cán bộ cấp huyện thì bị một dân anh chị ở gần đó cầm hết quần áo, rọi đèn pin vào rồi chụp ảnh. Nó bắt đưa 500.000 đồng rồi mới trả lại đồ và xóa ảnh, ông cán bộ sợ xanh mặt, lấy tiền trả luôn, nhưng sau khi tên kia đi rồi thì bảo hôm nay “lỗ”, nhất quyết không trả tiền, dù trước đó đã ngã giá 100.000 đồng.
“Gần 8 năm đi như thế này, nhiều khi người mình tưởng tử tế hóa ra lại khốn nạn, còn kẻ cứ nghĩ vũ phu hóa ra là quân tử. Có ông bình thường chỉn chu nho nhã lắm, nhưng chơi xong quỵt tiền để mặc mình bơ vơ, cũng có người thấy mình tàn tạ quá, không nỡ, cho ít tiền rồi về. Lúc đó chỉ nuốt nước mắt vào trong”- cô tâm sự.
Phận hồng nhan
Hoa kể: "Đi đêm thế này chứ sáng mai về đến nhà vẫn phải lo làm ruộng, trồng rau và chăm 2 đứa con nhỏ. Chắc chả ai như mình, thân nông dân mà vẫn còn đi ăn sương”.
Cô sinh năm 1973, trong một gia đình cũng đủ ăn đủ mặc, xinh đẹp và ngoan ngoãn nên cũng sớm lấy được một người chồng làm nghề thợ mộc. Bi kịch xảy ra vào năm 2000, khi chồng cô qua đời để lại hai đứa con gái nhỏ, nhà chồng hắt hủi buộc hai mẹ con phải dựng một mái nhà tranh bên sườn núi.
Nhà được 2 sào ruộng, một mảnh hoa màu nhỏ xíu, cố lắm cũng chẳng đủ nuôi sống 3 mẹ con. Những năm đó, dân quanh vùng đổ xô đi xuất khẩu lao động, người ở nhà không vắng chồng thì cũng thiếu vợ, ban đầu chỉ cũng định “loanh quanh” với một vài người, kiếm tiền nộp học hoặc mua quần áo cho con. Lâu dần, cô trở thành gái bán hoa lúc nào không hay.
“Mình thường đi xa, chẳng động chạm gì đến họ hàng làng xóm, nhưng ai cũng biết mình làm gì, kiếm tiền như thế nào. Bên nhà nội thì từ bỏ lâu rồi, nhà ngoại cũng chẳng còn bao nhiêu người, làng xóm có nói gì thì cũng là lời đồn đại thôi. Cái tiếng mà, ở quê ai chẳng mang tiếng này tiếng nọ. Chỉ có hai đứa con, không nói ra nhưng chúng nó cũng hiểu, nhiều lúc thấy người mẹ bầm dập thì đứa nhỏ vừa bôi dầu vừa khóc. Xót”.
Khách của cô chủ yếu là dân lao động, khỏe như vâm, cô dù có dẻo dai đến mấy thì cũng là phận đàn bà, chẳng mấy chốc mà dung nhan tàn tạ, từng nặng 52 kg, giờ chỉ còn 42 kg trong khi cao 1m58. Đôi mắt một thời sắc sảo giờ cũng đầy nếp chân chim.
“Mấy năm trước mình cũng có da có thịt lắm, ăn mặc tử tế vào cũng không thua gì ai đâu. Nhưng giờ thì làm nhiều với lại tuổi tác cũng nhiều rồi nên xơ xác như thế này. Cũng may là nhiều người không chê, vẫn còn “kiếm chác” được”- cô cười buồn.
Hoa tính, góp đủ tiền để đi buôn quần áo ở chợ thì nghỉ hẳn, ít ra cũng để con cái không phải sống trong cảnh mang tiếng về mẹ nó mãi, mà bản thân cũng có việc tử tế để mà nhìn đời, nhìn người. Nhưng trước mắt, vẫn phải bám lấy nó.
12 giờ đêm, trời đầy sương, cái lạnh thấm vào da thịt, cô leo lên xe, ngồi lọt thỏm giữa những gã đàn ông để tiếp tục cuộc hành trình
__________________