Tâm sự - chia sẻ 2013-09-02 12:06:18

[Suy nghĩ của bạn #1] Vấn đề thứ nhất: Hội kiến trúc sư giáo dục.


         Giáo dục vốn được coi là một trong ba nền tảng Việt Nam cần để phát triển, thế nhưng cột trụ này lại gánh vác bổn phận quá lớn, trong khi bản thân nó lại đang không được quan tâm đầy đủ.Dường như suốt nhiều năm qua, nó chỉ nhích lên được tí tẹo, không những thế, bản thân cũng bắt đầu xuống cấp, không đảm bảo cả nhiệm vụ cơ bản là chống đỡ. Rõ ràng là có vấn đề. Đúng. Ai cũng nhìn rõ và ai cũng kêu ca. Nhưng tại sao hàng loạt vấn đề được phản ánh xong lại… vẫn cứ để đấy. Chỉ ra được một sai phạm và bắt tay sửa chữa nó không dễ, nên khi chỉ ra cả một danh sách “hỏng hóc”, có vẻ chúng ta bị cuống.
        
        Bây giờ những cái làm lung lay nền Giáo dục Việt Nam đã bộc lộ quá rõ rồi. Đến nỗi nền Giáo dục trông như một công trình nghìn tỉ vừa đưa vào dùng vài năm đã xuất hiện bong tróc, sụt lún, thì rõ ràng tất cả đều thấy. Nhưng cái vấn đề có vẻ còn nghiêm trọng hơn vẻ bề ngoài của nó. Đó là từ cái cội rễ của cây cột, nền móng công trình.
 
        Bạn có thể hiểu đơn giản để xây một ngôi nhà, chúng ta cần các kĩ sư thiết kế ra một bản mẫu.Thể hiện rõ sau khi xây xong, ngôi nhà hình dáng bên ngoài như thế nào, màu sơn, vị trí nội thất,… Việc hình dung cụ thể thành quả đạt được sẽ là động lực quý giá cho chúng ta phấn đầu. Và để biết nền Giáo dục nước ta sau khi xây dựng như nào, tôi thấy không ai khác ngoài những người làm giáo dục là có thể. Bởi họ là các kĩ sư thiết kế của ngành, đến họ mà còn không hình dung nổi hệ thống Giáo dục của Việt Nam thì biết nhờ vào ai đây?
 
        Họ vẫn thường xuất hiện trước chúng ta với những bảng thành tích sang chói, với những danh sách học sinh giỏi, giải thưởng, huy chương,… dài dằng dặc. Nhưng tôi nghĩ đấy không phải là mục đích mà Giáo dục hướng đến, đúng hơn chỉ là đạt được các mục tiêu nhỏ. Mục đích thực sự thì lại đang bị lờ đi, có vẻ các nhà thiết kế chỉ chăm chăm tạo ra những nhân tài xuất chúng, trong khi số đông thì vẫn chưa thực thành tài. Không, mục đích thực sự (phải) là rèn luyện những “con bò ngơ ngác” thành con người, và vì thế, chúng ta không nên lấy một vài đặc biệt để làm kết quả đại trà cho toàn ngành, tôi nghĩ vậy.
 
        Tuy nhiên vấn đề gặp phải lại là, càng ngày, nền Giáo dục càng xa rời mục đích như tôi đã mong đợi. Thay vì những con bò được trở thành con người thực sự, họ lại bị hô biến thành các cỗ máy, thậm chí là các cỗ máy siêu thông minh.
 
        Các quan chức đầu ngành giáo dục tâm niệm học tại nhà trường là để cung cấp các kiến thức cơ bản cho học sinh, đặc biệt là học sinh cấp THPT – cấp học trước khi va chạm với cuộc sống. Thế nên họ cố gắng chuẩn bị càng nhiều càng tốt, thay vì càng kĩ các tốt cho các con bò. Học sinh THPT phải học đến tận 13 môn! Khác gì các em đi mổ gà, mang theo cả tá dao các loại với nhiều chức năng không ai biết rành rọt. THẬT LÃNG PHÍ!!!?
 
        Hãy thử nghĩ xem, chúng ta có thể vừa làm bài tập, vừa nghe nhạc, vừa nhắn tin và còn lên facebook (FB) chat được không? Chắc chắn là không. Tức là làm quá nhiều việc trong một thời gian ngắn thì chẳng việc nào ra hồn, càng không nên học một lúc tận 13 môn đúng không? Học sinh giỏi Lí phải học Văn trong khi cả tối không tự mình viết nổi một bài văn nghị luận xã hội, dù với thời gian ấy, em có thể tìm hiểu được vài vấn đề Vật Lí. Ngồi suốt 90 phút học đủ các cuộc khởi nghĩa, Ba Đình (1886 – 1887), Hương Khê (1885 – 1896), Yên Thế (1884 – 1913), nhưng không thể nêu ra vấn đề quan trọng nhất là tại sao khởi nghĩa Yên Thế lại là kéo dài lâu nhất, nhưng cũng thời gian ý, em có thể hoàn thành cả chục bài hóa. Ấy vậy mà các kĩ sư vẫn đưa tận 13 môn vào chương trình học suốt từng ấy năm để làm gì? THẬT ĐIÊN RỒ!!!? Phải chăng khi ra trường sau này, các em sẽ dùng kĩ năng đọc chép văn học để viết tác phẩm kiếm sống, hay sẽ học thuộc lòng tất cả các cột mốc lịch sử để trở thành “sách giáo khoa sống”, chứ chả biết phân tích nguyên nhân,ý nghĩa sự kiện nào. Liệu có thực sự phải như thế: chuyên môn xa rời, sở trường,sở đoảng lẫn lộn, cuối cùng thay vì là một món ăn ngon, các con bò bị chế biến ra nồi lẩu thập cẩm không nuốt nổi. THẬT NGU XUẨN!!!?
 
        Học sinh cấp3 phải học quá nhiều đã đành, vậy mà trong một số môn kiến thức đôi khi còn hànlâm tới mức xảy ra nhiều tình trạng oái oăm chẳng ai ngờ. Đơn cử như lớp tôi,giáo viên không thể kiểm soát được mức thu nhận kiến thức của cả lớp. Làm bài tậpvề đạo hàm, nguyên hàm rất nhanh, nhưng khi thầy dạy Lí hỏi: “Ý nghĩa của đạohàm là gì?” thì đến cuối giờ cũng chả ai nói được, và thầy phải giảng lại màcũng hầu như chả hiểu gì, dù đó chỉ là một chi tiết nhỏ của bài tập để học sinhnắm chắc hơn. Và rồi thầy dạy Lí cũng gặp rắc rối trong chính vấn đề của môn VậtLí, đó là chuyện sách giáo khoa (SGK) đề cập tới quá nhiều phần lí thuyết “siêutrừu tượng”, dường như đưa ra cho quyển sách thêm dày hoặc bài học sẽ trở nên“bớt nhàm chán?”. Biết rõ nhận thức phần đông của lớp không nắm bắt được, thầytâm lí: “Chúng ta không cần phải hiểu rõ, các em chỉ cần biết là…”. Đó là đã giảnlược nên cũng có một phần lớp hiểu, chứ nếu không may là giáo viên cứ y nguyênSGK mà dạy thì có lẽ là “đàn gảy tai trâu”. THẬT KHÓ HIỂU!!!?
 
        Dạy quá nhiều môn thừa, và cũng quá tải kiến thức từng môn để học sinh có thể hiểu. Một sự bất cập mà ngành Giáo dục luôn giải thích là phải dạy thế để các em có đủ kiến thức nền. THẬT BẢO THỦ!!!? Kiến thức nền. Bao nhiêu là đủ? Học đến lớp mấy là đủ? Ai dám khẳng định cụ thể. Tổng thống Mĩ Abraham Lincoln chỉ học tới mức Tiểu học.Để chế tạo một hệ thống cáp treo vận tải, anh Nguyễn Hữu cũng mới chỉ có kiến thức tầm lớp 9, không hề từ lớp đào tạo cơ khí nào. Vậy có quá khó hiểu không,tổng thống trình độ Tiểu học, “kĩ sư chân đất” học đến THCS. Kiến thức nền mỗi cá nhân chỉ là một phần nhỏ tự họ phải trau dồi. Có đi học thì một tổng thống hay một anh nông dân tối thiểu cũng đều biết tiếng mẹ đẻ, các phép toán cơ bản một cách thành thạo. Còn lại, họ có thể tự học từ trường đời. Chẳng ai có thể thiết kế họ đều biết viết văn giỏi như nhau, làm toán giỏi như nhau. THẬT HOANG TƯỞNG!!!?
 
        Cuối cùng thì cả đống kiến thức được nhồi nhét kia liệu có giúp các học sinh của chúng ta làm được như vậy, trình độ rõ ràng là hơn họ mà khả năng lại thua kém họ. Tại sao? Bởi họ là cỗ máy, nên dù có siêu thông minh, họ vẫn chỉ là máy, nghe và làm theo yêu cầu con người lập trình sẵn nên chẳng tìm tòi được gì mới mẻ. THẬT NGHỊCH LÍ!!!?
 
        “Đừng cố trở thành người tài giỏi, mà hãy cố trở thành người có ích” – Albert Einstein. Hy vọng câu nói này sẽ có ích với bất kì ai đọc được nó và thay đổi được người chịu tìm hiểu nó.
 
        Tiếp theo là thi cấp 3, vâng, một kì thi cực kì quan trọng. Mục đích của nó thì… rất tiếc, lại vô cùng vớ vẩn. Tổ chức một kì thi tốn kém chỉ để phân loại 100 trên 1000 em học sinh, và 900 em kia cũng chỉ nhận được mỗi một tấm bằng vô dụng dù phải trải qua kì thi ngang tầm quốc gia. Sao lại là tấm bằng vô dụng? Ai cũng nói thi tốt nghiệp THPT mới được thi Đại học, vậy thi Đại học làm gì khi năng lực nhiều em kém tới mức, tự biết không thể thi được. Cầm bằng cấp 3 đi xin việc thì ai cũng lắc đầu, vậy thi cử để có nó làm gì cho mất thời gian. Đầu tư 12 năm để làm gì khi tất cả chỉ để tham dự một kì thi không nghiêm túc. Thi thì phải thi đàng hoàng, nếu tô chức mà bát nháo không ra hồn thì đừng thi. THẬT PHÍ PHẠM!!!?
 
        Thêm vào đó,theo ý kiến một số kiến trúc sư, việc thi tốt nghiệp như vậy sẽ giúp ổn định chất lượng ngành Giáo dục. Hóa ra, chất lượng vẫn đang tốt, không có vấn đề gì sao?Nếu thực sự vậy thì quả là đáng mừng, vì cuối cùng, hàng vạn sự quan tâm tới chất lượng hệ thống nước ta chỉ là lo “bò trắng răng”. THẬT NỰC CƯỜI!!!? Nhiều người nói nếu bỏ nó sẽ khiến học sinh không lo học, không còn động cơ học dẫn tới chất lượng đi xuống. Vậy hóa ra học chỉ để thi, công bố kết quả thật hoành tráng, cứu vãn cho cái sự “be bét” của một công trình quốc qia đang xuống cấp,… THẬT LỐ BỊCH!!!? Chống tiêu cực bằng cách đặt thành tích làm mục tiêu thì làm sao mà hiệu quả được. Với họ, việc xây dựng chỉ là hình thức nhằm lừa bịp, khuyến khích chúng ta có một cái đích, hãy tiến lên. Cuối cùng, ai là người được lợi, kẻ chịu thiệt thực sự?Học sinh? Phụ huynh? Xã hội? Hay các nhà thiết kế?
 
        Vấn đề cuốicùng mà tôi muốn nói tới, đó là quy tắc vòng tròn đồng tâm. Nghĩa là các môn học sẽ dạy các em lớp 10 trong vòng tròn tâm O, bán kính R=1, và lớp 11 sẽ là vòng tròn tâm O, bán kính R=2, cứ thế mở rộng dần,… Tôi thừa nhận đó là một hướng đi không tồi của Bộ giáo dục, nhưng nó đã biến tướng thành dạy nhồi nhét kiểu công nghiệp và nhảy cóc kiểu bỏ trống. như vậy không chỉ pha loãng kiến thức các em học sinh mà còn khiến nó không đầy đủ. Giống như rót nước theo tầng, cốc thứ nhất trên cùng rót tràn ra cốc thứ hai bao bên ngoài, rồi nước lại tràn tiếp cốc thứ ba chứa cả hai cốc kia. Cộng với những điều kiện ngặt nghèo buộc các giáo viên phải đổ ào ào vào cốc một, chưa đầy nước đã bắn ra cốc hai, rồi tung tóe ra cả cốc ba thậm chí là ra ngoài. Cuối cùng chả có cốc nào đầy, mỗi cốc đọng lại chút nước và họ vỗ tay mừng rằng, bao nhiêu kiến thức bậc THPT đã truyền lại hết cho các em, trong khi bên ngoài nước thừa vương vãi. THẬT NỬA VỜI!!!?
 
        Theo như bài viết này, hội kiến trúc sư có khá nhiều vấn đề trong tư tưởng nhưng đó vẫn chưa phải tất cả.Vì nếu chỉ có các nhà thiết kế phạm sai lầm thì hậu quả đã không trầm trọng như thế này. Mục đích của họ có thể đang lệch hướng, nhưng vẫn còn nhiều bộ phận khác trong cả hệ thống Giáo dục nước ta đang phạm sai lầm, như họ. Vì thế tạm khép lại số thứ nhất ở đây, trong các số tiếp theo tôi sẽ tiếp tục đề cập đến một thành phần khác: lực lượng công nhân giáo dục.
 
        Lời cuối. “Nếu không có mục đích, anh không làm được gì cả. Anh cũng không làm được gì vĩ đại nếu mục đích tầm thường”. Theo tôi, đây chính là sai lầm của hội kiến trúc sư Việt Nam.
 
 
                                                          LƯU Ý
 
Mọi ý kiến đóng góp liên quan đến nội dung bài viết (chính tả, ngữ pháp, thông tin, tư tưởng,…) xin vui lòng gửi về hòm thư Gmail để tôi xem xét và chỉnh sửa:[email protected]
 
Nếu muốn bàn luận nhiều hơn về các vấn đề thể hiện trong bài viết, xin vui lòng add địa chỉ Yahoo: [email protected]
 
Tôi chỉ làm việc thông qua địa chỉ Gmail này cũng như nói chuyện bằng nick Yahoo ở trên, mọi phản hồi hay tranh luận tại các địa chỉ khác tôi không chịu bất cứ trách nhiệm gì. Mong mọi người chú ý.
 
                                                                                                                                            Cảm ơn.
 
 
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)