Tiếp chúng tôi tại chánh điện nhà chùa, sư Tấn phân trần về căn biệt thự bạc tỷ kín cổng cao tường sau lưng nhà chùa được sư bỏ công xây dựng gần 2 năm qua, đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Sư Tấn cho biết, [size=xx-large]căn biệt thự không phải của sư mà của mẹ sư[/size] là bà Phan Thị Tới (SN 1957). Tiền xây là do người em gái sư ở Đài Loan gửi về. Bà Tới thấy nơi ở của sư Tấn ọp ẹp nên đã mua mảnh đất sau chùa (cách đây khoảng 4 năm) và xây dựng căn biệt thự này để sư Tấn ở và cũng là để bà dưỡng già sau này. (?!)
Sư Tấn cho biết, tổng số tiền xây dựng căn biệt thự tính đến thời điểm này chỉ trên 1 tỷ đồng và toàn bộ số tiền là của gia đình sư Tấn. Trả lời câu hỏi của PV Dân trí, vì sao chùa Bồ Đề xây dựng từ năm 2006 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành, sư Tấn bùi ngùi: “Nhà báo thấy đó, nhà chùa không đủ tiền xây dựng, thì có tiền dư đâu mà sư lấy xây biệt thự, nhà nghỉ? Vừa rồi mẹ sư phải bán nhà nghỉ Thiên Nga được 600 triệu đồng, cho sư vài trăm triệu để trả tiền vật liệu xây chùa…”.
Sư Tấn bật khóc cho rằng mình đang chịu hàm oan
Sư Tấn nói về hàng loạt tin đồn tại địa phương như chùa xây chưa xong sư đã lấy tiền xây biệt thự, nhà nghỉ, đầu tư câu lạc bộ thể hình,… Thậm chí có tin đồn sư có con rơi. Sư Tấn khóc: “Trước búa rìu dư luận nhưng mấy ngày qua, Ban Trị sự Phật giáo thị xã Bình Minh cũng như của tỉnh và kể cả Trung ương Hội Phật giáo cũng chưa đến gặp sư để xác minh lại sự việc, có tiếng nói đúng đắn bảo vệ đệ tử. Sư cảm thấy cấp trên đang “bỏ rơi” mình”.
Sư Tấn dẫn chúng tôi dạo quanh khuôn viên nhà chùa. Đã 7 năm từ khi sư Tấn bắt tay vào xây dựng chùa Bồ Đề, gồm chánh điện, thiền đường, cổng, sân,… đến nay chưa có hạng mục nào hoàn thành, chỗ nào cũng dang dở, rêu bám loang lổ…
Theo sư Tấn, do phật tử cúng ít, nhà chùa thiếu tiền nên qua 7 năm công trình chưa thể hoàn thành
Giải thích về sự chậm trễ này, sư Tấn cho biết: “Trong vụ sập cầu Cần Thơ, nhà thầu Nhật không hỗ trợ tiền cho nhà chùa như người ta đồn thổi và với một ngôi chùa ở quê, phật tử cúng ít lắm. Có chăng những đoàn phật tử từ nơi khác đến, họ cúng phần nào, nhà chùa làm hết phần ấy, đến đâu hay đến đó”.
Hiện người dân bức xúc nhất là tên ngôi chùa di tích cấp tỉnh lại được viết bằng tiếng Trung Quốc
Trong khi đó, tiếp xúc với chính quyền địa phương, Ban Hội tự và người dân xã Mỹ Hoà, phóng viên lại được nghe cả trăm câu chuyện ly kỳ liên quan đến những việc làm sai trái của sư trụ trì trẻ tuổi Thích Phước Tấn.
Theo nguồn tin riêng của PV Dân trí, người dân đang làm đơn gửi lên chính quyền địa phương, Ban Trị sự tỉnh về nhân cách, đạo đức,… của sư Tấn, tố cáo việc sư dùng tiền nhà chùa để xây biệt thự, khách sạn,… cho người nhà đứng tên.
Ông Nguyễn Văn Thành - nguyên Bí thư ấp Mỹ Hưng 2 - cho biết: “Mục đích của bà con và phật tử khi làm đơn tố cáo sư Tấn là rất mong muốn chính quyền địa phương, Ban Trị sử thị xã và tỉnh vào cuộc để làm sáng tỏ mọi vấn đề, không để “con sâu làm sầu nồi canh”, ảnh hưởng đến Giáo hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Long nói riêng và của hình ảnh Phật giáo nước nhà nói chung, chứ chúng tôi không có lý do nào khác”