Cái tên Trần Vĩnh Sơn (SV năm 4 khoa vật lý ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM) trở nên quen thuộc với nhiều “đàn em” trong trường với tính tháo vát, vui vẻ và học cực “trùm”.
Lâm Thị Thúy Hà (thứ hai từ phải) trong một lần hướng dẫn SV nước ngoài tham quan TP.HCM
Học “hàng top”…
Lớp cử nhân tài năng chỉ có khoảng ba người đạt kết quả trên 8.0 điểm, trong đó có tên Sơn. Đến khi vào chuyên ngành lớp vật lý chất rắn, Sơn nhiều lần đứng vị trí đầu. Chỉ có hai người nhường nhau vị trí này! Hiện giờ cả Sơn và người bạn ấy cùng nghiên cứu đề tài OLED (Organic light emitting diode). “OLED có thể làm màn hình, phát quang. Ưu điểm của OLED nhẹ, hiệu suất cao, chất lượng khi làm màn hình tốt” - Sơn say sưa nói về đề tài.
Không chỉ học cho mình, phụ trách ban học tập của Đoàn trường, Sơn còn cùng các bạn thiết kế các cuộc thi học thuật thu hút nhiều SV hứng khởi tham gia. Để thực hiện được nhiều công việc như thế, Sơn lập một kế hoạch cứng theo từng tháng, từng tuần và sau đó điều chỉnh hoạt động theo kế hoạch từng ngày.
Với Phan Đình Tuấn (ĐH Bách khoa TP.HCM), tháng 11-2008 đã trở thành một trong mười SV xuất sắc VN nhận giải thưởng Honda dành cho kỹ sư và nhà khoa học trẻ VN (Honda YES Award) về biến đổi khí hậu. Là SV lớp kỹ sư tài năng khoa cơ khí, nhưng Phan Đình Tuấn đã thuyết phục được hội đồng giám khảo với vốn kiến thức ngoài chuyên môn của mình khi đưa ra được nhiều giải pháp để ứng phó, giảm nhẹ thiên tai: sử dụng nguồn năng lượng sạch, chống phá rừng…
Nhưng bạn bè trong trường thường biết đến Tuấn với biệt hiệu “chàng trai nghiên cứu”. Tuấn thừa nhận “có lẽ mình mê nghiên cứu khoa học (NCKH) hơn tất cả…”. Ngay từ cuối năm 2, Tuấn đã tập tành nghiên cứu, “níu áo” thầy giáo xin được tham gia NCKH. Năm 3, Tuấn cùng nhóm bạn đoạt hai giải nhì Giải thưởng SV NCKH cấp bộ và Giải thưởng sáng tạo kỹ thuật VN Vifotec năm 2007.
Bạn Phan Đình Tuấn
Mới đây, Tuấn trở thành SV ĐH Bách khoa duy nhất giành giải nhất Giải thưởng SV NCKH Eureka 2008 với đề tài: “Nghiên cứu khả năng biến dạng của công nghệ tạo hình kim loại tấm bằng biến dạng gia tăng đơn điểm”, một công nghệ khá mới và có tiềm năng ứng dụng cao ở VN.
Gắn kết cộng đồng
Khi mới là SV năm 3 khoa Đông phương học ĐH KHXH&NV TP.HCM, cô bạn Lâm Thị Thúy Hà đã là chủ nhiệm CLB Saigon Hotpot - tình nguyện, chuyên giúp đỡ, hướng dẫn hoàn toàn miễn phí cho du khách nước ngoài du lịch trong thành phố, quảng bá văn hóa VN đến bạn bè thế giới. Nhiều người bảo “nhỏ Hà ham chơi quá”, có lẽ vì suốt ngày thấy Hà “lê la” ngoài đường cùng những người nước ngoài không quen biết… Nhưng khi biết cô bạn có nước da ngăm đen đang say sưa trong những cuộc chơi đầy ý nghĩa nhiều người thầm nể phục.
Bên cạnh việc tổ chức tour giới thiệu, hướng dẫn du khách tham quan thành phố, thưởng thức ẩm thực VN, Hà còn làm “chủ xị” nhiều chương trình từ thiện tại các mái ấm, nhà mở, vui chơi Trung thu, Noel… dành cho trẻ em kém may mắn. “Mỗi chương trình đều mang đến cho mình ít nhiều kinh nghiệm làm việc cộng đồng, tổ chức sự kiện…” - Hà tâm sự.
Một điều thú vị ở Hà: dù là SV ngành Trung Quốc học nhưng khả năng sử dụng tiếng Anh của Thúy Hà rất “siêu” và nói tiếng Tây Ban Nha cũng khá tốt. Có lẽ vì thế mà bạn bè không quá bất ngờ khi Hà là một trong hai SVVN được chọn tham dự Hội nghị HPAIR - dự án của ĐH Harvard về các mối quan hệ châu Á và quốc tế - tổ chức tại ĐH Harvard (Hoa Kỳ) tháng 4/2008.
Riêng với Ca Nguyễn Thùy Nhung, ngoài “hành trang” học tập đứng nhất nhì lớp K44C khoa kinh tế đối ngoại ĐH Ngoại thương cơ sở 2 tại TP.HCM, Thùy Nhung còn tự trang bị những kỹ năng khác. Với khả năng trung cấp tiếng Nhật, Nhung đã vượt qua đợt thi tuyển để là một trong 18 SV của TP.HCM dự giao lưu với SV Nhật trên hành trình của tàu Fujimaru từ tỉnh Hyogo đến TP.HCM.
Nhung đã thẳng thắn trao đổi với các bạn SV Nhật về tình hình giao thông ở TP.HCM và cả những nét văn hóa của dân tộc VN. “Hành trình này là chuyến đi để đời vì ở đấy tôi học được nhiều kỹ năng, trước hết là kỹ năng làm việc tập thể. Tôi nhận ra các bạn Nhật khi thực hiện việc gì cũng phát huy sức mạnh tập thể rất tốt” - Nhung chia sẻ.
Nhìn Nhung dịu dàng, mảnh mai khó ai tin đó là một thành viên CLB karatedo của trường. Không dừng lại ở đó, Nhung còn rất “khỏe” khi mỗi mùa hè lại về Quảng Nam để cùng địa phương tổ chức hè tình nguyện cho các bạn trẻ nơi quê nhà.
Theo Tuổi Trẻ