Bộ phim là cuộc đấu tranh không mệt mỏi của những người làm báo để tìm ra sự thật ẩn giấu đằng sau những âm mưu, thủ đoạn và mục đích trong chính trường Mỹ.
Đạo diễn: Kevin Macdonald
Diễn viên: Russell Crowe, Ben Affleck, Rachel McAdams, Helen Mirren
Thể loại: Hình sự/ Hành động/ Bi kịch
Đánh giá: 4/5 *
Giữa hàng loạt những bộ phim phim hè bom tấn thiên về khai thác những đề tài hành động, viễn tưởng, mang tính giải trí cao, State of Play là một bộ phim đi ngược xu hướng. Nó tập trung khai thác một đề tài khó nhằn và cũng gai góc hơn rất nhiều: đó chính là những âm mưu, thủ đoạn chính trị ẩn chứa đằng sau những sự việc tưởng chừng như vô cùng giản đơn, là những sự đấu tranh không biết mệt mỏi của những người làm báo nhằm đưa ra ánh sáng sự thật cũng như phơi bày bộ mặt giả dối của giới chính khách Mỹ.
Ben Affleck trong vai Stephen Collins (giữa)
Ngay từ mở đầu của phim, State of Play đã cuốn hút khán giả bằng một lối kể chuyện hình sự đầy kịch tính. Một loạt vụ án bí ẩn được diễn ra liên tiếp: Một người bị bắn chết, một người trong tình trạng nguy kịch còn một người được cho là tự sát khi nhảy xuống đường ray của tàu điện ngầm ở Washington. Đặc biệt hơn khi người ta phát hiện ra rằng, người phụ nữ tự sát đó thực ra chính là phụ tá của chính khách đang lên Stephen Collins (Ben Affleck), người có triển vọng sẽ trở thành ứng cử viên tranh cử chức tổng thống trong tương lai. Stephen đã không giữ nổi vẻ điềm tĩnh và để lộ ra quan hệ tình ái của mình với cô gái xấu số trước các phương tiện thông tin đại chúng.
Phóng viên Cal McAffrey (Russell Crowe) (trái)
Trong tình thế sự nghiệp đang bị đe dọa, Stephen đã buộc phải đến cầu cứu người bạn thân và cũng là tình địch của mình ngày xưa Cal McAffrey (Russell Crowe), một nhà báo kì cựu của tờ soạn báo Washington Globe. Dù không muốn nhưng Cal cũng đành phải nhận lời tham gia điều tra vụ án giúp Stephen. Cùng với người đồng nghiệp trẻ, nữ phóng viên báo mạng Della Frye (Rachel McAdams), Cal dần dần bóc tách và khám phá ra được những sự thật đằng sau cái chết kì lạ của cô gái trẻ. Càng tiến gần đến sự thật, những nguy cơ rình rập quanh Cal ngày càng nhiều, nhưng anh vẫn kiên trì tiếp tục theo đuổi vụ án nhằm đưa sự thật ra ngoài ánh sáng. Những sự kiện trong phim cứ thế diễn ra một cách liên tục và nối tiếp nhau với một tiết tấu nhanh, dồn dập, cảm tưởng rằng chỉ cần một phút lơ đễnh thôi người xem có thể bỏ lỡ đi mất những tình tiết quan trọng của bộ phim.
Đan xen vào những tình tiết, sự kiện của bộ phim là những mối quan hệ phức tạp vừa mang tính đối lập nhưng cũng lại vừa mang tính tương hỗ, bổ sung cho nhau. Điển hình cho sự đối lập là hình ảnh đại diện cho hai thế hệ làm báo: Cal McAffrey, một phóng viên kì cựu, chuyên đi thu thập tin chỉ với một quyển sổ và một cây bút kề bên, đại diện cho các nhà báo lão làng với cách thức điều tra truyền thống và Della Frye, một phóng viên báo mạng trẻ trung, năng động, là chủ nhiệm của trang web chuyên về chính trị của tờ báo Washington Globe và không có nổi bên mình một cây viết nào. Cô là đại diện cho lớp nhà báo trẻ, mang hơi hướm của thời đại. Cal thì mạnh mẽ, lì lợm, quyết đoán còn Della thì năng động và tràn đầy nhiệt huyết. Hai con người, hai tính cách tưởng chừng như hoàn toàn trái ngược nhau nhưng khi hợp tác với nhau và cùng trải qua biết bao khó khăn hoạn nạn trong quá trình điều tra án, họ lại càng trở nên hiểu nhau hơn, tôn trọng cách làm việc của nhau và dần trở thành một cặp đôi vô cùng ăn ý trong công việc. Đây có thể coi chính là hình ảnh biểu trưng cho xu hướng hòa hợp, thống nhất giữa cái mới và cái cũ, giữa báo mạng và báo viết, giữa kinh nghiệm của những thế hệ đi trước và nhiệt huyết của những thế hệ trẻ.
Bên cạnh đó còn có sự đối lập đầy mâu thuẫn giữa hai nhân vật Cal và Stephen. Đó cũng chính là biểu tượng của mối quan hệ giữa báo chí và chính trị. Báo chí có thể hậu thuẫn cho chính khách, đưa họ lên đỉnh cao của danh vọng, nhưng cũng có thể là người phanh phui ra những việc làm xấu xa đằng sau bức màn chính trị, và dìm sâu họ xuống đáy sâu của sự nghiệp. Ngược lại các chính khách cũng có thể lợi dụng báo chí để phục vụ cho những mục đích riêng của mình. Do đó dù đã từng là những người bạn nhưng dường như giữa Cal và Stephen luôn luôn tồn tại một bức tường vô hình, họ luôn đề phòng và cảnh giác lẫn nhau.
Stephen và Cal
Là một diễn viên tài năng và có nhiều kinh nghiệm diễn xuất, Russell Crowe đã thể hiện một vai Cal rất thành công. Anh vừa cho khán giả thấy được một nhà báo Cal đầy bản lĩnh, cứng rắn trong công việc nhưng lại cũng vừa cho thấy một hình ảnh trái ngược hoàn toàn: một con nguời vô cùng yếu đuối và rất hay mủi lòng trong chuyện tình cảm, đặc biệt là trong những cảnh anh gặp lại Rachel - vợ của Stephen và cũng là người anh yêu. Trong khi đó, dù đã cố gắng hết sức nhưng vai diễn một chính khách ngôi sao có vẻ hơi quá tầm so với Ben Affleck. Không những không thể hiện được phong thái của một chính trị gia xuất chúng, Ben Affleck còn tỏ ra bị lấn át trong diễn xuất khi diễn chung trong những cảnh đối thoại với Crowe, chính điều đó đã làm giảm đi tính căng thẳng, hấp dẫn trong bộ phim. Có lẽ một phần do độ tuổi của hai nhân vật này khá chênh lệch (Ben mới 36 tuổi còn Russell đã 45 tuổi). Tuy vậy, sự duyên dáng, mạnh mẽ và cũng không kém phần sắc sảo của nữ diễn viên chính duy nhất trong phim Rachel McAdams khi vào vai một nữ nhà báo trẻ năng động, đầy nhiệt tình đã phần nào khỏa lấp đi lỗ hổng này .
Della Frye (Rachel McAdams)
Nếu như diễn xuất của các diễn viên chính lại tỏ ra khá chênh lệch, khập khiễng thì ngược lại, dàn diễn viên phụ lại cho thấy sự đồng đều trong diễn xuất. Mỗi người đều thể hiện được một nét riêng cho mình, tạo nên một bức tranh khá sinh động, phong phú cho bộ phim. Helen Mirren rất thành công trong vai nữ tổng biên tập báo Washington Globe mạnh mẽ đầy quyết đoán, sẵn sàng đứng lên bảo vệ cho những nhân viên thuộc cấp của mình khi họ bị buộc tội giấu diếm chứng cứ điều tra. Robin Wright Penn với diễn xuất tròn trịa trong vai một người vợ tội nghiệp, sống một cuộc sống đầy mâu thuẫn, chung sống với người chồng không còn tình cảm, còn người thực sự yêu cô thì cũng đã từ chối lời tỏ tình. Cuối cùng là Jason Bateman trong vai một chuyên viên PR đồng bóng điệu đà, dù chỉ xuất hiện trong một phân đoạn rất nhỏ nhưng đã bộc lộ được tài năng diễn xuất của mình.
Helen Mirren
Jason Bateman
Có thể nói bên cạnh những thành công về mặt diễn xuất, bộ phim vẫn còn đó một số hạt sạn khá đáng tiếc. Dù là một bộ phim mang đậm tính hình sự - chính trị, nhưng dường như việc khai thác những vấn đề phức tạp của hậu trường chính trị có cảm giác như vẫn chưa "tới", chưa làm thỏa mãn được người xem. Nếu khai thác sâu hơn về vấn đề này, có lẽ State of Play sẽ là một bộ phim theo phong cách hình sự - chính trị xuất sắc. Dù vậy, State of Play vẫn là một bộ phim hay. Tuy chưa thể sánh vai được với những bậc tiền bối cùng thể loại như All the King’s Men, The Killing Fields hay The Year of Living Dangerously nhưng nó vẫn tạo ra được dấu ấn riêng cho mình khi đứng giữa hàng loạt những bộ phim hè thiên về tính giải trí cao. Dù không đạt được doanh thu như mong đợi nhưng với những gì đã làm được, State of Play có thể tự hào rằng nó vẫn sẽ là một trong những bộ phim hình sự - chính trị hay nhất trong năm nay.
*Phim đang được chiếu giới hạn tại cụm rạp MegaStar Vincom và MegaStar Hùng Vương.