Ăn chơi 2014-07-03 08:45:31

[SG] Đi ăn cà ri vịt trong chợ Xã Tây


Nếu lang thang trong Chợ Lớn, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy sự phổ biến của cà ri bên cạnh các món hủ tiếu - mì quen thuộc. Món cà ri gà thuộc hàng lâu đời phải kể đến quán Sinh Ký trên đường Triệu Quang Phục (quận 05) với thâm niên hơn 40 năm. Một dịp tình cờ, tôi tìm được một quán bán cả 2 món cà ri gà và vịt trong chợ Xã Tây, nằm ở góc ngã tư Nguyễn Trãi và Phù Đổng Thiên Vương. Đây cũng là một trong những quán hiếm hoi bán cà ri vịt ở Sài Gòn.


Tại đây, vịt và gà được nấu chung một nồi với bột cà ri vàng, thoang thoảng mùi thơm của nước cốt dừa, điểm lên những lát huyết trông thật hấp dẫn. Giá không để riêng mà cho vào tô bún ngay từ đầu, trên cùng rắc vài miếng lá quế. Khi ăn, chấm thịt vịt với muối và ớt tươi xay cùng với chanh. Gia vị chấm đơn giản này hợp với món cà ri vịt đến lạ lùng.
 


Tại đây, vịt và gà được nấu chung một nồi với bột cà ri vàng, thoang thoảng mùi thơm của
nước cốt dừa, điểm lên những lát huyết trông thật hấp dẫn
Không biết chính xác cà ri phổ biến ở khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn từ khi nào. Đầu bếp người Canada Cameron Stauch, trong một bài viết về món cà ri tại Việt Nam, cho biết: người chủ quầy cà ri "Anh Hai" trong chợ Bến Thành là thế hệ thứ ba, mang hai dòng máu Việt - Ấn, có người ông đã kinh doanh bột cà ri ở Sài Gòn từ những năm 1920s.
Để hiểu được lịch sử cà ri ở phía Nam cần phải xem lại giai đoạn từ thế kỷ thứ 7 cho đến năm 1832, vương quốc Chăm Pa còn nằm ở vùng biển phía Nam Trung Bộ ngày nay. Người Chăm vận chuyển hàng hóa theo "Con đường Gia vị" (Spice Route), mở rộng từ vịnh Ba Tư tới phía Nam Trung Hoa. Qua nhiều thế kỷ buôn bán, người Chăm cũng chịu ảnh hưởng văn hóa từ các đối tác kinh doanh của họ đến từ Campuchia, Ấn Độ, đảo Java (Indonesia) và Trung Hoa. Rồi đến giữa thế kỷ thứ 19, người Pháp kiểm soát miền Nam Việt Nam cũng như hàng hóa trung chuyển từ đây đến các nước thuộc địa của Pháp. Cũng trong giai đoạn này, người Ấn Độ từ Anh và Pháp bắt đầu tới Sài Gòn giao thương, có lúc lên tới 6.000 người vào những năm 1930s.
 
Giá không để riêng mà cho vào tô bún ngay từ đầu, trên cùng rắc vài miếng lá quế


Chấm thịt vịt với muối và ớt tươi xay cùng với chanh
Các quầy bán gia vị của người Ấn Độ (chủ yếu là người Hồi giáo Tamil) có mặt ở khắp khu trung tâm của Sài Gòn và Chợ Lớn, cũng như lan tỏa tới các vùng lân cận châu thổ Mekong. Bởi vậy, thật dễ hiểu khi món cà ri cũng khá phổ biến, đặc biệt được phát triển bởi cộng đồng người Việt gốc Hoa tại khu vực này. Nếu như món cà ri dê mang âm hưởng nặng nề hơn vị cà ri Ấn Độ (mà một trong những người tiên phong tiêu biểu là chef Bảy Hồng), thì cà ri gà hay vịt đã được Việt hóa khá nhiều khi ăn với bún, cũng như ảnh hưởng bởi văn hóa Pháp khi ăn cùng bánh mì.
 
Một góc nhỏ thú vị của Sài Gòn - Chợ Lớn, nhâm nhi món cà ri vịt hấp dẫn trong một khu chợ còn lưu giữ nhiều di sản kiến trúc quý giá. Sẽ bất ngờ hơn nếu bạn biết rằng, nhiều cảnh quay đẹp trong cuốn phim lãng mạn "Người Tình" (L'Mant, 1992) cũng được thực hiện tại chính khu chợ này.
Giang Vũ

 
Bún cà ri gà - vịt
Chợ Xã Tây (góc Nguyễn Trãi - Phù Đổng Thiên Vương) phường 11, quận 05
Mở cửa: từ 3h chiều đến 8h tối
Giá: Bún - hủ tiếu - mì cà ri gà, vịt (38.000đ/tô)
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)