Một ông bố từng đánh con trai nát lưng “cho chừa cái tội ngu”, bởi cậu đã lao vào đám côn đồ để giải cứu cho thiếu nữ không quen biết.
Đọc một tin hay nghe một câu chuyện ai đó vì giúp đỡ hoặc cứu người mà để lụy đến mình, tôi tin rằng 100 người thì 99 cảm thấy khâm phục và xúc động, thậm chí buông lời cảm thán rằng nếu ai cũng có tấm lòng nghĩa khí như vậy thì cuộc đời này đẹp biết bao nhiêu. Nhưng nếu người tốt bụng đó chính là thân nhân của họ thì phản ứng có thể rất khác.
“Không nghĩ đến mình, trời tru đất diệt”
Rụng rời nhìn con trai mang bộ mặt sưng vều, bầm tím với khóe môi rách tươm về nhà, anh Hưng cuống cuồng xoa dầu, rửa vết thương cho con rồi hỏi đánh nhau với ai mà te tua vậy. Cậu học trò kể là dọc đường thấy hai thanh niên mặt mày bặm trợn đang bắt nạt một thiếu nữ nên đã xông vào can thiệp, và tuy cậu “ăn đòn” nhưng cô bé cũng thoát. Nghe vậy, anh Hưng sợ quá hóa giận, quát lên: “Trời ơi, sao mày ngu thế hả con? Tưởng mày đánh nhau với bạn thì không sao, cùng lắm chỉ sứt đầu mẻ trán, chứ dây với mấy thằng côn đồ đó lỡ nó xiên cho một dao thì còn gì là công tao với mẹ mày nuôi 17 năm nay?”. Con trai Hưng cãi, bố vẫn dạy con phải biết giúp đỡ người khác, đây lại là một cô gái chân yếu tay mềm, làm sao ngơ đi được.
Cứu giúp người khác chỉ là việc của các siêu nhân?
Cố kiên nhẫn, ông bố lý giải với hy vọng cậu ấm nhà mình “sáng” ra: “Giúp người khác là tốt, nhưng phải không hại đến mình. Mày mới nứt mắt ra, lo thân còn chưa được còn bày đặt anh hùng cứu mỹ nhân. Nếu mày có mệnh hệ nào thì là đại bất hiếu nghe chưa?”.
Thấy ông con trai vẫn cứng đầu cứng cổ cho là mình đúng, Hưng lôi ra đánh một trận thừa sống thiếu chết để mong cậu tởn đến già mà lo lấy thân, đừng làm những việc bao đồng khiến bố mẹ thót tim nữa.
Hưng buồn bã tâm sự: “Tôi cảm thấy từ hôm đó, lòng kính trọng của nó dành cho tôi giảm rất nhiều. Nhưng sau này trưởng thành hơn, nó sẽ hiểu ra nó ngu ngốc như thế nào. Dĩ nhiên tôi muốn con mình là người tốt, nhưng thử hỏi có ai tốt đến mức quên cả bản thân mà tồn tại được không? Người Tàu có câu ‘không biết nghĩ đến mình, trời tru đất diệt’, không phải là không có lý”.
Tuy không nâng đến mức triết lý như anh Hưng nhưng rất nhiều người khác cũng có cùng suy nghĩ như vậy. Họ đều tôn trọng cái tốt, ngưỡng mộ cái thiện, tuy nhiên nếu việc tốt, việc thiện làm thiệt hại đến mình thì “tốt nhất là nhường cái công đức ấy cho ai đó vĩ đại hơn”. Chị Mai Lê, 39 tuổi, nói: “Mình cũng chỉ là người bình thường, không làm gì thất đức là được rồi”. Với quan điểm đó, chị từng mắng chồng như tát nước khi anh, vì bảo vệ một đồng nghiệp vừa tốt vừa có năng lực ở cơ quan trong một cuộc đấu đá nội bộ, đã bị mất chức, khiến vợ con vạ lây vì ngân sách gia đình giảm nghiêm trọng.
“Không bao giờ tớ ngờ được là lão ấy lại có thể dở hơi, cám hấp đến mức đó, làm khổ vợ khổ con”, Mai Lê tâm sự với bạn. Hễ gặp khó khăn về tiền bạc là chị lại đay nghiến chồng về “lỗi lầm” đó. Thậm chí Mai Lê còn kể tội chồng trước các con lúc bọn trẻ xin tiền mẹ mua đồ chơi: “Chúng mày có ăn thịt mẹ thì ăn, chứ làm gì có tiền. Chỉ vì thói anh hùng rơm của bố mày mà tao khổ thế này đây”. Nghe vợ mắng nhiều quá, chồng chị cũng phải tự nhủ, thôi thì chút lòng nghĩa hiệp từ sau xin chừa.
Những chuyện “thấy chết không cứu”
“Tôi thất vọng vì bọn trẻ bây giờ quá ông ạ”, Hiệp, một anh bạn tôi, than. Hiệp chia sẻ, hôm trước anh làm giỗ bố, thằng cháu con bà chị đến muộn. Chưa ai kịp trách thì nó đã bô bô kể về vụ tai nạn mà nó vừa chứng kiến ngoài đường: một bà bụng chửa vượt mặt bị chiếc xe máy tạt đầu va phải. “Cháu nghĩ bà ý kiểu gì cũng sẩy thai, máu chảy như thế kia mà”, thằng bé nói. “À hóa ra vì bận chở cô ấy vào viện nên cháu đến muộn hả?”, một bà dì hỏi. Thằng bé tròn mắt: “Trời ơi, thiếu gì taxi mà cháu phải chở? Con Honda Civic này cháu năn nỉ gãy lưỡi bố cháu mới mua cho, để bà ý lên làm bẩn hết hay sao? Lỡ bà ý đẻ luôn trên xe hay làm sao thì chết cháu. Mà nghe nói để bà bầu bị chảy máu như vậy lên xe mình thì sau đen đủi lắm”. Thấy ánh mắt của người lớn nhìn mình, cậu thanh minh: “Dì với cậu yên tâm, kiểu gì bà ý cũng đón được taxi. Nếu không có taxi thì rồi cũng có người khác chở đi. Chứ cháu đang vội đi giỗ bà mà”.
“Rồi sẽ có người khác giúp anh ấy/cô ấy” là ý nghĩ hiện lên trong đầu rất nhiều người khi ta bỏ qua một trường hợp cần giúp đỡ vì sợ gặp nguy hiểm hay phiền hà. Ý nghĩ đó khiến ta yên tâm, không còn thấy áy náy khi mặc kệ họ. Nói cho cùng, “giữa đường thấy sự bất bằng chẳng tha”, xả thân giúp đỡ là hành động của các siêu nhân, anh hùng – những nhân vật chiếm số ít. Ta cũng chẳng tệ hơn đa số mọi người. Nghĩ đến đó, lương tâm sẽ hết cồn cào.
Trong chúng ta, không ít người đã có lần chứng kiến ở chợ, bến tàu, trên xe bus, xe khách… cảnh trộm móc túi người khác. Nhưng được mấy người tri hô để bắt trộm hay lên tiếng nhắc nạn nhân? “Mình lên tiếng, lỡ nó đánh cho thì sao? Hoặc hôm khác nó theo dõi, trả thù thì sao?”. Nỗi lo sợ đó khiến cho không ít người trong số chúng ta khi phát hiện mình đã bị móc túi, chỉ biết ngậm ngùi khi có người đứng gần đó tiết lộ, họ nhìn thấy tên trộm đang “tác nghiệp” mà chỉ dám ra hiệu chứ không dám nói.
Thực ra, cũng chẳng có gì đáng trách khi người ta tự bảo vệ mình, khi những câu “làm việc tốt thiệt thân”, “khôn sống mống chết”… vẫn đang được nhiều người “kiểm chứng”. Dù vậy, một điều chắc chắn là ta vẫn gặp đâu đó những việc tốt, người tốt. Có lẽ vì họ không nghĩ nhiều đến chuyện dại – khôn, hay có thể họ vốn rất “khôn” nhưng ở những tình huống đặc biệt nào đó đã trở nên “dại” một cách vô cùng đẹp đẽ?