Họp báo The Voice, lần đầu tiên trong đời mình cảm nhận được cái nhục nhã của nghề viết lách. Mà cái nhục chính là cái nhục khi phải cúi đầu vì chịu tác động của đồng tiền. Nếu anh chị em báo giới hoạt động trong lĩnh vực văn hóa từ trước đến nay không quá coi trọng và vị nển Cát Tiên Sa, thì hôm nay có ai dám cầm mic để giữa họp báo quát thẳng vào mặt chúng ta rằng "chính anh chị là người làm mất niềm tin của khán giả, với những bài viết vô trách nhiệm, không kiểm chứng, đưa tin một chiều…"
Dù không nói ra, nhưng mình biết nhiều, rất nhiều nhà báo phải "sợ" Cát Tiên Sa vì bên đó thường xuyên họp báo, có nhiều chương trình, nhiều sô chậu. Mà mỗi sô như thế, ai có quan hệ tốt, được mời đi dự thì chí ít cũng được 500 ngàn bỏ túi. Số tiền ấy không quá lớn nhưng cũng không là nhỏ. Nhất là trong thời buổi cơm áo gạo tiền, vật giá lại lũ lượt kéo nhau leo thang như hiện nay.
Nhưng ai dũng cảm từ chối cái phong bì? Không ai hết. Để rồi mỗi lúc nhận tiền là một lần phải giả bộ không quen, không nói, không biết, làm lơ với chính lương tâm nghề nghiệp và đạo đức tác nghiệp của mình.
Đã không biết bao nhiêu lần mình mơ ước có một công việc gì đấy đủ mức thu nhập dư dả để không bị chi phối bởi đồng tiền. Khi ấy mình có thể hiên ngang trả lại cái phong bì cho các công ty sự kiện, cho các bạn văn nghệ sỹ. Để chúng ta có thể vô tư ngồi đối diện với nhau để thực hiện đúng và đủ những phần việc của mình. Bạn là nghệ sỹ, và tôi là nhà báo. Nhiệm vụ của tôi là khai thác và đưa tin một cách trung thực, chính xác đến cho độc giả.
Tôi đã phải "thanh minh" với ông TGĐ Cát Tiên Sa như vậy trước khi bắt đầu câu hỏi của mình. Bởi vì ông ấy cho rằng nhà báo "có vấn đề", và ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng thậm chí còn hỏi thẳng một cách rất chợ búa rằng tóm lại các phóng viên muốn gì thì nói thẳng? Như thái độ khinh miệt thường thấy trong rất nhiều cuộc họp báo 500 ngàn mà anh và công ty của anh tổ chức.
Tôi đặt cho Ban tổ chức 2 câu hỏi.
Một là, khi ông Minh cho rằng báo chí có lỗi trong việc mất niềm tin của người hâm mộ vì đã đưa tin một chiều không kiểm chứng, vậy trong cuộc họp báo này, tôi cần biết ai là người đại diện phát ngôn? Khi mà trên bàn chủ tọa có tới 6 người và ai cũng thi nhau nói. Và mỗi người nói theo một kiểu. Ý của người này đối chọi chan chát với ý người kia.
Hai là, nếu cô Phương Uyên đã thú nhận rằng đoạn ghi âm đó là sự thật, vậy câu nói "con Minh không có quyền quyết, vì chị là sếp mà" nên được hiểu thế nào cho đúng? Và thực tế ai mới là người có quyền quyết định?
Nội dung các câu trả lời này, báo mạng đã tường thuật chi tiết từng ly từng tí suốt từ chiều đến đêm. Tôi nghĩ không cần thiết phải trích dẫn lại làm gì nữa.
Và thú thực tôi hoàn toàn không thỏa mãn, dẫn tới hết quan tâm tới nội dung câu trả lời từ Ban tổ chức, vì nó quá lòng vòng, quá không thật, quá bao che và đầy ngụy biện. Đứng về góc độ truyền thông, tôi chỉ thấy rằng các bạn đã làm ra một cuộc họp chợ chứ không phải là họp báo. Cả Ban tổ chức và các phóng viên đều biến thành những "mụ đàn bà" và các thí sinh được gọi tới để quang quác trong vai trò đàn vịt. Các bạn lấy một cuộc tấu hài nhảm nhí ra để dẹp bão cho một cuộc múa rối bị phanh phui.
Và cuộc tấu hài nhảm này lại còn được đem lên phát sóng lên VTV3 nữa thì tôi chỉ có nước dập đầu bái phục sư vô trách nhiệm của Ban lãnh đạo VTV. Sóng truyền hình rẻ tiền đến như vậy hay sao?
Sự lộn xộn và thiếu chuyên nghiệp của Ban tổ chức cuộc "họp chợ" thể hiện ở rất nhiều khía cạnh. Từ việc không chỉ định người phát ngôn, đến việc đấu tố và đổ lỗi cho báo chí, rồi màn kêu gọi biểu quyết của Mr Đàm cho đến đỉnh điểm là việc giật míc của phóng viên nhằm cướp diễn đàn từ một thí sinh "vô học". Vì nếu được ăn học đàng hoàng, em nên biết rằng em đã làm một việc gọi là cản trở quá trình tác nghiệp của nhà báo, và em có thể bị truy tố đấy thưa em ạ. Còn xét về góc độ đạo đức và lễ nghi, thì xin lỗi, em này là học trò của huấn luyện viên nào nhỉ? Ai dạy em làm cái trò lố lăng như thế?
Ông Minh - TGĐ Cát Tiên Sa, trong "họp chợ" đã viện dẫn điều gì đó mà tôi không nhớ lắm, để kết luận rằng "kẻ giấu mặt" làm ra clip hoàn toàn có thể bị truy tố trước pháp luật. Vậy nên ông đã yêu cầu Tổng cục An Ninh truy tìm tung tích để xử lý. Còn nhạc sỹ Phương Uyên thì nói đó là người thân thích, biết mật khẩu email của cô, và vì đó hoàn toàn là vấn đề tình cảm cá nhân nên "mong người đó dừng lại, đừng làm gì quá đáng hơn nữa", nên chỉ yêu cầu cơ quan an ninh tìm người đó chứ không xử lý. Thông tin mỗi người một phách làm tôi có cảm giác Cơ quan an ninh là ô sin của những người này cho họ đá qua đá lại, sai tới sai lui. Trong khi, thực tế, tất cả các phóng viên đều "biết" người đó là ai, và màn "trả thù tình" đã được "tung chưởng" thế nào!
Có người phỏng vấn tôi có tin vào sự ăn năn trong những giọt nước mắt của Phương Uyên? Tôi trả lời rằng tôi không quan tâm chuyện đấy. Tôi đến họp báo chỉ để lấy thông tin thôi. Chứ không phải để coi bi hài kịch.
Còn từ phía rất cá nhân, tôi cho rằng văn hóa từ chức của Phương Uyên còn thấp quá. Việc chị "chợ búa" với ai, kêu đồng nghiệp là con này con kia, rồi lộng ngôn đòi dìm cho người ta chết… đúng là những việc rất cá nhân. Nó cá nhân khi chỉ có một mình chị và vài người trong cuộc biết. Còn khi nó đã bung bét ra ngoài, thành trò cười cho cả triệu con người mà chị vẫn cứ lỳ mặt ngồi khư khư như vậy thì tôi thấy nó cứ trơ trẽn làm sao ấy! Và tôi thấy lý do "để chứng tỏ bản thân" hoàn toàn không thuyết phục. Bởi vì nếu ngày mai, chị ra đường cướp của rồi bị bắt, thì trong mắt tôi, chị vẫn cứ là một nhạc sỹ với tài năng xuất chúng. Nhưng chị vẫn là một con ăn cướp không hơn. Thực ra đó là hai việc không liên quan và càng không liên đới gì đến nhau.
Cuối cùng, tôi thực sự đánh giá rất thấp suy nghĩ của chị khi chị phát biểu rằng "đã tới lúc nhắn tin gì đâu mà kêu là lừa khán giả?". Nếu đúng là chị có suy nghĩ non nớt và ngây thơ như thế, thì tôi hoàn toàn tin là chỉ có chúng tôi đang lừa dối lẫn nhau. Nhưng từ nay, tôi phải rất thận trọng với chị, khi chị còn ngồi đó với vai trò giám đốc âm nhạc của The Voice.