"Tôi đành chôn kín trong lòng, chỉ vì tôi là người đồng tính… Kiếp sau tôi sẽ không là đàn ông", nhìn con ngân nga lời bài hát trong một bộ dạng rất đau khổ, chị Thanh hốt hoảng không hiểu chuyện gì xảy ra với cậu con trai.> Những kiểu âu yếm của teen trong quán trà sữa
Chị Như Thanh cho biết, lần đầu khi nghe con hát hò những câu kiểu lạ lẫm như vậy chị cứ nghĩ con trai mình bị bệnh, hay có điều gì vướng mắc mà không nói ra được với ai. Lúc đầu chị không để ý nhiều nhưng ngày càng thấy con có biểu hiện "nặng" hơn chị mới quyết tìm hiểu. Tá hỏa ra đó là lời những bài hát mà đang được con trai rất mê mẩn và nói là "nhạc 'hot' của tụi con bây giờ".
"Tôi không hiểu sao lại có những lời hát kiểu như vậy cũng được biểu diễn, mà bọn trẻ lại thích đến thế. Lời bài hát nhảm nhí quá, mỗi khi tôi nghe thấy rùng cả mình. Không chỉ hát theo, chúng còn bắt chước cách ăn mặc rối rắm của nhiều ca sĩ trẻ nữa.", chị Thanh lo ngại.
Cũng không đồng tình với thể loại nhạc trên, một nam học sinh trường PTTH Mạc Đĩnh Chi đưa ra minh chứng khi nghêu ngao lời bài hát "Thỏ con chiên bánh": Anh có một sở thích kỳ lạ là ăn thịt thỏ… Nhưng mà anh chưa có cơ hội bỏ em vào nồi… Là tại vì anh đã lỡ yêu em mất rồi. "Nhiều bạn trong trường rất thích hát những bài kiểu như trên. Em cũng là người rất thích các ca khúc trẻ trung do các ca sĩ tuổi teen biểu diễn. Nhưng khi nghe mấy bài này em thấy không phù hợp, nghe cứ lệch lạc thế nào ấy, không có gì là ca nhạc", nam học sinh này nhận xét.
Trong một buổi giao lưu của các nhóm tuổi teen tại khu vui chơi giải trí, một nam sinh say sưa thể hiện trước đám đông bài hát Con gái thời nay. Trong điệu bộ hip hop, chàng trai trẻ cất lời: làm con gái sao mà thiệt là sướng, đi đến nơi đâu cũng có boy đón đường, để xin em chỉ một chút tình thương. Muốn quen được em, anh phải thật tráng cường. Và nhà anh phải cao cổng cao tường. Còn không… thiệt là đau lòng quá, con gái thời nay sao mà thiệt là sock quá… Màn biểu diễn được không ít bạn trẻ vây quanh vỗ tay rào rào, tán thưởng.
Một số ca khúc khác được các teen nghêu ngao không khiến ít người "sốc" như: "Chỉ vì tôi là đồng tính có lý riêng của mình, kiếp sau tôi sẽ không là đàn ông…" (Kiếp đàn ông thân xác đàn bà); "Oán trách anh chi người ơi giờ đây đừng nói. Bởi lẽ anh đây và em không ai muốn thế này. Thì giờ anh nói đã trót phải lòng với anh ta…" (Bất ngờ anh yêu người cùng phái); "Nói nghe nè, là ngày hôm qua đó tôi nằm mơ thấy con cầy cắn tui, chó nhỏ 11 chiều nay nó sẽ ra, bạn hãy đánh bao lô 11 đi, ôi thôi rồi 11 ra ngay chóc…" (Kiếp đánh đề)…
Giải thích về tình trạng này, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện cho là do nhu cầu của hình thức kinh doanh nhạc chờ. Nhu cầu được nghe những lời lẽ "thật hot, thật ấn tượng" ngày càng cao ở giới trẻ, nhất là lứa tuổi teen, nên nhiều phiên bản mới từ các bài hát nổi tiếng được "chế" ra một cách ngẫu hứng. "Ban đầu là nghêu ngao hát cho vui. Nhưng dần dần, những lời hát đó được lan truyền trong giới trẻ trở thành nhiều dị bản, xuyên tạc và sai phạm về vẻ đẹp ngôn từ Việt Nam. Tác phẩm âm nhạc không còn hướng đến cái thiện, mỹ", nhạc sĩ nói.
Một khi nhu cầu đã hình thành thì sẽ có nhiều ca sĩ trẻ mới ra nghề, chưa có tên tuổi sẵn sàng đáp ứng. Một loạt bài hát gắn liền với tên tuổi trẻ nhan nhản xuất hiện trên băng đĩa, diễn đàn, website về âm nhạc mà chỉ cần đọc tựa đề đã biết nội dung thế nào: Kiếp đàn ông mang thân xác đàn bà, Bất ngờ anh yêu người cùng phái, Lan can tình yêu, Kiếp đánh đề…
Thường người sáng tác các ca khúc như thế lại cũng không được biết nhiều. Có người hát còn bản lĩnh kiêm luôn công việc sáng tác dù chưa qua quá trình đào tạo bài bản nào. Việc này không quá khó khăn bởi chỉ cần viết lên những gì thật sốc với từ ngữ mà đôi khi chỉ mình người viết hiểu, miễn là lọt tai giới teen và nghe có ấn tượng là được.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, chính vì sự phát triển của kỹ thuật làm âm thanh và công nghệ phòng thu âm hiện nay nên mới có tình trạng như trên xảy ra. "Một người có giọng hát bình thường cũng có thể tự sáng tác và thu lại không kém như ca sĩ. Sau đó tải lên các trang điện tử miễn phí thì dễ dàng đến với đông đảo khán giả trẻ. Nhưng thực tế, những bài hát này chưa hề được kiểm duyệt hay cấp phép. Ở nhiều tụ điểm loại hình này phát triển khá nhiều. Sở văn hóa thông tin cũng không quản lý hết được và nhiều bài hát như vậy vẫn biểu diễn tràn lan trong giới ca sĩ trẻ hiện nay", nhạc sĩ phát biểu.
Để giải quyết tình trạng này, nhạc sĩ từng có nhiều ca khúc dễ thương cho tuổi teen cho rằng, cần thiết phải đưa vào nhà trường chương trình giảng dạy cách cảm thụ âm nhạc thực sự. Việc đó sẽ hình thành nên nét văn hóa nghe nhạc, chứ không phải tự phát tràn lan kiểu phong trào như hiện nay.