Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc tính theo sức mua tương đương (PPP) sẽ vượt Mỹ để đứng đầu thế giới vào cuối năm nay. Tuy nhiên, dường như Chính phủ Trung Quốc tỏ ra không hào hứng trước thông tin đó.
Theo Eurasia Review, giáo sư chuyên nghiên cứu về khoa học chính trị tại Đại học Utah (Mỹ), ông Kai He, đã đưa ra 3 lý do để giải thích về "nỗi sợ hãi" của giới chức Trung Quốc khi họ có thể "qua mặt" Mỹ trong năm 2014.
Trung Quốc luôn dè chừng các nước khác. Ảnh: Reuters |
Năm 2010, GDP của Trung Quốc vượt Nhật Bản và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Hiện nay, dựa theo các con số của WB, nền kinh tế Trung Quốc sẽ sớm trở thành nền kinh tế số một thế giới.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo nước này hiểu rằng, chỉ số GDP hay GDP theo PPP sẽ không nói lên tất cả, bởi 1,3 tỷ dân sẽ làm giảm sức mạnh thực sự của những chỉ số.
Ví dụ, theo WB, năm 2012, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc chỉ xếp thứ 91 trên thế giới, thậm chí sau Iraq - nước vẫn đang vật lộn với cuộc chiến chống khủng bố. Và dù chỉ số GDP theo PPP đã đưa Trung Quốc lên vị trí thứ 89 nhưng họ vẫn đứng sau Cộng hòa Dominica.
Hơn nữa, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc vẫn chưa bằng 1/3 so với Mỹ mặc dù Bắc Kinh đã cố gắng đưa chi tiêu quân sự của họ tăng đều ở mức hai con số trong những năm gần đây.
Xét về quyền lực mềm - gồm ngoại giao công chúng và truyền thống - Trung Quốc vẫn ở mức “tầm thường” so với Mỹ. Sau khi xem xét tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với nhiều khía cạnh của nền chính trị thế giới, David Shambaugh - một học giả hàng đầu về Trung Quốc - nhận định, nước này không phải là một quyền lực mang tính toàn cầu thực sự mà chỉ là “quyền lực một phần”. Theo ông David, Trung Quốc sẽ vẫn duy trì hiện trạng trong tương lai gần.
Quyền lực song song với trách nhiệm
Nỗi sợ thứ hai của giới lãnh đạo Trung Quốc chính là những tác động đằng sau ảo tưởng “Trung Quốc là số một”. Các lãnh đạo Trung Quốc lo ngại rằng, Trung Quốc sẽ rơi vào “bẫy ngôn từ” theo đánh giá của thế giới bên ngoài, đặc biệt là Mỹ.
Năm 2005, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ lúc đó - ông Robert Zoellick - cho rằng, Trung Quốc có thể đóng vai trò là “một bên liên quan có trách nhiệm” trong việc định hình các chương trình nghị sự quốc tế. Trong mắt của các nhà lãnh đạo nước này, đề nghị của ông Zoellick là một “ bẫy ngôn từ” nhằm “sai khiến” và hạn chế chính sách đối ngoại của Trung Quốc.
Trong thời gian gần đây, các nhà lãnh đạo Trung Quốc dè chừng các quốc gia khác để không rơi vào “bẫy ngôn từ” của danh hiệu nền kinh tế số một thế giới.
Chủ nghĩa dân tộc
Nỗi sợ hãi cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, chính là chủ nghĩa dân tộc đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ tại Trung Quốc. Giới lãnh đạo không ngần ngại đặt ra mục tiêu chiến lược là trở thành một “cường quốc”, với cái gọi là “Sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Quốc” trong “Giấc mơ Trung Hoa” của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Chủ nghĩa dân tộc là một con dao hai lưỡi đối với mọi quốc gia. Nếu kiểm soát tốt, chủ nghĩa dân tộc có thể mang tới nhiều lợi ích. Song nếu để chủ nghĩa dân tộc phát triển tràn lan, nó có thể phản tác dụng. Ví dụ, trong các tranh chấp hàng hải hiện nay tại Biển Đông, cư dân mạng Trung Quốc đã công khai đặt câu hỏi với chính phủ Trung Quốc về các điểm yếu của đất nước.
Tác giả bài viết nhận định rằng, nếu Trung Quốc thừa nhận ngôi vị nền kinh tế số một thế giới, người ta sẽ càng đặt ra nhiều câu hỏi và áp lực lên chính phủ. Một nền “ngoại giao yếu kém” dường như không phù hợp với giấc mơ “dân giàu nước mạnh” trong tâm lý của người dân Trung Quốc. Do đó, chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố họ “không đồng tình với kết quả dự báo về Trung Quốc” của Ngân hàng Thế giới.