“Bà không ngủ được thì đi chỗ khác mà ở”
Sát vách dì tôi là một đại gia đình gồm bốn anh em, mỗi người sống trên vuông đất được bố mẹ chia. Có lẽ vì mưu sinh khó khăn hoặc vì không hợp tính hợp tình mà mấy anh em cãi nhau, chửi nhau suốt. Bận kiếm ăn từ sáng sớm đến tối mịt nên các cuộc xung đột của họ thường bùng nổ vào đêm khuya, khi mọi người đều đi ngủ hoặc đang tận hưởng những phút giây thư giãn.
Hình chỉ có tính chất minh họa
Cứ nghe “choang” một phát - tiếng của một đồ vật bị ném xuống đất - là mấy nhà xung quanh ai nấy đều tự biết, đêm đó đừng hòng mà ngủ được. Mấy anh em đều gân cổ ném vào mặt nhau những câu chửi tục tĩu nhất, thỉnh thoảng “minh họa” thêm bằng tiếng đập, tiếng ném đồ, sớm nhất là 2 giờ sáng mới “đình chiến”.
Dì tôi hết bật nhạc để “tiếng hát át tiếng bom” lại đến nút bông vào tai nhưng vẫn không ngủ được, phờ phạc mất mấy ngày. Có lần bà góp ý nhẹ nhàng với mấy anh em nhà kia thì họ sửng cồ lên: “Bà không ngủ được kệ bà, thích thì dọn đi chỗ khác mà ở”.
Cũng hàng xóm của dì tôi có một cặp vợ chồng trung niên không con, bà vợ suốt ngày nghi chồng ngoại tình và mỗi lần như vậy là chửi rủa suốt đêm, bắt đầu từ 23h đến 4h sáng. Không ai hiểu nổi tại sao người đàn bà gầy như que củi này lại dai sức đến thế: chửi có bài có bản, giọng vang và rành rọt, không bao giờ nhảy lên gào mà cứ rỉa rói đều đặn thâu đêm suốt sáng.
Cứ chửi chồng được một chập, người đàn bà lại nói to lên: “Cho tôi xin lỗi bà con hàng xóm, ai chả có chút việc riêng phải không ạ?”. Chẳng ai hé răng, trừ một lần có chàng sinh viên gọi với sang: “Cô ơi đi nghỉ đi cho cháu ngủ với, mai thi” để rồi nhận một tràng chửi lút đầu lút cổ vì cái tội “người ta đã xin lỗi rồi còn không biết điều”.
Vài lần, dì tôi đưa vấn đề này ra cuộc họp tổ dân phố yêu cầu có sự can thiệp, nhưng cán bộ ghi nhận rồi để đó; bởi chẳng ai muốn dây với mấy nhà kia, và bản thân các nhà ấy cũng chẳng bao giờ đi họp.
Đâu chỉ dì tôi mới bị hàng xóm “tra tấn” bằng âm thanh trong giờ nghỉ ngơi. Chuyện giữa đêm hôm khuya khoắt, bỗng một nhà nào đó bật nhạc ầm ĩ hoặc mở karaoke hát rống lên đã trở thành “bình thường như cân đường hộp sữa”.
Nếu thủ phạm là mấy cô cậu sinh viên vô ý vô tứ thì thể nào cũng bị các ông bà xung quanh mắng cho mấy câu là rút kinh nghiệm ngay. Nhưng khổ nỗi, nhiều khi kẻ yêu văn nghệ vào những giờ trái khoáy đó lại thuộc thành phần “cóc sợ bố con thằng nào”, thế nghĩa là mọi người phải sợ họ, chẳng ai dám góp ý, ai dại dột “có lời” thì lập tức “biết thế nào là lễ độ” ngay, từ đó cũng im luôn vì chẳng được ai bênh vực cả.
“Cứ im đi là hơn”
Thực ra trong các trường hợp trên, dì tôi hay những người bị làm phiền khác có thể nhờ cơ quan chức năng can thiệp, bởi theo quy định tại Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội, hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo trong khoảng thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau có thể bị cảnh cáo hoặc phạt tiền.
Thế nhưng các “nạn nhân” dù thấy khổ sở hay tức giận cũng chẳng mấy ai trình báo hay kiện tụng, một phần vì nghĩ chuyện nhỏ này cán bộ chả ai quan tâm giải quyết, kêu cho mất công. Nguyên nhân quan trọng hơn là ngại rắc rối, va chạm. Ra phường “kêu” thì sẽ phải làm đủ thứ đơn từ thủ tục, rồi xếp hàng đợi giải quyết, rồi còn tranh cãi qua lại với kẻ bị khiếu nại, rồi nếu “thua” thì mua bực vào mình mà “thắng” thì sợ bị trả thù. Khi kẻ gây phiền nhiễu hơi “đầu gấu” một chút thì ai cũng nghĩ “thôi cứ im đi là hơn, mọi người cũng phải chịu đựng chứ đâu riêng gì mình”, rốt cục chỉ mắng thầm cho bõ tức.
Anh Thiên, một người dân Hà Nội, kể: “Có lần tôi tìm nhà bạn ở đường Nguyễn Khoái. Đường hẹp ở trong đê, tôi đi mãi vẫn chưa đến số nhà của bạn, đi nữa thì một rạp đám cưới chắn ngang, chiếm toàn bộ lòng đường. Thấy tôi, mấy thanh niên cao lớn xông ra chặn đường, xua tay bắt quay lại. Tôi phải quay lại cả cây số mới có lối rẽ ra đường lớn để vòng lối khác đến nhà bạn mình. Thực ra chuyện rạp cưới chặn đường tôi gặp nhiều rồi, nhưng thường người ta đựng tấm bảng cách đó một quãng để hướng dẫn người qua lại, đằng này…”.
Những gia đình quanh đó không cần được thông báo cũng nhìn thấy cái rạp, nên dù không ai xin lỗi thì chắc cũng thông cảm cho “nhà có đám”. Thế nhưng với người qua đường mất công đến tận nơi mới bị đuổi quay lại như anh Thiên, nếu có bực mình vì cũng không thể trách họ hẹp hòi được. Đường là của chung, thế mà người ta cứ nghiễm nhiên dùng làm việc riêng mà chẳng thấy áy náy là mình đang làm phiền người khác.
Và người ta còn tiếp tục làm phiền nếu như chẳng bị ai phản đối, hoặc chỉ có vài lời phản đối yếu ớt rơi tõm vào không trung. Người hát karaoke ầm ĩ trong khu dân cư có thể cãi rằng, tôi có quyền giải trí trong nhà tôi, và hàng xóm đành chịu.
Người hút thuốc lá có thể lý sự rằng, phổi tôi tôi đốt, việc gì đến anh, và kẻ hít khói cũng đành im, không nghĩ rằng mình có quyền yêu cầu người kia hoặc là ngừng hút, hoặc ra chỗ khác, dù cả hai đều biết rằng hút thuốc thụ động cũng độc hại như chính mình hút vậy.
Không ai thấy là mình đang xâm phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi, cuộc sống của người khác, cũng không ai thấy là mình cần phản đối sự xâm phạm đó. Chính vì thế nên bà dì tôi mới ước, giá ở Việt Nam cũng như bên Tây, anh nào làm ồn, gây phiền nhiễu cho hàng xóm là họ có thể báo cảnh sát hoặc lôi ra tòa. Pháp luật của họ nghiêm đã đành, cái chính là dân họ rất ý thức về quyền của mình, ai xâm phạm quyền đó thì họ thẳng thừng đấu tranh ngay.
“Ngay một chuyện tế nhị như chuyện quan hệ tình dục gây tiếng ồn mà người ta còn không ngại, còn mạnh dạn lôi ra khiếu nại, và thế là chuyện được giải quyết ngay. Còn người Việt mình thì chuyện gì cũng ngại, chẳng đấu tranh đến cùng vì quyền của chính bản thân như họ, rồi ôm mãi cục tức vào mình”. - Dì tôi nói – “Bản thân dì cũng vậy, phản ánh vài lần không được thì cũng thôi”.