Ăn chơi 2012-11-08 18:09:16

♥ Sài Gòn - Nơi tập trung những món ăn vặt ngon "vật vã" ^^ !!!


Chỉ cần bước chân xuống vỉa hè bất kỳ một con đường nào ở Sài Gòn, bạn đều có thể dễ dàng thưởng thức những món ăn ngon nhưng rất bình dị như: gỏi khô bò, bún riêu hay canh bún…
>>> 3 món bún được người Sài Gòn ưa thích
Bánh canh cua
Bạn có thể thưởng thức đủ loại bánh canh ở Sài Gòn như: bánh canh cua, bánh canh bò viên, bánh canh cá lóc…

Bánh canh cua có sợi bánh to, dai mềm ăn cùng với chả cua, tôm, nấm rơm cùng nước dùng sền sệt. Bên cạnh đó là thịt cua đỏ, thơm ngọt.
Một số địa chỉ cho bạn tham khảo, quán bánh canh cua đường Trần Khắc Chân (quận 1), đường Võ Văn Tần (quận 3), đường Vĩnh Viễn (quận 10)…
Bún riêu
Bún riêu là món ăn bình dân của người miền Bắc rất được ưa thích ở Sài Gòn. Thành phần chính của món ăn là riêu cua, ốc. Riêu được làm từ cua đồng, thịt cua giã nhuyễn để miếng riêu vừa xốp, vừa thơm, cho vào miệng thì tan ra khắp đầu lưỡi mà không bị nát khi cho vào bát bún. Ngoài ra còn có các nguyên liệu quen thuộc như ốc, chả, đậu phụ và một miếng tiết lợn.

Nước dùng được nấu từ nước hầm xương và nước luộc ốc, nêm thêm giấm bỗng. Bát bún riêu ốc có vị thanh thanh của giấm bỗng, màu đỏ của cà chua, màu vàng cùng vị giòn ngọt của ốc cùng với mùi thơm bốc lên làm cho bạn không thể cưỡng lại được. Đi kèm với bún là đĩa rau mang đặc trưng của người Bắc như kinh giới, húng lủi và rau muống.
Canh bún
Có cách thức chế biến gần giống bún riêu vì đều được nấu từ xương lợn, gạch cua, ăn kèm với rau muống, mắm tôm… nhưng canh bún cũng có những đặc trưng riêng không lẫn vào đâu được. Đó là cọng bún lớn, dai, rau muống cắt khúc rồi luộc, mắm tôm, nước me, riêu cua, chả cua…

Khác với bún riêu, canh bún không có thịt, món chính trong canh bún là tiết lợn cắt miếng chừng hai ngón tay, thả trong nồi bún và cà chua xắt thành miếng, đậu phụ rán, một lát chả, gạch cua. Đặc điểm chung của các quán bán canh bún là cái nồi thật to, trong chứa canh bún sôi bốc khói, thau chứa rau muống luộc, những lọ ớt băm, mắm tôm, chanh, dấm (hoặc me).

Bún dùng trong món này có sợi to và dai. Người bán thả luôn bún vào nồi canh để nấu, do đó cọng bún thấm đẫm màu gạch tôm đậm. Khi bán cho khách, chủ quán dùng cái vá múc một bát bún, cho vài miếng tiết, đậu phụ và chả, kế đó bỏ lên trên một nhúm rau muống luộc, rau nhút. Khách tùy ý cho thêm vào mắm tôm (không dùng mắm ruốc), chanh, chút ớt băm rồi thưởng thức.
Gỏi cuốn
Sẽ là thiếu sót khi không nhắc đến món gỏi cuốn bình dị ở những hàng rong trên đường phố Sài Gòn. Đây là món làm từ các nguyên liệu đơn giản như: bánh tráng, rau, bún, tôm, thịt ba chỉ, cuốn tròn lại và ăn kèm với chén nước chấm sền sệt thơm ngon.

Từng chiếc gỏi cuốn được cuốn tròn một cách khéo léo và đẹp mắt, ẩn hiện bên sau lớp bánh tráng trong là màu đỏ của tôm, màu xanh của rau, màu trắng của bún… Nước chấm chính là sự bổ sung tuyệt vời cho món ăn hè phố này. Được làm từ tương đen với các loại gia vị khác, nước chấm có vị ngòn ngọt, cộng thêm đậu phộng và đồ chua, rồi thêm thắt chút vị cay với vài miếng ớt mới là đúng điệu.
Bánh tráng trộn
Nguyên liệu chính là bánh tráng phơi sương, có nguồn gốc từ Trảng Bàng - Tây Ninh. Người bán xắt nhỏ bánh tráng, trộn chung với các nguyên liệu bò khô, tôm khô, trứng cút, xoài, rau răm, sa tế, muối tôm và một ít quất. Nếu khách hàng muốn ăn chua thì có thể cho nhiều quất hoặc nước me. Bánh tráng trộn không nên để lâu vì như vậy bánh sẽ mềm, không ngon.

Ăn một miếng cảm nhận được vị ngọt ngọt chua chua, mùi thơm và dai của bò khô, vị bùi của lạc rang, lại thêm trứng cút vừa béo vừa thơm. Bánh tráng trộn không những ngon mà còn rất rẻ, phù hợp với túi tiền của sinh viên. Mỗi phần có giá từ 6.000 tới 10.000 đồng. Hình ảnh các cô cậu học trò trên tay cầm bịch bánh tráng trộn, vừa ăn vừa nói chuyện, cười đùa là cảnh đã trở nên quen thuộc ở trước các cổng trường.

Đủ loại bánh miền Tây thơm ngon ở Sài Gòn

Cái vị béo, mằn mặn và ngọt của bánh tằm bì Bạc Liêu hay hương thơm ngọt ngào của bánh ống Sóc Trăng là những món ăn đậm chất miền Tây.

Dưới đây là một số món bánh mặn, ngọt nổi tiếng của miền Tây Nam bộ.
Bánh củ cải
Bánh củ cải, cái tên còn xa lạ đối với nhiều người dân Sài Gòn nhưng với những người con ở mảnh đất nổi tiếng với câu chuyện chàng công tử Bạc Liêu "đốt tiền nấu trứng" thì đây là một món ăn bình dị, đơn giản và thân quen. Có nguồn gốc của người Hoa, đơn giản với phần vỏ bánh và nhân tôm thịt bên trong, bánh củ cải là món ăn đặc sản mà ai đã được ăn một lần sẽ không thể nào quên.

Chiếc bánh hấp chín có màu trắng, vỏ bánh mỏng
để lộ phần nhân có màu đỏ và thơm mùi củ cải. Ảnh: Khánh Hòa.

Vỏ bánh được làm từ bột mì và bột củ cải, nhân tôm thịt, một ít củ cải và cà rốt thái sợi mỏng. Đun chín nước sôi, cho hỗn hợp bột trên vào một cái mâm, chế nước sôi vào và trộn đều, dùng tay nhồi cho đến khi bột dẻo, dai và mịn. Tôm bỏ vỏ, giã hơi dập, trộn đều với thịt lợn nạc được băm nhuyễn, xào chín và nêm gia vị vừa ăn. Bột được chia thành từng phần nhỏ, cán mỏng, cho phần nhân vào giữa, thêm một ít sợi củ cải và cà rốt, ép kín lại theo hình bán nguyệt rồi đem hấp chín.

Chiếc bánh hấp chín có màu trắng, vỏ bánh mỏng để lộ phần nhân có màu đỏ và thơm mùi củ cải. Khi ăn bánh, người ta cho vào một ít nước chấm thơm ngon, có vị hơi ngọt đặc trưng được làm từ nước mắm, chanh, đường và tỏi ớt.
Bánh tằm bì
Bánh tằm bì là món ăn dân dã được nhiều người ưa thích tại miền Tây Nam bộ. Nhiều người cho rằng đây là món ăn đặc sản của dân Bạc Liêu, đi khắp các tỉnh miền Tây hay ở giữa Sài Gòn bạn cũng có thể thưởng thức.

Sợi bì vừa giòn vừa bùi, thịt lợn được rán chín đến, thái mỏng,
nước cốt dừa béo nhưng không ngấy. Ảnh: Khánh Hòa.

Món ăn đơn giản, không có gì là cao lương mỹ vị với sợi bánh mềm, dẻo được làm bằng bột gạo. Bì thái thành từng sợi nhỏ cùng thịt lợn thái mỏng, thêm một ít rau thơm, dưa leo, giá sống và nước cốt dừa lại có sức hấp dẫn rất riêng đối với nhiều người.

Điều quyết định của món ăn là sợi bánh, được làm từ gạo xay nhuyễn và đem hấp, người bán thái thành từng sợi nhỏ, mảnh, mềm nhưng dai và không đứt khi kéo dài. Sợi bì vừa giòn vừa bùi, thịt lợn được rán chín đến, thái mỏng, nước cốt dừa béo nhưng không ngấy. Tất cả các yếu tố đó giúp đĩa bánh tằm bì luôn thơm ngon và hấp dẫn.
Bánh ống Sóc Trăng
Bánh ống là món ăn vặt quen thuộc của người Khmer. Không phổ biến như các loại bánh khác của người miền Tây, bánh ống vẫn tồn tại trong đời sống hằng ngày của người dân ở đây. Bánh ống có thể dùng làm bữa ăn sáng hoặc món ăn vặt vào buổi chiều.

Khi chín, bánh có màu xanh của lá dứa cùng với mùi thơm dịu. Ảnh: Khánh Hòa.
Khuôn bánh đơn giản với một cái ống hình trụ thường được làm bằng nhôm, dài khoảng 15 cm. Ở giữa khuôn có một que tre, một đầu được gắn miếng thiếc hình tròn dùng làm đáy. Khi chế biến, người làm bánh đặt khuôn trên nắp nồi, trong nồi có chứa nước, rồi bắt đầu đổ bột vào ống như chưng cách thủy, khoảng 2 phút là bánh đã chín.

Khi chín, bánh có màu xanh của lá dứa cùng với mùi thơm dịu. Bánh chín được thêm vào dừa nạo và muối vừng. Bánh ống phải ăn khi nóng mới thưởng thức được hết vị đậm đà, thơm ngon của nó.
Bánh tai yến
Chiếc bánh tai yến là thứ quà bình dân để ăn chơi hay chống đói… Không phải người thành phố nào cũng cảm nhận hết cái vị ngọt ngọt, mát mát mà chiếc bánh mang lại.

Bánh có tên gọi là tai yến vì hình dáng bên ngoài
của bánh giống như tổ chim yến. Ảnh: Khánh Hòa.

Sở dĩ bánh có tên gọi là tai yến vì hình dáng bên ngoài của bánh giống như tổ chim yến. Ở một số nơi, bánh tai yến còn được gọi là bánh nón. Nguyên liệu chủ yếu bao gồm đường, bột gạo, một ít bột năng, nước cốt dừa. Các nguyên liệu được trộn đều với nhau, bánh được làm chín bằng cách chiên trong chảo dầu sôi.

Chiếc bánh tai yến đạt yêu cầu và làm người thưởng thức thấy ngon miệng là khi viền bánh giòn uốn cúp vào mà không nhíu lại, chính giữa bánh mềm dai. Người ta thường ăn bánh tai yến ngay khi còn nóng để thưởng thức vị giòn ngọt của nó, kèm theo đó là ly trà nóng. Cũng có người để bánh nguội rồi mới thưởng thức, bởi tai yến để càng lâu thì phần ruột bánh càng mềm dai, ăn rất thơm mát.
Bánh pía
Bánh pía nổi tiếng nhất và tạo nên thương hiệu là bánh pía Sóc Trăng. Pía là âm đọc của người Triều Châu, có nghĩa là bánh. Bánh hình tròn, dẹt, còn có một tên gọi khác là bánh lột da vì lớp da bánh bên ngoài rất mỏng bọc lấy nhân bên trong là lòng đỏ trứng vịt muối, khoai, mứt các loại…

Bánh pía quyến rũ người ăn bởi hương thơm đặc trưng của sầu riêng. Ảnh: Khánh Hòa.
Nguyên liệu chính của bánh là bột mì được đưa vào máy và trộn đều với đường cát trắng. Cho vào một ít chất phụ gia vào bột, chia ra làm hai phần. Phần bột dai được cán mỏng như bánh tráng, cuốn tròn lại làm vỏ ngoài cùng. Phần bột xốp được xắt thành khối hình vuông, được dùng làm vỏ bánh bên trong.

Nhân bánh ngoài thịt và đậu xanh còn được chế biến thêm nhiều loại nhân như khoai, hột vịt muối… và một nguyên liệu quan trọng giúp chiếc bánh trở thành đặc sản của vùng Nam bộ là sầu riêng.

Bánh pía Sóc Trăng không quá ngọt và không quá béo, có thể ăn lai rai không biết ngán. Những người khách phương xa đến đây, khi về ai cũng mua một ít bánh làm quà cho người ở nhà. Chiếc bánh nhỏ bé nhưng ẩn trong đó là hương thơm đậm đà của vùng đất Nam Bộ.
Bánh xèo miền Tây
Ở miền Tây, bánh xèo thường được tráng trong chảo lớn trên bếp củi hoặc bếp than. Bánh có nhân phong phú với thịt heo, tôm, mực, nấm rơm… Khi bánh chín, gập đôi bánh lại, đặt trên một cái đĩa được lót lá chuối.

Bánh xèo chảo là đặc trưng của bánh xèo miền Tây. Ảnh: Khánh Hòa.
Nước chấm đóng vai trò quan trọng của món ăn, có vị chua ngọt được làm từ nước mắm ngon, pha với chanh, ớt, tỏi, đường… Bánh thường ăn kèm với rau xà lách, cải bẹ canh, húng quế, húng thơm..
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)