[size=3]Năm 2001, tới New York, tôi đến ở nhờ nhà hai người bạn, anh là một người Mỹ, chị là một người Việt định cư ở Canada. Sau mấy năm chung sống ở Sài Gòn, anh chị quyết định về Mỹ làm đám cưới. Hôm ấy, tôi cứ đinh ninh là sẽ được bố trí ở phòng khách, ai dè, tối tôi phải “se” phòng với anh. Tôi nói: “Sao lại thế này, điên à?”. Chị cười: “Còn một tuần nữa mới đám cưới, mẹ anh ấy bảo chưa được ngủ chung!”. Trời ơi, một bà già Mỹ![/size]
[size=3] [/size]
[size=3]Có những giá trị về hôn nhân và gia đình tưởng chỉ là của người phương Đông mình, té ra “người ta” cũng đã từng như thế. Những thay đổi đang diễn ra trong xã hội Việt Nam ngày nay, cũng đã từng xảy ra ở nhiều nơi khác. Và, khi đối chiếu với thời “nam nữ thụ thụ bất thân” của mình, không chỉ có những người già ở Việt Nam mới than phiền. Trong xã hội phương Tây cũng có những người coi những thay đổi ấy là một tiến trình đương nhiên, nhiều người lại coi đó là những “vấn đề” thuộc phạm trù đạo đức. [/size]
[size=3] [/size]
[size=3]Tất nhiên, bà cụ 70 tuổi này biết các con của mình đã sống với nhau ở Sài Gòn, bà không phản đối, nhưng đã về nhà thì phải “tùy tục”. Sau này, khi có thời gian tìm hiểu thêm, tôi thấy, ở Mỹ và cả ở châu Âu cũng không chỉ có một gia đình như vậy. Vẫn có một thế hệ ở phương Tây tin rằng, trai gái chỉ nên sống với nhau sau khi cưới hỏi. Tất nhiên, những người già ấy đã không vì niềm tin của thế hệ mình mà ngăn cản con cháu làm những gì mà chúng có thể tìm ra hạnh phúc. Sẽ là một sự xúc phạm nghiêm trọng khi dùng từ “sống thử” để gọi những năm tháng mà những người như hai bạn tôi sống với nhau trước hôn nhân. Họ đã đến với nhau bằng tình yêu và đám cưới chỉ đánh dấu sự bắt đầu của một giai đoạn mới. [/size]
[size=3] [/size]
[size=3]“Nữ thập tam, nam thập lục”, từ xưa, ông bà ta đã biết đó là lứa tuổi bắt đầu có sự trỗi dậy của những khao khát gái trai. Nhưng thời đó, chỉ có hôn nhân mới là không gian được thừa nhận để cho ngọn lửa dục tình bùng cháy. Ngay từ “tuổi mười lăm”, ông bà ta đã khôn ngoan giúp con “dựng vợ gả chồng”. Ngày nay, gái trai lớn lên còn biết bao khát vọng phấn đấu và học tập, hôn nhân không phải là lựa chọn đầu tiên để bước vào đời. Nhưng, như thế không có nghĩa là mức độ phát triển về tâm sinh lý của thanh niên bây giờ chậm hơn, không phải là nhu cầu bày tỏ yêu thương của thanh niên bây giờ ít hơn thanh niên của những ngày xưa ấy. Có những ca phá thai đã được ghi nhận ở tuổi 15 và theo điều tra của một nhóm sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thì 80% các bạn trẻ yêu nhau ngày nay đã không chờ tới hôn nhân mới bắt đầu “quan hệ”. Những “quan hệ” đó phần lớn diễn ra “bí mật”, “sống thử” là khái niệm được gọi một cách kỳ thị để chỉ những ai dám công khai sống với nhau mà chưa có cưới xin. [/size]
[size=3] [/size]
[size=3]Sự kỳ thị không phải là không có tác dụng, số lượng bạn trẻ dám công khai “uyên ương” không đáng kể so với số yêu nhau và có quan hệ tình dục với nhau trên thực tế. “Thuần phong” theo quan niệm cũ không những không giữ được mà Việt Nam còn bị xếp vào 3 quốc gia có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới. Trong đó, 20% ca phá thai thuộc lứa tuổi vị thành niên; có 5% các em gái sinh con trước tuổi 18 và 15% sinh con trước tuổi 20. Rất tiếc là chưa có một cuộc điều tra nào được thực hiện để biết, tỷ lệ có thai ngoài ý muốn có cao như vậy, nếu đôi lứa yêu nhau, công khai chăm sóc nhau, được xã hội ngày nay công nhận là bình thường.[/size]
[size=3] [/size]
[size=3]Gia đình luôn là một giá trị cao quý, nhưng, ngày nay, lập gia đình là để đi tìm hạnh phúc chứ không chỉ đơn thuần là đi tìm cho tuổi trẻ một “lối ra”. Nữ hoàng nhạc pop Britney Spears đã từng tuyên bố sẽ “trinh tiết” cho tới khi kết hôn. Nhưng, cũng không nhờ thế mà cuộc hôn nhân đầu tiên của Britney đem về cho cô hạnh phúc. Bất cứ đôi trai gái nào yêu nhau cũng có nhu cầu được “sống”. Nếu nhu cầu đó nhận được sự tôn trọng của xã hội và sự chăm sóc của gia đình thì các bạn trẻ, chắc chắn, sẽ sống trách nhiệm với nhau hơn rất nhiều, về mọi phương diện, so với những lần vụng trộm.[/size]
[size=3]
[/size]
[size=3] [/size]
[size=3]Cũng như gia đình, đừng nhìn sự sống chung của các cặp uyên ương chỉ đơn giản như là một vấn đề thuộc về tình dục. Kết hôn mà không yêu nhau thì cũng “tệ” không khác gì sống chung với nhau mà không có tình yêu. Nhưng, những giá trị càng cao đẹp càng không dễ dàng có được. Đừng nhìn “hợp với tan” trong các cuộc sống chung trước hôn nhân một cách khắt khe. Tình yêu nào cũng có đắm say và có thể cũng có lúc tàn phai. Không phải tất cả mối tình đều có thể đi đến “trăm năm” cũng như không phải tất cả các cuộc hôn nhân đều hạnh phúc cho tới “răng long, đầu bạc”. [/size]