Người chết chôn được vài ba năm, nay con cháu tổ chức cúng bái rồi… đào lên, róc rửa, "tắm" cho thật sạch. Cách "tắm" này là một kiểu cải táng và sẽ không có gì phải bàn khi đó là tập tục không gây ảnh hưởng đến môi trường…
Ông Xoe (áo trắng) người đang gắp từng miếng xương đưa sang công đoạn 2.
Chết 3 năm đào lên "tắm"!
Nhận lời mời của T. tôi về một vùng quê thuộc huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang để dự ngày tắm rửa (còn gọi là sang cát) của người anh quá cố. Hôm sau mới là ngày chính, nhưng hôm tôi tới họ hàng bà con đã có mặt đông đủ, rạp được dựng lên, heo, vịt kêu om tỏi. Là khách xa tới, tôi không phải làm gì, chỉ việc ngồi tiếp chuyện những người khách đến dự.
Bữa cơm chiều đạm bạc (còn gọi là bữa phụ) theo đúng nghĩa quê, chiếu bài được dọn ra để chờ tới giờ "G". Lúc kim đồng hồ chỉ tới con số 12, với đầy đủ cuốc, xẻng, xà beng, hương khói, đồ cúng… cả đoàn người đi trên 20 xe gắn máy chở 2, 3 hướng về nghĩa địa thẳng tiến trong cái rét buốt đến tận xương tủy.
Điện được kéo ra từ nhà quản trang, một khoảnh nghĩa địa bừng sáng. Đoàn người tiến lại ngôi mộ đã được đào hết đất chỉ còn lại bên dưới là một cái hòm. Khi hòm được mấy người đàn ông kéo lên mặt đất, mấy nhát cuốc bổ vào, một xác người đang trong giai đoạn phân hủy lộ ra cùng với mùi hôi thối bốc lên nồng nặc khiến đám đông lùi ra xa.
Nửa lít xăng được đổ vào, một người mồi lửa, hòm người chết bùng cháy. Tiếng mỡ cháy xèo xèo cùng với tiếng khóc thê thảm tưởng nhớ người chết "thế kia có khổ không, anh ơi, bố ơi, con ơi, hu hu hu…".
Quan tài vừa bật nắp, người nhà châm lửa đốt vì theo quan niệm như vậy sẽ tẩy được "ám khí".
Lửa tắt, mấy người trung niên miệng bịt khẩu trang, tay đeo găng hì hục lấy xô, chậu và vải mưa căng ra mặt đất. Một người tay cầm cây gắp được làm bằng tre (giống như gắp đá) gắp những chiếc xương còn nguyên thịt chuyển ra đưa cho một người đang ngồi kế bên. Như thuộc lòng, người này dùng dao đẽo những phần thịt bám vào xương cho sạch, rồi chuyển cho một người đang chờ bên tấm vải mưa chứa nước gì đó có màu đen, thoang thoảng mùi hoa hồi.
Hai người trực tiếp rửa sạch những đoạn xương còn dính thịt thối. ( trông giống con gà nhỉ )
Sau nhiều công đoạn như vậy, toàn bộ thịt bám vào phần xương của người chết được lóc ra hết, còn lại là bộ cốt sạch sẽ thơm nức mùi hoa hồi. Hai người khác (tôi đoán là anh em ruột thịt gì đó với người quá cố) nhẹ nhàng nhặt những khúc xương xếp ngay ngắn vào chiếc tiểu sành có bọc vải đỏ. Khi chiếc xương cuối cùng được xếp vào, nắp tiểu được đậy lên, cả đoàn người cùng chiếc tiểu di chuyển cách chỗ cũ khoảng 20 mét rồi dừng lại bên một hố đất mới đào rộng chừng 1m2.
Tiểu được đưa xuống, mọi người dùng cuốc, xẻng vùi kín đất. Công việc hoàn tất cũng là lúc mặt trời bắt đầu mọc. Thắp nén hương đầu tiên, đoàn người chắp tay kính cẩn bên ngôi mộ mới trước khi về, bỏ lại đằng sau là nghĩa địa với một bãi ngổn ngang đất cát, ván thôi, đồ ăn cùng những mẩu thịt thối được lóc ra từ xương người chết đang bốc mùi nồng nặc.
Hôm sau, trước khi ra cơ quan, T. kéo tôi ra thắp hương cho anh. Lúc đến nơi, tôi nhìn thấy mấy đứa trẻ chăn trâu vô tư vui đùa bên những ngôi mộ trong nghĩa địa giữa cái mùi mà đêm hôm qua đoàn người bốc mộ còn để lại; bên cạnh nghĩa địa chừng 20 mét có vài người dân quanh vùng đang hăng say làm việc.
Tập tục hay hủ tục?
Buổi chiều, nhân lúc vãn khách, thấy tôi ngạc nhiên nên T. giải thích, quê của T. có tập tục hễ có người quá cố thì đúng 3 năm sau, gia đình tổ chức ngày tắm rửa cho người quá cố tùy theo khả năng kinh tế của từng gia đình. Người anh của T. bị tai nạn chết cách đây 3 năm; đã 3 năm nhưng xác vẫn chưa phân hủy hết. Dù là người nhà trực tiếp làm công việc "tắm" nhưng trước khi "vào việc" mỗi người cũng "ực" hết nửa chai rượu để lấy khí thế. Nhưng họ vẫn không giấu được cái sự "rờn rợn" trên khuôn mặt và trong công việc.
Ông Ngô Văn Xoe, người trực tiếp "gắp" những đoạn xương dính thịt người chết hôm ấy, sau hồi tưởng lại, nói: "Tôi làm công việc này đã nhiều rồi nhưng hôm đó vẫn thấy khiếp, lúc về nhà ăn cơm nuốt không nổi!".
"Cả làng chỉ duy nhất trường hợp ông C. là không… tắm. Nhà giàu, con cái lại đi công tác nên lúc sống ông C. được các con tẩm bổ toàn những thứ tốt nhất; khi ông C. qua đời, cái hòm cũng là loại gỗ tốt nhất. Ba năm sau đến ngày tắm rửa, lúc con cái mở ván hòm ra xác ông C. vẫn y nguyên. Một người con lấy cây ấn đầu thì bềnh (nổi)… chân, ấn chân thì bềnh… đầu khiến cho mấy người trong đoàn tắm bỏ chạy về tận nhà. Tin "khẩn" báo về, anh con trưởng "lệnh" không… tắm nữa, xây mộ ngay lập tức. Đã 10 năm chuyện ông C. không… tắm, trong làng không ai quên được" - T. kể lại.
Còn ở làng Vương (Tiên Lữ, Hưng Yên) ông Nguyễn Văn Oong lừng danh vì chuyên đi… tắm cho người chết giúp cả làng. Hễ nhà ai có người chết gần đến ngày tắm rửa thì chỉ việc báo một tiếng là ông Oong tới "làm việc hăng say". Đặc biệt là một đồng tiền công ông cũng không lấy nên cả làng phục lắm. Nhiều người bàn tán, nếu sau này ông Oong mất, ai sẽ thay thế ông Oong giúp cả làng?