Thấy bạn cùng làm bị điện cao thế hút, Tiến không ngần ngại nhảy vào kéo bạn ra. Không may, cậu bé 17 tuổi lại trở thành nạn nhân - bị bỏng điện và phải cắt bỏ đi hai tay và gần nửa chân trái.
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở thôn 7, xã Đại Nghĩa, Đoan Hùng, Phú Thọ, Nguyễn Văn Tiến đã phải nghỉ khi vừa học xong lớp 10 dù năm nào cũng học lực khá. Tiến về Hà Nội học làm thợ nhôm kính.
Làm được vài tháng, đợt gần Tết Nguyên đán vừa rồi, Tiến cùng bạn lắp nhôm kính cho khách hàng ở quận Thanh Xuân. Do sơ sảy, người bạn đã bị luồng điện cao thế hút. Thấy người bạn treo lơ lửng giữa không trung cách mặt đất chừng 2m, Tiến liền lao vào kéo mạnh. Bạn thoát nạn, còn cậu bé bị dòng điện cao thế giáng vào người và ngã lăn từ mái nhà xuống đất. Tiến được đưa đi cấp cứu trong tình trạng sốc bỏng nặng, toàn bộ mạch máu, da cơ, xương tay, một phần chân trái… hoại tử.
Vào Viện Bỏng trung ương, các bác sĩ Khoa bỏng người lớn đã hội chẩn và kết luận: “Phải cắt bỏ khẩn cấp hai cánh tay và cẳng chân trái nếu không vết thương sẽ hóa mủ hấp thụ ngược vào máu làm bệnh nhân nhiễm độc dẫn tới tử vong”.
Tiến cần luyện tập để cho phần chân còn lại duỗi thẳng ra, sau này lắp chân giả.
Nghe tin con bị nạn, người mẹ tất tả từ quê xuống Hà Nội. Vay tạm được một số tiền cùng với việc bán tống tháo vài thứ đồ, bà Nguyễn Thị Tình bắt xe về thủ đô. “Lúc đầu tôi không thể hình dung con mình bị nạn nặng, chỉ biết cháu bị bỏng và đưa đi cấp cứu”, bà Tình rơm rớm nước mắt kể. Nhìn thấy con, quanh người bọc kín vải trắng, gương mặt đau đớn, đôi mắt nhắm nghiền, lòng bà quặn đau.
Ngày hôm sau là 23 tháng chạp, chồng bà làm nghề thợ xây từ khá xa mới về cùng vợ chăm sóc con. Khi nghe các bác sĩ thông báo phải phẫu thuật cắt bỏ các bộ phận bị hoại tử để cứu tính mạng của con, hai ông bà như rụng rời, đứt từng khúc ruột. Bà Tình vẫn chưa hết bàng hoàng nói: “Làm mẹ, sinh cháu lành lặn giờ hàng ngày nhìn thấy con thiếu thốn tay chân, tôi vừa đau vừa hạnh phúc về con”. Ông Nguyễn Đức Ngọc cũng chung cảm giác với vợ.
Cậu bé đã khá hơn sau 5 lần phẫu thuật. Hai cánh tay đã lên da non ở chỗ bị cắt cụt. Phần cẳng chân bị cắt ngay chỗ bọng chân chưa lành hẳn, vẫn nhìn thấy xương nhô ra. Bà Tình đang thay áo cho con. Chỉ hơn một tháng trong Viện, người phụ nữ mới 51 tuổi tóc bạc trắng gần hết cả đầu vì nhiều đêm khóc thương con. Bà ngồi lặng lẽ dùng chiếc bông gạc thấm máu rỉ ra từ nách của con.
Sinh ba người con đều là trai nhưng hai anh của Tiến cũng sớm nghỉ học và theo bố đi làm thợ xây. Năm ngoái, con trai cả làm trên Tuyên Quang bị tai nạn lao động, chưa lành vết mổ, giờ lại đến đứa con út. Ở nhà, nhiều năm nay, bà nội của Tiến cũng bị liệt, ăn nằm một chỗ. “Cháu nói với tôi, gia đình khó khăn nên muốn đi làm, trước là để học nghề, sau là tự nuôi sống bản thân, rồi sẽ giúp đỡ bố mẹ khi về già”, bà Tình vừa kể vừa lấy vạt áo thấm nước mắt.
Giờ Tiến đã bớt sốc hơn nửa tháng trước.
Tiến ngồi lặng lẽ trên giường bệnh, đọc báo. Em lấy chiếc chân phải còn lại lật từng trang báo trông khá thành thạo. Cậu thiếu niên có đôi mắt hiền lành, chất phác. So với trước khi bị nạn, giờ người em tong teo, nặng hơn 30 kg. Em kể, lúc bạn bị nạn, không hề đắn đo, suy nghĩ, chỉ biết cứu người. Nhưng cậu bé cũng không giấu nổi xót xa: “Khi tỉnh dậy sau nhiều lần phẫu thuật, thấy chân tay không còn, em buồn lắm và khóc nhiều”.
Ông Ngọc, khắc khổ, cố nén xúc động đứng một góc, đang cầm cuốn sổ nhỏ nhẩm tính số tiền vay của người thân, họ hàng, bà con lối xóm. Từ hôm con vào Viện, dù được miễn giảm khá nhiều các chi phí, nhưng tiền thuốc thang cũng ngót nghét hơn 30 triệu đồng, chưa biết kiếm thế nào để trả nợ trong thời gian tới.
Điều lo lắng nhất hiện giờ của vợ chồng bà Tình, con trai phải tập tự lập vì cuộc đời Tiến còn dài. Ngay bản thân Tiến cũng biết: “Bố mẹ em cũng yếu rồi, em không nhờ mãi được hai người. Em chỉ mong mình sẽ đi lại được và có thể tự lo cho bản thân”. Cậu bé cần một chiếc chân giả và tay giả để phát triển cân đối.
Cậu thiếu niên mơ ước có được bộ chân tay giả để tự lo được cho bản thân khi mà bố mẹ không còn giúp được.
Bác sĩ Đỗ Lương Tuấn, chủ nhiệm khoa Bỏng, cho biết, trong thời gian tới sẽ chuyển Tiến sang phòng phục hồi chức năng. Theo bác sĩ Tuấn, phần cẳng chân cụt còn lại của bệnh nhân hiện co về phía sau. Tiến phải tập luyện để cho phần đó thẳng ra, kheo chân co giãn mới có cơ hội lắp chân giả sau này. Hai hôm trước, các bác sĩ ở khoa đã thử kéo phần cụt ở chân ra được hơn 120 độ.
Công tác khá lâu trong Viện song trường hợp của Tiến khiến bác sĩ Tuấn cũng cảm động, chia sẻ: “Tiến còn ít tuổi nhưng khá bản lĩnh trong những lần phẫu thuật liên tiếp. Cậu bé khá sốc, khóc nhiều nhưng rồi cũng tạm qua cơn khủng hoảng tinh thần”. Theo ông Tuấn, thời gian tới, cậu bé sẽ cần trước nhất một chiếc chân giả để giữ thăng bằng cho cơ thể.
Các bác sĩ trong khoa cũng đã khuyên bố mẹ bệnh nhân mua một bộ chân tay giả loại cơ năng, có thể cầm nắm được. Bà Tình tâm sự, kế hoạch đó thật xa với với gia đìnhbởi món tiền vay trong thời gian con nằm viện chưa biết trả ra sao, huống hồ… vài chục triệu nữa cho phần chân tay giả.
Tiến đang được điều trị tại Khoa bỏng người lớn, Viện Bỏng quốc gia, tầng 6.