Nghĩa trang Bình Hưng Hòa hiện ra trắng xóa trong cái nắng trưa gay gắt với hàng nghìn ngôi mộ cao, thấp. Phải luồn lách trên con đường nhỏ xẻ đôi nghĩa trang, xe mới vào được khu hỏa táng và nhà bảo quản những tử thi vô thừa nhận thuộc Công ty Môi trường đô thị TP HCM.
Khác hẳn với khu vực luôn ồn ào, hầm hập nóng với tiếng máy chạy rì rầm của những lò thiêu và máy nghiền rác, khu bảo quản tử thi lại vắng và "lạnh" hơn với hàng chục chiếc quan tài sơn chồng lên nhau. Chúng đang chờ tới lượt làm "áo" cho những xác chết đã bắt đầu phân hủy nằm trong cánh cửa "phòng bảo quản". Ngay sát cạnh là một thùng container to - nơi chứa hàng nghìn hũ tro cốt của những tử thi vô thừa nhận đã quá lâu, không thể chờ đợi được người thân đón về.
Các ngăn tủ inox chứa tử thi đã được giám định pháp y. Ảnh: Vũ Mai. |
"Tôi vừa giúp các công nhân trong đội nhặt tử thi đưa một xác chết trôi vào bảo quản để chờ giám định. Đây là một xác đã phân hủy nên mùi hơi nặng, nước rửa xe chở xác của họ còn vương ở đây có lẽ cũng còn mùi. Công việc này tôi làm đi làm lại đã gần 30 năm, nên cũng quen rồi.", ông Tải móm mém cười hiền lành. Chỉ những ngăn tủ đựng xác phía bên ngoài gian phòng, ông Tải cho biết đó là khu vực để những xác mới phát hiện, chưa được giám định pháp y, chưa được xử lý.
Dúi vào tay khách chiếc khẩu trang, ông già đưa đôi tay gầy nhẳng mở cửa một ngăn tủ. Ngay lập tức, mùi tử khí nồng nặc xuyên thẳng qua lớp khẩu trang, xộc thẳng lên óc khiến người không quen xây xẩm mặt mày. Bên trong một xác nam trương phình được bọc trong bao ny lon màu xanh không che hết thân hình đang phân hủy. Khuôn mặt người xấu số phù nề, biến dạng.
Thấy khách có vẻ "choáng váng", ông vội đóng sập cửa tủ rồi đi đến căn phòng bên cạnh đang được khóa chặt. Ông cho biết, những cái xác được bảo quản trong phòng này tuy đã được giám định pháp y để tìm nguyên nhân cái chết nhưng hiện vẫn chưa có thân nhân đến nhận nên vẫn để ở đây. Dưới ánh đèn nhờ nhờ, sơn tường trắng toát, những chiếc hộc tủ inox đựng xác người sáng bật lên càng làm không khí căn phòng rờn rợn, âm u. Chỉ có mỗi tiếng rì rầm của động cơ chiếc máy bảo quản là biểu hiện duy nhất của sự vận động.
Bên ngoài các hộc tủ đều được dán một tờ giấy nhỏ ghi nguệch ngoạc "xuất xứ" của những cái xác như: "12/2/2009, Công an Quận 7, vô danh nam" hay "18/2/2009, Công an Củ Chi, nữ"…
Cánh cửa hộc ngoài cùng ghi "31/1/09, trôi sông quận 12, vô danh nữ" vừa bật mở, một mùi hăng hắc sộc thẳng ra. Đập vào mắt là bịch nylon màu vàng nhạt bó chặt một thi thể còn ướt sũng của người đàn bà xấu số.
"Cái xác này được phát hiện tại chân cầu Tham Lương, giám định pháp y cho biết nguyên nhân chết do bị giết nhưng hiện vẫn chưa tìm được thân nhân nên vẫn nằm ở đây. Thật tội nghiệp bà ấy… Bao nhiêu năm làm việc ở đây, canh giữ hàng ngàn cái xác vô thừa nhận nhưng tôi vẫn không khỏi chạnh lòng trước những hoàn cảnh thế này", ông Tải chép miệng thương cảm.
Ông Tải bên nhà lưu chứa cốt. Ảnh: Vũ Mai. |
Có lẽ chính vì những điều đó mà gia đình không người nào cảm thấy ái ngại về công việc của ông. Chẳng thế mà, ngay từ lúc còn bé xíu, các con ông vẫn oang oang khoe với bạn bè về cái nghề “đặc biệt” của cha chúng. Riêng chỉ có hàng xóm rất ít người biết công việc cụ thể của ông vì họ nghĩ đơn giản ông là công nhân trong Công ty Môi trường đô thị.
Giở quyển vở học trò dày đặc những con số và danh tánh (từ các đơn vị công an trong TP) những tử thi được đưa đến nhà bảo quản trong thời gian qua, ông Tải nhìn lơ đãng vào khoảng không trước mặt, giọng trùng xuống: “Tôi không thể nhớ đôi tay này đã chạm vào bao nhiêu cái xác vô thừa nhận trong suốt thời gian làm việc tại đây. Đã là con người, ai chẳng mong muốn có một mái ấm gia đình, kể cả khi đã về với thế giới bên kia”.
Thế nhưng, dù bao năm qua đi, ông Tải vẫn không thể nào quên được tai nạn chìm tàu ở Cát Lái năm 1981 và chìm đò ở quận 5 năm 1983. Mỗi vụ, con số nạn nhân chết nhiều vô kể, có đến hơn một nửa là phụ nữ và trẻ em. "Đau lòng lắm, thi thể nạn nhân nằm la liệt cùng những tiếng kêu khóc hoảng loạn của người thân họ đã làm cho tôi và các đồng nghiệp quên hết đói khát, mệt mỏi, chỉ mong sớm xong nhiệm vụ để họ có thể được về an nghỉ bên người nhà".
Anh Nhiều bên ngăn tủ chứa một tử thi chết trôi. Ảnh: Vũ Mai. |
Ngoài công việc thường nhật, anh Nhiều còn giúp các bác sĩ pháp y trong công việc giải phẫu tử thi, tìm nguyên nhân dẫn đến cái chết. Anh nói, lúc đầu chỉ là những công việc đơn giản như lau rửa, định vị bộ phận thi thể, may vá thi thể khi việc pháp y xong. Nhưng sau, nhìn các bác sĩ làm riết, anh đâm thông thạo công việc mổ xẻ và có thể tự tay mổ từng bộ phận trong cơ thể dưới "mệnh lệnh" của bác sĩ.
"Cứ ngỡ công việc đã quen tay, cảm giác đã chai sạn. Thế nhưng, chúng tôi vẫn đau lòng trước những thi thể của các trẻ em gặp nạn. Hay mỗi lần phải tiếp nhận một bao ny lon nhỏ xíu, tim chúng tôi lại nhói lên, tay như mềm hẳn ra trước hình hài của các cháu bé tội nghiệp", anh Nhiều chợt trùng giọng chia sẻ.
Bóng chiều le lói qua hàng dừa đang rủ tán ôm choàng lấy khu nhà bảo quản. Gió nhè nhẹ thổi bùng những đốm nhang vừa được thắp xong. Một cảm giác ấm lòng chợt lan tỏa. "Nếu có thế giới tâm linh, chúng tôi mong hương hồn của những thi thể kia sớm mách bảo người thân tìm đến đón về cho bớt hiu quạnh", người công nhân ngước đôi mắt xa xăm cầu nguyện.