Thật dễ dàng để hiểu động cơ hòa hợp với những người khác. Con người là những sinh vật xã hội cần những mối quan hệ tích cực. Trong thực tế, một xã hội sẽ không tồn tại nếu mọi người không hợp tác với nhau.
Nhưng, con người vẫn thường làm hại nhau, một cách cố ý.
Tại sao con người thường cố ý làm hại và làm tổn thương người khác? Nghiên cứu trong nhiều thập kỷ chỉ ra nhiều sự thật trong quan điểm phổ biến là con người ác ý với những người khác để cảm thấy tốt hơn về bản thân họ.
Đặc tính tích cực
Lý thuyết bản sắc xã hội (Social identity theory) cho rằng con người có một nhu cầu tâm lý cơ bản là cần “đặc tính tích cực.” Nói cách khác, con người có nhu cầu muốn cảm thấy mình độc đáo theo những cách tích cực so với những người khác. Khi con người hình thành các nhóm, nhu cầu về đặc tính tích cực này mở rộng với những nhóm chúng ta thuộc về. Đó là, chúng ta có xu hướng xem những nhóm của chúng ta tốt hơn những nhóm khác (những nhóm chúng ta không thuộc về). Kết quả là, chúng ta có xu hướng xem những người không thuộc nhóm của chúng ta là ít tích cực hơn những người thuộc nhóm chúng ta. Điều này đặc biệt có thể xuất hiện khi có sự cạnh tranh giữa các nhóm, hoặc khi con người cảm thấy bản sắc hoặc giá trị của nhóm của họ đang bị thách thức.
Nghiên cứu thường phát hiện thấy con người bộc lộ sự thiên vị với nhóm của họ, và xa hơn, nhiều nghiên cứu nhất quán với quan điểm: việc làm giảm giá trị của những thành viên thuộc nhóm khác có thể có một tác động tích cực lên lòng tự trọng và những cảm xúc tích cực đối với nhóm của một người.
Những so sánh đi xuống
Lý thuyết so sánh xã hội cho rằng con người vốn hay đưa ra những so sánh với người khác. Và những so sánh đó có thể làm chúng ta cảm thấy xấu hơn hoặc tốt hơn về bản thân. Vì nhìn chung chúng ta thích cảm thấy tốt về bản thân nên chúng ta có xu hướng thực hiện những so sánh đi xuống, hoặc những so sánh cho phép chúng ta khinh thường người khác. Thêm nữa, nghiên cứu dựa trên lý thuyết này cũng ủng hộ quan điểm là con người trở nên tiêu cực hơn đối với người khác khi họ từng bị xúc phạm hoặc xem thường, và trở nên tiêu cực với người khác làm họ cảm thấy tốt hơn về bản thân (nó giúp phục hồi lòng tự trọng). Trong một nghiên cứu, khi con người được cho biết là họ không quyến rũ (sử dụng phản hồi giả), so với được cho biết họ quyến rũ, họ đã đánh giá những người khác không chỉ kém quyến rũ mà còn ít thông minh và tử tế. Nói ngắn gọn, bị xúc phạm làm con người có nhiều khả năng làm giảm giá trị của những người khác.
Phóng chiếu cổ điển
Freud cách đây nhiều thập kỷ từng cho rằng con người đương đầu với những quan điểm tiêu cực về bản thân họ bằng cách xem người khác là có những quan điểm tiêu cực tương tự. Ví dụ, giả sử bạn cảm thấy mình không trung thực. Khi đó bạn có nhiều khả năng xem người khác là không trung thực, và điều này làm bạn cảm thấy bản thân trung thực hơn.
Nghiên cứu ủng hộ quan điểm này. Trong một nghiên cứu, khi con người được cho biết họ có số điểm giận dữ cao, họ có nhiều khả năng xem hành vi của người khác như là đang bộc lộ sự tức giận. Và khi làm điều này, bản thân họ có ít suy nghĩ tức giận.
Đe dọa cái tôi
Các nhà nghiên cứu đã khám phá ra, chính lòng tự trọng bị đe dọa đã gây ra rất nhiều sự xung hấn. Nói cách khác, nó không thành vấn đề nếu con người cảm thấy tốt hoặc xấu về bản thân họ nói chung. Điều quan trọng là người đó, vào thời điểm đó, cảm thấy tồi tệ về bản thân họ hơn bình thường.
Nghiên cứu phát hiện thấy lòng tự trọng bị đe dọa liên quan đến một loạt hành vi gây hấn được tăng lên. Ví dụ, khi con người bị xúc phạm, họ có nhiều khả năng buộc người khác nghe những tiếng ồn khó chịu.
Tóm lại
Cho dù nó là một phương tiện để nâng cao nhóm của chúng ta, bản thân chúng ta, chúng ta có xu hướng trở nên gây hấn hơn khi giá trị bản thân bị thách thưc và chúng ta không cảm thấy tích cực về bản thân mình. Khi lòng tự trọng của chúng ta bị đe dọa, chúng ta có nhiều khả năng so sánh bản thân với những người chúng ta cho là kém hơn, xem người khác có nhiều đặc điểm tiêu cực hơn, làm giảm giá trị của những người không phải là thành viên của nhóm chúng ta, và trở nên gây hấn hơn với người khác.
Khi bạn chỉ trích hoặc xúc phạm người khác, nó có thể nói lên nhiều điều về bạn đang cảm nhận thế nào về bản thân bạn hơn là người khác.
Nguồn
Why Are People Mean? Part 1
4 ways that being mean is a product of insecure self-esteem
Published on June 29, 2013 by Nathan A. Heflick, Ph.D. in The Big Questions
PsychologyToday