TS Tưởng Phi Ngọ, khoa lịch sử Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - Ảnh: Việt Dũng
GS Phan Huy Lê, chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, cho biết: “Hội nghị chuyên gia về SGK lịch sử trong trường phổ thông” chỉ là một trong chuỗi công việc của Hội Khoa học lịch sử sẽ làm sắp tới nhằm hỗ trợ Bộ GD-ĐT trong việc định hướng điều chỉnh chương trình và đổi mới biên soạn SGK phổ thông”.
Chính vì vậy tại hội thảo trên, GS Lê đề nghị không bàn nhiều về thực trạng dạy học sử vốn rất bất cập hiện nay mà chỉ tập trung thảo luận một số vấn đề cơ bản: Quan niệm về SGK thế nào, vì sao SGK các nước phát triển dày tới hàng trăm trang nhưng học sinh lại học rất nhẹ nhàng, còn SGK phổ thông môn lịch sử của Việt Nam tuy mỏng nhưng học sinh lại cực kỳ quá tải; Phân bổ môn lịch sử theo các cấp học của hệ thống giáo dục phổ thông thế nào? Cấu trúc SGK lịch sử, bố cục, cách trình bày thế nào, tổ chức biên soạn ra sao…
GS Phan Huy Lê (bìa phải) cùng các chuyên gia trong hội thảo - Ảnh: Việt Dũng
Cho học sinh, giáo viên phổ thông tham gia quá trình biên soạn
GS-TS Đỗ Thanh Bình, khoa lịch sử Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - Ảnh: Việt Dũng
Hầu hết chuyên gia có ý kiến tại hội thảo đều nghiêng về hướng nên có “một chương trình, nhiều bộ SGK”, trong đó khuyến khích cả giáo viên phổ thông tham gia viết sách, thẩm định.
“Với nhiều bộ SGK, chỉ những cuốn sách thật sự có chất lượng mới “đứng” được trong cuộc cạnh tranh”. Các trường và giáo viên có thể chọn SGK phù hợp nhất và trong bối cảnh đó, giáo viên buộc phải dạy theo chương trình chứ không thể theo một bộ SGK cố định” - GS Vũ Dương Ninh trao đổi.
Còn GS Trần Thị Vinh, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng tại sao không cho học sinh được tham gia quá trình biên soạn? Tiếng nói của học sinh sẽ làm thay đổi những “lối mòn tư duy” trong biên soạn SGK lâu nay để đưa việc biên soạn SGK phổ thông gần với thực tế.
GS Vinh cũng cho rằng “người biên soạn SGK phổ thông môn sử hay các môn học khác đều cần phải về trường phổ thông xem giáo viên làm như thế nào với 35 phút/tiết (trừ thời gian kiểm tra bài cũ) để đỡ viết trên mây trên gió”.
Cấu trúc chương trình SGK lịch sử nên thế nào? - Ở bậc tiểu học nên tích hợp giữa lịch sử, địa lý và giáo dục công dân, thiết kế chương trình lịch sử dưới dạng câu chuyện lịch sử, các truyền thuyết dân gian, các nhân vật lịch sử cùng chiến tích, công trạng, tài năng của họ, các địa danh lịch sử và văn hóa từ nội địa đến hải đảo… - Bậc THPT và THCS đề xuất 4 giải pháp: Giải pháp 1: Chương trình được phân bổ theo đường thẳng, đặt trọng tâm cấp II (THCS) vào lịch sử cổ trung đại, cấp III (THPT) vào lịch sử cận hiện đại. Vấn đề băn khoăn của giải pháp này là nếu học sinh không học lên THPT thì kiến thức lịch sử của họ sẽ thế nào? Giải pháp 2: Chương trình đi từ cổ đại đến hiện đại theo vòng tròn đồng tâm theo hai hướng tiếp cận khác nhau. Ở THCS tiếp cận từ góc độ lịch sử văn minh thế giới và văn hóa Việt Nam. Ở THPT tiếp cận ở góc độ lịch sử chính trị, kinh tế, xã hội thế giới và Việt Nam. Giải pháp 3: Chương trình THCS đặt trọng tâm vào lịch sử dân tộc (quốc sử) trên cái nền lịch sử thế giới. Có nghĩa lịch sử thế giới không tách riêng mà là bối cảnh cần thiết để hiểu lịch sử dân tộc. Bậc THPT sẽ tách ra làm hai phần lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam từ cổ đại đến hiện đại. Giải pháp 4: Chương trình lịch sử thế giới và Việt Nam được giải quyết cơ bản ở THCS, đến THPT chỉ giảng theo chuyên đề gồm các chuyên đề về lịch sử Việt Nam và thế giới. GS Vũ Dương Ninh - ĐH Quốc gia Hà Nội |
VĨNH HÀ