Tết vốn là thời điểm của sum họp bên gia đình, nhưng cũng có nhiều sinh viên không về quê mà đôi khi chỉ vì lý do… được ở bên người yêu hay dỗi bố mẹ…
Mùa Tết, mùa “cá kiếm”
Vừa mới thi xong hôm trước thì ngay hôm sau, T.Thảo (Đại học Kinh tế Hồ Chí Minh) đã ngay lập tức đi kiếm việc làm. Thảo chia sẻ: “Những ngày giáp Tết là những ngày việc làm không hết, mà tiền công thì cũng cao hơn ngày thường nhiều nên phải “tranh thủ”.
Vai diễn cô tiếp thị rượu của diễn viên Thanh Hằng trong phim "Nụ hôn thần chết" |
Năm nay là năm thứ 2 Thảo ăn Tết xa nhà. Thảo vốn quê ở Hải Dương, mà lại vào tận Sài Gòn học, nên: “Mình chỉ về một lần vào dịp hè thôi, được nghỉ lâu mà. Đi lại đắt đỏ lắm, gia đình lại không có điều kiện nữa”. Chia sẻ về cảm giác ăn tết xa quê, Thảo bùi ngùi: “Năm ngoái, mình đi làm đến tận gần giao thừa, lủi thủi về nhà trọ một mình. Cầm số tiền kiếm được, đủ nộp học phí cho cả kì sau, nhưng vui chưa được bao lâu thì nước mắt cứ ứa ra. Gọi điện về nhà, hai mẹ con cùng khóc… Năm nay chắc cũng vẫn thế, biết là năm thứ hai ăn Tết xa nhà rồi, nhưng đâu có ai quen được với nỗi buồn chứ”…
M.Hoa (sinh viên trường KHXH&NV, HN) đi làm phục vụ cho một nhà hàng lớn trên Hồ Gươm. Càng tết, khách lại càng đông, và dĩ nhiên là Hoa không thể nghỉ việc, dù là ngày mùng 1, mùng 2. “Tết ở lại biết là buồn lắm, nhưng nghỉ là mình mất việc luôn, hơn nữa tiền lương cũng gấp 2, gấp 3, tiền “boa” của khách cũng nhiều hơn, nên đành cố gắng vậy”.
Nhiều sinh viên chọn công việc dọn dẹp nhà cửa cho những gia đình bận rộn. Nga, sinh viên trường Công Đoàn, hiện nay đã nhận dọn dẹp cho những… 5 nhà: “Nghĩ mình đi dọn dẹp, cũng thấy tủi tủi. Nhưng mà bù lại, người ta thường trả công cao. Thôi thì sinh viên hoàn cảnh, phải chấp nhận”.
Ở lại với… người yêu
Khác với Thảo, Hoa hay Nga, dù không ở trong hoàn cảnh bắt buộc, nhưng nhiều sinh viên khác cũng có lý do riêng để ăn Tết xa nhà.
Dũng (sinh viên trường Mở) đắn đo mãi trước lời đề nghị của người yêu, ở lại Hà Nội ăn Tết. Lý do của ngưòi yêu Dũng là: “Chưa bao giờ em được tận mắt xem bắn pháo hoa ở Hà Nội, chưa bao giờ biết tết Hà Nội thế nào, nên em muốn ở lại”. Không về thì biết nói sao với bố mẹ, mà về thì người yêu… dỗi. Suy đi tính lại, cuối cùng thấy cô nàng nước mắt ngắn dài: “Anh không yêu em à, không chiều em tí nào cả”, Dũng đành phải gật đầu, nói dối con phải… học thi để ở lại.
Trường hợp của My lại khác. My và người yêu không cùng quê, mới yêu nhau được hơn một tháng nên quấn quýt không rời, muốn ở lại để… “có thời gian bên nhau”. Và tất nhiên, cả hai phải “vắt óc suy nghĩ” để có được những “lời nói dối”… hợp lý nhất với “nhị vị phụ huynh”.
Không về, chỉ vì… dỗi mẹ
Với những “đại tiểu thư” như Mai (sinh viên trường Đại học Văn Hoá), thì lại cũng có những lý do rất riêng để quyết định ăn Tết một mình.
Cư xử kiểu "công chúa", chỉ tìm cớ để dỗi giận, liệu có nên không? |
Được nghỉ học, vừa xách ba lô về quê hôm trước thì ngay vài hôm sau, Mai lại xách đồ trở lại Hà Nội. Chỉ vì mọi năm được chiều như công chúa, gần Tết chỉ có mỗi việc ăn chơi làm đẹp, mọi việc nhà đã có mẹ và bà giúp việc lo cả. Nhưng năm nay, bà giúp việc lại xin nghỉ về quê, mẹ Mai thì bận rộn bán hàng, thế là giao cho cô “con gái cưng” dọn dẹp. Vốn được cưng chiều, sung sướng quen, Mai “mặt nặng mày nhẹ” suốt, lại cứ bỏ đi chơi chẳng chịu giúp gì. Mẹ Mai vất vả, bận bịu tối ngày, mà con lại chỉ rong chơi, nên mắng mỏ. Thế lầ Mai… dỗi, bỏ cơm. Lại thấy không được ai… dỗ, cô nàng đùng đùng về Hà Nội và quyết tâm “Tết này con không về”.
Trong thâm tâm cô nàng “tiểu thư” rất muốn về, nhưng lại dứt khoát đợi mẹ lên… “rước” mới chịu, còn mẹ Mai cũng “quyết tâm” không kém: “Được chiều quá hoá hư, cứ mặc kệ nó một lần cho biết”. Vậy là rất có thể Tết này, nhà Mai sẽ không đông đủ…
Theo Zing