Trang truyện minh họa cảnh con gái nhà địa chủ dụ dỗ anh Khoai về ở nhà mình (Cây tre trăm đốt).
Truyện tranh cổ tích biến dạng
Những năm gần đây nhiều truyện cổ tích được xuất bản dưới dạng truyện tranh với hình thức đẹp, bắt mắt nhưng nhiều truyện đã đánh rơi những chi tiết được coi như linh hồn của câu chuyện cổ. TruyệnTấm Cám trong tủ sách Búp bê (NXB Tổng hợp Đồng Nai) được đặt lại tựa: Cô Tấm. Truyện Cô Tấm bị cắt lược hết câu thần chú âu yếm gọi cá của Tấm: Bống bống bang bang, lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta, chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người hay lời nói như thơ của bà cụ nhân hậu: Thị ơi, thị rụng bị bà…
Tương tự, truyện Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn (NXB Kim Đồng), đoạn hoàng hậu ngồi thêu bên khung cửa trong một ngày mùa đông tuyết phủ, bị kim đâm vào tay chảy máu, bà buột miệng: “Ước gì ta có được một đứa con gái da trắng như tuyết, môi đỏ như máu, tóc đen như khung cửa gỗ mun này”, sau đó mới sinh ra Bạch Tuyết cũng bị tranh truyện cắt bỏ.
Trầm trọng hơn, có truyện còn viết sai lệch nội dung, hoặc đưa vào những tình tiết hư cấu sai nguyên gốc nhằm gây cười.
Truyện cổ Cây tre trăm đốt kể rằng do nhà nghèo, anh Khoai đã phải đi ở đợ cho nhà địa chủ. Nhưng theo bộ Truyện tranh cổ tích Việt Nam, trong một lần đi chợ, con gái địa chủ đã dụ dỗ Khoai về ở nhà mình với lời lẽ: “Về ở nhà ta nghen, nhà ta có nhiều đồ ăn ngon lắm”. Nội dung truyện cũng được làm mới: Con gái địa chủ thầm yêu mến anh Khoai nên từ chối hôn nhân do cha mẹ sắp đặt, một mực đòi lấy anh Khoai. Do đó, lão địa chủ ra điều kiện anh Khoai đi tìm cây tre trăm đốt mới gả con. Bộ truyện này bỏ qua chi tiết quan trọng là mấu chốt của câu chuyện: Lão địa chủ bội ước lời hứa gả con gái cho anh Khoai sau ba năm anh chịu khó cày ruộng. Điều này đã làm mất đi tính cách đặc trưng về nhân vật địa chủ: độc ác, nham hiểm.
Cùng trong bộ truyện này, truyện Sự tích quả dưa hấu có nhiều chi tiết nhí nhố, văn phong cực kỳ hiện đại. Mai An Tiêm khi bị đày ra đảo hoang, an ủi vợ: “Nàng đừng lo! Trời sinh voi, sinh cỏ, nhất định chúng ta sẽ vượt qua được thôi!”. Người vợ đáp: “Vâng, anh nói đó nha!”.
Truyện còn đưa thêm những tình tiết không phục vụ chủ đề của truyện gốc là tinh thần tự lập của An Tiêm mà còn tạo ra hình ảnh ghê rợn, thiếu nhân văn. Một chú voi con vừa đi dạo chơi trong rừng vừa hát líu lo yêu đời thì bị Mai An Tiêm bắn hạ, kèm theo đó là khung tranh đỏ loang màu máu. Vợ của Mai An Tiêm chỉ ngồi bên bờ biển dùng nhan sắc của mình để dụ cá theo về nhà làm thịt. Con trai của Mai An Tiêm thuần phục được một chú hổ con đem về làm bạn nhưng được mẹ dặn dò: “Khi nào con chơi chán thì nói mẹ nấu cà ri nhé con!”…
Những tựa sách giật gân
Nhiều phụ huynh đã nhăn mặt khi đọc các tựa sách dành cho tuổi mới lớn, chủ yếu là sách dịch. “Phô” nhất có lẽ là bộ truyện Thuyền trưởng quần lót nhiều tập với các tựa: Thuyền trưởng quần lót và cuộc xâm lược của các mụ cấp dưỡng thô tục khiếp từ ngoài kinh hành tinh; Thuyền trưởng quần lót và cuộc tấn công của lũ toa lét biết nói… Cũng cùng mục đích gây tò mò cho độc giả nhí, tựa sách: Mèo Angus, quần lọt khe và nụ hôn thắm thiết (NXB Hội Nhà văn. Tựa gốc: Angus, thongs and full-frontal snogging) cũng gây phản cảm cho người đọc.
Không chỉ sách dịch, truyện cổ tích Việt Nam cũng có tựa sách gây mất cảm tình. Cả NXB Mỹ thuật và NXB Tổng hợp Đồng Nai đều đưa truyện cổ Gái ngoan dạy chồng vào kho truyện tranh cổ tích dành cho thiếu nhi.
“Tôi rất dị ứng với những tựa sách này. Sách thiếu nhi phải hướng trẻ đến vẻ đẹp thiện mỹ. Lời văn phải trong sáng, trau chuốt và có giá trị văn học mới nâng đỡ tâm hồn trẻ. Những tựa sách trên quá thô và gây phản cảm” - chị Nguyễn Thị Hương (43 tuổi, Gò Vấp) nhận xét.